Mụn là vấn đề da liễu thường gặp ở mọi độ tuổi và mọi giới tính. Hiện nay, với sự tiến bộ không ngừng của ngành thẩm mỹ da liễu, việc điều trị mụn không chỉ gói gọn trong điều trị nội khoa hay còn gọi là điều trị bằng thuốc mà còn áp dụng nhiều những công nghệ như sử dụng ánh sáng sinh học, xung ánh sáng cực mạnh IPL, peel da bằng các acid hữu cơ hay tiêm vi điểm mesotherapy.
Tuy vậy, điều trị nội khoa vẫn giữ vai trò nền tảng trong hầu hết các phác đồ điều trị mụn của Bác sĩ Da liễu. Vì sao điều trị nội khoa lại quan trọng đến như vậy? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về vai trò của điều trị nội khoa đối với phác đồ trị mụn trong bài viết dưới đây.
Vai trò của nội khoa trong điều trị mụn
Mụn được xem là một dạng bệnh viêm tại các nang lông của da. Những hiểu biết về sinh bệnh học cho thấy các yếu tố quan trọng góp phần cho sự hình thành và phát triển mụn trứng cá bao gồm sự gia tăng keratin hóa tại cổ nang lông, gia tăng số lượng vi khuẩn P. acnes, tăng sản xuất bã nhờn và phản ứng viêm tại chỗ. Điều trị nội khoa gồm thuốc uống và thuốc bôi tại chỗ là điều trị hữu hiệu cho nhiều dạng mụn vì tác động lên các cơ chế bệnh sinh gây mụn. Điều trị mụn nội khoa cơ bản gồm những nhóm thuốc sau đây.
- Retinoid
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc ngừa thai
- Các nhóm thuốc khác
Các thuốc nhóm retinoid
Retinoid bao gồm vitamin A (retinol) và các chất chuyển hóa của nó được sử dụng rất phổ biến trong điều trị mụn cũng như trẻ hóa làn da.
Trong điều trị mụn, kể từ khi được cấp phép lần đầu tiên năm 1971 cho đến nay, retinoid ở cả dạng bôi ngoài da và dạng viên uống đã được công nhận rộng rãi trong các hướng dẫn điều trị mụn trên khắp thế giới. Về mặt cơ chế, retinoid giúp điều chỉnh tình trạng tăng tiết bã nhờn. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên mụn. Ngoài ra, retinoid còn làm thông thoáng lỗ chân lông, tạo điều kiện cho các thuốc khác thấm sâu vào da. Retinoid cũng có hiệu quả giảm sẹo mụn nhờ kích thích sản sinh collagen.
Retinoid bôi ngoài da hiện đang được sử dụng trong điều trị mụn là tretinoin và adapalene; còn retinoid dạng uống sử dụng là isotretinoin.
Retinoid dùng đường bôi
Tretinoin là retinoid dùng ngoài da đầu tiên được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá. Cho đến nay, tretinoin vẫn được xem là lựa chọn hàng đầu trong điều trị dài hạn mụn viêm và mụn không viêm. Bên cạnh đó, tretinoin cũng được phê duyệt bởi Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) trong điều trị các nếp nhăn.
Tretinoin kích thích sản sinh collagen, làm đầy các nếp nhăn, đẩy nhanh quá trình lành vết thương sau can thiệp thẩm mỹ, đồng thời cũng giúp hình thành các mạch máu mới, mang lại cho làn da vẻ hồng hào và làm mờ dần những đốm đồi mồi, tăng sắc tố sau viêm hoặc nám.
Adapalene cũng là hoạt chất sử dụng rất phổ biến trong điều trị mụn ở dạng chế phẩm bôi ngoài da. Adapalene giúp điều trị mụn vì có tác dụng điều hòa quá trình viêm và quá trình keratin hóa.
Nhiều nghiên cứu lâm sàng so sánh hiệu quả của adapalene dạng gel 0,1% so với tretinoin dạng gel 0,5% ở những đợt bùng phát mụn cho thấy adapalene mang lại hiệu quả tương đương, khởi phát tác động nhanh và ít gây kích ứng hơn. Một lợi ích cộng thêm khác nữa của adapalene đó là chất này bền vững với ánh sáng và bền vững về mặt cấu trúc hơn so với tretinoin. Adapalene không bị oxy hóa do đó có thể sử dụng phối hợp với benzoyl peroxide.
Retinoid dùng đường uống
Retinoid đường uống isotretinoin đóng vai trò quan trọng trong các liệu trình điều trị mụn với những kết quả hết sức ấn tượng trên những trường hợp mụn nặng. Sử dụng chỉ một liệu trình isotretinoin có thể giúp cải thiện lâu dài tình trạng mụn.
Isotretinoin tác động toàn diện đến cơ chế bệnh sinh của mụn: làm giảm sản xuất bã nhờn, bình thường hóa sự keratin hóa tại lỗ chân lông, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn P. acnes và làm giảm viêm.
Nhóm thuốc kháng sinh
Cơ chế tác động của kháng sinh trong điều trị mụn trứng cá là sự cộng hợp của cả hoạt tính ức chế phản ứng viêm của cơ thể đối với vi khuẩn và hoạt tính diệt vi khuẩn P. acnes. Do đó, kháng sinh đặc biệt mang lại hiệu quả trong điều trị mụn viêm bao gồm mụn sẩn, mụn mủ và mụn bọc. Trong điều trị mụn, kháng sinh được sử dụng ở dạng bôi tại chỗ và đường uống.
Kháng sinh dạng bôi thấm vào nang lông để phát huy hoạt tính kháng viêm và hoạt tính kháng khuẩn trực tiếp trên vi khuẩn P. acnes. Kháng sinh tại chỗ được chỉ định cho trường hợp mụn trứng cá nhẹ hoặc trung bình, được sử dụng kết hợp với benzoyl peroxide và retinoid dạng bôi.
Việc phối hợp này giúp gia tăng hiệu quả điều trị mụn đồng thời làm giảm nguy cơ đề kháng kháng sinh của các vi khuẩn. Kháng sinh dùng ngoài da được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị mụn hiện nay là erythromycin, một kháng sinh nhóm macrolide và clindamycin, một dẫn xuất của lincosamide.
Kháng sinh đường uống từ nhiều năm qua đã được xem là thuốc có hiệu quả cao trong điều trị mụn trứng cá dạng viêm từ trung bình đến nặng hoặc trong một số trường hợp không thành công với kháng sinh tại chỗ.
Các kháng sinh đường uống nhóm tetracycline (tetracycline, doxycycline, minocycline), nhóm macrolide (erythromycin, azithromycin), cotrimoxazole, amoxicillin và cephalexin đã chứng minh hiệu quả rõ rệt giúp tiêu diệt vi khuẩn P. acnes gây nên tình trạng mụn viêm; trong đó kháng sinh nhóm tetracycline thường được sử dụng hơn cả do đặc tính kháng viêm mạnh.
Nhóm thuốc ngừa thai
Thuốc ngừa thai đường uống tác động làm giảm nội tiết tố sinh dục nam androgen là nguyên nhân làm tăng bài tiết bã nhờn tại lỗ chân lông gây nên mụn.
Kết quả từ một phân tích tổng hợp trên 12.579 người tham gia cho thấy thuốc ngừa thai đường uống giúp giảm tổng số tổn thương do mụn viêm và mụn không viêm, làm giảm độ nặng của mụn và cải thiện tình trạng mụn theo đánh giá của bệnh nhân trong tất cả các nghiên cứu so với giả dược.
Trong phần lớn các nghiên cứu được phân tích, tổng số các tổn thương do mụn giảm trung bình từ 40-60% ở nhóm sử dụng thuốc ngừa thai đường uống. Đặc biệt, số lượng tổn thương do mụn viêm giảm nhiều hơn so với tổn thương do mụn không viêm.
Hiện tại, có 4 thuốc ngừa thai đường uống được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ FDA phê duyệt trong điều trị mụn, đó là 4 phối hợp ethinyl estradiol với norgestimate, ethinyl estradiol với norethindrone acetate và sắt fumarate, ethinyl estradiol với drospirenone và phối hợp ethinyl estradiol với drospirenone và levomefolate.
Thuốc ngừa thai đường uống đặc biệt hiệu quả ở dạng mụn liên quan đến nội tiết tố. Thuốc ngừa thai đường uống cũng đặc biệt phù hợp cho phụ nữ bị mụn và muốn tránh thai. So với các liệu pháp khác, thuốc ngừa thai đường uống cần thời gian lâu hơn để cho thấy hiệu quả, thông thường từ 3 đến 6 tháng. Do đó, thuốc ngừa thai đường uống hiện nay cũng ít được lựa chọn như là điều trị đầu tay trong điều trị mụn.
Các thuốc khác
Benzoyl peroxide (BP) là tác nhân có tính oxy hóa mạnh, tạo ra các oxy tự do tại nang lông, từ đó tiêu diệt P. acnes. Nhờ cơ chế tác động này, vi khuẩn P. acnes không thể phát triển đề kháng với benzoyl peroxide. Hiện nay, trên thị trường, BP thường có mặt trong các chế phẩm thuốc bôi ngoài da, dạng phối hợp với retinoid adapalene hay kháng sinh nhằm mang lại hiệu quả điều trị cộng hợp trên vi khuẩn P. acnes.
Salicylic acid (SA) là một beta hydroxy acid (BHA) hoạt động bằng cách hòa tan dầu thừa và nhẹ nhàng tẩy tế bào da chết giúp làm sạch lỗ chân lông. SA cũng có đặc tính kháng viêm gây ra bởi sự tắc nghẽn sâu trong nang lông dưới da.
Azelaic acid là dicarboxylic acid tự nhiên được tìm thấy trong các loại ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch; có tác dụng làm thông thoáng lỗ chân lông, kháng khuẩn và chống viêm. Ngoài ra, azelaic acid cũng giúp làm sáng da và hỗ trợ điều trị rối loạn sắc tố sau viêm do mụn trứng cá.
Sulfur tuy là một hoạt chất có mùi khó ngửi (mùi trứng thối), nhưng nó là một thành phần hiệu quả trong việc làm khô mụn nhọt và mụn đầu trắng. Nó cũng có hiệu quả hấp phụ dầu thừa. Sulfur thường được trộn với các hoạt chất khác trong các chế phẩm bôi ngoài da để nâng cao hiệu quả điều trị và có hương thơm để che giấu mùi thực của nó.
Các lưu ý khi điều trị mụn nội khoa
Các thuốc dùng đường bôi
Test dị ứng: trước khi sử dụng, nên bôi thử thuốc lên vùng da mỏng ở mặt trước của cẳng tay, sau 6-8 giờ mà không có phản ứng đặc biệt mới được sử dụng lên da mặt.
Dùng thuốc bôi dưới sự thăm khám và kê toa của Bác sĩ Da liễu: rất nhiều các hoạt chất dùng để điều trị mụn đường bôi bao gồm kháng sinh, tretinoin, adapalen là các thuốc kê toa (ETC) mà không phải là các thuốc OTC, tức có thể mua và sử dụng không cần toa Bác sĩ. Vì thế, thuốc thoa điều trị mụn không phải là sản phẩm có thể sử dụng tùy tiện, việc điều trị nên thực hiện theo chỉ định của Bác sĩ để đảm bảo về liều lượng và thời gian sử dụng phù hợp.
Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc: không được dùng các loại kem trộn hay các sản phẩm không rõ nguồn gốc để điều trị mụn vì luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm corticoid, chất này nếu sử dụng thời gian dài sẽ gây các biến chứng nghiêm trọng rất khó điều trị.
Kết hợp chăm sóc da: chăm sóc da là điều cực kỳ cần thiết đối với bệnh nhân bị mụn trứng cá. Đặc biệt, những người đang sử dụng thuốc bôi điều trị mụn khiến khô và thiếu ẩm hơn bình thường nên quy trình chăm sóc da phải bổ sung thêm bước cấp ẩm sau bước làm sạch da, cuối cùng là bước chống nắng cũng không thể thiếu. Ngoài ra nên điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, uống đủ nước mỗi ngày để có một làn da khỏe từ bên trong.
Các thuốc dùng đường uống
Chỉ uống thuốc dưới sự thăm khám và kê toa của Bác sĩ Da liễu như kháng sinh hay tretinoin là những thuốc điều trị mụn đường uống mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ đúng liệu trình và hướng dẫn của Bác sĩ bao gồm dùng đủ liều, không tự ý ngưng thuốc để tránh đề kháng kháng sinh, khiến việc điều trị mụn trở nên phức tạp và mất nhiều thời gian, chi phí hơn.
Cụ thể, theo khuyến cáo của Hiệp hội Da liễu Singapore, isotretinoin đường uống chỉ nên được sử dụng trong trường hợp mụn nang, mụn bọc nặng; các trường hợp mụn đã thất bại với liệu trình 6-8 tuần kháng sinh đường uống phối hợp benzoyl peroxide bôi ngoài da.
Hiệu quả cao trong điều trị mụn nhưng tiềm ẩn nguy cơ các tác dụng phụ, isotretinoin phải được sử dụng dưới sự kê đơn và theo dõi của Bác sĩ Da liễu, sau khi cân nhắc lợi ích thuốc mang lại và nguy cơ tác dụng phụ có thể xảy ra.
Kiểm tra chỉ số men gan và mỡ máu trước, trong và sau quá trình trị liệu, trong thời gian sử dụng isotretinoin, Bác sĩ Da liễu cần theo dõi chặt chẽ tình trạng tâm lý bệnh nhân cùng các chỉ số sinh hóa để đưa ra quyết định tiếp tục điều trị hay ngưng isotretinoin.
Không sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai và cho con bú: một số loại kháng sinh hay isotretinoin có nguy cơ gây dị tật thai nhi, vì thế trong quá trình điều trị mụn tuyệt đối không được mang thai. Nếu có ý định mang thai nên báo ngay cho Bác sĩ điều trị để dừng thuốc trước một khoảng thời gian quy định tùy vào loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng.
>>> Xem thêm: Những lưu ý khi uống isotretinoin trong điều trị mụn
Tóm lại, có thể nói điều trị nội khoa là điều trị nền tảng cho các trường hợp mụn và vẫn giữ nguyên giá trị quan trọng trong các phác đồ điều trị mụn cập nhật hiện nay. Các liệu pháp khác như sử dụng ánh sáng sinh học, xung ánh sáng cực mạnh IPL, peel da bằng các acid hữu cơ hay tiêm vi điểm mesotherapy kết hợp với điều trị nội khoa, giúp đẩy nhanh quá trình điều trị, không thể thay thế hoàn toàn cho điều trị nội khoa.
Cũng cần nhấn mạnh rằng điều trị mụn nội khoa dù bằng thuốc uống hay thuốc bôi ngoài da nên được quyết định bởi Bác sĩ Da liễu, dựa trên tình trạng da, mức độ mụn cũng như đặc điểm cá thể của từng người (độ tuổi, giới tính, khả năng đáp ứng với thuốc và kỳ vọng điều trị của từng người).
Nên đến các Phòng khám Da liễu uy tín như Phòng khám Doctor Acnes để được Bác sĩ Da liễu thăm khám, hướng dẫn điều trị với các thuốc uống, thuốc bôi cũng như được Bác sĩ chọn lựa đúng liệu pháp kết hợp phù hợp nhất cho tình trạng da của mình.
Tài liệu tham khảo
- Arowojolu AO, Gallo MF, Lopez LM, Grimes DA. “Combined oral contraceptive pills for treatment of acne“. Cochrane Database of Systematic Reviews. 2012, Issue 7. Art. No.: CD004425
- Beckenbach L, Baron JM, Merk HF, Löffler H, Amann PM. “Retinoid treatment of skin diseases“. Eur J Dermatol. 2015;25(5):384-391
- Chien A. “Retinoids in Acne Management: Review of Current Understanding, Future Considerations, and Focus on Topical Treatments“. J Drugs Dermatol. 2018;17(12):s51-s55
- Oon, Hazel H et al. “Acne Management Guidelines by the Dermatological Society of Singapore”. The Journal of clinical and aesthetic dermatology vol. 12,7(2019):34-50
- Salvaggio HL, Zaenglein AL. “Examining the use of oral contraceptives in the management of acne“. Int J Womens Health. 2010;2:69-76
- Zaenglein, Andrea L et al. “Guidelines of care for the management of acne vulgaris”. Journal of the American Academy of Dermatology vol. 74,5 (2016): 945-73.e33