Bạn có thường bị mụn ở một vị trí nhất định trên cơ thể? Vị trí mụn trên khuôn mặt và cơ thể có thể “tiết lộ” nhiều thông tin hữu ích trong một số trường hợp, từ đó giúp bạn kiểm soát tình trạng mụn tốt hơn. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Vị trí mụn trên khuôn mặt
Mụn là bệnh lý về da phổ biến ở cả nam và nữ. Ngoài cơ chế bệnh sinh thì việc tìm hiểu nguyên nhân mụn thường xuất hiện ở vị trí cố định cũng rất quan trọng, vì vị trí mụn trên khuôn mặt và cơ thể có thể tiết lộ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cũng như lối sống chưa hợp lý.
Theo quan niệm Đông y, “Acne Face Mapping” là một bản đồ mụn trên mặt cho thấy vị trí mụn liên quan đến các cơ quan trong cơ thể.
Mụn ở chân tóc
Đầu không được gội thường xuyên và các sản phẩm chăm sóc tóc chứa dầu (mineral oil, avocado oil…) không được làm sạch kĩ sẽ làm bít tắc lỗ chân lông từ đó hình thành mụn.
Cách hạn chế: tránh sử dụng các sản phẩm chứa dầu, ưu tiên sử dụng các sản phẩm “non-comedogenic” không chứa thành phần hay công thức gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Mụn ở trán
Nguyên nhân hình thành mụn ở trán thường do tích tụ các chất độc trong cơ thể. Gan và mật là những cơ quan chính giúp giải độc, và khu vực trán là nơi tập trung nhiều tuyến bã nhờn. Điều này dẫn đến việc thường xuyên xuất hiện mụn đầu trắng và mụn đầu đen do lỗ chân lông bị bít tắc bởi lượng dầu tiết ra nhiều hơn cần thiết.
Thức ăn không lành mạnh như thực phẩm giàu chất béo, đường và các sản phẩm chế biến sẵn khiến gan và mật phải hoạt động nhiều hơn, gây quá tải và tích tụ độc tố. Đồng thời, căng thẳng và thiếu ngủ cũng làm ngưng trệ quá trình thải độc, góp phần hình thành mụn.
Ngoài ra, gàu và các sản phẩm thừa từ tóc như dầu thừa và sản phẩm chăm sóc tóc chứa dầu cũng có thể gây bít tắc lỗ chân lông, dẫn đến mụn ở trán.
Cách hạn chế:
- Thiết lập giờ giấc ngủ đủ 7 tiếng một ngày, tạo điều kiện cho gan mật hoạt động thuận lợi.
- Chú ý chế độ ăn giàu rau xanh hoa quả, giảm lượng chất béo, uống nhiều nước giúp thải độc tố.
- Giữ da đầu sạch bằng cách gội đầu thường xuyên và lựa chọn các sản phẩm không làm bít tắc lỗ chân lông (“non-comedogenic”).
- Nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc trước rồi mới rửa mặt.
Mụn ở chân mày
Khoảng giữa chân mày thường liên quan đến gan. Thức ăn giàu chất béo, rượu, các thực phẩm không lành mạnh sẽ làm quá tải hoạt động chuyển hóa các chất trong cơ thể, cụ thể là hoạt động của gan.
Việc uống nước không đủ sẽ đẩy phần việc vốn của thận cho gan đảm nhiệm. Gan vốn có chức năng giải độc, khi bị quá tải sẽ không thể đào thải độc tố gây tích tụ trong cơ thể.
Ngoài ra, chân mày cũng là nơi thường sử dụng makeup nhưng lại hay bị bỏ qua ở bước làm sạch da nên mụn sẽ xuất hiện khi các sản phẩm makeup mặt và chân mày không được tẩy trang kĩ hoặc sử dụng sản phẩm không phù hợp với da, gây kích ứng.
Cách hạn chế:
- Thay đổi thói quen ăn đêm và cắt giảm rượu và thức ăn dầu mỡ.
- Bổ sung đủ nước mỗi ngày.
- Tẩy trang sạch với dạng tẩy trang chuyên dụng nếu sử dụng các sản phẩm makeup lâu trôi, chú ý lựa chọn sản phẩm phù hợp da, không gây kích ứng.
- Nếu dạng tẩy trang là dầu/sáp thì chú ý nhũ hóa kĩ và rửa sạch tránh gây bít tắc lỗ chân lông.
Mụn ở thái dương
Hai bên thái dương thường liên quan đến hoạt động của túi mật. Khi túi mật hoạt động quá mức, không tiết đủ dịch mật để tiêu hóa thức ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn sẽ dẫn đến tình trạng nổi mụn.
Cách hạn chế: uống nhiều nước, tăng cường chất xơ từ rau củ, hoa quả đồng thời cắt giảm thực phẩm chế biến sẵn, giàu chất béo.
Mụn ở mũi
Mũi là nơi tập trung nhiều tuyến bã nhờn, do đó thường tiết nhiều dầu và xuất hiện mụn đầu đen tại vùng da này. Tuy nhiên, đây cũng là vị trí tập trung nhiều mạch máu nên có thể phản ánh các vấn đề về tim mạch như cao huyết áp, tăng cholesterol máu…
Cách hạn chế:
- Thay thế thức ăn nhiều đạm, nhiều muối bằng các loại rau xanh, trái cây, các loại hạt tốt cho tim mạch.
- Thư giãn, điều hòa cảm xúc giúp điều hòa hoạt động hệ tim mạnh.
- Để giảm thiểu dầu thừa có thể sử dụng mặt nạ đất sét, rửa mặt 2 lần/ngày với sữa rửa mặt không chứa cồn, “kiểm soát nhờn” (oil control) và dưỡng ẩm đủ cho da.
Mụn ở môi
Mụn nổi quanh miệng cho thấy những bất thường tiêu hóa ở gan, ruột đang diễn ra, làm tích tụ các độc tố từ thức ăn cay nóng, dầu mỡ hay rượu, bia dẫn đến mụn.
Cách hạn chế: cắt giảm thức ăn cay nóng, bổ sung rau xanh, trái cây. Tăng cường các thức ăn dễ tiêu hóa để giảm hoạt động lên hệ tiêu hóa.
Mụn ở cằm và xương quai hàm
Vùng cằm và xương quai hàm là nơi nhạy cảm với nội tiết tố. Khi có sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể sẽ biểu hiện ra ngoài bằng các nốt mụn.
- Androgen là nội tiết tố sinh dục có chủ yếu ở nam. Nữ giới cũng có một ít nội tiết này, giúp kích thích mọc lông và tổng hợp estrogen. Androgen được sản sinh nhiều vào tuổi dậy thì nên sẽ dễ hình thành mụn ở giai đoạn này, đặc biệt là ở nam giới. Tuy nhiên ở tuổi trưởng thành, phụ nữ thường nổi mụn nhiều hơn do có sự thay đổi nội tiết tố vào các thời điểm trước và trong chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai, lần đầu sử dụng thuốc tránh thai hay đổi một loại thuốc tránh thai mới, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Cortisol là nội tiết tố được tiết từ tuyến thượng thận giúp kiểm soát tâm trạng, còn được gọi là “nội tiết tố chống stress”. Thức khuya, căng thẳng quá mức khiến cơ thể sản sinh nhiều cortisol để cân bằng lại. Tuy nhiên, loại nội tiết tố này lại kích thích hoạt động tuyến bã nhờn làm tăng lượng dầu thừa, tăng nguy cơ hình thành mụn.
- Insulin là nội tiết tố giúp giảm lượng đường huyết trong cơ thể. Chế độ ăn uống nhiều bột đường khiến cơ thể tiết nhiều insulin. Không những insulin làm tăng tiết bã nhờn mà còn kích thích sản sinh androgen làm tình trạng mụn càng trầm trọng hơn.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa trong thành phần thường chứa các nội tiết tố (androgen) và kích thích phóng thích insulin để phân hủy protein trong sữa sẽ góp phần hình thành mụn và làm nặng hơn tình trạng mụn.
Ngoài ra, thói quen chống tay lên cằm khiến bụi bẩn, vi sinh vật trên tay có thể gây bít tắc lỗ chân lông cũng như gây viêm nhiễm và hình thành mụn.
Cách hạn chế:
- Tham vấn Bác sĩ để lựa chọn thuốc tránh thai phù hợp.
- Điều chỉnh giờ giấc ngủ đủ giấc, thư giãn, giảm stress.
- Thiết lập chế độ ăn lành mạnh ít bột đường, giàu rau xanh.
- Giảm thức ăn ngọt, nhiều tinh bột, sữa và chế phẩm từ sữa vào các thời điểm ngay trước kỳ kinh và giữa chu kỳ kinh.
Mụn ở má trái
Bụi bẩn và vi khuẩn trên điện thoại, gối, không khí… là những nguyên nhân hình thành mụn thường gặp ở má. Tuy nhiên, các nốt mụn ở má trái cũng phản ánh các vấn đề về gan, liên quan đến hệ tiêu hóa. Khi cơ thể tích tụ chất độc do bất thường trong chuyển hóa thức ăn trong cơ thể, các chất độc không được đào thải qua gan sẽ gây nên mụn.
Cách hạn chế:
- Vệ sinh điện thoại, vật dụng cá nhân sạch sẽ.
- Ăn các thực phẩm “mát”, giúp thải chất độc như dưa leo, bí đao, khổ qua…
Mụn ở má phải
Ngoài nguyên nhân bụi bẩn và vi khuẩn từ gối, không khí… mụn xuất hiện ở má phải còn phản ánh các vấn đề ở phổi. Các tác nhân lạ như bụi bẩn, vi khuẩn trong không khí bị ô nhiễm, hay các chất có hại như nicotin trong thuốc lá sẽ làm phổi hoạt động nhiều hơn để bài trừ chúng ra khỏi cơ thể thông qua việc ho, hắt xì hơi…
Cách hạn chế:
- Vệ sinh điện thoại, vật dụng cá nhân sạch sẽ.
- Tập thể dục và điều hòa nhịp thở để tăng cường sức khỏe cho lá phổi chống lại các tác nhân lạ.
- Cải thiện môi trường sống bằng cách trồng cây xanh, sử dụng máy lọc không khí…
Mụn ở tai
Mụn ít khi gặp ở tai. Tuy nhiên, khi xuất hiện lại phản ánh chức năng bài tiết qua thận đang gặp vấn đề. Thức ăn nhiều muối, uống không đủ nước sẽ hạn chế hoạt động bình thường của thận. Ngoài ra điện thoại, tai nghe nhiều bụi bẩn, vi khuẩn hay dị ứng với trang sức cũng là một nguyên nhân hình thành mụn ở tai.
Cách hạn chế:
- Uống đủ nước và cắt giảm cafein, rượu, thức ăn nhiều muối để tạo điều kiện thuận lợi cho thận làm việc.
- Vệ sinh điện thoại, tai nghe thường xuyên và kiểm tra có dị ứng với trang sức hay không.
Xem thêm các bài viết liên quan
Vị trí mụn trên cơ thể
Quần áo bó, không mềm mại, ít thấm mồ hôi làm lỗ chân lông bị bít tắc bởi bụi bẩn, da chết… và làm trầm trọng hơn tình trạng mụn do ma sát gây tổn thương các nốt mụn. Ngoài ra các sản phẩm sử dụng ngoài da như sữa tắm, kem dưỡng không phù hợp với da cũng là nguyên nhân hình thành mụn thường gặp trên cơ thể.
Mụn ở lưng
Trong các vị trí mụn trên cơ thể thì mụn ở lưng có thể do yếu tố di truyền hoặc là tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm. Giống như mụn trên mặt, mụn ở lưng thường xuất phát từ sự mất cân bằng nội tiết tố, căng thẳng, và chế độ ăn uống không lành mạnh.
Lưng là vùng khó vệ sinh kỹ càng, dễ bị bỏ qua khi tắm, dẫn đến lỗ chân lông bị bít tắc bởi tế bào chết và bụi bẩn. Ngoài ra, các yếu tố như mặc quần áo chật, ra nhiều mồ hôi, và đeo ba lô nặng cũng có thể làm tình trạng mụn ở lưng trở nên trầm trọng hơn.
Cách hạn chế:
- Tắm sau khi hoạt động ra mồ hôi nhiều.
- Tẩy tế bào chết định kỳ với sản phẩm dạng hạt mịn vừa hay các dạng hóa học phù hợp với da.
- Tránh để tóc chạm vào vùng da lưng do tóc có thể chứa dầu thừa tự nhiên hoặc dầu từ các sản phẩm chăm sóc tóc (dầu xả, dầu dưỡng…).
- Mặc quần áo mềm mại, rộng rãi, thoải mái, giảm thiểu lực ma sát làm tổn thương vùng mụn.
- Tránh đeo balo nặng sau lưng để thông thoáng vùng mụn, giảm áp lực tác động lên các nốt mụn.
Mụn ở ngực
Mụn ở ngực thường gặp ở nữ do rối loạn nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt, tuổi dậy thì… Ngoài ra các nốt mụn ở ngực còn xuất hiện khi ăn nhiều chất bột đường, cơ thể bị thiếu nước kích thích tuyến bã nhờn tiết nhiều dầu hơn.
Cách hạn chế:
- Điều chỉnh chế độ ăn lành mạnh, cung cấp đủ nước cho cơ thể.
- Tham vấn Bác sĩ nếu tình trạng mụn do rối loạn nội tiết tố kéo dài.
Mụn ở tay, chân
Tay, chân thường xuyên tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, vi khuẩn nên dễ hình thành mụn. Các bệnh lý viêm nang lông cũng thường gặp ở bắp tay và đùi. Tuy nhiên các bệnh thủy đậu, zona cũng cho các nốt mụn trên tay chân nên cần lưu ý khi gặp mụn ở vị trí này.
Cách hạn chế:
- Vệ sinh sạch sẽ với sữa tắm phù hợp da, tẩy tế bào chết định kỳ 2-3 lần/tuần.
- Tham vấn Bác sĩ nếu xuất hiện các nốt mụn nước, sưng đỏ và lây lan sang các vùng khác.
Mụn ở mông, vùng kín
Vùng kín được vệ sinh với các sản phẩm làm mất pH sinh lý vốn có và thường xuyên bị ẩm ướt sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm và hình thành mụn. Quần áo và đồ lót không phù hợp sẽ góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng mụn.
Ngoài ra mụn ở mông và vùng kín còn phản ánh hệ thống bài tiết bị đình trệ, làm tích tụ chất độc trong cơ thể.
Cách hạn chế:
- Giữ vệ sinh và khô thoáng.
- Sử dụng các dung dịch vệ sinh đạt chuẩn để ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Lựa chọn trang phục phù hợp, không gây bí bách, mềm mại phù hợp với làn da.
- Uống nhiều nước và sử dụng các thực phẩm giúp đào thải độc tố.
Tóm lại, mụn ở các vị trí khác nhau trên cơ thể có thể gợi ý các nguyên nhân gây mụn khác nhau. Doctor Acnes tin rằng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp mỗi người có cách phòng ngừa và giảm thiểu mụn phù hợp nhất. Trong trường hợp các thay đổi về lối sống chưa thật sự hiệu quả, bạn cần thăm khám với Bác sĩ Da liễu để tìm thêm các nguyên nhân gây mụn và được hỗ trợ tư vấn cũng như phương pháp điều trị mụn kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- Rena Goldman. “How to Get Rid of Back Acne”. Healthline
- Faith Xue. “Face Mapping: What Your Breakouts Can Reveal About Your Health”. Byrdie
- Lauren Sharkey. “Can You Use Face Mapping to Improve Your Skin’s Health?” Healthline
- Morgan Rabach. “What That Acne Spot on Your Face Means, According to Science”. Healthline
- Annie Chiu, Susan Y. Chon, Alexa B. Kimball. “The Response of Skin Disease to Stress”.