Mỗi người sở hữu một làn da khác nhau, được phân loại dựa trên nhiều yếu tố như độ nhạy cảm, độ ẩm và lượng dầu (hay còn gọi là bã nhờn) do da sản sinh ra. Theo sinh lý tự nhiên, tuyến bã nhờn dưới da sản sinh ra dầu giúp giữ ẩm, bảo vệ và duy trì một làn da khỏe mạnh. Tuy nhiên, tùy theo lượng dầu nhiều hay ít sẽ dẫn đến những biểu hiện khác nhau của làn da. Do đó, bước đầu tiên và quan trọng nhất của việc chăm sóc da là tìm hiểu loại da cụ thể và cách chăm sóc da theo hoàn cảnh và điều kiện môi trường.
Cách nhận biết loại da mặt
Loại da thường chịu ảnh hưởng từ yếu tố di truyền mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác như tuổi tác, thời tiết, vệ sinh, bệnh lý và có thể thay đổi theo thời gian. Da được chia thành 5 loại là da thường, da khô, da dầu, da hỗn hợp và da nhạy cảm.
Để nhận biết da mặt của mình thuộc loại nào, trước tiên cần làm sạch da với nước tẩy trang và sữa rửa mặt dịu nhẹ, sau đó nhẹ nhàng lau khô da. Để da mặt hoàn toàn tự nhiên sau đó (không dùng thêm bất cứ sản phẩm nào lên da). Sau 30 phút, áp dụng 1 trong 2 phương pháp sau đây để xác định chính xác loại da mặt của mình:
Phương pháp “bare-face”: hãy quan sát và cảm nhận xem da thuộc trường hợp nào sau đây.
- Da dầu: da hơi khô ngay sau khi rửa mặt, nhưng sau đó có độ bóng do tiết dầu.
- Da khô: da khô, căng và có thể bong tróc.
- Da thường: cảm giác không quá bóng hay quá khô.
- Da hỗn hợp: da thường bóng dầu chỉ ở vùng chữ T (trán, mũi và cằm) nhưng có thể cảm giác khô hơn ở những vùng da khác như má và 2 bên quai hàm.
Phương pháp nhận biết với giấy thấm dầu: nhẹ nhàng đặt các tờ giấy thấm dầu vào các vùng khác nhau trên khuôn mặt (gò má, trán, cằm, hai cánh mũi) trong vòng 5 phút. Sau đó, lấy chúng ra để kiểm tra các vết dầu, lưu ý giữ tờ giấy hướng ra ánh sáng để xác định lượng dầu nhìn thấy được.
- Da dầu: có nhiều dầu ở các vùng da khác nhau.
- Da khô hoặc da thường: có rất ít hoặc không có dầu trên toàn mặt.
- Da hỗn hợp: thường quan sát thấy dầu chỉ ở vùng chữ T, trong khi các vùng da khác không có hoặc có rất ít dầu.
Phương pháp nhận biết với giấy thấm dầu thường cho thấy được sự khác biệt rõ rệt giữa da khô và da dầu. Tuy nhiên, da nhạy cảm sẽ khó được xác định bằng phương pháp này. Da nhạy cảm có thể bị châm chích, bỏng hoặc ngứa sau khi rửa. Da có thể hồng hoặc giống như da bình thường, nhưng da sẽ phản ứng hoặc dễ bị đỏ khi thay đổi môi trường, điều kiện thời tiết hoặc sử dụng mỹ phẩm.
Nếu không thực sự chắc chắn về loại da hoặc đang có một vấn đề cụ thể với làn da của mình, hãy đến các cơ sở chăm sóc da uy tín để được thăm khám và tư vấn bởi các Bác sĩ Da liễu.
Đặc điểm các loại da
Da nhạy cảm đặc trưng bởi các biểu hiện kích ứng của da khi tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài. Trong khi đó, da thường, da khô, da dầu và da hỗn hợp có nhiều đặc điểm khác như kết cấu da, độ ẩm… giúp phân biệt chúng với nhau. Các đặc điểm so sánh này được tóm tắt trong bảng sau.
Da thường | Da khô | Da dầu | Da hỗn hợp | |
Độ ẩm và độ tiết dầu | Thường có sự cân bằng | Sản sinh ít dầu hơn da thường | Sản sinh nhiều dầu | Có thể khô hoặc bình thường ở một số vùng da, trong khi dầu nhiều hơn ở các vùng da khác như vùng chữ T |
Lỗ chân lông | Nhỏ, không dễ nhìn thấy. Da ít nổi mụn | Nhỏ, không dễ nhìn thấy | To, nhìn thấy rõ
Da thường có mụn |
To hơn da thường, đặc biệt ở vùng chữ T. Có thể có mụn đầu đen |
Kết cấu da | Da đều màu, khỏe mạnh và mềm mịn. Da ít khuyết điểm | Da căng hoặc có thể bong tróc/ sần sùi. Dễ xuất hiện nếp nhăn quanh mắt, môi và má | Da thường dày, xỉn màu và hơi bóng | Kết cấu da không đồng đều, có vùng da khô trong khi vùng da khác lại bóng dầu |
Tốc độ lão hóa | Bình thường | Nhanh hơn | Chậm hơn | |
Đặc điểm quan sát thấy khi chăm sóc da | Cảm giác không khác biệt rõ rệt | Cảm giác căng da sau bước làm sạch. Da hút ẩm rất nhanh khi được dưỡng ẩm | Cảm giác sạch sau khi rửa nhưng sau đó da đổ dầu nhanh |
Cách chăm sóc cho từng loại da
Mỗi loại da đều có những đặc điểm riêng, đòi hỏi sự chăm sóc chuyên biệt và phù hợp để cân bằng và bảo vệ sức khỏe cho làn da.
Da thường
Da thường không đòi hỏi sự chăm sóc phức tạp như các loại da khác. Có thể chọn một chế độ chăm sóc theo mục đích khác nhau tùy theo sở thích và theo độ tuổi như chống lão hóa, dưỡng trắng da hay trị mụn.
Da khô
Sử dụng kem dưỡng ẩm cho da khô là điều cực kỳ quan trọng và cần thiết. Dùng kem dưỡng ẩm ở bước chăm sóc da cuối cùng để giữ ẩm tốt hơn so với việc chỉ sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm dạng lỏng như lotion hoặc serum nhờ thành phần dầu có trong kem dưỡng. Có thể sử dụng nhiều loại serum dạng lỏng và cuối cùng sử dụng kem dưỡng để “khóa ẩm”.
Ngược lại, nên tránh sử dụng các sản phẩm có chứa cồn vì cồn hút nước, sẽ khiến tình trạng da khô trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra phản ứng dị ứng của da hoặc tư vấn Bác sĩ hoặc Dược sĩ để lựa chọn một loại kem phù hợp.
Một số biện pháp khác giúp cải thiện làn da khô như.
- Không nên tắm quá lâu hoặc tắm, rửa mặt với nước nóng.
- Uống đủ nước để có thể duy trì và cải thiện kết cấu làn da.
- Không rửa mặt quá 2 lần/ngày, trong ngày có thể cung cấp thêm độ ẩm cho da bằng các sản phẩm xịt khoáng.
- Sử dụng máy tạo ẩm không khí giúp giữ ẩm cho da, tuy nhiên, cần thường xuyên vệ sinh và thay nước cho máy để tránh hiện tượng vi khuẩn và nấm mốc có cơ hội phát triển.
Da dầu
Với những người sở hữu làn da dầu, khi lượng dầu được sản xuất quá nhiều chúng sẽ gây ra tắc nghẽn lỗ chân lông và xuất hiện mụn. Tuy nhiên, ưu điểm của da dầu là sẽ thường chậm lão hóa hơn các loại da khác. Bởi vì, da dầu có xu hướng dày hơn và chậm phát triển nếp nhăn hơn, đồng nghĩa với việc làn da sẽ giữ nước tốt hơn, vì vậy cũng chậm lão hoá hơn. Điểm cốt yếu trong việc chăm sóc da dầu chính là đạt được sự cân bằng giữa việc tiết nhiều dầu và duy trì độ ẩm tự nhiên của làn da.
Để chăm sóc làn da dầu đúng cách, hãy lưu ý việc làm sạch da mỗi sáng tối và sau khi tập thể dục (nếu có). Hãy đảm bảo rằng đã vệ sinh tay sạch trước khi sờ tay lên mặt. Trong khi tẩy trang hay rửa mặt, đừng cố gắng chà xát mạnh lên da mặt vì điều này có thể làm cho da mặt bị kích ứng, dẫn đến làm gia tăng lượng dầu do da tiết ra. Thay vào đó, hãy lựa chọn các sản phẩm làm sạch da nhẹ nhàng và không chứa dầu hoặc cồn.
Tương tự như vậy, hãy ưu tiên các sản phẩm không chứa dầu (oil-free), gốc nước (water-based) và không gây bít tắc lỗ chân lông (noncomedogenic) trong các bước chăm sóc da như dưỡng ẩm, chống nắng và trang điểm hằng ngày. Các sản phẩm này phù hợp cho da dầu, sẽ giúp hạn chế được tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông và mụn.
Đối với làn da dầu, việc sử dụng dưỡng ẩm là cực kỳ quan trọng để giúp da giữ được sự cân bằng. Hãy chọn một loại kem dưỡng ẩm có kết cấu mỏng nhẹ và không chứa dầu để tránh tăng thêm dầu trên da. Có thể kết hợp những sản phẩm dưỡng ẩm có chứa thành phần chống nắng, tuy nhiên thường những sản phẩm dạng này không phát huy tốt hiệu quả giữ ẩm. Để tránh sinh mụn, hãy ưu tiên chọn các sản phẩm kem chống nắng có chứa zinc oxide (kẽm oxit) và titanium dioxide, không chứa hương liệu hoặc các thành phần gây bít tắc lỗ chân lông.
Ngoài ra, có thể sử dụng giấy thấm dầu nếu da mặt đổ dầu để giảm bóng nhờn. Tuy nhiên việc này chỉ mang lại hiệu quả tạm thời và không giải quyết được nguyên nhân da đổ dầu vì thiếu ẩm.
Da hỗn hợp
Trên thực tế, da hỗn hợp là loại da tương đối phổ biến. Tình trạng da hỗn hợp được cho là quy định bởi yếu tố di truyền, nhưng nó có thể thay đổi theo mùa và nội tiết tố (hormone) trong cơ thể. Đặc điểm của da hỗn hợp là các vùng da khác nhau sẽ có khác biệt về mức độ khô và tiết dầu. Dựa trên đó, nguyên tắc chính để chăm sóc da hỗn hợp đúng cách là sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm nhẹ nhàng giúp giữ ẩm cho vùng da khô mà không làm tăng tiết dầu ở vùng chữ T, và sử dụng các sản phẩm đặc trị cho từng vùng da cụ thể.
Ngoài các bước chăm sóc da bình thường như tẩy trang, làm sạch thì đối với da hỗn hợp, cần sử dụng 2 sản phẩm dưỡng ẩm khác nhau, cụ thể dùng sản phẩm có kết cấu mỏng nhẹ dạng lỏng không chứa dầu toàn mặt như serum và sử dụng thêm các sản phẩm có kết cấu đặc hơn như dạng kem ở những vùng da khô.
Da nhạy cảm
Người có làn da nhạy cảm có thể có lớp sừng mỏng hơn với diện tích tế bào sừng giảm dẫn đến da bị suy yếu và không được bảo vệ khỏi các vi khuẩn và tác nhân bên ngoài. Điều này có thể xuất phát từ tình trạng bệnh lý của da (như chàm, trứng cá, viêm da tiếp xúc, đang bị tổn thương) hoặc loại da mà điển hình là da khô.
Việc tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài như nắng, nóng, gió, lạnh, ô nhiễm… cũng có thể gây ra tác hại tổn thương làn da. Ngoài ra, các yếu tố chủ quan như di truyền, tuổi tác, giới tính và chủng tộc có thể đóng một vai trò nhất định trong việc gây nên các phản ứng quá mẫn của da nhạy cảm.
Cuối cùng, việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da hoặc mỹ phẩm có các chất hóa học như alpha-hydroxy acid, propylene glycol, alcohol, hương liệu, chất tạo màu, chất tẩy rửa mạnh đều có thể gây kích ứng cho da. Vì vậy, người có da nhạy cảm cần thận trọng trong việc lựa chọn các sản phẩm cho da của mình. Bên cạnh các chất gây kích ứng thường gặp, cần quan sát những biểu hiện của da để loại trừ các tác nhân dị ứng tiềm ẩn.
Chu trình chăm sóc da với da nhạy cảm càng đơn giản càng tốt “less is more”. Nên sử dụng những dòng mỹ phẩm riêng dành cho loại da này như không chứa chất kích thích, chất hóa học và có nguồn gốc từ các thành phần thiên nhiên lành tính. Các thành phần an toàn cho da nhạy cảm như.
- Lô hội (nha đam): giúp làm dịu da bị cháy nắng hoặc các trường hợp kích ứng nhẹ khác.
- Trà xanh: chất chống oxy hóa giúp làm chậm quá trình lão hóa, giúp cải thiện độ ẩm và hạn chế tình trạng viêm, mang lại hiệu ứng da mềm mướt hơn.
- Hyaluronic acid, glycerin: hoạt chất dưỡng ẩm an toàn, dịu nhẹ vừa đủ cho da nhạy cảm.
- Ceramide: giúp sửa chữa các tổn thương của lớp thượng bì và bảo vệ da
Về chế độ chăm sóc da thì da nhạy cảm sẽ phức tạp hơn các loại da khác. Nên sử dụng những sản phẩm rửa mặt, dưỡng da, toner có kết cấu mỏng nhẹ như gel, sữa, nước để da không bít tắc lỗ chân lông. Cần tránh những sản phẩm có chứa cồn để da không bị tổn thương.
Các bước chăm sóc da cơ bản
Cho dù sở hữu loại da nào, hãy tham khảo các bước chăm sóc da cơ bản sau đây.
Chăm sóc da buổi sáng
- Sữa rửa mặt: giúp loại bỏ các chất bẩn, dầu thừa tích tụ trên da mặt sau một đêm.
- Toner: hãy sử dụng toner loại không chứa cồn (alcohol-free) để giúp làm sạch sâu hơn và cân bằng độ pH của da.
- Serum dưỡng ẩm: hyaluronic acid (HA) là một lựa chọn rất thích hợp và an toàn.
- Kem dưỡng ẩm: đối với da hỗn hợp hoặc da khô, cần sử dụng thêm kem dưỡng ẩm. Có thể dùng sản phẩm có kết cấu mỏng nhẹ dạng lỏng không chứa dầu toàn mặt như serum và sử dụng thêm các sản phẩm có kết cấu đặc hơn như kem dưỡng ẩm ở những vùng da khô.
- Kem chống nắng: hãy lựa chọn một sản phẩm mỏng nhẹ với SPF tối thiểu là 30 cho toàn mặt, sử dụng kem chống nắng phổ rộng hiệu quả ngăn chặn cả hai loại tia UVA và UVB. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp bằng cách che chắn với nón, áo khoác, mắt kính, khẩu trang khi ra ngoài lúc trời nắng.
Chăm sóc da buổi tối
- Tẩy trang: nếu trang điểm hoặc sử dụng kem chống nắng, đừng quên bắt đầu chu trình chăm sóc da buổi tối của mình với bước tẩy trang. Dùng sữa rửa mặt sau tẩy trang để làm sạch da.
- Tẩy tế bào chết: việc sử dụng tẩy tế bào chết mỗi tuần 1-2 lần sẽ giúp các lỗ chân lông được thông thoáng và giảm mụn đầu đen. Với những người có làn da nhạy cảm, nên sử dụng sản phẩm chuyên dụng cho da nhạy cảm hoặc tư vấn với Bác sĩ Da liễu để lựa chọn sản phẩm và tần suất tẩy tế bào chết phù hợp.
- Serum, dược mỹ phẩm đặc trị hoặc dưỡng ẩm: có thể sử dụng nhiều loại sản phẩm khác nhau theo nguyên tắc bôi từ lỏng đến đặc và sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung độ ẩm hoặc kem giữ ẩm cho các vùng da khô.
Một số thành phần có thể cân nhắc sử dụng cho chu trình dưỡng da như.
- Hyaluronic acid (HA): giúp dưỡng ẩm cho làn da mà không gây nhờn rít hay tăng tiết dầu, phù hợp cho mọi loại da.
- Salicylic acid: toner hoặc kem dưỡng ẩm chứa thành phần này giúp kiểm soát sự tiết dầu của da cũng như làm thông thoáng lỗ chân lông, đặc biệt cần thiết cho da dầu hoặc da hỗn hợp.
- Lactic acid: hoạt động như một chất tẩy tế bào chết nhẹ nhàng giúp loại bỏ các tế bào chết.
- Shea butter, dầu dừa: các hoạt chất giúp khóa ẩm phù hợp sử dụng ở các vùng da khô.
- Chất chống oxy hóa: chất chống oxy hóa nên dùng cho mọi loại da, giúp bảo vệ da khỏi các tác hại từ bên ngoài. Có thể lựa chọn sản phẩm có chứa vitamin C để duy trì một làn da khỏe mạnh và luôn thoa kem chống nắng sau khi sử dụng vitamin C vào buổi sáng.
- Những người có làn da hỗn hợp hoặc da dầu và có mụn, hãy sử dụng sữa rửa mặt hoặc toner có chứa salicylic acid và/hoặc AHA như acid glycolic, acid lactic.
- Để chăm sóc da hiệu quả, bên cạnh các sản phẩm và chế độ chăm sóc da phù hợp với từng loại da, cần đảm bảo cơ thể luôn đủ nước để giữ ẩm cho da. Ngoài ra, cần chú ý chế độ dinh dưỡng phù hợp chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các loại nước trái cây để có làn da khỏe mạnh từ bên trong.
Việc nhận biết chính xác các loại da khác nhau rất quan trọng để có các bước chăm sóc da phù hợp. Bên cạnh đó, dù da mặt thuộc loại nào thì việc làm sạch da, dưỡng ẩm và bảo vệ da trước tác hại của tia cực tím luôn là các bước không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da.
Ngoài ra, không nên mạo hiểm tự điều trị các vấn đề về da như mụn, sẹo, thâm do mụn và thử nhiều loại mỹ phẩm khác nhau, thay vào đó thăm khám trực tiếp với Bác sĩ Da liễu để được thiết kế phác đồ điều trị cũng như lựa chọn những sản phẩm chăm sóc da phù hợp và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- “What is sebum?“. Medical News Today
- “What type of skin do I have?“. Medical News Today
- “How to determine your skin type (and why it matters)“. Siu medicine
- “What’s Your Skin Type?“. Webmd
- “How to Control Oily Skin“. AAD