Kem chống nắng là vật bất ly thân của tất cả mọi người để duy trì làn da khỏe mạnh và tươi trẻ, vì nếu không dùng kem chống nắng, tất cả công sức chăm sóc da đều trở thành vô ích. Tuy nhiên, không phải loại kem chống nắng nào cũng phù hợp với mọi loại da. Do đó, việc lựa chọn kem chống nắng phù hợp với loại da của mình là rất quan trọng.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết để chọn và sử dụng kem chống nắng hiệu quả nhất.
Tầm quan trọng của kem chống nắng
Ánh nắng mặt trời đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp vitamin D cho cơ thể, nhưng cũng chứa nhiều tia tử ngoại (UVA, UVB, UVC) gây hại cho da. Nếu không sử dụng kem chống nắng, da dễ bị cháy nắng, lão hóa, và nguy cơ ung thư da tăng cao. Vì vậy, ánh nắng mặt trời được ví như “sát thủ làn da”.
- Tia UVA (bước sóng 380 – 315nm): có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da.
- Tia UVB (bước sóng 315 – 280nm): vẫn có khả năng xuyên một phần qua ozon và khí quyển, làm đen da, gây tổn thương da và ung thư da.
- Tia UVC (bước sóng 280 – 100nm): tia UV có năng lượng cao nhất, gây ung thư da nhưng thật may mắn vì đã bị chặn lại phần lớn bởi tầng ozon.
Tầng ozon hấp thụ hầu hết các tia UVB và UVC, do đó 99% tia tử ngoại đến được mặt đất thuộc dạng tia UVA. Tuy nhiên, do tình trạng thủng tầng ozon hiện nay đang ở mức báo động khiến các tia UVB, UVC trong ánh nắng mặt trời trở nên dày đặc hơn. Điều này làm cho việc sử dụng kem chống nắng trở nên cực kỳ cần thiết.
Kem chống nắng tốt giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV. Ngoài hiệu quả chống nắng, nhiều loại kem chống nắng còn có các lợi ích khác như giữ ẩm, kiềm dầu, chống lão hóa và làm trắng da. Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần tìm hiểu giá trị cốt lõi của kem chống nắng đối với làn da, gồm 4 công dụng chính:
- Giảm nguy cơ cháy nắng: khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tia UV có thể gây đỏ, đen sạm và bong tróc da. Kem chống nắng hoạt động như một lá chắn hoàn hảo, hấp thụ hoặc phản xạ tia UV, ngăn chúng tiếp xúc với da và gây ra tình trạng đen sạm.
- Ngăn ngừa ung thư: tia UV có thể biến đổi DNA trong tế bào da, tạo ra các tế bào dị biệt gây ung thư. Nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh rằng, việc sử dụng kem chống nắng thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa ung thư da bằng cách tạo hàng rào bảo vệ tế bào khỏi tác hại của tia UV.
- Chống lão hóa: ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính gây lão hóa da. Theo nghiên cứu, kem chống nắng giúp duy trì sự tươi trẻ của làn da, giảm 24% nguy cơ lão hóa so với không sử dụng hoặc sử dụng không thường xuyên.
- Giúp da khỏe mạnh, săn chắc: kem chống nắng ngăn tình trạng đứt gãy collagen và elastin trong da, giúp da căng bóng và mịn màng. Hiệu quả sẽ được tối ưu khi kết hợp với mỹ phẩm chứa vitamin C và E.
Phân biệt các loại kem chống nắng
Hiện tại trên thị trường có rất nhiều sản phẩm kem chống nắng của nhiều hãng mỹ phẩm khác nhau. Tuy nhiên để phân loại, thì kem chống nắng có 2 loại điển hình đó là kem chống nắng vật lý và hóa học.
Kem chống nắng vật lý (sunblock)
Kem chống nắng vật lý là loại kem vô cơ có khả năng phản xạ lại các tia UV, không cho tia UV xuyên qua da. Lớp kem nằm trên da như một áo giáp bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV.
Thành phần chính thường có zinc oxide và titanium dioxide.
Ưu điểm
- Kem chống nắng vật lý là dạng lành tính và ít gây kích ứng nhất cho da, phù hợp với cả da nhạy cảm đến cực kỳ nhạy cảm.
- Tính chất ít nhờn rít, phù hợp với da dầu và dễ nổi mụn.
- Sau khi thoa có thể ra ngoài luôn mà không cần đợi kem thẩm thấu vào da.
- Bảo vệ da toàn diện khỏi tia UVA và UVB.
- Bảo vệ da bền vững dưới tác động của môi trường.
Nhược điểm
- Do có thành phần chính là zinc oxide và titanium dioxide nên khi sử dụng kem chống nắng vật lý da thường lên tông màu.
- Kết cấu kem đặc, khó tán trên da và dễ để lại các vệt trắng trên bề mặt da.
- Dễ bị trôi nếu da tiết nhiều mồ hôi khi hoạt động ngoài trời nhiều hoặc tiếp xúc với nước nên cần phải bôi lại thường xuyên.
Kem chống nắng hóa học (sunscreen)
Đây là kem chống nắng được điều chế từ những thành phần hóa học, thay vì phản xạ lại tia UV, ngăn không cho tia UV xuyên qua da như kem chống nắng vật lý, kem chống nắng hóa học sẽ hấp thụ các tia UV để phân hủy và xử lý trước khi chúng gây nguy hại cho da.
Thành phần chính thường có avobenzone, oxybenzone, tinosorb, octylcrylene.
Ưu điểm
- Có kết cấu mỏng, nhẹ nên ít gây bít tắc lỗ chân lông, thuận tiện cho việc sử dụng hàng ngày.
- Dễ tán và không gây vệt trắng trên da.
- Phù hợp với da mụn, da dầu.
Nhược điểm
- Thường mang lại cảm giác nhờn, dính.
- Dễ gây kích ứng cho da đặc biệt là da nhạy cảm.
- Kém bền vững dưới tác động của môi trường, vì thế thời gian cần bôi lại sẽ nhanh hơn so với vật lý.
- Do có thành phần hóa học, nên khi bôi lên mắt có thể sẽ gây khó chịu hoặc cay mắt.
- Cần phải đợi 15 – 20 phút để kem có tác dụng trên da rồi mới đi ra ngoài được.
Kem chống nắng có nhiều dạng bào chế khác nhau để phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Các dạng bào chế phổ biến nhất bao gồm dạng kem, lotion và sữa.
- Dạng kem: có độ nhớt cao nhất (150.000 – 500.000cps), bám dính tốt, thích hợp cho các hoạt động ngoài trời nhưng có thể gây cảm giác bết dính, nặng mặt và cần tẩy trang kỹ.
- Dạng lotion: độ nhớt thấp hơn dạng kem (dưới 50.000cps), mỏng nhẹ hơn trên da, dễ sử dụng, ít gây cảm giác bết dính nhưng độ bám dính kém hơn.
- Dạng sữa: độ nhớt thấp nhất, dễ sử dụng, mang lại cảm giác mỏng nhẹ, nhưng cần bôi lại thường xuyên hơn do khả năng bám dính kém nhất.
Cách chọn kem chống nắng cho từng loại da
Cách chọn kem chống nắng cho da nhạy cảm
Nếu sở hữu làn da nhạy cảm, hãy tránh các sản phẩm chứa hương liệu, cồn, paraben, và chất bảo quản. Nên chọn kem chống nắng vật lý dạng lotion hoặc dạng sữa, vì thành phần của nó thường lành tính và an toàn. Trước khi sử dụng, hãy kiểm tra kỹ thành phần chính để đảm bảo phù hợp với làn da.
Kem chống nắng bổ sung hoạt chất như hyaluronic acid, niacinamide, panthenol rất phù hợp cho da nhạy cảm. Chuyên gia da liễu khuyến cáo nên thử một lượng nhỏ sản phẩm trên da trước khi sử dụng hàng ngày để đảm bảo không gây kích ứng.
Cách chọn kem chống nắng cho da dầu (da nhờn)
Làn da dầu dễ bị bít tắc lỗ chân lông và nổi mụn nếu sử dụng kem chống nắng không phù hợp. Hãy chọn các loại kem không gây nhờn (non-greasy) hoặc có tính chất kiềm dầu. Kem chống nắng chứa các chất giữ ẩm như hyaluronic acid, glycerin hay niacinamide giúp kiểm soát lượng dầu thừa và duy trì độ ẩm cho da mà không gây bít tắc lỗ chân lông.
Da dầu, đặc biệt có mụn, nên ưu tiên kem chống nắng vật lý có kết cấu mỏng nhẹ dạng lotion hoặc sữa. Nếu da không quá nhạy cảm và không có vấn đề về mụn, kem chống nắng hóa học với kết cấu mỏng nhẹ và khả năng thấm hút nhanh là lựa chọn lý tưởng.
Cách chọn kem chống nắng cho da khô
Làn da khô dễ chọn kem chống nắng hơn, nhưng cần lưu ý chọn sản phẩm chứa thành phần dưỡng ẩm như hyaluronic acid, lô hội và ceramide sẽ giúp da khô được bảo vệ và dưỡng ẩm hiệu quả.
Ngoài ra, có thể sử dụng kem dưỡng ẩm trước khi thoa kem chống nắng giúp da luôn căng mịn và mềm mại. Nên chọn kem chống nắng vật lý dạng lotion hoặc dạng kem, vì chúng tồn tại trên da lâu hơn và giữ ẩm tốt hơn.
Cách chọn kem chống nắng cho da mụn
Da mụn cần sự bảo vệ tuyệt đối khỏi viêm nhiễm và bít tắc lỗ chân lông. Nên chọn kem chống nắng có dán nhãn “non-comedogenic” (không gây bít lỗ chân lông) và tránh các sản phẩm chứa hương liệu, cồn và paraben. Ưu tiên kem chống nắng có kết cấu nhẹ và không chứa dầu để tránh làm tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
Một số loại kem chống nắng kiềm dầu dành cho da mụn từ các thương hiệu như Bioderma, Uriage, La Roche-Posay có thể là lựa chọn tốt.
Xem thêm các bài viết liên quan
Các chỉ số kem chống nắng
Chỉ số SPF và PA là hai chỉ số cho biết được khả năng chống lại tia UV của kem chống nắng. Khi lựa chọn một loại kem chống nắng nên quan tâm tới hai chỉ số này.
Chỉ số SPF
Chỉ số SPF (sun protection factor) đo lường khả năng chống lại tia UVB của kem chống nắng. Nó được tính dựa trên số giờ và tỷ lệ phần trăm bảo vệ da khỏi tác hại của tia UVB. Chỉ số SPF thường dao động từ 15 đến 100. Chỉ số SPF được hiểu theo hai cách như sau:
- Theo thời gian: 1 SPF tương đương với 10 phút bảo vệ da khỏi tia UVB. Ví dụ, SPF 30 bảo vệ da trong khoảng 300 phút.
- Theo phần trăm: SPF 15 chặn khoảng 93.4% tia UVB, SPF 30 chặn 96.7%, và SPF 50 chặn 98%. Tỷ lệ này cũng mang tính chất tương đối trong một thời gian nhất định.
Chuyên gia da liễu khuyên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và khuyến nghị nên tránh nắng ngay cả khi đã sử dụng kem chống nắng.
Chỉ số PA
PA (protection grade of UVA) là chỉ số đo lường khả năng lọc tia UVA của kem chống nắng do Hiệp hội Mỹ phẩm Nhật Bản công bố. Chỉ số PA được ký hiệu bằng các dấu “+”, biểu thị khả năng chống tia UVA như sau:
- PA+: khả năng chống tia UVA ở mức từ 40 – 50%.
- PA++: khả năng chống tia UVA tốt hơn, ở mức từ 60 – 70%.
- PA+++: khả năng chống tia UVA tốt, tới 90%.
- PA++++: khả năng chống tia UVA rất tốt, trên 95%.
Một số kem chống nắng có thể không ghi chỉ số PA mà sử dụng các ký hiệu như UVA – UVB, UVA/UVB hay UVA1, UVA2, hoặc các ký hiệu riêng theo thương hiệu hoặc quốc gia. Ví dụ, SPF 60 – 12 có nghĩa là SPF 60 và PA+++.
Hướng dẫn sử dụng kem chống nắng đúng cách
Để kem chống nắng phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ da, cần tuân thủ các nguyên tắc sử dụng đúng cách sau:
- Thoa kem chống nắng hàng ngày: tia UV luôn hiện diện vào ban ngày quanh năm, ngay cả khi trời râm hay khi bạn ở trong nhà. Chỉ vài phút tiếp xúc với UV mỗi ngày cũng đủ làm da lão hóa. Vì vậy, hãy sử dụng kem chống nắng thường xuyên và kết hợp với các biện pháp che chắn khác.
- Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài: kem chống nắng hóa học cần ít nhất 15 phút để thẩm thấu và phát huy tác dụng. Vì vậy, hãy bôi kem từ 15 – 20 phút trước khi ra ngoài. Với kem chống nắng vật lý, chỉ cần bôi ngay trước khi ra ngoài. Nhớ bôi lại nếu tiếp xúc với nước hoặc ra nhiều mồ hôi.
- Sử dụng đủ lượng kem chống nắng: liều lượng khuyến cáo là 2 mg/cm² da. Để bôi kem chống nắng cho mặt cần từ 1 – 2g kem, tương đương 1/3 – 1/4 muỗng cà phê. Với cơ thể, liều lượng chuẩn là 25 – 30g, tương đương một ly rượu nhỏ.
- Bôi lại kem chống nắng khi cần: nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi 90 phút. Nếu hoạt động đổ nhiều mồ hôi hoặc bơi lội, hãy bôi lại ngay khi có thể.
Tóm lại, sử dụng kem chống nắng đúng cách bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng, ngăn ngừa lão hóa và ung thư da. Hiểu rõ cách chọn và dùng kem chống nắng sẽ giúp bạn đạt hiệu quả tối đa. Nếu bạn cần tư vấn, các Dược sĩ tại Phòng khám Doctor Acnes sẽ giúp bạn chọn sản phẩm phù hợp nhất.
Tài liệu tham khảo
- Mayoclinic.org “Ask Mayo Expert: Sunburn”. Mayo Foundation for Medical Education and Research; 2018. Rochester, Minnesota
- FDA.gov “Tips to stay safe in the sun: From sunscreen to sunglasses”. U.S. Food and Drug Administration
- AAD.org “Sunscreen FAQs”. American Academy of Dermatology. March 14, 2019
- Elma D Baron. “Selection of sunscreen and sun-protective measures”. Uptodate. Aug 11, 2020