Nha đam (lô hội) có trị mụn được không?

Ngày 21/11/2022. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Ngày nay, càng nhiều người ưa chuộng sử dụng các thành phần từ thiên nhiên trong chăm sóc da. Trong ngành mỹ phẩm, nha đam là thành phần tự nhiên xuất hiện trong nhiều sản phẩm chăm sóc da như mặt nạ và gel dưỡng ẩm.

Nha đam thường biết đến với công dụng đặc trưng là làm dịu và giữ ẩm cho da kể cả da mụn. Vậy nha đam có trị mụn được không? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Tổng quan về nha đam

Nha đam còn có các tên gọi khác là lô hội, tượng đảm, hổ thiệt, với tên khoa học là Aloe vera, thuộc họ Xanthorrhoeaceae. Đây là một loài cây có lá hình mũi mác dày, mọng nước, có nhiều chất nhầy nên giữ nhiều nước làm cho cây thích ứng được ở nơi khô hạn.

Gel từ lá nha đam thường được dùng chữa lành vết thương, dưỡng ẩm cho da và ngày nay được ứng dụng nhiều trong ngành dược mỹ phẩm. Gel lấy từ lá nha đam chứa nhiều vitamin như vitamin B (B1, B2, B3, B12), vitamin C, vitamin A, vitamin E và acid folic, acid salicylic cùng các nguyên tố vi lượng khác.

Bên cạnh đó, trong gel nha đam còn bao gồm các chất có hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm và chống oxy hóa.

Tổng quan về nha đam - Doctor Acnes
Nha đam còn có các tên gọi khác là lô hội, tượng đảm, hổ thiệt, với tên khoa học là Aloe vera, thuộc họ Xanthorrhoeaceae

Vai trò của nha đam trong chăm sóc da mụn

Tác dụng dưỡng ẩm và chống lão hóa

Nha đam giúp giữ nước cho da nhờ vào tác động hydrat hóa của nhóm mucopolysaccharide. Thành phần này có tác dụng tăng độ ẩm cho da, kích thích nguyên bào sợi sinh tổng hợp collagen và sợi elastin giúp tăng cường độ đàn hồi cho da, dưỡng ẩm, làm mềm da, giảm ban đỏ, cải thiện nếp nhăn và chống lão hóa.

Tác dụng làm dịu da và chữa lành vết thương

Sử dụng các sản phẩm thuốc thoa và thuốc uống để điều trị mụn có thể khiến da bị khô và kích ứng. Trong trường hợp này, nhóm chất acid gama linolenic có trong nha đam có tác dụng làm dịu da một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó nhóm polysaccharides (acemannan), gibberellin kích thích hoạt động tăng sinh của nguyên bào sợi, do đó tăng tổng hợp collagen, loại bỏ tế bào da chết, đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng, thúc đẩy quá trình phục hồi vết thương.

Thành phần của nha đam giàu acid folic, các vitamin A, C, E – đây là các chất chống oxy hóa hiệu quả, trung hòa các gốc tự do, giúp tăng cường sức khỏe cho làn da. Ngoài ra, gel nha đam còn được chứng minh có tác dụng bảo vệ da khỏi tác hại của bức xạ tia UV và tia gamma.

Tác dụng chống viêm

Nha đam ức chế hoạt động cyclooxygenase làm giảm sản xuất prostaglandin từ acid arachidonic, do đó làm giảm viêm. C-glucosyl chromone là một hợp chất chống viêm mới được phân lập từ gel nha đam. Nha đam thể hiện tác dụng chống viêm tự nhiên nhờ các thành phần acid salicylic, chromones, enzymes (brady kinase), carbohydrates… giúp làm xẹp sưng đỏ ở các nốt mụn.

Sử dụng nha đam trong điều trị mụn như thế nào?

Chưa có bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả điều trị mụn của nha đam, tuy nhiên trên thực tế nha đam có thể có vai trò trong điều trị mụn vì các hoạt chất điều trị mụn thường gây khô da, trong khi đó nha đam như thành phần giữ ẩm giúp giảm khô và làm dịu da. Nhờ hiệu quả giữ ẩm này, nha đam còn giúp da giảm tiết dầu nhờn từ đó giúp giảm mụn.

Kết hợp nha đam với tretinoin

Trong một nghiên cứu đánh giá hiệu quả lâm sàng và mức độ an toàn khi kết hợp nha đam Aloe vera gel 50% (AVG) với tretinoin 0.025% (TR) để điều trị cho các bệnh nhân mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình, kết quả cho thấy rằng liệu pháp kết hợp TR và AVG được dung nạp tốt và cải thiện đáng kể mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình, được so sánh với sự kết hợp của TR và tá dược.

Liệu pháp kết hợp này điều trị hiệu quả cả các tổn thương viêm và không viêm, ít gây tác dụng phụ như khô da, đóng vảy, bỏng rát, ngứa, kích ứng, ban đỏ.

Đặc biệt các hợp chất được phân lập từ AVG như salicylates, magnesium lactate, sterols, acemannan được chứng minh có tác dụng chống viêm, chống kích ứng hiệu quả và có thể làm giảm ban đỏ da, làm lành vết thương, thúc đẩy hiệu quả trị mụn của tretinoin với khả năng kháng P. acnes.

Kết hợp nha đam với tretinoin - Doctor Acnes
Kết hợp nha đam với tretinoin

Kết hợp nha đam với tinh dầu lá Ocimum gratissiumum

Orafidiya và cộng sự (2004) đã thử nghiệm kết hợp Aloe vera gel (AVG) và tinh dầu lá Ocimum gratissiumum, cho công thức kết hợp tối ưu là 2% tinh dầu Ocimum trong 50% AVG.

AVG có khả năng tăng cường đặc tính chống mụn trứng cá của tinh dầu Ocimum và có hiệu quả hơn 1% clindamycin, hiệu quả trị mụn trứng cá càng tăng khi hàm lượng AVG tăng lên. Sự kết hợp này giúp giải quyết nhanh chóng và triệt để hơn các tổn thương lâm sàng do mụn trứng cá gây ra.

Kết hợp nha đam với tinh dầu lá Ocimum gratissiumum - Doctor Acnes
Kết hợp nha đam với tinh dầu lá Ocimum gratissiumum

Kết hợp nha đam với keo ong, tinh dầu trà

Keo ong và tinh dầu trà có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu, đặc biệt tinh dầu trà có khả năng điều trị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình nhờ khả năng kháng P. acnes và S. epidermidis.

Mazzarello và cộng sự đã kết hợp keo ong 20%, tinh dầu trà 3% và A. vera 10% (PTAC) điều trị trên các bệnh nhân bị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình, so sánh với 3% erythromycin cream (ERC).

Kết quả lâm sàng cho thấy hoạt tính kháng khuẩn và trị mụn trứng cá của PTAC có hiệu quả hơn trong việc giảm số lượng ban đỏ và các tổn thương do mụn gây ra cao hơn so với erythromycin. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các chế phẩm có nguồn gốc tự nhiên trong điều trị mụn trứng cá.

Kết hợp nha đam với keo ong, tinh dầu trà - Doctor Acnes
Kết hợp nha đam với keo ong, tinh dầu trà

Tóm lại, mặc dù hiện các bằng chứng khoa học cho thấy nha đam là một thành phần tiềm năng giữ vai trò hỗ trợ trong quá trình điều trị mụn và phục hồi những tổn thương do mụn gây ra, nha đam hiện vẫn chưa có vị trí chính thức trong các khuyến cáo điều trị mụn của các Hiệp hội Da liễu.

Vì vậy, khi bị mụn, không nên tự điều trị mà tốt nhất là tìm đến các cơ sở da liễu để được sự tư vấn và hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu.

Tài liệu tham khảo

  1. Sahu, Giri, Singh, Pandey, Gupta, Shrivastava, Pandey. “Therapeutic and medicinal uses of Aloe vera: a review”Pharmacology & Pharmacy4(08), 599
  2. Heggers, Kucukcelebi, Listengarten. “Beneficial effect of Aloe on wound healing in an excisional wound model”The Journal of Alternative and Complementary Medicine2(2), 271-277
  3. Hęś M, Dziedzic K, Górecka D, Jędrusek-Golińska A, Gujska E. “Aloe vera (L.) Webb.: Natural Sources of Antioxidants – A Review”. Plant foods for human nutrition (Dordrecht, Netherlands). 2019;74(3):255-265
  4. Salehi B, Albayrak S, Antolak H, Kręgiel D, Pawlikowska E. “Aloe genus plants: from farm to food applications and Phytopharmacotherapy”. Int J Mol Sci. 2018 Sep 19;19(9):2843
  5. Hajheydari Z, Saeedi M, Morteza-Semnani K, Soltani A. “Effect of Aloe vera topical gel combined with tretinoin in treatment of mild and moderate acne vulgaris: a randomized, double-blind, prospective trial”. J Dermatolog Treat. 2014 Apr;25(2):123-9
  6. Orafidiya LO, Agbani EO, Oyedele AO. “The effect of aloe vera gel on the anti-acne properties of the essential oil of Ocimum gratissimum Linn leaf – a preliminary clinical investigation”. International Journal of Aromatherapy. 2004;14(1):15-21
  7. Mazzarello, V., Donadu, M. G., Ferrari, M., Piga. Treatment of acne with a combination of propolis, tea tree oil, and Aloe vera compared to erythromycin cream: two double-blind investigationsClinical pharmacology: advances and applications

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

One thought on “Nha đam (lô hội) có trị mụn được không?

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84