Mụn nội tiết là thuật ngữ được sử dụng để chỉ loại mụn trứng cá có liên quan đến sự thay đổi nội tiết trong cơ thể. Mụn nội tiết có thể xảy ra ở cả nam và nữ, thường khó điều trị vì không đáp ứng tốt với những phương pháp điều trị thông thường. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu chi tiết về mụn nội tiết cũng như cách điều trị hiệu quả nhất cho loại mụn này.
Mụn nội tiết là gì?
Mụn nội tiết hay mụn trứng cá ở người trưởng thành là một loại mụn phổ biến có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng sản xuất hormone androgen trong cơ thể. Hormone androgen kích thích tình trạng tăng tiết bã nhờn trên da kết hợp với bụi bẩn và tế bào chết làm bít tắc lỗ chân lông.
Khi tuyến bã nhờn trên da bị tắc nghẽn, vi khuẩn P. acnes có thể phát triển và gây viêm nhiễm, dẫn đến sự hình thành của các nốt mụn đỏ, mủ và sưng tấy. Mụn nội tiết có thể xuất hiện trên mặt, cổ, lưng, ngực và thường gây ra cảm giác khó chịu và mất tự tin.
Tuy nhiên, nó chỉ là thuật ngữ để nói về sự đáp ứng quá mức của tuyến bã nhờn với nội tiết tố trong cơ thể. Bởi không phải ai bị mụn nội tiết đều có nồng độ nội tiết tố trong máu cao, mà ngược lại, đa số đều ở mức bình thường. Vậy nên, để chính xác hơn, trong y khoa thường gọi mụn nội tiết là mụn liên quan nội tiết.
Nhận biết các mức độ của mụn nội tiết
Trên lâm sàng, mụn được phân loại thành 6 mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng, dựa trên số lượng, kích thước, mức độ viêm của các nốt mụn trên da. Các mức độ này bao gồm:
- Mức độ 0: không có mụn hoặc chỉ có rất ít mụn nhỏ.
- Mức độ 1: khó nhìn thấy từ khoảng cách 2.5 mét. Một vài mụn nhỏ và vài nốt sưng nhỏ.
- Mức độ 2: mụn chỉ xuất hiện ở một khu vực (có thể xuất hiện trên mặt, ngực hoặc lưng), dễ nhận biết, nhiều mụn đầu đen và mụn viêm.
- Mức độ 3: mụn xuất hiện nhiều hơn một khu vực. Nhiều mụn đầu đen và mụn viêm.
- Mức độ 4: mụn xuất hiện ở mặt, ngực và lưng. Nhiều mụn, nhiều nốt sẩn và mụn mủ, xuất hiện một số u nang.
- Mức độ 5: mụn viêm nhiễm bao phủ vùng bị ảnh hưởng, có nốt sẩn và u nang.
Các loại hormone ảnh hưởng đến sự hình thành mụn nội tiết
Dưới đây là các hormone có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành mụn nội tiết. Mỗi hormone ảnh hưởng đến sự tiết bã nhờn và quá trình viêm da theo những cách khác nhau, dẫn đến sự phát triển của mụn.
- Androgen: đây là hormone chính gây ra mụn nội tiết. Dù androgen chủ yếu được sản xuất ở nam giới, nhưng cũng có ở nữ giới. Hormone này kích thích tuyến bã nhờn, làm tăng sản xuất dầu. Khi dầu thừa kết hợp với bụi bẩn và tế bào chết, lỗ chân lông dễ bị tắc nghẽn, tạo điều kiện cho vi khuẩn P. acnes phát triển mạnh, dẫn đến mụn viêm.
- Estrogen: sự thiếu hụt hormone estrogen cũng là một yếu tố quan trọng gây ra mụn nội tiết, mặc dù mụn thường do sự gia tăng hormone androgen. Estrogen có khả năng ức chế hoạt động của androgen, giúp kiểm soát việc tiết bã nhờn và giảm nguy cơ gây mụn. Khi cơ thể bị thiếu estrogen, androgen sẽ hoạt động mạnh hơn, kích thích tuyến bã nhờn sản xuất nhiều dầu hơn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn nội tiết. Điều này thường xảy ra ở phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh, khi mức estrogen giảm đáng kể.
- Progesterone: loại hormone này kích thích sản xuất nhiều bã nhờn và tế bào sừng. Ngoài ra, progesterone còn làm tăng các chất gây viêm, chẳng hạn như IL-6, đặc biệt trong giai đoạn hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt, góp phần vào sự hình thành mụn.
- Cortisol: khi cơ thể căng thẳng, hormone cortisol được tuyến thượng thận tiết ra để giảm stress. Tuy nhiên, cortisol cũng kích thích sản xuất bã nhờn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn. Ngoài ra, cortisol còn làm suy giảm hệ miễn dịch, phóng thích các tác nhân gây viêm làm nặng hơn tình trạng mụn.
- Hormone tăng trưởng (GH): được tiết ra bởi tuyến yên, GH hoạt động trên gan và các mô ngoại vi để sản xuất IGF-1 (yếu tố tăng trưởng giống insulin), một yếu tố thúc đẩy sản xuất bã nhờn và mụn. Ở tuổi dậy thì, nồng độ GH và IGF-1 đạt đỉnh, dẫn đến phát triển mụn và tăng sản xuất bã nhờn.
Cách nhận biết mụn nội tiết
Mụn nội tiết thường là mụn trứng cá khởi phát ở người lớn, xuất hiện nhiều hơn ở nam vào độ tuổi dậy thì, phụ nữ trưởng thành, tiền kinh nguyệt hoặc giai đoạn mãn kinh.
Mụn nội tiết thường ở dạng nang, nốt sâu, xuất hiện chủ yếu ở vùng cằm và xung quanh hàm, dù có thể xuất hiện ở các vùng khác trên khuôn mặt. Nó thường có đáp ứng kém với các phương pháp điều trị tại chỗ như acid salicylic hoặc benzoyl peroxide.
Ở phụ nữ trưởng thành, mụn nội tiết có thể liên quan hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) dẫn đến sản xuất nhiều hormone androgen. Hội chứng này bao gồm các biểu hiện như da dầu nhiều, mụn trứng cá, rậm lông, rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt, béo phì… cần được chẩn đoán xác định bằng các thông số xét nghiệm máu cụ thể.
Ở nam giới, mụn nội tiết thường liên quan đến tình trạng rối loạn hormone. Tuy nhiên, phương pháp điều trị bằng hormone kháng androgen không được sử dụng trong điều trị mụn nội tiết ở nam giới.
Các giai đoạn dễ mắc bệnh mụn nội tiết
Mụn nội tiết thường xuất hiện ở những giai đoạn mà cơ thể có sự thay đổi lớn về hormone. Dưới đây là ba giai đoạn phổ biến dễ gây mụn nội tiết:
- Tuổi dậy thì: ở giai đoạn này, cơ thể bắt đầu sản sinh nhiều hormone tăng trưởng (IGF-1) và hormone giới tính, đặc biệt là androgen. Hormone androgen kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, làm tăng lượng dầu ở lỗ chân lông, dẫn đến mụn. Nam giới ở tuổi dậy thì thường bị mụn nhiều hơn nữ.
- Giai đoạn mang thai: trong thời gian mang thai, cơ thể phụ nữ tiết ra một lượng lớn progesterone để hỗ trợ sự phát triển của bào thai. Tuy nhiên, progesterone cũng khiến tuyến bã nhờn tăng tiết dầu và làm tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến mụn nội tiết.
- Giai đoạn trưởng thành và mãn kinh ở phụ nữ: theo một khảo sát, khoảng 35% phụ nữ từ 30 – 40 tuổi, 26.3% phụ nữ từ 40 – 49 tuổi, và 15% phụ nữ trên 50 tuổi gặp vấn đề về mụn. Nữ giới bị mụn bất thường ở độ tuổi trưởng thành nên kiểm tra tình trạng nội tiết. Trong giai đoạn mãn kinh, buồng trứng vẫn hoạt động nhưng có sự thay đổi trong việc sản xuất androgen và estrogen. Trong khi nồng độ estrogen giảm mạnh sau khi mãn kinh, nồng độ androgen giảm từ từ dẫn đến sự mất cân bằng giữa estrogen và androgen có thể gây bùng phát mụn.
Các phương pháp điều trị mụn nội tiết phổ biến
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể giúp điều trị mụn nội tiết bằng cách giảm thiểu các yếu tố gây mụn:
- Giảm đường: nhiều nghiên cứu cho thấy rằng đường và thực phẩm có chỉ số đường cao có thể làm tăng sự sản xuất hormone insulin, kích thích sản xuất nhiều bã nhờn gây ra mụn.
- Giảm sản phẩm từ sữa: các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là sữa tách béo có thể kích thích sự bùng phát mụn.
- Ăn nhiều chất béo tốt: chất béo tốt như omega-3 có trong cá hồi, hạt hạnh nhân có thể giúp giảm viêm.
- Nên tránh thực phẩm chứa chất kích thích: caffeine và rượu.
- Tăng cường vận động: vận động thường xuyên làm giảm stress và giảm mụn.
Dùng thuốc bôi ngoài da
Dù được cho là có đáp ứng kém với các loại thuốc bôi ngoài da, có thể dùng các sản phẩm chứa các hoạt chất sau để điều trị mụn nội tiết mức độ nhẹ (mức độ 0, 1, 2) như:
- Benzoyl peroxide (BPO): là hợp chất có tác dụng làm giảm mụn nhờ khả năng giải phóng gốc oxy tự do giúp tiêu diệt vi khuẩn P. acnes. BPO không gây đề kháng và có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với các thuốc khác như retinoid hay kháng sinh.
- Retinoid: là các chất có nguồn gốc từ vitamin A, có tác dụng làm giảm sự tăng sinh của tế bào biểu bì, giảm sự tắc nghẽn của lỗ chân lông và có khả năng kháng viêm. Các hoạt chất retinoid dùng để điều trị mụn là tretinoin, adapalene và tazarotene. Retinoid có thể gây kích ứng da, đỏ da, khô da và tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Retinoid có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với BPO hay kháng sinh.
- Kháng sinh tại chỗ: là các chất có khả năng diệt khuẩn P. acnes trên da. Clindamycin 1% và erythromycin 2% là các kháng sinh tại chỗ thường được sử dụng để điều trị mụn. Các thuốc thường được phối hợp với liều có sẵn để tăng cường tuân thủ phác đồ điều trị. Kháng sinh thường được sử dụng kết hợp với BPO để tăng hiệu quả và giảm sự phát triển của các chủng vi khuẩn kháng thuốc.
- Acid salicylic: giảm sưng đỏ, làm thông thoáng lỗ chân lông bị tắc giúp loại bỏ mụn được dễ dàng hơn. Acid salicylic có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với các thuốc khác.
Điều trị nội tiết tố
Mụn nội tiết mức độ trung bình và nặng, hoặc kéo dài dai dẳng kháng trị với các phương pháp thông thường có thể cần được điều trị với các thuốc tác động vào hệ thống nội tiết bao gồm:
- Thuốc tránh thai kết hợp đường uống có chứa ethinyl estradiol: làm giảm sản xuất androgen ở buồng trứng và giảm hoạt động thụ thể androgen, giúp giảm mụn.
- Spironolacton: là một loại thuốc đối kháng thụ thể aldosterone, giúp giảm sản xuất androgen và ức chế liên kết tại thụ thể androgen trong da.
Lưu ý quan trọng là nam giới bị mụn nội tiết không sử dụng được 2 loại thuốc vừa kể trên vì tác động của nó lên giới tính. Khi chọn lựa liệu pháp nội tiết tố, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên để đảm bảo an toàn.
Dùng isotretinoin
Isotretinoin thường được lựa chọn khi chống chỉ định với thuốc tránh thai. Thuốc này có tác dụng điều trị mụn bằng cách giảm sản xuất bã nhờn, giảm tổn thương do mụn và sẹo mụn. Tuy nhiên, isotretinoin có nhiều tác dụng phụ và có nguy cơ gây dị tật thai nếu sử dụng trong thai kỳ, vì vậy nó chỉ được sử dụng trong các trường hợp nghiêm trọng dưới sự giám sát của Bác sĩ Da liễu.
Liệu pháp điều trị không truyền thống
- Peel da hóa học: là phương pháp sử dụng acid hữu cơ để làm sạch lớp tế bào chết trên bề mặt da. Acid glycolic (AHA) và acid salicylic (BHA) có khả năng làm sạch tế bào chết, giảm sự tích tụ bã nhờn và ngăn ngừa mụn.
- Liệu pháp quang động (PDT): sử dụng chất nhạy cảm với ánh sáng, như acid aminolevulinic, bôi lên vùng da bị tổn thương trong khoảng thời gian từ 15 phút đến 3 giờ. Chất này sẽ thấm vào các tuyến bã nhờn trên da. Sau đó, tia laser hoặc ánh sáng được sử dụng để kích hoạt chất cảm quang, tạo ra các gốc tự do tiêu diệt vi khuẩn P. acnes, giúp giảm nhờn và kiểm soát vi khuẩn gây mụn.
- Liệu pháp ánh sáng: ánh sáng xung mạnh IPL, laser bước sóng 1064nm xung dài hoặc laser PDL giúp giảm viêm sẽ phù hợp cho các loại mụn viêm. Sau khi đã hết viêm có thể loại bỏ mụn bằng các phương pháp lấy mụn hoặc peel da.
Xem thêm các bài viết liên quan
Chăm sóc da bị mụn nội tiết đúng cách
Khi bị mụn, chăm sóc da đúng cách là rất quan trọng để giảm thiểu tình trạng mụn và giữ cho da khỏe mạnh. Việc chăm sóc da đúng cách bao gồm các biện pháp sau:
- Sử dụng sản phẩm làm sạch da nhẹ nhàng: nên chọn sản phẩm làm sạch da nhẹ nhàng và không gây kích ứng cho da, tránh sử dụng sản phẩm làm sạch da chứa cồn hoặc hóa chất có thể làm khô da.
- Không nặn mụn: tự nặn mụn có thể làm mụn phát triển nhanh hơn và gây sẹo. Chỉ nặn mụn không thể giải quyết triệt để nguyên nhân gây mụn, vì vậy nên tư vấn với Bác sĩ Da liễu để được điều trị đúng cách.
- Sử dụng sản phẩm trị mụn: sử dụng sản phẩm có chứa các thành phần như acid salicylic, benzoyl peroxide hoặc retinoid có thể giúp giảm viêm và làm sạch lỗ chân lông.
- Dưỡng ẩm: sản phẩm dưỡng ẩm có thể giúp giữ ẩm cho da, ngăn ngừa khô da và giảm tiết bã nhờn gây mụn, đặc biệt cần thiết nếu đang sử dụng tretinoin, isotretinoin hoặc benzoyl peroxide vì các chất này có thể gây khô da.
- Sử dụng kem chống nắng: giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Tuy nhiên, nên tránh sử dụng sản phẩm chứa dầu vì có thể làm tắc lỗ chân lông và gây mụn.
Tóm lại, khác với các loại mụn thông thường, mụn nội tiết là một loại mụn trứng cá kết hợp đa yếu tố, trong đó có những bệnh lý phức tạp liên quan đến rối loạn nội tiết. Chính vì vậy tình trạng này cần được điều trị toàn diện và đúng nguyên nhân. Nếu đã áp dụng những biện pháp chăm sóc da như trên mà tình trạng mụn không thuyên giảm, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes để được tư vấn và điều trị kịp thời nhé.
Tài liệu tham khảo
- George R, Clarke S, Thiboutot D. “Hormonal therapy for acne“. Semin Cutan Med Surg. 2008 Sep;27(3):188-96. doi: 10.1016/j.sder.2008.06.002
- Megha Kataria Arora, Amita Yadav, Vandana Saini. “Role of hormones in acne vulgaris“. Clinical Biochemistry
- Niti Khunger, Krati Mehrotra. “Menopausal Acne – Challenges And Solutions“. International Journal of Women’s Health
- Andrea L. Zaenglein, Arun L. Pathy. “Guidelines of care for the management of acne vulgaris“. JAAD
- “Salicylic Acid Topical“. MedlinePlus