Mụn là bệnh lý về da liễu thường gặp, xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi dầu thừa, tế bào chết và vi khuẩn dẫn đến hình thành các nhân mụn, có thể kèm theo viêm. Được xem là một bệnh mạn tính, mụn thường kéo dài và cần thời gian để thấy hiệu quả điều trị. Do vậy, câu hỏi “Thời gian điều trị mụn là bao lâu?” luôn là mối quan tâm lớn của nhiều người. Trong bài viết này, Doctor Acnes sẽ tìm ra câu trả lời cho vấn đề này.
Phân loại mụn từ nhẹ đến nặng
Trước khi bắt đầu điều trị, chúng ta cần phân biệt được loại mụn và tình trạng mụn bản thân đang mắc phải. Mụn có thể xuất hiện ở nhiều vùng trên cơ thể như mặt, lưng, ngực, cổ, cằm, bả vai, mông… Mức độ nghiêm trọng của mụn cũng khác nhau trên từng cá thể và có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng.
Mụn nhẹ
- Mụn đầu đen: là mụn trứng cá không viêm có màu đen hoặc nâu, thường xuất hiện ở các vùng da có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh như mũi, cằm và trán. Mụn đầu đen xuất hiện khi dầu thừa, tế bào da chết và bụi bẩn gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Khi đầu mụn mở ra và tiếp xúc với không khí, bã nhờn trong lỗ chân lông bị oxy hóa, tạo thành một màu đen hoặc nâu. Mụn đầu đen thường không gây đau và ít gây viêm nhiễm so với mụn viêm.
- Mụn đầu trắng: còn gọi là mụn ẩn, hình thành khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi dầu, tế bào da chết và bụi bẩn. Lỗ chân lông bị bít tắc hoàn toàn, không tiếp xúc với không khí, nên không bị oxy hóa và giữ nguyên màu trắng hoặc màu da tự nhiên. Mụn đầu trắng thường xuất hiện ở mũi, trán, cằm và đôi khi ở các khu vực khác trên khuôn mặt, không gây đau nhức.
Mụn trung bình và nặng
- Mụn sẩn: là loại mụn đặc trưng bởi vùng da xung quanh bị viêm nhẹ, hơi sưng và có màu đỏ, hồng hoặc nâu tím. Khi chạm vào, mụn này thường gây đau. Các nốt mụn sẩn thường có đường kính dưới 1cm, có thể có hoặc không có bờ rõ ràng, và thường tụ thành nhiều mảng.
- Mụn mủ: thường sưng to và gây đau, đầu mụn chứa mủ màu trắng hoặc vàng. Nhiều quan điểm cho rằng có thể dễ dàng điều trị mụn bằng cách nặn lấy mủ ra, nhưng nếu xử lý không đúng cách có thể gây nhiễm trùng, thâm và sẹo rỗ. Việc tự ý nặn mụn khi chưa chín hoặc không lấy hết nhân mụn có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
- Mụn nốt: là loại mụn trứng cá nặng, xuất hiện dưới dạng các nốt lớn, cứng, và đau dưới bề mặt da. Không có đầu mụn rõ ràng, mụn nốt hình thành sâu dưới da do tắc nghẽn lỗ chân lông và viêm nhiễm. Loại mụn này khó điều trị và có thể để lại sẹo nếu không được chăm sóc đúng cách.
- Mụn nang: phát triển sâu trong da thành những nốt sưng đỏ chứa đầy dịch mủ, gây đau nhức, khó chịu. Đỉnh mụn có màu trắng hoặc vàng và có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc theo cụm. Mụn nang thường xuất hiện ở mặt, lưng, ngực và cổ. Loại mụn này có thể gây ra nhiều biến chứng sau mụn như sẹo vĩnh viễn, sẹo lõm và sâu trên da, và là kết quả của việc da bị viêm nhiễm do bã nhờn, bụi bẩn, tế bào chết và vi khuẩn tích tụ.
Thời gian điều trị mụn là bao lâu?
Thời gian điều trị mụn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại mụn, tình trạng da và phương pháp chăm sóc. Mặc dù khó có thể đưa ra một con số chính xác cho tất cả các trường hợp, chúng ta có thể ước tính dựa trên tình trạng mụn cụ thể như sau:
Đối với mụn nhẹ
Mụn cám, mụn đầu đen và mụn đầu trắng là các dạng mụn nhẹ, vì nhân mụn không sâu hoặc viêm. Quá trình từ khi vi nhân mụn hình thành đến khi nó tự đào thải mất khoảng 6 – 8 tuần. Với các phương pháp điều trị như thuốc bôi kích thích bong sừng và mở lỗ chân lông, thời gian điều trị có thể kéo dài từ 6 – 12 tuần. Điều này bao gồm cả việc điều trị tăng sắc tố sau viêm và ngăn chặn sự hình thành mụn mới.
Đối với mụn trung bình, mụn nặng và các trường hợp khác
Mụn bọc, mụn mủ, mụn viêm đỏ, mụn nang là nhóm mụn gây viêm, ẩn sâu dưới da và được liệt kê vào danh sách mụn nặng. Thời gian và phương pháp điều trị cần được đầu tư và kéo dài hơn so với tình trạng mụn nhẹ, đặc biệt với những trường hợp sau:
- Da đề kháng kháng sinh
Kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị mụn trứng cá bằng cách làm giảm tối đa lượng vi khuẩn trên bề mặt da và trong các nang lông, từ đó giúp chống viêm, giảm sưng tấy.
Tuy nhiên khi bệnh nhân không tuân thủ điều trị, lạm dụng kháng sinh khi không cần thiết dẫn đến tình trạng vi khuẩn trong nang lông chống lại được tác động của thuốc kháng sinh mà trước đây có thể trị được. Nói cách khác, da đã bị đề kháng kháng sinh. Khi gặp trường hợp này, cần báo ngay cho Bác sĩ điều trị để được nâng liều hoặc thay đổi hoạt chất điều trị.
- Da nhiễm corticoid
Sử dụng các sản phẩm chứa corticoid không rõ nguồn gốc như là kem trộn, thuốc rượu ngày càng tràn lan trên thị trường có thể làm da yếu, dễ kích ứng và bị mụn. Khi sử dụng một thời gian dài, làn da dần trở nên yếu ớt, sần sùi, mụn li ti vì bị kích ứng, nhiễm trùng, bội nhiễm. Nghiêm trọng hơn có thể gây biến chứng giãn mao mạch, mỏng da, teo da và viêm da nhiễm trùng.
Việc phục hồi da bị nhiễm corticoid có thể mất từ 4 – 6 tháng đối với trường hợp nhẹ, và vài năm đối với trường hợp nặng hơn.
- Mụn nội tiết
Mụn nội tiết hình thành khi cơ thể có những sự thay đổi nhất định gây ra sự rối loạn nội tiết tố. Mụn chịu sự ảnh hưởng từ hai loại hormone chính trong cơ thể là androgen (nội tiết tố nam) và estrogen (nội tiết tố nữ).
Mụn nội tiết do rối loạn hormone trong cơ thể thường cần thời gian điều trị trung bình từ 2 – 3 tháng. Tuy nhiên, nếu tình trạng mất cân bằng hormone nghiêm trọng hoặc cơ địa dễ sinh mụn, việc điều trị có thể kéo dài hơn.
- Mụn do stress
Mụn do stress được gây ra bởi sự tăng tiết các hormone cortisol và androgen. Nếu căng thẳng kéo dài, tình trạng mụn sẽ nghiêm trọng hơn. Khi stress giảm, mụn có thể tự hết theo thời gian. Nếu mụn không tự hết, cần thăm khám Bác sĩ để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Yếu tố ảnh hưởng đến thời gian điều trị mụn
- Loại da và cơ địa: mỗi người có loại da khác nhau (dầu, khô, hỗn hợp) và cơ địa phản ứng khác nhau với các phương pháp điều trị. Da dầu thường cần thời gian điều trị lâu hơn do dễ bị tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Tuổi tác và hormone: mụn ở tuổi dậy thì thường liên quan đến thay đổi hormone mạnh mẽ, cần thời gian điều trị dài hơn. Phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể trải qua thay đổi hormone ảnh hưởng đến mụn.
- Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng: một lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống cân đối, ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng có thể rút ngắn thời gian điều trị mụn. Ngược lại, chế độ ăn nhiều đường và sữa có thể làm tình trạng mụn nặng thêm.
- Sự tuân thủ điều trị: việc tuân thủ đúng chỉ dẫn của Bác sĩ và sử dụng sản phẩm đều đặn, đúng cách quyết định lớn đến hiệu quả và thời gian điều trị. Sự kiên nhẫn và nhất quán trong việc sử dụng thuốc bôi và uống là rất quan trọng.
- Mức độ nghiêm trọng của mụn: mụn nhẹ có thể cải thiện trong vòng 6 – 12 tuần, trong khi mụn nặng có thể cần từ vài tháng đến 1 năm hoặc hơn để điều trị với các phương pháp mạnh hơn như isotretinoin hoặc liệu pháp hormone.
Xem thêm các bài viết liên quan
Cách chăm sóc da trong quá trình điều trị
- Làm sạch da đúng cách: rửa mặt 2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ và không chứa cồn để loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và tế bào chết. Tránh rửa mặt quá nhiều lần vì có thể làm da bị khô và kích ứng.
- Sử dụng sản phẩm trị mụn: sử dụng các sản phẩm chứa các thành phần trị mụn như benzoyl peroxide, salicylic acid, hoặc retinoid. Những thành phần này giúp làm sạch lỗ chân lông, giảm viêm và ngăn ngừa mụn mới hình thành.
- Dưỡng ẩm: dùng kem dưỡng ẩm không gây bít tắc lỗ chân lông (non-comedogenic) để giữ da luôn đủ ẩm. Da khô và mất nước có thể khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn.
- Tránh chạm tay lên mặt: hạn chế chạm tay lên mặt và không tự ý nặn mụn. Việc này có thể làm lây lan vi khuẩn và gây viêm nhiễm nặng hơn.
- Sử dụng kem chống nắng: dùng kem chống nắng hằng ngày với SPF tối thiểu là 30 để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Tia UV có thể làm tăng sắc tố da và làm tình trạng mụn tệ hơn.
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh: duy trì chế độ ăn uống cân đối, giảm tiêu thụ đường và sữa, uống nhiều nước và ngủ đủ giấc. Tránh stress cũng là yếu tố quan trọng giúp cải thiện tình trạng da.
- Tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của Bác sĩ: luôn tuân thủ đúng theo hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu về việc sử dụng thuốc và sản phẩm chăm sóc da. Kiên nhẫn và nhất quán trong quá trình điều trị sẽ mang lại kết quả tốt nhất.
Thời gian để thấy được hiệu quả điều trị mụn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nặng của mụn, tình trạng da và tuân thủ điều trị của mỗi người. Vì vậy, không có một khoảng thời gian cụ thể áp dụng cho tất cả mọi người. Việc thăm khám Bác sĩ Da liễu là cần thiết để có phương pháp điều trị phù hợp. Sự kiên trì trong suốt quá trình điều trị, ngay cả khi đã thấy hiệu quả, là rất quan trọng. Phòng khám Da liễu Doctor Acnes hy vọng bài viết này đã cung cấp những kiến thức hữu ích, giúp mọi người tự tin và kiên nhẫn trên hành trình trị mụn.
Tài liệu tham khảo
- Linda K Oge’, Alan Broussard, Marilyn D Marshall. “Acne Vulgaris: Diagnosis and Treatment“. Am Fam Physician. 2019 Oct 15;100(8):475-484
- Stephen Titus, Joshua Hodge. “Diagnosis and treatment of acne“. Am Fam Physician. 2012 Oct 15;86(8):734-40
- “Acne“. Cleveland Clinic
- Alan J Cooper, Victoria Rebecca Harris. “Modern management of acne“. Med J Aust . 2017 Jan 16;206(1):41-45. doi: 10.5694/mja16.00516