Nhu cầu chăm sóc da và điều trị mụn bằng các phương pháp từ thiên nhiên đã trở thành xu hướng hiện nay. Cùng với việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên khác, mật ong trở thành một trong những sự lựa chọn chăm sóc da tại nhà hoặc các spa. Vậy cách trị mụn bằng mật ong như thế nào? Bài viết sau đây, Doctor Acnes sẽ cung cấp thêm thông tin về hiệu quả của mật ong trong điều trị mụn.
Tác dụng của mật ong đối với làn da
Mật ong là sản phẩm tự nhiên được tạo ra bởi loài ong với nguyên liệu từ mật hoa. Mật ong là một dung dịch carbohydrate siêu bão hòa chứa phần lớn đường glucose và fructose. Mật ong còn chứa nhiều loại enzym như glucose oxyase, catalase, peroxidase, các loại acid hữu cơ (acid gluconic, acid citric, acid lactic), acid amin (proline) và vitamin (các loại vitamin B, A, C, E). Đặc biệt, mật ong chứa acid phenolic và flavonoid (naringenin, hesperetin, quercetin) thể hiện hoạt tính chống oxy hóa và nhiều đặc tính sinh học khác nhau. Nhờ vào bảng thành phần đa dạng, mật ong mang lại nhiều công dụng có lợi cho da như:
- Kháng khuẩn, kháng nấm: hoạt tính kháng khuẩn ở hầu hết các loại mật ong là do enzyme sản xuất hydrogen peroxide. Hầu hết các loại mật ong đều tạo ra H2O2 khi được pha loãng do sự kích hoạt của enzym glucose oxyase oxy hóa glucose thành acid gluconic và H2O2. Hydrogen peroxide tạo ra các gốc tự do, gây tổn thương thành tế bào vi khuẩn. Tuy nhiên, một loại mật ong khác, được gọi là mật ong không chứa peroxide (như mật ong Manuka), cho thấy tác dụng kháng khuẩn đáng kể ngay cả khi hoạt động hydrogen peroxide bị khóa. Cơ chế của loại mật ong này là nhờ vào độ pH thấp và hàm lượng đường cao (độ thẩm thấu cao) đủ để cản trở sự phát triển của vi khuẩn. Ngoài ra, các yếu tố như áp suất thẩm thấu và nồng độ acid cao, sự hiện diện của acid phenolic, flavonoid và lysozyme góp phần thể hiện hoạt tính kháng khuẩn của mật ong. Hoạt chất pinocembrin và lysozyme chịu trách nhiệm về đặc tính kháng nấm, lysozyme ức chế sự phát triển của nấm men. Song có sự khác biệt lớn về hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm của các loại mật ong tự nhiên, nguyên nhân là do sự thay đổi về không gian và thời gian của nguồn mật hoa.
- Làm lành vết thương: sự xâm nhập của Ca2+ ngoại bào từ mật ong tạo ra giúp chữa lành vết thương. Ngoài ra, mật ong còn thúc đẩy sự di chuyển nguyên bào sợi và đóng tế bào sừng, thúc đẩy lắng đọng collagen có vai trò tiềm năng trong lĩnh vực tái tạo mô. Bên cạnh đó, mật ong có độ pH thấp và việc giảm độ pH của vết thương có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành. Ngoài đặc tính kháng khuẩn, mật ong y tế còn đẩy nhanh quá trình lành vết thương thông qua tác dụng chống viêm. Lượng dịch tiết ra từ vết thương có liên quan đến hoạt động của quá trình viêm tại chỗ, đặc biệt ở những vết thương bị nhiễm khuẩn. Do đó, tác dụng chống viêm của mật ong làm giảm phù nề và lượng dịch tiết bằng cách điều chỉnh quá trình viêm. Mật ong cũng có tác dụng làm giảm đau, vì cơn đau ở vết thương là do các đầu dây thần kinh bị nhạy cảm bởi chất prostaglandin được tạo ra trong quá trình viêm, cũng như do áp lực lên các mô do phù nề.
- Kháng viêm: tác động kháng viêm của mật ong đã được tổng hợp thông qua các cơ chế như (1) ức chế các con đường dẫn đến quá trình viêm như con đường bổ thể, con đường tổng hợp nitrit oxide (NO); (2) ức chế các chất trung gian gây viêm như enzym cyclooxygenase-2 (COX-2), interleukin IL-6, chất nền metallocoproteinase- 9 (MMP-9). Cụ thể, nghiên cứu của tác giả Woo và cộng sự chỉ ra rằng thành phần chrysin – một loại flavonoid có trong mật ong, thể hiện tác động ức chế các yếu tố chính liên quan đến hoạt động viêm như enzym COX-2 và IL-6, từ đó ngăn chặn phản ứng viêm hình thành.
- Chất chống oxy hóa: mật ong chứa nhiều thành phần khác nhau thể hiện tác động chống oxy hóa như flavonoid, acid phenolic, catalase, peroxide, acid ascorbic… Đồng thời, acid phenolic giúp ngăn chặn tác động gây độc tế bào gây ra bởi các gốc tự do.
- Tẩy tế bào chết: các acid hữu cơ trong mật ong mang lại tác dụng tẩy tế bào chết cho da, được sử dụng ở dạng đường.
- Cung cấp dưỡng chất: mật ong là sản phẩm của ong có giá trị dinh dưỡng và đặc tính tái tạo cao nên được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da. Hàm lượng carbohydrate cao, sự hiện diện của acid hữu cơ và các nguyên tố vi lượng là lý do mang lại hiệu quả nuôi dưỡng và tái tạo da hiệu quả. Bằng cách này, các quá trình trao đổi chất cũng được kích thích, dẫn đến loại bỏ các chất chuyển hóa có hại và tăng cường quá trình tái tạo da.
Mật ong có trị mụn được không?
Mụn trứng cá phát triển khi các nang lông trải qua sự thay đổi bệnh lý dẫn đến hình thành các tổn thương không viêm (mụn đầu đen, mụn đầu trắng) và các tổn thương viêm (sẩn, mụn mủ và nốt sần). Nhìn chung, Staphylococcus epidermidis và C. acnes là những vi khuẩn chính gây ra sự hình thành mụn trứng cá này. Đối với các chủng vi khuẩn gây mụn trứng cá, mật ong được chứng minh về tác động chống lại cả 2 loại vi khuẩn C. acnes và S. epidermidis với nồng độ ức chế tối thiểu đều là 50%.
Nhìn chung, mật ong có tác dụng như một loại kháng sinh tự nhiên, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn. Mật ong giải phóng hydro peroxide, đóng vai trò như một loại kháng sinh loại bỏ vi khuẩn và làm sạch mụn trứng cá. Đặc tính chống viêm của mật ong làm giảm vết đỏ của mụn và độ pH thấp giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Việc loại bỏ tế bào chết là một trong những bước cơ bản của một quy trình chăm sóc da, đặc biệt là da mụn. Thành phần acid hữu cơ trong mật ong giúp loại bỏ các tế bào chết, ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông – nguyên nhân hình thành nên các mụn đầu đen. Hơn nữa, mật ong còn đóng vai trò như một chất chống oxy hóa tự nhiên giúp loại bỏ các gốc tự do. Từ đó, mật ong mang lại nhiều hiệu quả trong việc điều trị mụn trứng cá.
Xem thêm các bài viết liên quan
Cách trị mụn bằng mật ong hiệu quả, an toàn
Bạn có thể sử dụng mật ong Manuka trong điều trị mụn bằng nhiều cách khác nhau. Đầu tiên, chấm một lượng nhỏ mật ong lên các vết mụn trên mặt và để khô tự nhiên giúp giảm mụn. Ngoài ra, mật ong còn được sử dụng như một chất tẩy tế bào chết, sử dụng bằng cách xoa một lượng mật ong cỡ hạt đậu lên da trong 1 phút rồi rửa sạch có thể giúp làm sạch da mặt.
Bên cạnh đó, mật ong có thể kết hợp với các thành phần khác để tăng cường hiệu quả. Một trong những kết hợp phổ biến là sử dụng mật ong với quế.
Tác dụng trị mụn của quế đã được chứng minh thông qua hoạt tính kháng khuẩn và kháng viêm. Cinnamaldehyde là thành phần chính của quế, có tác dụng chống viêm và đã được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn việc sản xuất COX-2, một chất gây viêm. Nghiên cứu của tác giả Elin Julianti và cộng sự cho thấy khi kết hợp chiết xuất vỏ quế và mật ong cho tác động kháng khuẩn bằng tổng tác dụng kháng khuẩn của từng thành phần. Sự kết hợp giữa chiết xuất etanolic của vỏ quế và mật ong có khả năng chống lại vi khuẩn gây mụn trứng cá. Sau đây là cách gợi ý sử dụng kết hợp mật ong và quế để trị mụn.
- Phối hợp theo tỉ lệ 2 thìa mật ong và 1 thìa quế và trộn đều thành hỗn hợp bột nhão.
- Để tránh tình trạng kích ứng da, bạn nên kiểm tra bằng cách thoa 1 ít hỗn hợp vào mu bàn tay. Bạn nên đợi ít nhất 10 phút để đảm bảo không xảy ra tình trạng ngứa, mẩn đỏ và sưng tấy.
- Sử dụng tăm bông hoặc ngón tay sạch để thoa lên các nốt mụn trên mặt.
- Rửa sạch bằng nước ấm sau 30 phút hoặc có thể để qua đêm.
- Sử dụng mặt nạ mật ong kết hợp với chanh bằng cách trộn mật ong với nước cốt chanh để tạo thành hỗn hợp sệt. Thoa hỗn hợp lên mặt như mặt nạ trong khoảng 15 phút hoặc cho đến khi khô. Sau đó, rửa sạch mặt nạ bằng nước ấm.
>>> Xem thêm: Trị mụn bằng chanh có tốt không?
Tóm lại mật ong thường an toàn khi sử dụng trên da. Tuy nhiên, tùy cơ địa mỗi người có thể xảy ra các phản ứng dị ứng như nổi mề đay, ngứa, sưng tấy và thở khò khè. Bạn có thể kích ứng khi sử dụng mật ong do dị ứng với các thành phần phấn hoa, do đó nên kiểm tra phản ứng dị ứng bằng cách thoa mật ong lên các vị trí khác trên da trước khi thoa trên mặt.
Nhờ vào bảng thành phần đa dạng, mật ong thể hiện nhiều công dụng tốt với làn da. Bạn có thể dùng mật ong để hỗ trợ trị mụn nhờ vào tác động kháng khuẩn, giảm tình trạng viêm tại chỗ do mụn, loại bỏ các gốc oxy hóa, tế bào chết cũng như đẩy nhanh quá trình chữa lành mụn. Tuy nhiên, trong trường hợp sử dụng mật ong điều trị tại nhà nhưng tình trạng mụn không giảm hoặc nặng hơn, bạn nên gặp tư vấn với Bác sĩ Da liễu để được lựa chọn phương pháp điều trị khác phù hợp và hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo
- Mandal MD, Mandal S. Honey: “Its medicinal property and antibacterial activity. Asian Pac J Trop Biomed“. 2011 Apr;1(2):154-60. doi: 10.1016/S2221-1691(11)60016-6
- Kurek-Górecka A, Górecki M, Rzepecka-Stojko A, Balwierz R, Stojko J. “Bee Products in Dermatology and Skin Care. Molecules“. 2020 Jan 28;25(3):556. doi: 10.3390/molecules25030556
- “How to use Manuka honey for acne“, Medical News Today, Debra Rose Wilson, Updated on July 19, 2023
- Simon A, Traynor K, Santos K, Blaser G, Bode U, Molan P. “Medical honey for wound care–still the ‘latest resort’ “. Evid Based Complement Alternat Med. 2009 Jun;6(2):165-73. doi: 10.1093/ecam/nem175
- Majtan J. “Honey: an immunomodulator in wound healing“. Wound Repair Regen. 2014 Mar-Apr;22(2):187-92
- Julianti E, Rajah KK, Fidrianny I. “Antibacterial Activity of Ethanolic Extract of Cinnamon Bark, Honey, and Their Combination Effects against Acne-Causing Bacteria“. Scientia Pharmaceutica. 2017; 85(2):19
- “Can honey and cinnamon help treat acne?“. Medical News Today, Rachel Nall, February 16, 2017