Cách chăm sóc và phục hồi da mỏng yếu

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 18/07/2022

Đối với những ai sở hữu làn da mỏng, việc chăm sóc da thường gặp rất nhiều khó khăn, vì da dễ bị nổi mẩn đỏ, kích ứng, đặc biệt khi thử một loại mỹ phẩm mới hay tiếp xúc với các yếu tố từ bên ngoài như nắng, mưa, nhiệt độ lạnh, nóng, da thường bị đỏ bừng lên. Trong bài viết này, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về nguyên nhân khiến da bị mỏng yếu cũng như các bước chăm sóc và phục hồi da mỏng yếu đúng cách để nhanh chóng cải thiện sức khỏe làn da

Hàng rào bảo vệ da

Cấu tạo biểu bì da có một lớp lipid nằm ở phía ngoài cùng, tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài còn gọi là lớp màng lipid ngoài cùng biểu bì da. Màng lipid này có chức năng hạn chế sự mất nước cũng như bảo vệ da chống lại các tác nhân có hại từ môi trường (ánh nắng mặt trời, vi khuẩn gây hại, sự thay đổi nhiệt độ, các hóa chất gây tổn thương cho da). Khi lớp màng lipid này bị tổn thương, hàng rào bảo vệ da sẽ không duy trì được tính toàn vẹn cũng như chức năng bảo vệ da khỏi các tác nhân nêu trên, dẫn đến da sẽ dễ bị kích ứng, nổi mẩn đỏ, dễ bị khô, mất nước.

Hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh và hàng rào da bị tổn thương - Doctor Acnes
Hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh (trái) và hàng rào da bị tổn thương (phải)

Các nguyên nhân làm tổn hại hàng rào bảo vệ da

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc da bị tổn thương lớp hàng rào bảo vệ. Bên cạnh nguyên nhân về cơ địa, di truyền, dưới đây là một số sai lầm trong quá trình skincare khiến cho làn da từ khỏe mạnh trở nên dần mỏng yếu. 

Nguyên nhân làm tổn hại hàng rào bảo vệ da - Doctor Acnes
Ngoài những nguyên nhân về cơ địa, di truyền thì việc sử dụng các sản phẩm làm sạch da có độ pH quá cao, tẩy da chết quá mức hay treatment không đúng cách cũng làm cho làn da từ khỏe mạnh trở nên mỏng yếu hơn

Sử dụng các sản phẩm làm sạch có độ pH quá cao, có tính kiềm

Một số loại sữa rửa mặt chứa quá nhiều chất tẩy rửa có tính kiềm mạnh, độ pH cao, làm mất đi lớp màng lipid trên bề mặt lớp sừng cũng như làm mất cân bằng độ ẩm trên bề mặt da. Đặc điểm chung của các sản phẩm này là cảm giác sạch kin kít sau khi rửa mặt. Các bạn có làn da dầu thường rất thích cảm giác này. Tuy nhiên, trạng thái này chỉ là tạm thời, khi da mất độ ẩm cần thiết, da sẽ tiết nhiều dầu hơn sau đó, làm cho tình trạng da dầu trở nên nặng nề hơn.

Tẩy da chết quá mức

Các loại scrub (tẩy da chết vật lý) hoặc tẩy da chết hóa học giúp lấy đi bớt lớp sừng, tế bào chết trên da, mang lại cảm giác láng mịn sau khi sử dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng tẩy tế bào chết không hợp lý (nhiều hơn 2 lần/tuần, chà xát quá mạnh, sử dụng lượng quá nhiều) sẽ dẫn tới làm tổn thương hàng rào bảo vệ da, biểu hiện dễ thấy nhất đó là da bị nổi mẩn đỏ, nóng rát sau khi tẩy da chết. 

Sử dụng sản phẩm có hại cho da, tác nhân gây kích ứng da

Các sản phẩm gây hại cho da điển hình là rượu thuốc và kem trộn. Đây là các hóa chất có hoạt tính rất mạnh, sử dụng trong một thời gian dài sẽ khiến da bị tổn thương, mỏng yếu, dễ thấy nhất là tình trạng đỏ và lộ ra các mao mạch dưới da, da khô, bong tróc, ngứa, dễ nhiễm trùng. 

>>> Xem ngay: Cách phục hồi da nhiễm corticoid từ việc dùng kem trộn

Treatment không đúng cách 

Các hoạt chất như retinol, tretinoin, hydroquinone có tác dụng trong việc điều trị một số tình trạng chuyên sâu cho da ví dụ như lão hóa, nám… Tuy nhiên chúng cần được sử dụng dưới sự tư vấn của các Bác sĩ Da liễu. Việc sử dụng các hoạt chất này trong skincare sai cách có thể gây phản tác dụng, làm cho da bị bong tróc, mỏng và yếu. 

>>> Xem thêm: Phân biệt các loại da mặt, cách nhận biết và chăm sóc da đúng cách

4 điều không nên làm đối với làn da mỏng yếu

Chăm sóc làn da mỏng yếu, cần chú trọng vào việc tránh các tác nhân làm da dễ bị tổn thương hoặc các tác nhân khiến cho da dễ trở nên nhạy cảm hơn. Sau đây là 4 điều cần tránh mà các bạn cần lưu ý khi chăm sóc một làn da mỏng yếu.

  • Không lạm dụng tẩy tế bào chết: đối với da khỏe mạnh, việc tẩy da chết sẽ giúp thúc đẩy chu trình tái tạo da, làm do da mịn màng và trở nên sáng hơn. Tuy nhiên, những bạn có làn da vốn đã yếu, tức là hàng rào bảo vệ da đang bị tổn thương, cần hạn chế việc tẩy da chết để quá trình hồi phục da diễn ra thuận tiện hơn. Việc lạm dụng những loại tẩy da chết dễ khiến da bị nổi mẩn đỏ, kích ứng và mỏng yếu hơn. 
  • Không nên sử dụng BHA: BHA (acid salicylic) là một loại tẩy da chết hóa học giúp lấy đi lớp sừng trên bề mặt da, làm cho da trở nên mịn màng hơn. Như đã nói trên, khi sở hữu một làn da mỏng yếu, cần hạn chế tẩy da chết dù là dạng scrub hay tẩy da chết hóa học. Đặc biệt, cần tránh sử dụng những sản phẩm BHA trên nền cồn vì sẽ dễ làm cho da bị nổi mẩn và kích ứng nhiều hơn.
    Những điều không nên làm đối với làn da mỏng yếu - Doctor Acnes
    4 điều không nên làm khi chăm sóc làn da mỏng yếu
  • Không nên peel da: những sản phẩm peel da thường có chứa thành phần tẩy da chết hóa học ở nồng độ cao, khi peel da, lớp sừng sẽ bị lấy đi với mức độ nhiều hơn, sâu hơn. Peel da thường được chỉ định khi da bị sần vỏ cam, da dày sừng, da khỏe có nhiều mụn, thâm mụn và nám má. Trong trường hợp da mỏng yếu, tuyệt đối không nên peel da. 
  • Không nên sử dụng máy rửa mặt: máy rửa mặt mang tới 2 tác động là tác động cơ học và tác động của sóng âm, giúp da sạch sâu và làm giảm sự bít tắc lỗ chân lông. Máy rửa mặt thật sự tốt cho những làn da khỏe, da dầu, mụn. Tuy nhiên, đối với làn da mỏng yếu thì cần hạn chế sử dụng máy rửa mặt để tránh tác động khiến cho da dễ kích ứng hơn.

3 nguyên tắc cần nhớ khi chăm sóc và phục hồi da mỏng yếu

Chăm sóc một làn da mỏng yếu cần phải lưu ý những yếu tố bảo vệ da và tránh những yếu tố gây tác động xấu đến cho làn da. Có 3 nguyên tắc quan trọng cần nhớ để chăm sóc một làn da mỏng yếu là bảo vệ da, dưỡng ẩm cho da và ưu tiên sử dụng những thành phần có chức năng phục hồi hàng rào bảo vệ da trong chu trình dưỡng da hàng ngày. 

Bảo vệ da

Bảo vệ da bằng cách che chắn (đội mũ, áo khoác, kính râm) khỏi ánh nắng mặt trời là vô cùng quan trọng khi làn da đang trong tình trạng mỏng yếu, tránh da bị kích ứng và trở nên yếu hơn. Ngoài ra, cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng cao (SPF trên 50 hoặc kem chống nắng phổ rộng). Hạn chế sử dụng các loại tẩy da chết vật lý cũng như tẩy da chết hóa học, sử dụng sữa rửa mặt có độ pH phù hợp và nhẹ dịu cho da. 

Dưỡng ẩm đủ cho da

Khi da mỏng yếu thì sự mất nước qua da diễn ra rất nhanh chóng, da sẽ dễ bị khô, nhăn cũng như gây cảm giác khó chịu. Da mất nước sẽ tiết dầu nhiều hơn để tự bảo vệ, khiến lỗ chân lông trở nên to hơn gây mất thẩm mỹ. Vì vậy, cần cung cấp đủ độ ẩm cho da để da có thể giữ độ ẩm lâu hơn, điều tiết lượng bã nhờn. Đối với làn da mỏng yếu để dưỡng ẩm cho da có thể sử dụng các loại serum, kem dưỡng da đều đặn sáng, tối liên tục trong vài tháng để da có thời gian phục hồi, khỏe mạnh trở lại.

Phục hồi hàng rào bảo vệ da

Dưới đây là bảng giới thiệu một số thành phần có chức năng giúp khôi phục hàng rào bảo vệ da dựa trên 3 cơ chế: bổ sung trực tiếp thành phần của hàng rào bảo vệ da, giữ nước trên biểu bì và làm dịu da. Khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc cho da mỏng yếu có thể ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có một hoặc một vài thành phần được kể tên như sau.

Phục hồi hàng rào bảo vệ da - Doctor Acnes
Phục hồi hàng rào bảo vệ da dựa trên 3 cơ chế

Quy trình chăm sóc da cho làn da mỏng yếu

Từ các điều cần tránh và các nguyên tắc trong chăm sóc da mỏng yếu, Doctor Acnes gợi ý một chu trình chăm sóc da tham khảo phù hợp cho da mỏng yếu.

Quy trình chăm sóc da cho làn da mỏng yếu - Doctor Acnes
Quy trình chăm sóc da cho làn da mỏng yếu

Một số lưu ý: 

  • Đối với những bạn da nhiều dầu, sản phẩm rửa mặt nên ưu tiên loại ít bọt thì sẽ dịu nhẹ và làm sạch sâu hơn. 
  • Thời gian làm sạch (tẩy trang, rửa mặt) nên càng nhanh càng tốt, khoảng 30 giây đến 1 phút. 
  • Nên ưu tiên các sản phẩm có ghi “for sensitive skin” hoặc “moisture” (dành cho da nhạy cảm/cấp ẩm). 

Làn da mỏng yếu cần một sự chăm sóc cẩn thận, nâng niu và chú trọng vào các bước dưỡng phục hồi làn da kết hợp với việc bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại. Với những thông tin trong bài viết này, Doctor Acnes hy vọng đã giúp cho những ai sở hữu làn da mỏng yếu tự tin hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da. Nếu có bất kì câu hỏi nào liên quan đến cách chăm sóc da cũng như lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp, đừng chần chừ hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ thêm thông tin nhé.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. A. J. Kanwar. “Skin barrier function”. Indian J Med Res. 2018 Jan; 147(1): 117–118
  2. James Del Rosso, Joshua Zeichner, Andrew Alexis, David Cohen, Diane Berson. “Understanding the Epidermal Barrier in Healthy and Compromised Skin: Clinically Relevant Information for the Dermatology Practitioner: Proceedings of an Expert Panel Roundtable Meeting”. J Clin Aesthet Dermatol. 2016 Apr; 9(4 Suppl 1): S2-S8. Epub 2016 Apr 1
  3. Yoshikazu Uchida, Kyungho Park. “Ceramides in Skin Health and Disease: An Update”. Am J Clin Dermatol. 2021 Nov; 22(6): 853-866
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84