Viêm nang lông hay còn gọi là viêm lỗ chân lông, là bệnh lý ngoài da phổ biến ở cả nam và nữ. Mặc dù không gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng viêm nang lông lại ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, gây tâm lý kém tự tin ở người bệnh. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về bệnh lý này trong bài viết dưới đây.
Viêm nang lông là gì?
Viêm nang lông là một vấn đề da phổ biến, thường liên quan đến nhiễm trùng nang lông do các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm… tạo thành mụn mủ, sẩn hồng ban. Bệnh có thể phân bố ở bất kỳ vùng da có lông nào trên cơ thể như mặt, da đầu, ngực, lưng, tay, chân… Vùng da bị viêm nang lông có thể gây cảm giác ngứa ngáy, đau nhức, khó chịu.
Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng viêm nang lông gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và chất lượng cuộc sống người bệnh. Ngoài ra nếu không điều trị kịp thời, viêm nang lông có thể lan rộng, gây rụng lông, rụng tóc hoặc để lại sẹo vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây viêm nang lông
Viêm nang lông thường xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào các nang lông, gây nhiễm trùng ở phần nông hoặc sâu bên trong nang lông. Ngoài vi khuẩn, viêm nang lông còn có thể do các tác nhân khác như nấm, virus hoặc không do nhiễm trùng. Trong những trường hợp không nhiễm trùng, nguyên nhân phổ biến bao gồm lông mọc ngược hoặc tác động của một số loại thuốc như lithium và cyclosporin. Sau đây là các nguyên nhân cụ thể gây viêm nang lông:
- Viêm nang lông do vi khuẩn: là dạng viêm nang lông phổ biến nhất. Thường do vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) gây ra. Cả hai dạng của vi khuẩn này, nhạy cảm với kháng sinh Methicillin và kháng Methicillin, đều có thể dẫn đến viêm nang lông.
- Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm: do vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh) gây ra, thường xảy ra sau khi tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm. Ngoài ra, việc uống kháng sinh kéo dài cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm nang lông do tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn khác như Klebsiella và Enterobacter phát triển.
- Viêm nang lông do vi nấm: do một loại nấm tên là Malassezia furfur gây ra. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi dậy thì, khi mà các tuyến dầu trên da hoạt động mạnh. Nếu bị mụn trứng cá nhưng không khỏi hoặc tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi dùng thuốc kháng sinh, thì rất có thể đang bị viêm nang lông do nấm.
- Viêm nang lông do virus: thường do virus herpes gây ra, và ít gặp hơn là do Molluscum contagiosum. Biểu hiện của viêm nang lông do virus herpes tương tự như viêm nang lông do vi khuẩn, nhưng thường xuất hiện dưới dạng các sẩn, mảng hồng ban thay vì mụn mủ. Đặc điểm khác biệt là các tổn thương do virus herpes gây ra thường xuất hiện thành từng nhóm hoặc từng cụm, giúp phân biệt với viêm nang lông do vi khuẩn.
- Viêm nang lông do ký sinh trùng Demodex: xảy ra khi da bị nhiễm Demodex folliculorum. Tình trạng này khiến da bong vảy xung quanh nang lông, với các biểu hiện giống như vảy phấn nang lông hoặc viêm da tiết bã. Da có thể xuất hiện các nốt sẩn, mụn mủ đỏ xung quanh nang lông giống như mụn trứng cá đỏ, trên nền da mặt bị đỏ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm nang lông
Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm nang lông. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Thường xuyên sử dụng các trang phục, dụng cụ giữ nhiệt và hơi nước như găng tay, ủng…
- Ngâm mình nhiều trong nước, hồ bơi không được vệ sinh tốt.
- Tổn thương các nang lông do cạo râu, tẩy lông.
- Mặc quần áo chật, đổ mồ hôi nhiều.
- Sử dụng một số loại thuốc như corticoid, prednisolon, uống kháng sinh kéo dài.
- Mắc bệnh đái tháo đường, HIV/AIDS hoặc một số tình trạng gây suy giảm miễn dịch…
Các phương pháp điều trị viêm nang lông
Các trường hợp viêm nang lông nhẹ có thể tự khỏi. Tuy nhiên, đa số các trường hợp đều cần điều trị với Bác sĩ Da liễu nhằm hạn chế sự tiến triển bệnh và giảm nguy cơ tái phát.
Điều trị viêm nang lông bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân (điều trị đường uống):
- Điều trị tại chỗ: các thuốc bôi chống nhiễm trùng như betadine, cồn iode, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh như mupirocin, fucidin…
- Điều trị toàn thân: trường hợp viêm nặng và tái phát có thể dùng thuốc đường uống.
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, Bác sĩ Da liễu sẽ quyết định điều trị toàn thân, tại chỗ, hoặc kết hợp cả hai. Dưới đây là các phác đồ điều trị phổ biến cho từng tác nhân cụ thể:
- Viêm nang lông do tụ cầu vàng Staphylococcus aureus: đối với trường hợp nặng, sử dụng kháng sinh đường uống như β-lactamin, amoxicillin, cephalosporin, cyclin, co-trimoxazol, ciprofloxacin hoặc metronidazol.
- Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: ngừng ngay kháng sinh đang sử dụng, sau đó rửa phần da bị viêm nang lông bằng benzoyl peroxide, kết hợp sử dụng kháng sinh đường uống ampixillin hoặc co-trimoxazol. Trong một số trường hợp, có thể cần sử dụng isotretinoin.
- Viêm nang lông do nấm: bôi thuốc chống nấm phối hợp với thuốc chống nấm đường uống như là itraconazole, terbinafine hoặc fluconazole.
- Viêm nang lông do virus herpes: bôi kem acyclovir và uống thêm acyclovir hoặc valacyclovir để điều trị.
- Viêm nang lông do demodex: điều trị bằng kem bôi permethrin hoặc metronidazol, kết hợp với uống metronidazol.
Biến chứng khi không điều trị viêm nang lông kịp thời
Nếu không điều trị kịp thời, viêm nang lông có thể gây những biến chứng nặng nề như:
- Nhiễm trùng tái phát hoặc lan rộng.
- Sẹo vĩnh viễn.
- Tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố tại vị trí tổn thương.
- Phá hủy nang tóc gây rụng tóc vĩnh viễn.
Phòng ngừa viêm nang lông
- Rửa sạch da thường xuyên, không dùng chung khăn tắm, khăn mặt.
- Giặt quần áo thường xuyên.
- Tránh ma sát nhiều trên da, giảm ma sát da gây ra do bao lô, nón bảo hiểm và quần áo chật.
- Nếu đeo găng tay thường xuyên, sau mỗi lần sử dụng, hãy lật găng tay từ trong ra ngoài, rửa sạch bằng xà phòng và nước sạch rồi lau khô.
- Cạo râu cẩn thận, tránh làm xước gây tổn thương nang lông.
- Điều trị các tình trạng thuận lợi gây viêm nang lông ví dụ như đổ mồ hôi nhiều.
Tóm lại, viêm nang lông là một bệnh lý da phổ biến, gây khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Điều trị sớm là cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng và tránh những hậu quả lâu dài như sẹo hay rụng tóc vĩnh viễn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về tình trạng da, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes để được tư vấn chi tiết nhé!
Tài liệu tham khảo
- Jesus Luelmo-Aguilar, Mireia Sabat Santandreu. “Folliculitis: recognition and management”. American Journal of Clinical Dermatology, vol. 5, no. 5, Sept.-Oct. 2004, pp. 301
- Richard D. Winters; Mark Mitchell. “Folliculitis”. 2022
- Sewon Kang. “Fitzpatrick’s Dermatology 9th”. Accessmedicine.mhmedical.com