Acid trichloroacetic (TCA) từ lâu đã được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực da liễu từ bệnh học da liễu (điều trị mụn cóc, nhiễm HPV sinh dục…) cho đến thẩm mỹ da liễu (điều trị sẹo rỗ, trị mụn và trẻ hóa làn da). Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về lợi ích, các phương pháp áp dụng TCA cũng như những lưu ý quan trọng khi sử dụng TCA trong điều trị sẹo rỗ.
TCA là gì?
TCA là một chất gây biến tính và làm đông tụ protein. Khi TCA tiếp xúc với da, nó sẽ làm đông vón keratin và các protein, tạo nên lớp màng trắng dễ dàng nhìn thấy. Ngoài ra, TCA là tác nhân tự trung hòa và không hấp thu vào tuần hoàn máu, do đó sử dụng TCA được xem là an toàn, ngay cả với nồng độ cao 100%.
Mức độ xâm nhập gây tổn thương mô của TCA phụ thuộc vào nồng độ TCA sử dụng:
- TCA nồng độ 10–20% chỉ tác động đến lớp tế bào hạt ở lớp thượng bì nên chỉ mang lại hiệu quả gây tổn thương bề mặt.
- TCA nồng độ 25–35% tác động đến toàn bộ lớp thượng bì nên có tác dụng mạnh hơn.
- TCA nồng độ 40–50% có tác động đến lớp trung bì nông.
- TCA nồng độ cao hơn 50% tác động đến lớp trung bì sâu.
Trong điều trị sẹo rỗ, TCA được sử dụng trong hai phương pháp là CROSS TCA và peel TCA.
Các phương pháp sử dụng TCA
CROSS TCA
CROSS TCA, còn gọi là chấm TCA hay phương pháp tái tạo bề mặt da sẹo bằng các hóa chất (chemical reconstruction of skin scars – CROSS). TCA được sử dụng như là hóa chất tái tạo bề mặt da. Liệu pháp CROSS TCA được giới thiệu lần đầu bởi tác giả Lee và cộng sự vào năm 2002.
Cho đến nay, CROSS TCA vẫn là liệu pháp hiệu quả, an toàn và tiết kiệm chi phí được các Bác sĩ Da liễu tin tưởng lựa chọn cho trường hợp sẹo đáy nhọn.
Quy trình sử dụng liệu pháp CROSS TCA được thực hiện bằng cách sử dụng dụng cụ chuyên dụng để đưa từng lượng nhỏ TCA ở nồng độ cao (70–100%) lên bề mặt của vết sẹo đáy nhọn.
Phản ứng viêm tại chỗ sẽ kích hoạt sự hình thành các sợi collagen mới, giúp làm đầy dần đáy sẹo. Điều trị sẹo rỗ bằng TCA có thể thực hiện từ 3–6 lần để đạt hiệu quả tối ưu, mỗi lần cách nhau 2–8 tuần tùy theo cơ địa của từng bệnh nhân.
Peel da bằng TCA
Peel da với TCA được áp dụng cho các trường hợp sẹo nông do mụn, nếp nhăn, sạm da và tổn thương da do ánh sáng. Peel TCA được chia thành hai loại là peel nông (nồng độ TCA trong khoảng 10–25%) và peel trung bình (nồng độ TCA trong khoảng 35–50%).
TCA có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các tác nhân peel khác để đạt hiệu quả tốt hơn và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, khi sử dụng TCA ở nồng độ 50% có thể dẫn đến nguy cơ hình thành sẹo mới và rối loạn sắc tố. Vì vậy các Bác sĩ thường kết hợp TCA ở nồng độ thấp hơn (dưới 35%) với các tác nhân như dung dịch Jessner, acid glycolic hoặc CO2 ở thể rắn nhằm giúp TCA xâm nhập đồng đều vào da.
Peel TCA cũng có thể kết hợp với liệu pháp tái tạo bề mặt da như lăn kim, giúp đạt hiệu quả tương tự như peel sâu với phenol.
Tuy nhiên, peel TCA cần được thực hiện dưới sự giám sát của Bác sĩ Da liễu để đảm bảo nồng độ chính xác và chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm TCA phải đảm bảo nồng độ chuẩn và độ tinh khiết cao nhằm mang lại hiệu quả tối ưu và hạn chế tổn thương da.
Một lưu ý quan trọng là cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định peel TCA trên những bệnh nhân có làn da sẫm màu do nguy cơ tăng sắc tố sau khi peel da bằng TCA.
Lợi ích và hiệu quả của TCA trong điều trị sẹo rỗ
Hiệu quả của phương pháp peel da bằng TCA và phương pháp CROSS TCA đã được chứng minh là có hiệu quả rất tích cực trong điều trị sẹo rỗ. Cụ thể:
- Đối với peel TCA: TCA ở nồng độ 35% kết hợp với dung dịch Jessner đã được chứng minh là hiệu quả trong điều trị sẹo rỗ. Một nghiên cứu trên 15 bệnh nhân cho thấy 1 bệnh nhân đã loại bỏ được hơn 75% sẹo, 8 bệnh nhân cải thiện 51–75%, 4 bệnh nhân cải thiện 26–50%, 1 bệnh nhân cải thiện dưới 25% và 1 bệnh nhân không cải thiện. Tăng sắc tố sau viêm xuất hiện ở 9 bệnh nhân nhưng biến mất sau 3 tháng.
- Đối với CROSS TCA: nghiên cứu của Deepali và cộng sự vào năm 2010 đã sử dụng TCA ở nồng độ 100% để điều trị sẹo rỗ chân đá nhọn (ice pick scar) cho 10 bệnh nhân. Kết quả sau 4 lần điều trị, mỗi lần cách nhau 2 tuần cho thấy 8 bệnh nhân đã cải thiện trên 70% và 2 bệnh nhân đã cải thiện 50–70%.
Đối tượng nên cân nhắc khi sử dụng TCA trị sẹo rỗ
Dù TCA là một hoạt chất khá an toàn, nhưng những đối tượng sau đây nên cân nhắc cẩn thận trước khi điều trị bằng hoạt chất này:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Người có làn da sẫm màu.
- Người thường xuyên làm việc ngoài trời, đặc biệt là trong môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi.
- Người đang có vết thương hở, nhiễm trùng hoặc viêm da.
Cách chăm sóc da sau khi sử dụng TCA để điều trị sẹo rỗ
Chăm sóc da đúng cách sau khi điều trị bằng TCA là điều kiện tiên quyết để đạt được hiệu quả tối ưu và tránh các biến chứng không mong muốn. Dưới đây là những lưu ý quan trọng:
Đối với peel da TCA
- Sử dụng dưỡng ẩm sau khi rửa mặt: sau khi peel, da sẽ trở nên khô rát nên cần cấp ẩm bằng kem hoặc serum có chứa các thành phần như ceramide, acid hyaluronic và dimethicone để tăng cường tái tạo và phục hồi làn da. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu để lựa chọn và sử dụng đúng loại mỹ phẩm dưỡng ẩm phù hợp với tình trạng da.
- Hạn chế trang điểm: do da trong thời gian đầu sau khi peel sẽ vô cùng nhạy cảm, không nên trang điểm trong thời gian này nếu không cần thiết.
- Không dùng sản phẩm gây bong tróc và kích ứng làn da: để da bong tróc tự nhiên và không sử dụng các sản phẩm tẩy da chết, retinol, BHA, AHA trong vòng 1 tuần sau khi peel da.
- Chọn khẩu trang phù hợp: dùng khẩu trang vải trong tuần đầu, tháo khẩu trang ít nhất 15 phút sau 4 giờ đeo liên tục.
- Bôi kem chống nắng và tránh nắng: dùng kem chống nắng phổ rộng có SPF tối thiểu là 30, đội nón rộng vành, mặc áo dài tay và bôi kem chống nắng cả khi ở trong nhà để bảo vệ da khỏi tia UV.
Đối với CROSS TCA
Trong 24 giờ đầu tiên
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Rửa mặt nhẹ nhàng với nước muối sinh lý để làm sạch da.
- Sau 24 giờ kể từ khi dùng TCA cho đến khi bong mài, có thể rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ và thoa kem chống nắng. Chọn kem chống nắng phổ rộng có SPF 30 trở lên, bôi lại sau mỗi 2–3 giờ. Khi dùng kem chống nắng, hãy tẩy trang nhẹ nhàng vào cuối ngày bằng nước tẩy trang dịu nhẹ.
- Thoa kem dưỡng ẩm phục hồi 2–3 lần mỗi ngày trong tuần đầu tiên sau khi sử dụng TCA để phục hồi da sau liệu trình và hỗ trợ quá trình tái tạo làn da.
Sau 1 tuần
- Có thể bắt đầu sử dụng các hoạt chất mạnh như nhóm retinoid, AHA, hoặc BHA trong quy trình chăm sóc da của mình.
Lưu ý quan trọng khi điều trị bằng CROSS TCA
- Tránh cạy gỡ hoặc chà xát mạnh lớp mài trên da để tránh gây tổn thương và hình thành sẹo. Hạn chế trang điểm cho đến khi lớp mài bong ra tự nhiên.
- Thông thường, để đạt hiệu quả tối ưu trong điều trị sẹo mụn, cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau trong cùng một liệu trình. Sau khi nâng đáy sẹo lên, các kỹ thuật tái tạo bề mặt da như RF microneedle, laser fractional CO2 hay lăn kim sẽ giúp hoàn thiện và cải thiện đáng kể kết quả điều trị.
Xem thêm các bài viết liên quan
Chi phí điều trị sẹo bằng TCA tại Doctor Acnes
Tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes, chi phí cho 1 lần thực hiện CROSS TCA là 500.000đ, giá ưu đãi cho học sinh – sinh viên chỉ còn 450.000đ. Đối với peel da bằng TCA, chi phí là 1.000.000đ/lần thực hiện.
Số lượng cũng như hiệu quả điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nghiêm trọng của sẹo, tình trạng da, tay nghề người thực hiện, cách chăm sóc da sau điều trị… Để biết thêm chi tiết về chi phí và nhận tư vấn cụ thể, hãy liên hệ trực tiếp với Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878.
Bảng giá dịch vụ CROSS TCA và peel TCA điều trị sẹo rỗ tại Phòng khám Doctor Acnes
Phương pháp | Giá | Giá HSSV |
⭐Cross TCA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 500.000 | 450.000 |
⭐Peel trị sẹo rỗ – trẻ hóa – sáng da TCA |
1.100.000 | 1.000.000 |
Tóm lại, trong điều trị sẹo rỗ, TCA được sử dụng theo hai phương pháp gồm CROSS TCA cho sẹo đáy nhọn và peel TCA cho sẹo rỗ nông. Dù TCA sử dụng ngoài bề mặt da và được xem là an toàn nhưng cũng không thể loại trừ hoàn toàn các tác dụng phụ như nguy cơ hình thành sẹo mới hoặc tăng sắc tố da.
Do đó, việc thực hiện CROSS TCA và peel TCA tại các Phòng khám Da liễu uy tín như Doctor Acnes là cần thiết để đảm bảo hiệu quả và hạn chế tối thiểu rủi ro.
Tài liệu tham khảo
- Bhardwaj D, Khunger N. “An Assessment of the Efficacy and Safety of CROSS Technique with 100% TCA in the Management of Ice Pick Acne Scars”. J Cutan Aesthet Surg. 2010;3(2):93-96
- Fabbrocini G, Annunziata MC, D’Arco V, De Vita V, Lodi G. “Acne scars: pathogenesis, classification and treatment”. Dermatol Res Pract. 2010; 2010:893080
- Uptodate 2021 – “Chemical peels: Principles, peeling agents, and pretreatment assessment”
- Uptodate 2021 – “Management of acne scars”
- Dr Ian Logan. “TCA Cross”. Dermatology Specialist Registrar. November 2015