Bác sĩ Da liễu điều trị da nổi mạch máu như thế nào?

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 12/01/2022

Da nổi rõ mạch máu đỏ dưới da hay còn được các Bác sĩ gọi với tên giãn mao mạch dưới da (telangiectasias) là tình trạng khá phổ biến hiện nay, thường gặp ở những người có cơ địa da mỏng và da màu sáng. Giãn mao mạch dưới da có thể xuất hiện ở cả 2 giới, nhưng thường thấy nhất ở mặt và thân trên của phụ nữ và trẻ em. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà có thể còn tiềm ẩn dấu hiệu của nhiều căn bệnh nghiêm trọng. Hãy cùng các Bác sĩ Da liễu tại Phòng khám Doctor Acnes tìm hiểu về nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng da nổi rõ mạch máu trong bài viết sau đây.

Da nổi rõ mạch máu là gì?

Da nổi rõ mạch máu (telangiectasias) là hiện tượng các mao mạch (các mạch máu nhỏ) giãn rộng gây ra các đường nhỏ li ti hoặc hoa văn như sợi chỉ trên da mặt, chúng thường có màu đỏ, hồng hoặc đôi khi là xanh dương. Trong một số trường hợp, những mao mạch nhỏ giãn toả ra từ một tiểu động mạch trung tâm gọi là giãn mao mạch mạng nhện (spider telangiectasia). 

Giãn mao mạch trên mặt thường xuất hiện ở những vùng da mỏng như da vùng má, mũi và hai bên thái dương. Ngoài ra, trên cơ thể hiện tượng giãn mao mạch thường xuất hiện ở vùng gần mắt cá chân, sau cẳng chân và sau đùi.

Hiện tượng mạch máu nổi rõ trên da khiến cho nhiều người đang gặp phải tình trạng này vô cùng tự ti vì bề ngoài kém thẩm mỹ. 

Da nổi mạch máu - Doctor Acnes
Tình trạng da có tĩnh mạch máu nổi dưới da và tĩnh mạch mạng nhện

Cách nhận biết da nổi rõ mạch máu

Da nổi rõ mạch máu (telangiectasias) có thể nhìn thấy bằng mắt thường với những biểu hiện là các đường mạch máu màu đỏ, nhưng chúng nhanh chóng biến mất khi gặp phải áp lực (như ấn ngón tay vào vị trí đó). Các mạch máu nổi rõ thường có chiều rộng từ 1-3mm. 

Giãn mao mạch mạng nhện bao gồm một chấm đỏ tươi ở trung tâm, xung quanh là các nhánh mạch máu toả ra giống hình mạng nhện.

Nhìn chung telangiectasias không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng chúng có thể gây ngứa và đau ở một số người. Ngoài ra, làn da gặp tình trạng telangiectasia thường nhạy cảm hơn so với da của người bình thường như thường xuyên bị ửng đỏ, bong tróc và dễ bị kích ứng hơn khi tiếp xúc với mỹ phẩm lạ hoặc chất tẩy rửa như xà phòng…

Nguyên nhân của hiện tượng da nổi rõ mạch máu

Hiện nay nguyên nhân chính xác của hiện tượng telangiectasias vẫn chưa được giải thích, tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng một số nguyên nhân sau có thể góp phần vào sự xuất hiện của telangiectasias trên da mặt như do di truyền, do môi trường hoặc do sự kết hợp của cả hai. Ở bài viết này chúng tôi sẽ tập trung phân tích những yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn đến telangiectasias dựa trên những bằng chứng khoa học.

  • Ánh nắng mặt trời: tia UV có trong ánh nắng mặt trời làm tổn thương các mạch máu nhỏ trên da thông qua cơ chế làm mỏng thành mạch máu dẫn đến các vết bầm tím và làm hiện rõ các mạch máu qua da. Ngoài ra tia cực tím có bước sóng dài (UVA) chiếm đến 95% trong ánh nắng có thể xâm nhập sâu vào lớp hạ bì ảnh hưởng đến cấu trúc collagen và sợi elastin khiến các mô liên kết trở nên lỏng lẻo, da lão hoá nhanh hơn so với bình thường. Đó cũng là nguyên nhân làm cho da mỏng và dễ thấy mạch máu hơn.
Tia UV gây nổi mạch máu trên da - Doctor Acnes
Tia UV từ mặt trời cũng là một trong các nguyên nhân gây mỏng da, tổn thương mạch máu dưới da và nguy cơ nổi rõ mạch máu da
  • Sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có chứa corticosteroids và rượu nồng độ cao trong thời gian dài: việc lạm dụng những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc như kem trộn, rượu thuốc không đúng cách làm cho da bị bào mòn, khiến lớp biểu bì bảo vệ trên da bị tổn thương, da trở nên khô ráp, mỏng hơn và dễ nhìn thấy các mạch máu trên da.
  • Mang thai: sự gia tăng nhanh của hormon estrogen và lưu lượng máu tăng lên trong thời kỳ mang thai có thể làm cho các mạch máu giãn nở từ đó gây ra hiện tượng nổi mạch máu trên da.
Mang thai là nguyên nhân gây nổi rõ mạch máu - Doctor Acnes
Mang thai là một trong những nguyên nhân gây nổi rõ mạch máu trên da
  • Di truyền: mặc dù hiện tại chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra được bệnh giãn mạch máu có tính di truyền, tuy nhiên các báo cáo đã ghi nhận được hiện tượng giãn mạch máu có xu hướng tăng lên trong cùng gia đình có tiền sử mang bệnh này.
  • Bệnh lý trên da: các bệnh lý phổ biến như chứng đỏ mặt (rosacea), bệnh chàm (eczema) hay các tình trạng viêm khác cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các mạch máu trên da dễ nổi rõ hơn.
  • Da lão hoá: quá trình lão hoá làm lượng collagen và elastin trên da giảm đi rõ rệt, điều này dẫn đến da trở nên lỏng lẻo, chảy xệ đặc biệt da mỏng đi dễ nhìn thấy gân và các mạch máu.
Các nguyên nhân nổi rõ mạch máu da - Doctor Acnes
Các nguyên nhân thường gặp của hiện tượng nổi rõ mạch máu
  • Thường xuyên tác động lực mạnh trên da: những hành động tưởng chừng như vô hại ví dụ như rửa mặt quá mạnh hay nặn mụn cũng có thể làm tổn thương các mạch máu trên da và làm chúng giãn ra, dễ xuất hiện rõ trên da.
  • Đồ uống có cồn: uống rượu thường xuyên hoặc rượu nồng độ cao cũng khiến da đỏ bừng do mạch máu bị giãn ra, lâu dần mạch máu giảm sự đàn hồi khiến da đỏ và nổi rõ mạch máu ngay cả khi không uống rượu.

Điều trị da nổi rõ mạch máu như thế nào?

Trước khi điều trị da bị giãn mao mạch, bệnh nhân cần được các Bác sĩ thăm khám để xác định nguyên nhân cũng như chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như u nang mạng nhện, giãn mao mạch xuất huyết di truyền, giãn mao mạch xuất huyết tiêu hoá…

Nhìn chung giãn mao mạch thường không có triệu chứng và không gây hại đến sức khoẻ. Tuy nhiên, giãn mao mạch vùng mặt thường là một vấn đề thẩm mỹ và khi đã xuất hiện thì cơ thể chúng ta không thể tự phục hồi. Do đó, cách duy nhất để cải thiện tình trạng da nổi rõ mạch máu là sử dụng những can thiệp thẩm mỹ chuyên nghiệp để loại bỏ những mạch máu đó.

Laser: liệu pháp điều trị giãn tĩnh mạch bằng laser hoạt động bằng cách chiếu một chùm sáng có bước sóng cường độ cao đến vị trí các mạch máu đang giãn làm tổn thương các thành mạch máu, làm cho mạch máu xẹp xuống. Khi mạch máu bị xẹp và tổn thương, chúng sẽ bị cơ thể loại bỏ theo cơ chế tự nhiên. Có các loại laser được ưu tiên trong điều trị bệnh giãn mạch máu gồm laser xung màu (pulsed-dye laser-PDL) bước sóng 585nm; laser Nd:YAG/KTP với bước sóng 532nm; laser xung dài Nd:YAG với bước sóng 1064nm, cụ thể như sau: 

  • Laser xung màu (pulsed-dye laser-PDL) bước sóng 585nm là một công cụ rất hiệu quả trong điều trị giãn mao mạch lan rộng hay giãn mao mạch hình lưới. 
  • Laser bước sóng Nd:YAG/KTP 532nm được ưa chuộng hơn đối với điều trị những mạch máu nhỏ hơn, có dạng đường chỉ do có tiết diện chùm tia nhỏ hơn.
  • Trong khi để điều trị các mạch máu lớn và sâu các Bác sĩ thường ưu tiên chọn laser với bước sóng dài hơn như Nd:YAG 1064nm.

Tuy nhiên, phương pháp điều trị bằng laser có thể gây biến chứng ban xuất huyết sau điều trị, nguy cơ cao gây loét hoặc sẹo. Do đó, cần lựa chọn cơ sở điều trị uy tín cũng như Bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn cao.

điều trị thâm bằng phương pháp laser NdYAG 1064nm
Phương pháp laser trong điều trị mạch máu tại Doctor Acnes

Ánh sáng xung tăng cường (intense pulsed light-IPL): cơ chế hoạt động của IPL cũng tương tự như điều trị với laser tuy nhiên IPL sử dụng chùm ánh sáng cường độ mạnh phân tán năng lượng trên một vùng rộng hơn tại cùng một thời điểm do đó giảm tỷ lệ ban xuất huyết hơn laser. Đồng thời IPL có thể xuyên qua lớp hạ bì của da mà không làm tổn thương hay gây hại cho lớp biểu bì của da. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính hiệu quả và an toàn của điều trị giãn mao mạch với hệ thống IPL, đặc biệt là cho giãn mao mạch nông trên diện tích rộng.

IPL
IPL hiệu quả và an toàn cho điều trị giãn mao mạch

Tiêm phục hồi điều trị cho những bệnh nhân có làn da nhiễm corticosteroid và thương tổn: tiêm phục hồi (mesotherapy) là kỹ thuật đưa trực tiếp các chất xuyên qua bề mặt da vào lớp trung bì hoặc các lớp sâu hơn. Mesotherapy là phương pháp mang lại hiệu quả cao cho các trường hợp viêm da do corticosteroid nhờ cung cấp nhanh và sâu cho da hàng loạt các dưỡng chất mang tính phục hồi cao như peptide, tế bào gốc, vitamin và khoáng chất. Để hiểu rõ hơn về mesotherapy trong phục hồi da nhiễm corticoid, có thể theo dõi bài viết chia sẻ của Bác sĩ Da liễu tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes theo link sau >> Tiêm phục hồi – Phương pháp đặc trị da nhiễm corticoid và thương tổn.

Tiêm phục hồi tại Phòng khám Doctor Acnes
Phương pháp tiêm phục hồi tại Phòng khám Doctor Acnes được Bác sĩ Da liễu trực tiếp thực hiện

Nên làm gì để ngăn ngừa giãn mao mạch?

Điều trị da nổi rõ mạch máu là vô cùng khó khăn và tốn kém do đó hãy cân nhắc các biện pháp phòng ngừa đơn giản từ bây giờ để có được làn da khoẻ mạnh cũng như bảo vệ da và ngăn ngừa da mỏng yếu, nổi mao mạch: 

  • Luôn luôn sử dụng kem chống nắng: ánh nắng là một trong những yếu tố gây ra nhiều tổn thương trên da trong đó có da nổi rõ mạch máu. Vì vậy, nên chú ý chống nắng đầy đủ bằng các biện pháp như bôi kem chống nắng, che chắn cẩn thận để ngăn ngừa tác hại của tia UV. 
  • Sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng và có thành phần được in trên bao bì; tránh sử dụng kem trộn có chứa corticosteroid hoặc rượu thuốc.
  • Hạn chế tối đa đồ uống có cồn hay các chất kích thích nói chung.
  • Điều trị mụn trứng cá sớm để ngăn ngừa các tổn thương trên da.

Bảng giá dịch vụ điều trị mạch máu tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp✅ Giá✅ Giá HSSV
⭐Laser 585nm xung dài chuẩn FDA trị mụn, giảm hồng ban và giãn mao mạch (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu)1.500.0001.400.000
⭐Laser 1064 nm xung dài chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu)1.300.0001.200.000

Tóm lại da bị nổi rõ các mạch máu mặc dù vô hại và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng lại gây nhiều vấn đề liên quan đến thẩm mỹ. Để loại bỏ những mạch máu nổi đỏ trên cơ thể cũng như ngăn ngừa bệnh tái phát, nên tìm đến các cơ sở chăm sóc da liễu uy tín như Phòng khám Doctor Acnes – nơi có các Bác sĩ Da liễu có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn với chi phí điều trị thấp hơn.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Atik D, Cem Atik. “The effect of external apple vinegar application on varicosity symptoms, pain, and social appearance anxiety: A randomized control trial”. Evid Based Complement Alternat Med. 2016;2016:6473678
  2. Clementoni MT., Gilardino P., Muti GF. “Facial telangiectasias: our experience in treatment with IPL”. Laser Surg Med. 2005;37(1):9-13
  3. Fodor L, Ramon Y, et al. “A side-by-side prospective study of intense pulsed light and Nd:YAG laser treatment for vascular lesions”. Ann Plast Surg. 2006;56(2):164-170
  4. Gibson LE. (2014). “What’s Causing Broken Blood Vessels on My Face?”. Healthline
  5. “What causes facial veins and how can I get rid of them?”. Wacoprimarycare
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84