Cách trị mụn nội tiết sau sinh hiệu quả, an toàn

Ngày 29/08/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Trong quá trình mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi về nội tiết tố gây ra tình trạng mụn trứng cá. Thông thường, mụn trứng cá ở phụ nữ mang thai biến mất sau khi sinh con. Tuy nhiên, đối với nhiều người, mụn vẫn tiếp tục ngay cả trong thời kỳ hậu sản. Điều trị mụn ở giai đoạn này cần thận trọng để đảm bảo an toàn trong trường hợp cho con bú. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguyên nhân, cách điều trị mụn nội tiết sau sinh hiệu quả và an toàn. 

Mụn nội tiết sau sinh là gì ?

Mụn trứng cá là một bệnh viêm mãn tính của tuyến bã nhờn, đặc trưng bởi sự tăng tiết bã, tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes gây nên tình trạng viêm và tăng sừng hóa nang lông.

Mụn trứng cá là một bệnh viêm mãn tính của đơn vị tuyến bã nhờn
Mụn trứng cá là một bệnh viêm mãn tính của tuyến bã nhờn

Mụn nội tiết là mụn trứng cá gây ra bởi sự thay đổi của hormone trong cơ thể. Một số hormone ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tuyến bã nhờn có liên quan đến mụn trứng cá, bao gồm androgen, estrogen, progesterone, hormone tăng trưởng, insulin, yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1), hormone giải phóng corticotropin (CRH), hormone hướng vỏ thượng thận (ACTH) và glucocorticoid. Mụn nội tiết sau sinh là tình trạng mụn ở phụ nữ sau sinh thường kéo dài từ quá trình mang thai và tiếp diễn đến giai đoạn sau sinh. Mụn nội tiết sau sinh có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng thường xuất hiện trên mặt ở vùng chữ U bao gồm cằm dưới, đường viền hàm, cổ và lưng.

Nguyên nhân hình thành mụn nội tiết sau sinh

Ở phụ nữ, estrogen và progresterone là 2 hormone sinh sản chính, được tiết ra từ buồng trứng. Trong thời kỳ mang thai, nồng độ progesterone tăng cao liên tục là nguyên nhân gây ra mụn. Sau khi sinh con, mức progesterone trở lại bình thường và mụn nội tiết thường biến mất. Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ, phải mất nhiều thời gian hơn để nồng độ hormone trở lại bình thường, vì vậy vẫn tiếp tục tình trạng mụn trứng cá, hay còn gọi là mụn nội tiết sau sinh. Tuy nhiên, progesterone không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra mụn trứng cá. Trầm cảm được cho là một trong những vấn đề phổ biến nhất mà phụ nữ gặp phải sau sinh. Việc thích nghi với những thay đổi trong cơ thể và những thói quen mới có thể làm tăng mức độ căng thẳng, điều này cũng có thể gây ra mụn. Căng thẳng không trực tiếp gây ra mụn trứng cá, nhưng nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này bằng cách thay đổi sự cân bằng nội tiết tố và chức năng miễn dịch của da. Căng thẳng khiến cơ thể giải phóng một lượng lớn cortisol, một loại hormone thúc đẩy tuyến bã nhờn tiết ra nhiều hơn, điều này có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn.

Cách trị mụn nội tiết sau sinh hiệu quả, an toàn

Những phương pháp điều trị mụn cho phụ nữ sau sinh dưới đây được đưa ra dựa trên cơ sở các đánh giá về độ an toàn được thu thập từ cơ sở dữ liệu FDA, Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), phân loại của Hale về thuốc sử dụng cho phụ nữ cho cho con bú và cơ sở dữ liệu thuốc trên phụ nữ cho con bú của thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (LactMed). Các khuyến nghị về liệu pháp điều trị mụn trứng cá sau sinh dựa trên mức độ mức độ ảnh hưởng toàn thân bao gồm liệu pháp tại chỗ, liệu pháp toàn thân và các biện pháp không truyền thống. 

  • Liệu pháp tại chỗ là lựa chọn đầu tay để điều trị mụn cho phụ nữ cho con bú. Phương pháp này sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da gồm acid azelaic, benzoyl peroxide, natri sulfacetamide, các thuốc kháng sinh như erythromycin, clindamycin, metronidazole, acid salicylic và acid glycolic. Retinoid tại chỗ cũng được coi là nguy cơ thấp và có thể cân nhắc sử dụng trên phụ nữ cho con bú.
  • Liệu pháp toàn thân là lựa chọn hàng thứ hai bao gồm sử dụng các thuốc uống để điều trị mụn kháng sinh macrolide (erythromycin và azithromycin), cephalexin, corticosteroid đường uống và phức hợp kẽm.
  • Nên tránh điều trị bằng liệu pháp nội tiết tố, kháng sinh uống có nguy cơ cao cho bé bú mẹ bao gồm spironolactone, thuốc ngừa thai, tetracycline, co-trimoxazole, fluoroquinolone. Trong trường hợp điều trị mụn sau sinh trên phụ nữ không cho con bú, Bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng các thuốc này để điều trị mụn như bình thường.

Liệu pháp tại chỗ 

Việc sử dụng các thuốc điều trị mụn tại chỗ khá an toàn nên được ưu tiên sử dụng cho phụ nữ cho con bú.

Thuốc kháng khuẩn ngoài da

Acid azelaic: là một phương pháp điều trị mụn trứng cá phổ biến, ít hấp thụ qua da (4–8%). Nó có đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm và tiêu mụn. Hoạt chất này được sử dụng theo phác đồ đơn trị liệu hoặc kết hợp cho mụn trứng cá không viêm và viêm nhẹ, cũng như điều trị thâm mụn. Việc sử dụng 2 lần mỗi ngày và nồng độ tối đa là 20% có thể chấp nhận được trong thời kỳ cho con bú.

Acid azelaic
Acid azelaic sử dụng 2 lần mỗi ngày và nồng độ tối đa là 20% có thể chấp nhận được trong thời kỳ cho con bú

Benzoyl peroxide: là một liệu pháp trị mụn không kê đơn phổ biến với tác dụng kháng khuẩn và tiêu sừng. Hoạt chất này rất hữu ích khi đơn trị liệu cho mụn trứng cá không viêm và viêm nhẹ hoặc kết hợp với thuốc kháng sinh để ngăn ngừa tình trạng đề kháng kháng sinh. Sử dụng 2 lần mỗi ngày với nồng độ tối đa 5% được coi là phương pháp điều trị mụn có nguy cơ thấp trong giai đoạn sau sinh. 

Bpo
Benzoyl peroxide sử dụng 2 lần mỗi ngày với nồng độ tối đa 5% được coi là phương pháp điều trị mụn có nguy cơ thấp trong giai đoạn sau sinh

Natri sulfacetamide: là một chất có tác dụng kìm khuẩn, hoạt động thông qua ức chế tổng hợp acid folic của vi khuẩn. Sử dụng natri sulfacetamide được coi là an toàn trong thời kỳ cho con bú ngoại trừ khi trẻ bú mẹ bị thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD) hoặc tăng bilirubin máu do chứng vàng da ở trẻ sơ sinh.

Thuốc kháng sinh ngoài da

Erythromycin, clindamycin, metronidazole được cho là an toàn khi sử dụng trong thời kỳ cho con bú. Khi bôi tại chỗ, sự hấp thu toàn thân của erythromycin và clindamycin được ghi nhận là không đáng kể. Các công thức mới hơn bao gồm dapsone 5% gel và nadifloxacin tại chỗ chưa được nghiên cứu kỹ nên hạn chế sử dụng vì chưa đủ dữ liệu an toàn trên phụ nữ cho con bú. Dapsone dạng bôi có thể truyền qua sữa mẹ và không được khuyến cáo để điều trị mụn trứng cá trong thời kỳ cho con bú.

Kháng sinh
Clindamycin được cho là an toàn khi sử dụng trong thời kỳ cho con bú

Acid alpha và beta hydroxy dùng ngoài da

Acid salicylic và acid glycolic những hoạt chất trị mụn hiệu quả có sẵn trong một số sản phẩm không kê đơn. Acid salicylic được FDA xếp hạng C – không an toàn cho phụ nữ mang thai, nhưng được coi là an toàn với phụ nữ cho con bú vì khả năng hấp thụ toàn thân không đáng kể. Peel da với glycolic và acid salicylic được coi là an toàn trong thời kỳ cho con bú vì sự hấp thu vào máu là tối thiểu.

Acid salicylic được FDA xếp hạng C - không an toàn cho phụ nữ mang thai, nhưng được coi là an toàn với phụ nữ cho con bú vì khả năng hấp thụ toàn thân không đáng kể
Acid salicylic an toàn với phụ nữ cho con bú vì khả năng hấp thụ toàn thân không đáng kể

Retinoid tại chỗ

Retinoid tại chỗ được coi là an toàn trong thời kỳ cho con bú. Mặc dù các nghiên cứu trong thời kỳ cho con bú còn hạn chế, retinoid tại chỗ có nguy cơ thấp vì chỉ một lượng nhỏ được bài tiết vào sữa mẹ. Nên tránh bôi retinoid tại chỗ lên ngực và các khu vực khác tiếp xúc trực tiếp với da của trẻ sơ sinh. Tazarotene được chuyển hóa thành dạng ít lipophilic hơn so với các retinoid khác, giúp giảm nguy cơ chuyển sang sữa mẹ hơn so với các retinoid còn lại.

Tazoretin giúp giảm nguy cơ chuyển sang sữa mẹ
Tazarotene giúp giảm nguy cơ chuyển sang sữa mẹ hơn so với các retinoid còn lại

Liệu pháp toàn thân

Thuốc kháng sinh đường uống có thể hữu ích đối với mụn trứng cá từ trung bình đến nặng không đáp ứng với các liệu pháp điều trị tại chỗ. Để điều trị mụn trứng cá trong giai đoạn cho con bú, thứ tự ưu tiên của các loại kháng sinh đường uống được khuyến nghị là penicillin, amoxicillin tiếp theo là cephalosporin và macrolide. 

  • Kháng sinh nhóm beta-lactam (penicillin, amoxicillin, cephalexin) là kháng sinh đường uống đầu tay để điều trị mụn trứng cá khi mang thai và cho con bú do tính an toàn của chúng.
  • Kháng sinh nhóm macrolide (erythromycin, azithromycin) ít chuyển vào sữa mẹ và được coi là an toàn trong thời kỳ cho con bú. So với erythromycin, ưu điểm của azithromycin là chỉ cần sử dụng liều duy nhất hàng ngày do thời gian bán thải dài hơn và ít gây rối loạn tiêu hóa.
  • Kháng sinh nhóm tetacyclin có thể được sử dụng trong trường hợp không cho con bú.
  • Để ngăn ngừa tình trạng đề kháng kháng sinh, không nên sử dụng kháng sinh đường uống đơn trị liệu mà nên kết hợp với benzoyl peroxide hoặc acid azelaic.
Thuốc kháng sinh đường uống có thể hữu ích đối với mụn trứng cá từ trung bình đến nặng không đáp ứng với các liệu pháp điều trị tại chỗ
Thuốc kháng sinh đường uống có thể hữu ích đối với mụn trứng cá từ trung bình đến nặng không đáp ứng với các liệu pháp điều trị tại chỗ

Corticosteroid đường uống như prednisone liều thấp đã cho thấy hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá viêm nặng, dai dẳng và được coi là an toàn trong thời kỳ cho con bú, ít hấp thu vào sữa mẹ và không có tác dụng phụ nào được báo cáo. Để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm với thuốc, các bà mẹ nên đợi 4 giờ sau khi uống prednisone trước khi cho con bú.

Prednisolon
Prednisolon được coi là an toàn trong thời kỳ cho con bú, ít hấp thu vào sữa mẹ và không có tác dụng phụ nào được báo cáo

Kẽm sulfat và kẽm gluconate đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá ở liều 30–150mg mỗi ngày. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng ở liều kẽm dưới 75mg/ngày không gây hại cho thai nhi đang phát triển. Nghiên cứu về việc sử dụng muối kẽm trong thời kỳ cho con bú còn ít, nhưng cho đến nay không có tác dụng phụ nào được báo cáo. Nên tránh điều trị bằng liệu pháp nội tiết tố đường uống trong thời kì cho con bú như sử dụng thuốc tránh thai, thuốc ức chế thụ thể androgen (cyproterone axetat, spironolactone) vì hàm lượng estrogen trong thuốc tránh thai đã được báo cáo là làm giảm lượng sữa. Nên tránh dùng isotretinoin trong thời kỳ cho con bú. Isotretinoin có thể bài tiết vào sữa mẹ do khả năng hòa tan trong lipid cao. Mặc dù không có tác dụng phụ liên quan nào của isotretinoin được mô tả ở trẻ bú mẹ, nhưng vì thuốc này có tác động xấu trên thai nhi như gây quái thai, nên thận trọng nên tránh dùng kể cả trong thời kỳ cho con bú. Trong trường hợp không cho con bú, Bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng các hoạt chất này để điều trị mụn trên phụ nữ sau sinh.

Các biện pháp không dùng thuốc

Hạn chế của các phương pháp điều trị tại chỗ và toàn thân thông thường bao gồm liệu trình điều trị kéo dài, tác dụng phụ khó dung nạp, đề kháng kháng sinh và sự tuân thủ kém của bệnh nhân. Các biện pháp không dùng thuốc như laser, ánh sáng, peel da là những lựa chọn thay thế hoặc kết hợp để đem lại hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá. Theo Hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD), liệu pháp laser và ánh sáng an toàn để điều trị mụn cho phụ nữ cho con bú. Ánh sáng và tia laser làm giảm các tổn thương do mụn viêm bằng cách tác động trực tiếp vào yếu tố sinh lý bệnh chính như vi khuẩn P. acnes, hoạt động của tuyến bã nhờn và giảm viêm.

Laser

Laser là lựa chọn điều trị hữu ích cho mụn trứng cá dai dẳng. Laser Nd:YAG và laser nhuộm xung PDL thường được coi là an toàn trong thời kỳ mang thai. Vào năm 2022, hệ thống laser có bước sóng 1726nm đã trở thành thiết bị năng lượng đầu tiên được FDA chứng nhận để điều trị mụn trứng cá. Trong khi cần thêm bằng chứng về sự an toàn trong thai kỳ, thiết bị này có thể là một lựa chọn cho bệnh nhân mang thai. Mặc dù không có nghiên cứu về liệu pháp laser và ánh sáng ở bệnh nhân đang cho con bú, nhưng ít có mối lo ngại do sự ảnh hưởng toàn thân là tối thiểu trong các thủ thuật này. Ưu điểm của phương pháp điều trị này là điều trị mụn trứng cá nhưng hoàn toàn an toàn cho bé bú mẹ.

Laser là phương pháp điều trị mụn trứng cá an toàn cho phụ nữ cho con bú
Laser là phương pháp điều trị mụn trứng cá an toàn cho phụ nữ cho con bú

Liệu pháp ánh sáng

Phương pháp điều trị dựa trên ánh sáng bao gồm liệu pháp ánh sáng xanh là phương pháp an toàn và chúng có thể được sử dụng dưới dạng đơn trị liệu hoặc bổ sung cho các liệu pháp bôi và uống. Phương pháp này sử dụng ánh sáng để tiêu diệt vi khuẩn trên da gây mụn trứng cá (P. acnes) đồng thời giảm viêm và hoạt động của tuyến bã nhờn. Liệu pháp ánh sáng xanh được coi là an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Ánh sáng xanh cũng được dùng để điều trị chứng tăng bilirubin ở trẻ sơ sinh. Các ưu điểm của phương pháp này so với các phương pháp sử dụng thuốc bôi và uống. 

  • An toàn.
  • Không có khả năng tạo ra các biến chứng lâu dài.
  • Không tương tác với thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc khác.
  • Thích hợp cho tất cả các khu vực trên cơ thể.
  • Phù hợp để kết hợp với hầu hết các liệu pháp trị mụn khác.
  • Không gây sẹo.
Liệu pháp ánh sáng xanh được coi là an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú
Liệu pháp ánh sáng xanh được coi là an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú

Quang động trị liệu

Quang động trị liệu (photodynamic therapy – PDT): phương pháp này sử dụng những chất nhạy cảm ánh sáng như acid aminolevulinic (ALA) để tăng cường hoạt tính trên da của ánh sáng xanh. Chất nhạy cảm ánh sáng có khả năng xâm nhập tốt vào tuyến bã nhờn tại nang lông, khi được chiếu sáng sẽ hấp thu ánh sáng và sinh ra oxy hoạt tính giúp diệt vi khuẩn gây mụn P. acnes. Liệu pháp quang động cũng làm giảm kích thước và hoạt động của các tuyến bã nhờn. Tuy nhiên, liệu pháp PDT sử dụng cho phụ nữ cho con bú cần có xem xét về hiệu quả, an toàn và tham khảo ý kiến từ Bác sĩ Da liễu. Mặc dù sự hấp thụ toàn thân của acid aminolevulinic (ALA) sử dụng tại chỗ được cho là không đáng kể, ALA được FDA phân loại là loại C và không được coi là an toàn trong thai kỳ. Trong trường hợp điều trị mụn trên phụ nữ sau sinh không cho con bú, Bác sĩ Da liễu có thể chỉ định PDT như bình thường.

Peel da

Đối với phụ nữ cho con bú, peel bằng acid glycolic và acid lactic được coi là an toàn do khả năng thâm nhập qua da hạn chế. Tuy nhiên, nên thận trọng khi peel bằng acid trichloracetic và salicylic do tỉ lệ hấp thu vào máu cao hơn. Cho dù có cho con bú hoặc không, tốt nhất bạn nên tuân theo chỉ định của Bác sĩ Da liễu trong việc lựa chọn tác nhân và nồng độ peel da trong điều trị mụn nội tiết sau sinh.

Peel da
Peel da nên tuân theo chỉ định của Bác sĩ Da liễu trong việc lựa chọn tác nhân và nồng độ trong điều trị mụn nội tiết sau sinh

Xem thêm các bài viết liên quan

Một số lưu ý khi trị mụn trên phụ nữ sau sinh

Khi điều trị mụn trứng cá trong thời kỳ cho con bú, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ để xem xét mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá và đánh giá nguy cơ tiềm ẩn của các phương pháp điều trị.  Ngoài việc sử dụng thuốc và các phương pháp trị liệu, phụ nữ sau sinh cần có một lối sống lành mạnh với chế độ ăn đầy đủ, lành mạnh và chế độ sinh hoạt hợp lý.

  • Hạn chế các sản phẩm từ sữa, thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao. Tăng cường rau xanh và trái cây trong khẩu phần ăn.
  • Uống đủ nước.
  • Rửa mặt bằng xà phòng dịu nhẹ hai lần mỗi ngày.
  • Tẩy tế bào da chết một hoặc hai lần mỗi tuần.
  • Làm sạch da mặt và tẩy trang trước khi đi ngủ.
  • Quản lí stress. 
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Mụn nội tiết sau sinh cần được quan tâm và có phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn. Nên ưu tiên các phương pháp không dùng thuốc như laser, ánh sáng, peel da để hạn chế các tác dụng không mong muốn cũng như tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị. Trong điều trị nội khoa, thuốc trị mụn ngoài da nên được ưu tiên vì mức độ phơi nhiễm toàn thân thấp, tuy nhiên không nên bôi một lượng lớn thuốc lên vùng da bị viêm trong thời gian dài và trên diện tích bề mặt cơ thể lớn, vì điều này có thể làm tăng sự hấp thu toàn thân. Chỉ khi thất bại với các phương pháp không dùng thuốc và thuốc bôi ngoài da, thuốc uống mới được xem xét sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú. Trước khi sử dụng bất cứ sản phẩm hay phương pháp nào để điều trị mụn nội tiết sau sinh, cần tham khảo ý kiến của Bác sĩ Da liễu.  Tài liệu tham khảo

  1. Megha Kataria Arora, Amita Yadav , Vandana Saini. “Role of hormones in acne vulgaris“. Clinical Biochemistry, 44(13), 1035–1040. Doi:10.1016/j.clinbiochem.2011.06.984
  2. V Hendrick, L L Altshuler, R Suri. “Hormonal Changes in the Postpartum and Implications for Postpartum Depression“. Psychosomatics, 39(2), 93–101. Doi:10.1016/s0033-3182(98)71355-6
  3. Is there a link between stress and acne?“. MedicalNewToday
  4. Drugs and Lactation Database (LactMed®)“. NIH
  5. Y L Kong 1, H L Tey. “Treatment of Acne Vulgaris During Pregnancy and Lactation“. Drugs, 73(8), 779–787. Doi:10.1007/s40265-013-0060-0
  6. The benefits and side effects of blue light treatment for acne“. MedicalNewsToday
  7. Is photodynamic therapy good for acne?“. MedicalNewsToday

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status