Mụn trứng cá là tình trạng da phổ biến có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, đặc biệt là tuổi dậy thì. Để tiết kiệm thời gian và chi phí, nhiều người có xu hướng tìm kiếm các phương pháp từ thiên nhiên có sẵn tại nhà trước khi gặp Bác sĩ Da liễu. Chanh tươi là một thành phần dễ tìm và rẻ tiền được xem là có khả năng sát khuẩn nên thường được cân nhắc. Thực sự điều trị mụn bằng chanh có tốt không? Bài viết sau đây cung cấp thông tin về sự an toàn và hiệu quả của chanh trong việc điều trị mụn trứng cá.
Tác dụng của chanh đối với làn da
Các sản phẩm có nguồn gốc từ chanh được xem là có tác dụng tích cực đối với da bị mụn trứng cá. Trong chanh chứa nhiều thành phần có lợi cho da như D-limonene, flavonoid, vitamin C… Dưới đây là một số công dụng của chanh đối với làn da.
- Kháng viêm: một nghiên cứu thực hiện trên động vật vào năm 2018 đã khảo sát tác dụng kháng viêm của các loại tinh dầu có nguồn gốc từ bốn loại cam quýt khác nhau. Tác dụng chống viêm của tinh dầu chanh nhờ vào thành phần D-limonene có nhiều trong vỏ chanh. Hoạt động chống viêm của chanh nhờ vào thành phần D-limonene với nhiều cơ chế khác nhau như ức chế việc sản sinh các yếu tố tiền viêm (cytokine, IL-6, TNF-α), ức chế hóa hướng động bạch cầu, từ đó ngăn chặn quá trình viêm hình thành.
- Kháng khuẩn, kháng nấm: kết quả từ một nghiên cứu vào năm 2016 cho rằng nước chanh có khả năng ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn và vi nấm trong phòng thí nghiệm. Các tác giả cho rằng tác dụng này nhờ vào các thành phần có trong chanh như phenol, flavonoid, tinh dầu. Thành phần D-limonene phá hủy thành tế bào vi khuẩn, gây phá hỏng màng tế bào và tăng tính thấm của màng tế bào vi khuẩn, từ đó gây chết vi khuẩn. Ngoài ra, tinh dầu chanh có hoạt tính ức chế nấm Aspergillus niger, Saccharomyces cerevisiae và bệnh Candida parapsilosis nhờ vào thành phần như D-limonene, β-pinene và citral.
- Chống oxy hóa: hoạt tính chống oxy hóa của chanh đến từ các flavonoid (hesperidin, hesperetin). Các flavonoid này không chỉ giúp loại bỏ các gốc tự do mà còn tăng cường khả năng phòng vệ tế bào chống oxy hóa thông qua con đường truyền tín hiệu ERK/NRF2. Ngoài ra, vitamin C có trong chanh giúp ngăn ngừa sự hình thành các gốc tự do và bảo vệ DNA khỏi đột biến.
- Tăng sinh collagen, làm sáng da: trong chanh chứa hàm lượng lớn vitamin C. Vitamin C từ chanh được ứng dụng nhiều trong ngành mỹ phẩm nhờ vào khả năng tăng sản xuất collagen, giúp da mịn màng hơn và làm giảm nếp nhăn. Ngoài ra, nhờ vào các thành phần citral, β-pinene, D-limonene giúp ức chế enzym tyrosinase và quá trình oxy hóa L-dihydroxyphenylalamine, từ đó giúp làm giảm sắc tố và sáng da.
- Tăng khả năng thẩm thấu vitamin: kết quả từ nghiên cứu của tác giả L. Valgimigli cho thấy cả hai loại vitamin tan trong nước (B6, C) và vitamin tan trong dầu (A, E) ở dạng bào chế nhũ tương bôi đều được tăng cường hấp thu đáng kể khi sử dụng kết hợp với tinh dầu chanh. Do đó, tinh dầu chanh có thể được sử dụng như một chất thúc đẩy khả năng thẩm thấu của các vitamin cần thiết cho làn da.
Chanh có trị mụn được không?
Mụn trứng cá là một bệnh của tuyến bã nang lông, thường xuất hiện trên mặt, vai, lưng và ngực. Các nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá bao gồm tăng tiết bã nhờn, sừng hóa cổ nang lông dẫn đến bít tắc lỗ chân lông kèm theo hiện tượng viêm do vi khuẩn Propionibacterium acnes.
Đặc biệt, sự tăng sinh của P. acnes trong tuyến bã nhờn đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra phản ứng viêm do tác động kích thích giải phóng các yếu tố cytokine tiền viêm như interleukin IL-1β, yếu tố hoại tử khối u TNF-α và interleukin IL-8 gây tổn thương nang lông, vỡ và rò rỉ vi khuẩn, acid béo và lipid vào lớp hạ bì xung quanh.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về hiệu quả của chanh trong điều trị mụn trứng cá đều được nghiên cứu từ chiết xuất thành phần của chanh thay vì sử dụng trực tiếp như mẫu chứa tinh dầu chanh có nguồn gốc từ vỏ chanh. Chiết xuất từ chanh đã cho thấy hoạt tính ức chế nhiều loại vi khuẩn khác nhau, bao gồm cả vi khuẩn gram dương và gram âm.
Đối với vi khuẩn thường gây ra mụn, nghiên cứu chỉ ra rằng nước ép chanh có khả năng chống lại vi khuẩn P. acnes hiệu quả nhờ vào thành phần acid L-ascorbic. Thành phần D-limonene trong tinh dầu chanh giúp ức chế sản xuất các yếu tố gây viêm cũng như các phản ứng viêm từ vi khuẩn P. acnes.
Bên cạnh đó, acid citric (một loại acid thuộc nhóm acid alpha hydroxy – AHA) có thể làm bong tróc tế bào da chết – một trong những nguyên nhân dẫn đến các dạng mụn không viêm như mụn đầu đen.
Như vậy, các thành phần có trong chanh có khả năng điều trị mụn nhờ vào khả năng kháng khuẩn, kháng viêm và loại bỏ lượng dầu thừa cũng như tế bào chết. Tuy nhiên, việc này không đồng nghĩa với việc sử dụng chanh trực tiếp lên da có thể mang lại hiệu quả tương tự mà không gặp bất cứ tác dụng phụ nào.
Cách trị mụn bằng chanh hiệu quả, an toàn
Trong chanh chứa lượng lớn acid citric có vị chua mạnh. Khi bôi trực tiếp nước cốt chanh trên da, một số rủi ro có thể xảy ra như cảm giác nóng rát, châm chích, khô da, ửng đỏ và tăng nhạy cảm của da với ánh sáng mặt trời.
Do các nguy cơ tiềm ẩn mang lại, trước khi sử dụng chanh trên da mặt, nên thực hiện kiểm tra patch test (hay còn gọi là test áp da – một phương pháp kiểm tra đánh giá tình trạng dị ứng của da với một tác nhân bất kỳ) của da với chanh tại vùng da cách xa mặt, chẳng hạn như bên trong khuỷu tay.
Đợi sau 1-2 ngày xem có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra không trước khi sử dụng trên da mặt. Kích ứng da là tác dụng phụ phổ biến nhất khi sử dụng chanh. Khả năng gây kích ứng và dị ứng của chanh được nghi ngờ do thành phần D-limonene.
D-limonene ở dạng không bị oxy hóa được liệt kê là chất gây dị ứng ở mức độ vừa phải. D-limonene gây kích ứng mạnh ở nồng độ 70-80%, kích ứng yếu ở nồng độ 50% và không gây kích ứng ở nồng độ 20-30%.
Vì vậy, nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ Da liễu trước khi sử dụng chanh như là một phương pháp điều trị mụn trứng cá vì nhiều khả năng lợi bất cập hại.
Những lưu ý khi sử dụng chanh để trị mụn
Chanh có xu hướng có nhiều tác dụng phụ trên da hơn là lợi ích mang lại, do đó đây là một lựa chọn nhiều rủi ro khi sử dụng chanh điều trị mụn tại nhà. Mỗi quả chanh có hàm lượng acid ascorbic khác nhau, do đó không thể kiểm soát liệu nước ép chanh có làm bỏng da khi bôi trực tiếp hay không. Để hạn chế các rủi ro khi sử dụng chanh trong điều trị mụn, nên lưu ý các điều sau đây.
- Bắt đầu sử dụng với tần suất thấp, một lần mỗi ngày và trong thời gian ngắn nhất có hiệu quả.
- Tránh sử dụng chanh trên mặt qua đêm vì khả năng gây kích ứng cao của chanh. Khi sử dụng chanh trên mặt qua đêm sẽ khiến khó phát hiện kịp thời các tác dụng phụ bắt đầu xảy ra. Nên sử dụng vào ban ngày để theo dõi tác động trên da.
- Không dùng chanh trước khi đi nắng và không sử dụng chanh trong vài ngày trước bất kỳ hoạt động ngoài trời vì các loại trái cây có múi khi bôi ngoài da có thể làm tăng nguy cơ da nhạy cảm với nắng.
- Đặc biệt, lập tức ngưng sử dụng chanh khi nhận thấy da có các dấu hiệu bị kích ứng như châm chích, da ửng đỏ, bỏng rát.
>>> Xem thêm: Dịch vụ điều trị mụn chuẩn y khoa tại Doctor Acnes
Hiện nay, không có nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ việc sử dụng chanh trực tiếp để điều trị mụn, mặc dù các thành phần trong chanh được chứng minh có hoạt tính kháng viêm và kháng khuẩn đối với mụn. Vì vậy, trong khi chờ những nghiên cứu khoa học lớn hơn, nên lựa chọn các phương pháp an toàn hơn để điều trị mụn. Đặc biệt, khi tình trạng mụn không giảm hoặc nặng hơn khi sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà như chanh, nên gặp Bác sĩ Da liễu để được tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo
- “Can lemon help with treating acne?“. MedicalNewsToday
- Klimek-Szczykutowicz M, Szopa A, Ekiert H. “Citrus limon (Lemon) Phenomenon-A Review of the Chemistry, Pharmacological Properties, Applications in the Modern Pharmaceutical, Food, and Cosmetics Industries, and Biotechnological Studies“. Plants (Basel). 2020 Jan 17;9(1):119. doi: 10.3390/plants9010119
- Valgimigli L, Gabbanini S, Berlini E, Lucchi E, Beltramini C, Bertarelli YL. “Lemon (Citrus limon, Burm.f.) essential oil enhances the trans-epidermal release of lipid-(A, E) and water-(B6, C) soluble vitamins from topical emulsions in reconstructed human epidermis“. Int J Cosmet Sci. 2012 Aug;34(4):347-56. doi: 10.1111/j.1468-2494.2012.00725
- “Does Applying Lemon to Your Face Help or Hurt Your Skin?“. Healthline