Tretinoin có thoa lâu dài được không?

Ngày 13/03/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(2)

Tretinoin là “vũ khí” mạnh mẽ trong điều trị mụn, chống lão hóa và cải thiện làn da. Nhưng liệu có an toàn khi sử dụng lâu dài? Bài viết này sẽ giải đáp tất cả thắc mắc, từ lợi ích, tác dụng phụ đến cách dùng tretinoin hiệu quả và an toàn nhất.

Tretinoin là gì?

Tretinoin, còn được gọi là retinoic acid , là một dẫn xuất của vitamin A thuộc nhóm retinoid. Đây là hoạt chất được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực da liễu nhờ vào khả năng thúc đẩy tái tạo da, trị mụn, cải thiện sắc tố và chống lão hóa.

Tretinoin hoạt động bằng cách kích thích quá trình thay mới tế bào, giúp loại bỏ lớp da chết và thúc đẩy sản sinh collagen. Điều này không chỉ giúp da trở nên mịn màng mà còn giảm tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, nguyên nhân chính gây ra mụn.

Trong điều trị, tretinoin thường được dùng dưới dạng kem bôi hoặc gel với các nồng độ khác nhau (0.025%, 0.05%, 0.1%), phù hợp với từng loại da và mục đích sử dụng như giảm mụn, làm mờ nếp nhăn và cải thiện làn da không đều màu.

Tretinoin được chỉ định trong rất nhiều bệnh lý da liễu
Tretinoin được chỉ định trong rất nhiều bệnh lý da liễu

Tretinoin dùng lâu dài được không?

Việc sử dụng tretinoin lâu dài hoàn toàn an toàn khi được kiểm soát đúng cách. Các nghiên cứu cho thấy sự hấp thu toàn thân của tretinoin qua da là không đáng kể, ngay cả khi bôi tretinoin 0.025% hai lần mỗi ngày trên 40% diện tích cơ thể trong vòng 1 tháng.

Sử dụng tretinoin bôi ngoài da với liều dùng để điều trị mụn (như 2g gel 0.025% mỗi ngày trên mặt, cổ, ngực) không làm tăng nồng độ retinoid nội sinh trong huyết tương, vì vậy không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, do tretinoin là hoạt chất mạnh, khi chuyển sang giai đoạn duy trì, liều dùng có thể được giảm hoặc thay thế bằng các hoạt chất khác cùng nhóm để tránh kích ứng da và duy trì hiệu quả điều trị. Đây là hình thức hạ bậc điều trị, phù hợp khi tình trạng da đã được cải thiện đáng kể.

Hướng dẫn sử dụng tretinoin an toàn và hiệu quả

Để sử dụng tretinoin một cách an toàn và hiệu quả, điều quan trọng là phải lựa chọn sản phẩm phù hợp với da, tuân thủ quy trình chăm sóc đúng cách và tránh các sai lầm phổ biến. Dưới đây là các bước cụ thể:

Lựa chọn nồng độ và dạng tretinoin phù hợp

Tretinoin có nhiều nồng độ, phổ biến nhất là 0,025%, 0,05% và 0,1%. Với người mới bắt đầu, nồng độ 0,025% là lựa chọn an toàn nhất vì ít gây kích ứng. Bên cạnh đó, cần lưu ý dạng bào chế:

  • Dạng gel: phù hợp cho da dầu, da mụn hoặc dùng trong mùa hè. Dạng gel nồng độ 0,05% của tretinoin tương đương hiệu quả với dạng cream ở nồng độ 0,1%.
  • Dạng cream: thích hợp cho da khô hoặc dùng trong mùa đông, giúp giữ ẩm và giảm nguy cơ kích ứng hơn so với dạng gel.

Tần suất và cách sử dụng

Khi bắt đầu, chỉ nên bôi tretinoin 2 lần mỗi tuần, sau đó tăng dần lên 3 lần/tuần hoặc hàng ngày nếu da không có dấu hiệu kích ứng như đỏ rát hoặc bong tróc. Lượng sử dụng lý tưởng là một chấm nhỏ bằng hạt đậu, vừa đủ cho toàn mặt.

Thời điểm bôi tretinoin

Tretinoin dễ bị phân hủy dưới ánh sáng, vì vậy nên bôi vào buổi tối trước khi đi ngủ. Điều này giúp tretinoin hoạt động hiệu quả hơn và giảm nguy cơ kích ứng da do tia UV.

Chăm sóc da kết hợp khi dùng tretinoin

Trong tuần đầu, hiện tượng da khô, bong tróc hoặc đỏ rát có thể xảy ra do thiếu hụt ceramide. Sử dụng kem dưỡng ẩm giàu ceramide là cách tốt nhất để phục hồi lớp màng bảo vệ da. Đồng thời, cần chống nắng kỹ lưỡng bằng kem chống nắng có SPF cao để bảo vệ da, vì tretinoin làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng.

Thứ tự sử dụng tretinoin trong chu trình skincare

Với dạng gel, bôi tretinoin trước kem dưỡng ẩm để hoạt chất thẩm thấu tốt hơn. Với dạng cream, có thể bôi trước hoặc sau kem dưỡng ẩm, tùy vào tình trạng da.

Cẩn trọng khi kết hợp tretinoin với các thành phần khác

  • Tránh dùng chung tretinoin với vitamin C, BHA, AHA hoặc benzoyl peroxide trong cùng một thời điểm, vì có thể gây kích ứng hoặc làm mất hiệu quả. Các hoạt chất này nên được sử dụng cách ngày hoặc cách buổi.
  • Tretinoin có thể kết hợp hiệu quả với niacinamide để tăng cường dưỡng ẩm, làm sáng da và giảm kích ứng.

Tác dụng phụ khi sử dụng tretinoin bôi ngoài da

Tác dụng phụ phổ biến nhất khi thoa tretinoin là kích ứng da với các biểu hiện như nổi mẩn đỏ, rát, châm chích, da khô, bong tróc. Phản ứng này thường chỉ là tạm thời nhưng gây khó chịu cho nhiều bệnh nhân, phản ứng kích ứng có xu hướng đạt đỉnh điểm trong tháng đầu điều trị và giảm dần sau đó.

Để hạn chế hiện tượng kích ứng nên bắt đầu thoa tretinoin với tần suất thấp, nồng độ thấp trước và thoa kèm với kem dưỡng ẩm.

Tác dụng phụ phổ biến nhất khi thoa tretinoin tại chỗ là kích ứng da
Tác dụng phụ phổ biến nhất khi thoa tretinoin tại chỗ là kích ứng da

Xem thêm các bài viết liên quan

Phụ nữ có thai và cho con bú có thoa tretinoin được không?

Retinoid đường uống đã được chứng minh có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh và tử vong phôi thai, khiến nhiều người lo ngại về khả năng gây quái thai khi sử dụng tretinoin tại chỗ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng về nguy cơ dị tật ở trẻ từ những bà mẹ sử dụng tretinoin ngoài da trong thai kỳ.

Dù tretinoin thoa ngoài da không được hấp thụ toàn thân và chưa có bằng chứng gây dị tật nhưng sản phẩm này vẫn được khuyến cáo chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú để đảm bảo an toàn tối đa. Vì vậy, tốt nhất nên tránh sử dụng tretinoin trong giai đoạn này.

tretinoin nên tránh sử dụng ở phụ nữ mang thai và cho con bú
Tretinoin nên tránh sử dụng ở phụ nữ mang thai và cho con bú

Tretinoin đã được chứng minh là an toàn khi sử dụng lâu dài và hiệu quả trong điều trị nhiều vấn đề về da. Tuy nhiên, do tính chất dễ gây kích ứng và chống chỉ định với phụ nữ mang thai, việc sử dụng tretinoin cần có sự hướng dẫn từ Bác sĩ Da liễu. Nếu cần hỗ trợ trong việc lựa chọn sản phẩm hoặc xây dựng chu trình chăm sóc da phù hợp, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 để được tư vấn bởi Bác sĩ Da liễu nhé!

Tài liệu tham khảo

  1. Melika Motamedi, Ahmad Chehade, Ravina Sanghera, Parbeer Grewal. “A Clinician’s Guide to Topical Retinoids“. J Cutan Med Surg . 2022 Jan-Feb;26(1):71-78. doi: 10.1177/12034754211035091. Epub 2021 Jul 22
  2. SEWON KANG. “Fitzpatrick’s Dermatology 9th”. 2019
  3. Jean L. Bolognia. “Dermatology 4th”. 2018

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 2

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84