Da nhạy cảm là gì? Bí quyết chăm sóc da hiệu quả và giảm kích ứng

Ngày 27/09/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(2)

Da nhạy cảm không chỉ liên quan đến việc dùng mỹ phẩm mà còn dễ bị kích ứng bởi môi trường và cảm xúc. Chỉ cần thay đổi thời tiết, tiếp xúc với khói bụi hay căng thẳng cũng đủ khiến da “biểu tình”. Vậy làm sao để chăm sóc đúng cách? Hãy cùng Doctor Acnes khám phá cách nhận biết và chăm sóc da nhạy cảm trong bài viết dưới đây!

Da nhạy cảm là gì?

Da nhạy cảm là tình trạng da dễ bị kích ứng khi tiếp xúc với các tác nhân mà da khỏe mạnh không gặp phải. Năm 2017, các chuyên gia châu Âu đã thống nhất định nghĩa rằng da nhạy cảm thường gặp phải tình trạng châm chích, bỏng rát, ngứa hoặc đau khi tiếp xúc với các yếu tố vốn không ảnh hưởng lên làn da khỏe mạnh. Tuy nhiên, những cảm giác này không phải do bệnh lý da.

Da nhạy cảm có thể trông bình thường hoặc kèm theo ban đỏ, và xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, đặc biệt là da mặt. Theo thống kê, khoảng 38% dân số có da nhạy cảm, trong đó phụ nữ gặp nhiều hơn nam. Người có da nhạy cảm hoặc rất nhạy cảm cũng dễ mắc các bệnh da liễu như viêm da dị ứng, mụn trứng cá và vảy nến, với tỷ lệ cao hơn 2 – 4 lần.

Da nhạy cảm là gì
Da nhạy cảm thường gặp phải tình trạng châm chích, bỏng rát, ngứa hoặc đau, đôi khi nổi ban đỏ

Cơ chế của da nhạy cảm

Da nhạy cảm có thể khởi phát từ các yếu tố nội sinh (stress, rối loạn cảm xúc) hay ngoại sinh do tiếp xúc môi trường hoặc liên quan đến lối sống (mỹ phẩm, nhiệt độ, thời tiết, tia cực tím, bụi bẩn, chế độ ăn uống, rượu, bia).

Tình trạng da nhạy cảm có thể được giải thích bằng 3 cơ chế chính bao gồm:

  • Tăng nhạy cảm thần kinh ở da: các nghiên cứu cho thấy những người có làn da nhạy cảm có sự gia tăng hoạt động của thụ thể TRPV1 (transient receptor potential vanilloid 1) là thụ thể điều hòa cảm nhận đau, ngứa, nóng ở da. TRPV1 bị kích hoạt bởi capsaicin, pH thấp, tia UV và nhiệt. Đây là những tác nhân thường gặp gây tình trạng nhạy cảm ở da. Bên cạnh gia tăng hoạt động của thụ thể, những người da nhạy cảm cũng có sự tăng mật độ các sợi thần kinh cảm giác ở thượng bì, kéo theo tăng dẫn truyền các cảm giác nóng và ngứa khi tiếp xúc với các kích thích.
  • Tăng đáp ứng miễn dịch: hoạt hóa thụ thể TRPV1 sẽ làm tăng phóng thích các cytokin tiền viêm, kích thích gia tăng đáp ứng miễn dịch và thu hút nhiều tế bào miễn dịch đến da. Kết quả là gây ra cảm giác ngứa và bỏng rát đặc trưng của da nhạy cảm.
  • Giảm chức năng hàng rào bảo vệ da: tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ da là cực kỳ quan trọng để duy trì làn da khỏe đẹp. Các nghiên cứu đã chứng minh khi hàng rào da bị mỏng hoặc tăng tính thấm, các yếu tố kích thích từ môi trường sẽ dễ dàng xâm nhập vào da, các đầu mút thần kinh ít được bảo vệ, đi kèm với tình trạng mất độ ẩm sẽ gây ra tình trạng da nhạy cảm.
yếu tố gây hại cho da nhạy cảm
Da nhạy cảm có thể khởi phát từ các yếu tố nội sinh hoặc ngoại sinh

Dấu hiệu nhận biết làn da nhạy cảm

Sau đây là một số dấu hiệu thường thấy để nhận biết người có làn da nhạy cảm:

  • Hàng rào bảo vệ da bị suy yếu: những người có làn da nhạy cảm thường có lớp hàng rào bảo vệ da mỏng hơn hoặc bị tổn thương, tạo điều kiện cho các chất kích ứng xâm nhập và cũng dễ bị mất độ ẩm hơn. Hàng rào bảo vệ da bị suy yếu khó nhận biết bằng mắt thường nhưng có thể dễ dàng cảm nhận được khi da bị khó chịu, châm chích hoặc bỏng rát do sử dụng các sản phẩm không dành cho da nhạy cảm.
  • Kích ứng: là dấu hiệu thường gặp nhất và gây nhiều khó chịu cho những người có làn da nhạy cảm, với các biểu hiện như da mẩn đỏ, ngứa, rát, châm chích.
  • Da sần sùi: kết cấu da bong tróc, xỉn màu, loang lỗ và không đồng đều là dấu hiệu dễ nhận thấy của làn da nhạy cảm. Da sần sùi thường đi kèm tình trạng khô da.
  • Căng da: cảm giác căng da khó chịu là cảm giác mà những người có làn da nhạy cảm đều biết rõ. Đây là dấu hiệu cho thấy làn da đang thiếu độ ẩm và cần sử dụng sản phẩm chăm sóc da phù hợp.
  • Khô da: tình trạng khô da có thể dễ dàng nhìn thấy cũng như cảm nhận được. Hàng rào bảo vệ da suy yếu tạo ra một lớp bao phủ không hiệu quả, khiến độ ẩm nhanh chóng bị mất đi.
dấu hiệu nhận biết da nhạy cảm
Một số dấu hiệu nhận biết thường thấy ở người có làn da nhạy cảm

Các câu hỏi Bác sĩ thường dùng để xác định da nhạy cảm

Vì triệu chứng của tình trạng da nhạy cảm không quá đặc trưng và mang tính chủ quan qua lời khai người bệnh, các Bác sĩ Da liễu cần loại trừ các bệnh lý da khác trước khi đưa ra chẩn đoán da nhạy cảm. Dưới đây là một số ví dụ về chẩn đoán và cách nhận biết da nhạy cảm với các bệnh lý khác trên da:

Một số chẩn đoán phân biệt da nhạy cảm với các bệnh lý về da khác - Doctor Acnes
Một số chẩn đoán phân biệt da nhạy cảm với các bệnh lý về da khác

Sau khi đã loại trừ các bệnh lý da có biểu hiện tương đồng với da nhạy cảm, Bác sĩ Da liễu sẽ tiếp tục dùng các bảng câu hỏi chuyên biệt để nhận diện tình trạng da nhạy cảm ví dụ như bảng 13 câu hỏi gồm 3 nhóm câu hỏi sau đây:

Nhóm I (mức độ nhạy cảm của da):

  1. Bạn có nghĩ rằng da mình là da nhạy cảm không?
  2. Bạn có thấy da mình dễ bị kích ứng không?
  3. Da bạn có bị bỏng rát, châm chích, hoặc ngứa, kèm/không kèm theo đỏ da không?
  4. Bạn có thấy da mặt mình nhạy cảm hơn so với các vùng da khác trên cơ thể không?

Nhóm II (phản ứng của da khi dùng mỹ phẩm):

  1. Da của bạn có phản ứng nhanh với mỹ phẩm hoặc đồ dùng chăm sóc cá nhân không?
  2. Có loại mỹ phẩm nào khiến da bạn bị ngứa, châm chích, hoặc bỏng rát không?
  3. Bạn đã từng bị tác dụng phụ khi dùng mỹ phẩm hoặc đồ dùng chăm sóc cá nhân chưa?

Nhóm III (phản ứng của da với các yếu tố môi trường):

  1. Bạn có thấy da mình nhạy cảm với nhiệt độ lạnh không?
  2. Bạn có thấy da mình nhạy cảm với nhiệt độ nóng không?
  3. Da bạn có nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ hay không?
  4. Khi tiếp xúc với gió, da bạn có cảm giác ngứa hoặc bỏng rát không?
  5. Phơi nắng có khiến da bạn cảm giác ngứa, bỏng rát, châm chích không?
  6. Bụi bẩn trong không khí có gây ra dị ứng trên da mặt của bạn không?

Nếu câu trả lời “có” chiếm ít nhất 2/4 câu hỏi nhóm I, 3/3 câu hỏi nhóm II và 3/6 câu hỏi nhóm III thì được xem là có tình trạng da nhạy cảm.

Trường hợp sau khi bệnh nhân trả lời bảng câu hỏi vẫn chưa xác định được tình trạng da nhạy cảm, Bác sĩ Da liễu có thể thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn như sử dụng các yếu tố có khả năng gây kích ứng (acid lactic 10%, capsaicin, nicotine, nhiệt độ) hoặc đo các thông số về cấu trúc và sinh lý da (độ mất nước của da, độ dày thượng bì, pH da) để khẳng định chẩn đoán da nhạy cảm.

Điều trị da nhạy cảm thế nào

Da nhạy cảm là tình trạng phức tạp và liên quan đến cơ địa và nhiều yếu tố, nên việc điều trị và chăm sóc thường gặp nhiều khó khăn, không chỉ với người bệnh mà cả Bác sĩ Da liễu.

Người bệnh cần hiểu rằng quá trình điều trị và chăm sóc là lâu dài và tình trạng có thể tái phát ngay cả khi đã dùng sản phẩm chuyên biệt, do da dễ bị kích ứng bởi các yếu tố khó kiểm soát như căng thẳng, rối loạn cảm xúc, thời tiết hoặc nhiệt độ.

Điều trị da nhạy cảm cũng cần sự đồng hành từ phía Bác sĩ Da liễu để lựa chọn được các chế phẩm điều trị và chăm sóc da phù hợp nhất cho từng cá thể. Trong đợt cấp, Bác sĩ Da liễu có thể dùng thuốc ức chế miễn dịch dạng bôi pimecrolimus hay tacrolimus.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đang nghiên cứu những phân tử tác động trực tiếp lên thụ thể TRPV1, như trans-4-tert-butylcyclohexanol và furocoumarin, nhưng hiệu quả và độ an toàn của chúng vẫn cần theo dõi thêm.

thăm khám bác sĩ
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị các vấn đề về da

Xem thêm các bài viết liên quan

Cách chăm sóc da nhạy cảm

Chăm sóc da nhạy cảm đòi hỏi sự nhẹ nhàng và kỹ lưỡng để tránh kích ứng. Dưới đây là một số nguyên tắc quan trọng:

  • Ngừng các chế phẩm chăm sóc da có khả năng gây kích ứng da, đặc biệt là các sản phẩm chứa tretinoin, cồn, benzoyl peroxide, acid glycolic.
  • Nếu vùng da nhạy cảm là vùng da cơ thể, cần mặc quần áo mềm và rộng để hạn chế sự ma sát và giảm tác động từ môi trường bên ngoài làm nặng thêm tình trạng kích ứng.
  • Hạn chế make-up trong thời gian da mặt đang bị kích ứng. Nếu cần trang điểm, hãy chọn các sản phẩm dành riêng cho da nhạy cảm.
  • Khi da đang kích ứng, hãy giảm số lượng sản phẩm chăm sóc da. Sử dụng các sản phẩm có thành phần đơn giản, không chứa cồn, hương liệu hoặc các chất có khả năng tẩy tế bào chết hoặc làm bong da.
  • Sử dụng các sản phẩm làm sạch da có pH sinh lý (từ 5.5 – 6.0), không màu và hương liệu. Vệ sinh da nhẹ nhàng bằng nước ấm.
Hạn chế makup - Doctor Acnes
Hạn chế make-up trong thời gian da mặt đang bị kích ứng là một trong số các nguyên tắc quan trọng trong chăm sóc da nhạy cảm

Thành phần dưỡng ẩm phù hợp cho da nhạy cảm

Dưỡng ẩm là bước quan trọng để phục hồi hàng rào bảo vệ da. Một sản phẩm dưỡng ẩm lý tưởng cho da nhạy cảm cần có cả 3 thành phần sau:

  • Chất dưỡng ẩm thụ động (dầu thực vật, silicone): giúp giảm mất nước.
  • Chất dưỡng ẩm chủ động (acid hyaluronic, glycerol): giữ nước cho da.
  • Hoạt chất phục hồi hàng rào lipid (ceramide, pseudo-ceramide, dầu thực vật): giúp tăng cường bảo vệ da khỏi các tác nhân gây kích ứng.
Một số thành phần cần tránh trong các sản phẩm dùng cho da nhạy cảm - Doctor Acnes
Một số thành phần cần tránh trong các sản phẩm dùng cho da nhạy cảm
ca lâm sàng trị mụn
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Da nhạy cảm tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày. Việc chẩn đoán cần được thực hiện kỹ lưỡng bởi Bác sĩ Da liễu để loại trừ các bệnh lý khác. Để kiểm soát, hãy tránh các tác nhân gây kích ứng và tuân theo phác đồ chăm sóc da phù hợp. Nếu bạn đang gặp vấn đề với da nhạy cảm, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 để được tư vấn và điều trị đúng cách!

Tài liệu tham khảo

  1. Le Hanh Dung Do, Nazanin Azizi, Howard Maibach. “Sensitive Skin Syndrome: An Update“. Am J Clin Dermatol. 2020 Jun;21(3):401-409
  2. Berardesca E, Farage M, Maibach H. “Sensitive skin: an overview“. Int J Cosmet Sci. 2013 Feb;35(1):2-8
  3. A Guerra-Tapia, E Serra-Baldrich, et al. “Diagnosis and Treatment of Sensitive Skin Syndrome: An Algorithm for Clinical Practice“. Actas Dermosifiliogr (Engl Ed). 2019 Dec;110(10):800-808
  4. L Misery, K Loser, S Ständer. “Sensitive skin“. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2016 Feb;30 Suppl 1:2-8
  5. 20 Common Questions About Sensitive Skin“. WebMD

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 2

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84