Tuổi dậy thì vốn là giai đoạn mà thể chất cơ thể và làn da có sự thay đổi rõ rệt nhất. Nếu như trước dậy thì, làn da lúc nào cũng căng mịn, sáng khỏe thì khi bước qua tuổi dậy thì, cả nam và nữ giới sẽ bắt đầu phải đối mặt với đủ các loại mụn trứng cá, từ mụn đầu đen, đến mụn bọc, mụn ẩn.
Vì thế, chăm sóc da tuổi dậy thì được coi là nền móng, quyết định sức khỏe làn da cả về sau này. Nếu biết cách chăm sóc tốt, làn da sẽ khỏe mạnh và lưu giữ được sự căng mịn, tươi trẻ lâu dài. Ngược lại, một số sai lầm trong cách chăm da tuổi dậy thì có thể khiến da bị tổn thương nghiêm trọng, lão hóa nhanh hơn và để lại những dấu vết kém thẩm mỹ về sau.
Vậy nên, ngay từ khi bắt đầu bước sang lứa tuổi dậy thì, các bạn thanh thiếu niên cần được trang bị những kiến thức cơ bản và đúng đắn nhất về chăm sóc da. Từ các bước làm sạch, dưỡng ẩm đến chống nắng, trị mụn, tất cả đều cần thực hiện đúng cách để làn da được nuôi dưỡng khỏe mạnh ngay từ đầu.
Quy trình chăm sóc da khoa học ở tuổi dậy thì
Có cần phải tẩy trang?
Vì các cô gái tuổi dậy thì thường ít khi trang điểm với kem và phấn nền như các cô nàng công sở nên hay nghĩ rằng “không trang điểm thì không cần tẩy trang”. Lập luận này nghe sơ qua thì vô cùng có lý. Tuy nhiên, cần biết rằng trong trường hợp có sử dụng kem chống nắng với độ che phủ cao thì vẫn cần tẩy trang bởi sữa rửa mặt thông thường không thể làm sạch hết các loại kem chống nắng có cấu trúc tương đối bền vững.
Chỉ nên tẩy trang 1 lần/ngày vào buổi tối, trước bước rửa mặt. Việc lạm dụng tẩy trang nhiều lần trong ngày sẽ khiến da trở nên khô và dễ kích ứng.
Một số lưu ý khi lựa chọn các sản phẩm tẩy trang cho tuổi dậy thì bao gồm không sử dụng các loại dầu tẩy trang có tính sinh nhân mụn hoặc gây bít tắc (có chữ non comedogenic trên bao bì), tránh dùng các sản phẩm có thành phần drying alcohol, các sản phẩm có hương liệu và chất bảo quản.
Rửa mặt và lựa chọn sữa rửa mặt thế nào?
Rửa mặt đúng cách rất quan trọng bởi rửa mặt không chỉ giúp làm sạch da, lấy đi các tế bào da chết mà còn hỗ trợ việc điều trị và ngăn ngừa sự phát triển của mụn trứng cá, vốn là vấn đề rất phổ biến ở tuổi dậy thì.
Số lần rửa mặt trong ngày chỉ nên giới hạn vào vào buổi sáng và buổi tối. Không nên rửa mặt quá nhiều lần, kể cả với những ai sở hữu làn da nhiều nhờn bởi càng rửa, lượng dầu sẽ càng tiết ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, rửa mặt quá nhiều sẽ làm cho lớp tế bào bảo vệ da bên ngoài bị bào mòn, khiến da dễ nổi mụn hay dễ bị bắt nắng hơn.
Cũng cần lưu ý lựa chọn loại sữa rửa mặt phù hợp với da của từng người. Với làn da thường hay khô, nên chọn các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ với khả năng làm sạch da một cách nhẹ nhàng, không có tính tẩy rửa quá mạnh hay có chứa acetone và alcohol vì chúng có thể làm khô da hoặc gây kích ứng da. Với da nhờn mụn, có thể lựa chọn các sản phẩm sửa rửa mặt có chứa acid salicylic để kiểm soát nhờn hiệu quả và làm sạch da tốt hơn. Khi rửa mặt, tránh các động tác thô bạo như chà xát, kỳ cọ mạnh hay dùng khăn bằng vải thô cứng lau mặt bởi thói quen này có thể khiến mụn trở nên nặng và khó kiểm soát hơn.
Dưỡng ẩm có cần thiết cho da mụn tuổi dậy thì?
Các bạn tuổi dậy thì đã bắt đầu nên sử dụng kem dưỡng ẩm, đặc biệt là các bạn có mụn. Với những ai chưa hiểu về tầm quan trọng của dưỡng ẩm hoặc chưa hiểu rõ về khoa học làn da thì hay nghĩ rằng da mụn không nên dưỡng ẩm vì có thể gây bít tắc và làm nặng nề hơn tình trạng mụn. Quan điểm này rất không chính xác bởi các lý do sau:
- Trong khi việc tăng tiết chất bã là một trong những tác động chính trong cơ chế sinh mụn thì dưỡng ẩm có vai trò kiểm soát sự tiết bã nhờn. Nên biết rằng ở độ tuổi dậy thì, hoạt động của các tuyến này rất mạnh mẽ nên da cần cung cấp đủ ẩm để cân bằng lượng dầu tiết ra.
- Giảm tác động khô da của một số hoạt chất điều trị mụn như benzoyl peroxide, retinoid, AHA, BHA… và tránh tình trạng khô da, bong vảy.
- Thúc đẩy hiệu quả trị mụn của các thành phần hoạt tính có trong các thuốc thoa trị mụn.
- Một số thành phần dưỡng ẩm có vai trò kháng viêm, kháng khuẩn, làm dịu da và giúp kiểm soát bã nhờn, hỗ trợ cho quá trình điều trị mụn.
Thuốc thoa trị mụn
Đối với tình trạng da mụn ở tuổi dậy thì, trước bước dưỡng ẩm là lúc thích hợp để thoa các loại thuốc trị mụn. Các loại thuốc trị mụn chứa những hoạt chất như resorcinol, benzoyl peroxide, acid salicylic, acid azelaic… có thể giúp ngăn ngừa tình trạng đổ dầu quá mức, làm giảm sự phát triển của vi khuẩn gây mụn và giúp sang thương mụn mau lành.
Tuy nhiên nếu mắc phải tình trạng mụn thuộc dạng nặng với các loại mụn mủ, mụn bọc, mụn nang… tốt nhất hãy đi khám Bác sĩ để được điều trị mụn hiệu quả và nhanh chóng. Bác sĩ có thể phối hợp các loại thuốc uống và chỉ định các loại thuốc bôi đặc trị mụn với hiệu quả mạnh hơn. Việc điều trị mụn sớm và đúng cách với Bác sĩ Da liễu sẽ hạn chế các trường hợp sẹo rỗ do mụn gây ra rất khó điều trị về sau.
Đối với những làn da không có mụn thì không cần để ý bước này đâu nhé!
Chăm sóc da mụn tuổi dậy thì không thể thiếu chống nắng
Một trong những bài học quan trọng nhất về chăm sóc da mà các cô cậu tuổi teen cần được trang bị là tập sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi các tác động xấu từ ánh sáng mặt trời. Như chúng ta đã biết, ánh nắng mặt trời có chứa tia UVA và UVB là tác nhân chính khiến da bị cháy nắng, đen sạm và lão hóa sớm. Vậy nên, chống nắng là điều cần làm ngay từ khi da chưa có dấu hiệu lão hóa, dù da thuộc loại nào, có mụn hay không có mụn. Cần bôi kem chống nắng ít nhất 20 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau mỗi 2 giờ dù trời mưa hay nắng. Ở độ tuổi dậy thì, vì tính chất của làn da nhìn chung là nhờn, mụn nên cần chọn kem chống nắng dạng sữa mỏng nhẹ, tiện lợi, thẩm thấu tốt để bảo vệ da.
Lượng thông tin quá nhiều có thể khiến các bạn bối rối không biết phải thực hiện các bước chăm sóc da như thế nào? Hãy xem bảng tóm tắt bên dưới nhé!
Một số lưu ý quan trọng trong chăm sóc da mụn tuổi dậy thì
Ngoài quy trình các bước chăm sóc da mụn tuổi dậy thì như hướng dẫn ở trên thì các bạn tuổi teen cũng cần lưu ý một số điểm sau đây để làn da luôn khỏe mạnh và mịn màng.
Sinh hoạt giờ giấc khoa học
Nhiều bạn trẻ đang độ tuổi đến trường thường có thói quen thức khuya học bài mà không biết rằng khoảng thời gian từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng là thời điểm vàng để da thải độc và tái tạo. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, làn da sẽ tích tụ nhiều độc tố dẫn đến nổi mụn và lão hóa nhanh hơn. Vậy nên, thay vì thức đến 1 – 2 giờ sáng thì hãy đi ngủ trước 11 giờ và dậy sớm để học bài. Bên cạnh đó, nên đảm bảo ngủ đủ giấc từ 6 – 8 tiếng mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh, khoan khoái và làn da có đủ thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi.
Chế dộ dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi dậy thì
Chăm sóc da bên ngoài thôi chưa đủ. Muốn có làn da đẹp, phải chăm sóc từ bên trong, bắt đầu bằng việc có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Giảm đường, sữa, tinh bột, tăng lượng rau, trái cây, uống đủ nước… là những việc cần làm để duy trì làn da khỏe đẹp. Bên cạnh đó, cần bỏ ngay thói quen sờ tay lên mụn hay nặn mụn để tránh làm tình trạng mụn nặng thêm.
Nếu có trang điểm thì cần lưu ý các điểm sau
Ở lứa tuổi dậy thì, việc dùng mỹ phẩm quá sớm khi hệ nội tiết tố còn chưa hoàn chỉnh có thể khiến các bé gái nổi nhiều mụn, gây kích ứng hoặc dị ứng da. Các loại mỹ phẩm trang điểm được tạo ra nhằm tôn lên nét đẹp trên khuôn mặt và che lấp nhược điểm. Song có một thực tế là, càng cố gắng dùng phấn để che những đốm mụn, tình trạng mụn càng trở nên tồi tệ. Do vậy, cần hạn chế tối đa việc trang điểm khi da bị mụn để giúp da mau hồi phục. Bên cạnh đó, các mỹ phẩm trang điểm đều có chứa hóa chất hoặc chất bảo quản nên nguy cơ bị viêm da, dị ứng da ở các em tuổi dậy thì có làn da còn mỏng, nhạy cảm và non nớt cao hơn nhiều lần so với người lớn. Tốt nhất vẫn là không nên trang điểm trong giai đoạn dậy thì, đặc biệt là những làn da bị mụn thì càng phải cẩn trọng hơn khi quyết định trang điểm.
Những sai lầm thường gặp trong cách chăm sóc da bị mụn trứng cá tuổi dậy thì
Thông qua thực tế điều trị tại Phòng khám Doctor Acnes, các bạn thanh thiếu niên ở độ tuổi dậy thì thường hay mắc phải các thói quen sai lầm sau trong cách chăm sóc da, như được liệt kê bên dưới:
- Làm sạch da quá mức như dùng sữa rửa mặt nhiều lần trong ngày, tẩy tế bào chết thường xuyên… làm tổn thương hàng rào bảo vệ da, mất lớp lipid giữ ẩm tự nhiên của da khiến da trở nên nhạy cảm, kích ứng và tiết nhờn nhiều hơn để bù trừ.
- Tự nặn mụn bằng tay, thường xuyên đưa tay sờ lên mặt, chống cằm… làm vùng da viêm dễ nhiễm trùng, mụn nặng hơn và có thể để lại sẹo trên da.
- Dùng các sản phẩm chăm sóc da không có nguồn gốc rõ ràng, rượu thuốc, kem trộn trá hình chứa corticoid và các thành phần cấm làm tổn thương da, gây phát ban mụn trứng cá và để lại nhiều tác dụng phụ trên da như teo da, giãn mạch…
- Không chống nắng hoặc dùng sản phẩm chống nắng không phù hợp cho da mụn làm nặng thêm tình trạng mụn, tăng sắc tố sau viêm nhiều hơn và kéo dài hơn.
Chúng tôi hy vọng những chia sẻ trên có thể giúp các bạn có thêm kiến thức về cách chăm sóc da mụn, đặc biệt là ở lứa tuổi dậy thì – lứa tuổi rất cần phải chú ý đến việc chăm sóc da. Trong trường hợp cần tư vấn thêm, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi. Đội ngũ Bác sĩ Da liễu với kiến thức chuyên sâu về dược mỹ phẩm tại Phòng khám Doctor Acnes sẵn sàng trả lời các thắc mắc của bạn liên quan đến chăm sóc da mụn ở độ tuổi dậy thì nhé!
Tài liệu tham khảo
- Thayane Guimarães de Melo, Mayara Schulze Cosechen R., Vânia Oliveira de Carvalho, “Bathing, make-up, and sunscreen: which products do children use?”. Rev Paul Pediatr. 2020; 38: e2018319.
- Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu (2015).
- Goodman G. “Cleansing and Moisturizing in Acne Patients”. American Journal of Clinical Dermatology. 10, 1–6(2009)
- Robert Bran, Howard I.Mabach. Textbook of cosmetic Dermatology, 5th ed. CRC Press (2017).
- Ayer J, Burrows N. “Acne: more than skin deep”. Postgrad Med J. 2006;82(970):500-506.
- Oon HH, Wong SN, Aw DCW, Cheong WK, Goh CL, Tan HH. “Acne Management Guidelines by the Dermatological Society of Singapore”. J Clin Aesthet Dermatol. 2019;12(7):34-50.
- Zaenglein AL, Pathy AL, Schlosser BJ, et al. “Guidelines of care for the management of acne vulgaris”. J Am Acad Dermatol. 2016;74(5):945-73.e33.