Collagen là protein cấu trúc giữ vai trò thiết yếu trong việc duy trì sự sống ở con người và các động vật có vú khác. Ngoài chức năng hỗ trợ cho xương và cơ, collagen còn giữ một vai trò quan trọng trong việc duy trì độ đàn hồi và sự tươi trẻ của làn da. Không dừng lại ở đó, chức năng của collagen trong việc sửa chữa vết thương và hình thành sẹo còn là một khía cạnh rất đặc biệt của loại protein quan trọng này.
Trong điều trị sẹo rỗ, collagen chính là yếu tố tiên quyết mang đến hiệu quả làm đầy đáy sẹo; do vậy, đa phần các kỹ thuật điều trị sẹo rỗ hiện nay đều nhắm vào cơ chế thúc đẩy sự tăng sinh collagen từ chính cơ thể để làm mờ vết sẹo. Hãy cùng các Bác sĩ Da liễu tại Phòng khám Doctor Acnes tìm hiểu về vai trò của collagen và các cách hỗ trợ kích thích tổng hợp collagen khi điều trị sẹo rỗ trong bài viết dưới đây.
Vai trò của collagen trong kỹ thuật điều trị sẹo rỗ
Sẹo rỗ được định nghĩa là tổn thương da có dạng lõm so với bề mặt da với kích thước và hình dạng không đồng đều. Sẹo rỗ là kết quả của quá trình đáp ứng của cơ thể để làm lành các tổn thương nhưng không thể phục hồi hoàn toàn collagen bị phá hủy ở lớp thượng bì và trung bì của da gây ra bởi tình trạng viêm, từ đó hình thành các vết lõm trên bề mặt.
Trong trường hợp mụn viêm đặc biệt là mụn viêm nặng, các chất trung gian gây viêm sẽ kích hoạt sự phân hủy collagen là chất nền quan trọng giúp duy trì cấu trúc làn da. Quá trình đáp ứng của cơ thể để làm lành các tổn thương do viêm luôn có hiện tượng tân sinh collagen để bù đắp lượng collagen bị phân hủy và phát triển mô mới tại vết thương.
Trong trường hợp lượng collagen được tổng hợp mới không bù đắp được hoàn toàn lượng collagen bị phân hủy thì lớp thượng bì sau viêm sẽ bị lõm xuống tạo thành sẹo rỗ.
Tóm lại, da mất collagen đóng vai trò quan trọng trong cơ chế hình thành sẹo rỗ. Do đó, các phương pháp điều trị sẹo rỗ điển hình được Bác sĩ Da liễu sử dụng phổ biến hiện nay như cross TCA, bóc tách đáy sẹo, lăn kim, RF siêu vi điểm hay laser fractional CO2 đều nhắm đến việc kích thích tăng sinh collagen nội sinh bên trong cơ thể để thúc đẩy sự phát triển mô mới tại vết thương, giúp làm đầy dần đáy sẹo.
Bên cạnh các phương pháp trị sẹo như đã đề cập, các liệu pháp bổ trợ cũng đã được nghiên cứu và từng bước được đưa vào ứng dụng trên lâm sàng để góp phần kích thích tăng sinh collagen thông qua các cơ chế khác nhau. Cùng điểm qua các liệu pháp bổ trợ này và các chứng cứ lâm sàng của chúng.
Các liệu pháp bổ trợ giúp tăng sinh collagen khi điều trị sẹo mụn
Tế bào gốc
Tế bào gốc được sử dụng phối hợp trong kỹ thuật điều trị sẹo hiện nay là các sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc, cụ thể đó là sản phẩm thu được từ môi trường nuôi cấy tế bào gốc chứa những chất sinh ra trong quá trình nhân lên của tế bào. Thành phần “tế bào gốc” trong các mỹ phẩm thực ra không phải là các tế bào còn sống. Quá trình nuôi cấy tế bào gốc giúp thu được những thành phần có hoạt tính sinh học mà thông thường không có sẵn trong tự nhiên hay khó tổng hợp hóa học.
Hiệu quả điều trị đạt được của các sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc có thể nói là nhờ nồng độ cao các yếu tố tăng trưởng biểu bì (Epithelial Growth Factor) chứa trong nó. Với hiệu quả cao trong việc tái tạo da thông qua cơ chế tăng sinh tế bào của các yếu tố tăng trưởng biểu bì, các sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc sẽ giúp quá trình tổng hợp collagen từ các nguyên bào sợi được kích thích mang lại tác dụng làm đầy đáy sẹo.
Trong thực hành điều trị sẹo, khi sử dụng các sản phẩm công nghệ tế bào gốc kết hợp sau lăn kim, RF siêu vi điểm hay laser fractional CO2, sự tăng sinh collagen sẽ được kích hoạt mạnh mẽ theo cả 2 cơ chế: vừa từ quá trình lành thương của da và vừa từ các yếu tố tăng trưởng, giúp đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.
Một lợi điểm cộng thêm khi phối hợp tế bào gốc với lăn kim, RF siêu vi điểm hay laser fractional CO2 trong liệu trình trị sẹo đó là: nhờ vào các tổn thương siêu vi điểm tạo ra từ các kỹ thuật xâm lấn này mà các yếu tố tăng trưởng với kích thước tương đối lớn, khó xuyên qua được lớp biểu bì nguyên vẹn của da sẽ dễ dàng thâm nhập sâu hơn vào da để phát huy tác dụng tại các lớp da bên dưới.
Các sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc hiện được bào chế dưới nhiều dạng: dạng tinh chất chứa nồng độ đậm đặc các yếu tố tăng trưởng, có thể dùng để bôi trực tiếp lên da ngay sau bước thực hiện các kỹ thuật xâm lấn và có thể được sử dụng liên tục trong 1-2 ngày sau đó cho đến khi miệng của các tổn thương vi điểm đóng mài hoàn toàn thì tạm ngưng cho đến đợt điều trị tiếp theo.
Ngoài ra còn có dạng kem, loại này có thể được sử dụng từ ngày thứ 1 sau liệu trình trị sẹo với vai trò vừa dưỡng ẩm vừa phục hồi tái tạo da. Loại kem này còn có thể được sử dụng liên tục trong suốt thời gian điều trị sẹo để đạt được hiệu quả làm đầy sẹo tối ưu.
Huyết tương giàu tiểu cầu PRP
Huyết tương giàu tiểu cầu PRP là một sản phẩm có nguồn gốc từ máu tự thân, được ly trích từ máu của chính khách hàng thành một chế phẩm sinh học mang đặc tính tái tạo và chữa lành mô nhờ vào nồng độ cao của tiểu cầu và các yếu tố tăng trưởng chứa trong đó, bao gồm các yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc tiểu cầu (PDGFaa, PDGFbb và PDGFab); các đồng phân của yếu tố tăng trưởng beta (isoforms TGFβ1 và 2); yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF); và yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF).
Huyết tương giàu tiểu cầu PRP có thể nói là có cùng cơ chế tác động với các các sản phẩm công nghệ tế bào gốc vì chất sinh hoạt tính trong các chế phẩm này đều là các yếu tố tăng trưởng. Điểm khác biệt giữa chúng là sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc thì chứa các yếu tố tăng trưởng ngoại sinh, còn huyết tương giàu tiểu cầu chứa các yếu tố tăng trưởng tự thân.
Có thể nói, PRP là một phương pháp điều trị rất an toàn vì về cơ bản đây là sản phẩm có nguồn gốc tự thân của chính bệnh nhân được sử dụng để tiêm lại vào cơ thể bệnh nhân đó, do đó không có bất cứ nguy cơ tạo ra các phản ứng miễn dịch giữa cơ thể và chất tiêm.
Tuy nhiên, phương pháp này cần quy trình xử lý máu để ly trích huyết tương giàu tiểu cầu PRP từ máu toàn phần trong phòng lab nên đòi hỏi người thực hiện cần tuân thủ đúng quy trình thao tác chuẩn nhằm kiểm soát lây nhiễm chéo giữa các khách hàng, cũng như thao tác tiêm PRP trở lại cơ thể bệnh nhân cũng cần tuân thủ nguyên tắc khử trùng theo chuẩn y khoa để phòng ngừa nhiễm trùng tại vị trí tiêm.
Trong liệu trình trị sẹo, huyết tương giàu tiểu cầu PRP khi được tiêm trở lại vào da hoặc khi thấm sâu vào da thông qua các tổn thương có chủ ý được gây ra bởi lăn kim, RF siêu vi điểm hay laser fractional CO2 sẽ mang đến cùng một lúc nhiều tác dụng, bao gồm kích thích sự tăng sinh nguyên bào sợi, đẩy mạnh tổng hợp collagen giúp cải thiện tình trạng sẹo rỗ, bên cạnh đó còn ngăn ngừa sự hình thành nếp nhăn mới, tăng cường tính đàn hồi và độ săn chắc của da. PRP còn giúp duy trì độ ẩm cho da sau điều trị xâm lấn, giúp điều hòa và đẩy nhanh quá trình lành thương của da sau điều trị.
Ngoài ra, PRP còn được chứng minh là làm giúp cải thiện tông màu, phục hồi làn da yếu, tổn thương nhờ sửa chữa các tế bào hư hại và kích thích sản sinh tế bào mới khỏe mạnh hơn nên các bệnh nhân sau liệu trình trị sẹo với PRP còn cảm nhận được làn da không những mịn màng mà còn đều màu, khỏe hơn, rạng rỡ hơn.
Tại Phòng khám Doctor Acnes, chúng tôi đã thấy PRP mang đến kết quả rất tốt trong điều trị sẹo mụn khi kết hợp với các phương pháp khác. Để củng cố thêm các quan sát trong thực hành lâm sàng, hãy cùng điểm qua một số nghiên cứu đã chứng minh huyết tương giàu tiểu cầu PRP là một phương pháp điều trị sẹo mụn an toàn và hiệu quả.
Một đánh giá được thực hiện vào năm 2020 bao gồm 311 người tham gia trong 8 nghiên cứu. Đánh giá này đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về độ rõ của sẹo ở những người được điều trị với lăn kim hoặc bóc tách đáy sẹo phối hợp với PRP. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng điều trị kết hợp lăn kim hoặc bóc tách đáy sẹo với PRP có hiệu quả rõ rệt hơn so với lăn kim hoặc bóc tách đáy sẹo đơn trị liệu, thậm chí phối hợp với một liệu pháp khác ngoài PRP cũng không đạt hiệu quả tốt bằng.
Năm 2019, các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan và Đại học John Hopkins đã xem xét bảy nghiên cứu về PRP được công bố. Trong bảy nghiên cứu này, PRP được sử dụng như một liệu pháp bổ trợ cho các điều trị sẹo mụn chính bao gồm laser fractional CO2 và lăn kim. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc bổ sung huyết tương giàu tiểu cầu PRP giúp cải thiện sẹo mụn, sự hài lòng của bệnh nhân và giảm thời gian phục hồi sau điều trị với laser fractional CO2 và lăn kim.
Bổ sung vitamin A và C dạng bôi và uống
Bổ sung vitamin cho bệnh nhân cũng là một vấn đề quan trọng trong điều trị sẹo. Các nghiên cứu đã cho thấy thiếu hụt vitamin và protein sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình lành thương, cũng như việc tăng cường một số loại vitamin trong quá trình điều trị sẹo sẽ làm quá trình lành thương và tốc độ làm đầy mô sẹo nhanh hơn. Đây là lý do các Bác sĩ Da liễu thường bổ sung vitamin cho bệnh nhân trước, trong và sau liệu trình điều trị sẹo để quá trình trị liệu đạt kết quả như mong muốn.
Các vitamin quan trọng tham gia vào quá trình lành thương bao gồm vitamin C và vitamin A. Vitamin C là yếu tố thiết yếu cho quá trình lành thương vì ảnh hưởng trực tiếp đến sự tổng hợp collagen. Cụ thể, vitamin C tác động như một đồng yếu tố cho sự hydroxyl hóa proline và lysin, đồng thời xúc tác sự hình thành các liên kết chéo giúp ổn định sợi collagen. Ngoài ra, vitamin C cũng ức chế sự tạo thành melanin nên hạn chế được tình trạng tăng sắc tố sau điều trị sẹo.
Bên cạnh vitamin C thì vitamin A cũng là tác nhân cực kỳ quan trọng giúp tối ưu hóa quá trình lành thương trong điều trị sẹo. Các nghiên cứu đã cho thấy thiếu hụt vitamin A làm giảm tổng hợp collagen và các liên kết chéo của nó, gây ảnh hưởng xấu đến việc làm đầy đáy sẹo. Hơn nữa, thiếu vitamin A cũng làm chậm đáng kể quá trình lành biểu mô. Vì vậy, cần bổ sung vitamin A đường uống trước, trong và sau liệu trình điều trị sẹo để đảm bảo tốc độ tăng sinh collagen và lấp đầy sẹo nhanh chóng.
Ngoài vitamin A dạng uống thì các dẫn xuất vitamin A dạng bôi ngoài da cũng có nhiều bằng chứng tích cực trong việc điều trị mụn, sẹo mụn, tăng sắc tố và trẻ hóa da. Vitamin A ở dạng acid retinoic 0.05% bôi ngoài da ngoài hiệu quả điều trị mụn còn là một chất giúp tái tạo bề mặt hiệu quả, giúp hỗ trợ làm đầy đáy sẹo và làm cho quá trình lành thương ít bị kích ứng, lớp biểu mô mới tạo thành sau điều trị mềm mại hơn.
Adapalene dạng bôi 0.3% trong một thử nghiệm nhãn mở ở những người bị sẹo mụn đã cho thấy sự cải thiện 1-2 điểm trên thang điểm đánh giá sẹo vào tuần thứ 24, đi kèm theo đó là sự cải thiện tốt hơn về kết cấu da tổng thể. Kết quả này có thể được giải thích thông qua cơ chế tăng biểu hiện gen tổng hợp procollagen và tăng tổng hợp collagen sau đó.
Đối với sắc tố da, vitamin A và các dẫn xuất của nó ở dạng bôi tại chỗ cũng đã được chứng minh giúp làm mờ vết thâm thông qua cơ chế ức chế sự vận chuyển melanosome đến tế bào sừng và kích thích tăng sinh đổi mới lớp thượng bì.
Trong nghiên cứu của Grimes và cộng sự, tazarotene 0.1% giúp giảm độ sậm và diện tích đốm sắc tố do mụn sau 18 tuần sử dụng. Trong một nghiên cứu khác của Bulengo-Ransby và cộng sự kéo dài 40 tuần, tretinoin dạng bôi giúp cải thiện đáng kể sự gia tăng sắc tố sau viêm so với nhóm đối chứng.
Tretinoin 0.1% bôi ngoài da trong nghiên cứu của Griffiths và cộng sự cũng đã cho thấy kết quả cải thiện sắc tố vượt trội ở bệnh nhân nám da so với nhóm sử dụng kem bôi không chứa tretinoin. Nói tóm lại, bổ sung các dẫn xuất vitamin A đường bôi vào liệu trình trị sẹo có thể hỗ trợ làm đầy sẹo tốt hơn và góp phần mang lại làn da trắng sáng đều màu mềm mại hơn sau điều trị.
Bổ sung collagen đường uống
Collagen bổ sung đường uống đã được chứng minh có hiệu quả trong việc giúp vết thương nhanh lành hơn và cải thiện vẻ thẩm mỹ của sẹo hình thành sau chấn thương trong một vài nghiên cứu. Tuy nhiên lại có rất ít bằng chứng chứng tỏ các sản phẩm collagen đường uống này có hiệu quả trong việc kích thích tăng sinh collagen trong cơ thể. Điều đó có thể được giải thích vì collagen tổng hợp được tìm thấy trong các sản phẩm bổ sung khác với những gì cơ thể con người tự sản xuất.
Với bằng chứng lâm sàng giới hạn, các Bác sĩ tại Doctor Acnes hiếm khi chỉ định collagen đường uống để hỗ trợ cho phác đồ điều trị sẹo. Tuy nhiên, nếu điều kiện kinh tế cho phép thì việc sử dụng các sản phẩm chứa collagen trong giai đoạn này cũng mang đến các hiệu quả nhất định như giúp các vết thương gây ra bởi các phương pháp điều trị xâm lấn như bóc tách đáy sẹo chóng lành.
Cần lưu ý lựa chọn các sản phẩm bổ sung có nhãn mác rõ ràng thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ, nên nhớ các sản phẩm nhập khẩu chính ngạch đều có nhãn phụ bằng tiếng Việt, để đảm bảo không gây hại cho cơ thể vì các sản phẩm bổ sung đường uống được hấp thu trực tiếp vào cơ thể, gây ảnh hưởng toàn thân chớ không phải chỉ khu trú tại chỗ như các sản phẩm dùng ngoài da.
Bảng giá dịch vụ điều trị sẹo rỗ tại Phòng khám Doctor Acnes
✅ Phương pháp | ✅ Giá | ✅ Giá HSSV |
⭐Cross TCA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 500.000 | 450.000 |
⭐RF microneedle Sylfirm X chuẩn FDA trị sẹo (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.500.000-1.900.000 | 1.400.000-1.800.000 |
⭐Bóc tách đáy sẹo nặng (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.500.000 | 1.400.000 |
⭐Bóc tách đáy sẹo trung bình (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.200.000 | 1.100.000 |
⭐Bóc tách đáy sẹo nhẹ (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.000.000 | 900.000 |
⭐Lăn kim trị sẹo mụn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.100.000 | 1.000.000 |
⭐Laser fractional Nd:YAG chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.500.000 | 1.400.000 |
⭐Laser fractional eCO2 Lutronic chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.500.000 | 1.400.000 |
⭐Huyết tương giàu tiểu cầu PRP |
900.000 | 800.000 |
⭐Mesotherapy huyết tương giàu tiểu cầu PRP trị sẹo (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.500.000 | 1.400.000 |
⭐Mesotherapy Growth Factors trị sẹo (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.600.000 | 1.500.000 |
Tóm lại, trong điều trị sẹo rỗ, sự tăng sinh collagen từ chính cơ thể đóng vai trò nền tảng để làm mờ dần đáy sẹo. Bên cạnh các phương pháp điều trị sẹo rỗ điển hình được Bác sĩ Da liễu sử dụng phổ biến hiện nay như cross TCA, bóc tách đáy sẹo, lăn kim, RF siêu vi điểm hay laser fractional CO2, còn có các biện pháp bổ trợ giúp liệu trình điều trị sẹo đạt mức độ tăng sinh collagen tối đa.
Tuy nhiên, cần lưu ý là phác đồ điều trị sẹo rỗ là phác đồ cá thể hóa nghĩa là mỗi bệnh nhân sẽ có các liệu trình điều trị duy nhất cho riêng mình, không trùng lặp với bất kỳ bệnh nhân nào khác. Phác đồ này có thể là sự phối hợp của nhiều kỹ thuật kích thích tăng sinh collagen khác nhau; được thiết lập bởi Bác sĩ Da liễu dựa vào tình trạng sẹo, tình trạng da, tính đáp ứng với điều trị và cả khả năng kinh tế của mỗi người.
Bạn cần đến các phòng khám Da liễu uy tín để được Bác sĩ Da liễu thăm khám và thiết lập phác đồ điều trị sẹo phù hợp nhất cho tình trạng da của mình.
Tài liệu tham khảo
- Boen M., Jacob C. “A Review and Update of Treatment Options Using the Acne Scar Classification System”. Dermatol Surg. 2019 Mar;45(3):411-422
- Fabbrocini G, Annunziata MC, D’Arco V, et al. “Acne scars: pathogenesis, classification and treatment” Dermatol Res Pract. 2010;2010:893080
- Up To Date 2021 – Management of acne scars
- Haiun M., Barbara H., Durazzo A., et al. “Improving Abdominal Plastic Scars with a Dietary Supplement—A Comparative Study”. Plast Reconstr Surg Glob Open. 2018 Oct; 6(10): e1907
- Long T., Gupta A., Ma S., Hsu S. “Platelet-rich plasma in noninvasive procedures for atrophic acne scars: A systematic review and meta-analysis”. J Cosmet Dermatol . 2020 Apr;19(4):836-844
- Hsieh T., Chiu W., Yang T., Wang H., Chen C. “A Meta-analysis of the Evidence for Assisted Therapy with Platelet-Rich Plasma for Atrophic Acne Scars”. Aesthetic Plast Surg . 2019 Dec;43(6):1615-1623
- Hesseler M., Shyam N. “Platelet-rich plasma and its utility in the treatment of acne scars: A systematic review”. J Am Acad Dermatol . 2019 Jun;80(6):1730-1745
- Leyden J., Stein-Gold L, Weiss J. “Why Topical Retinoids Are Mainstay of Therapy for Acne”. Dermatol Ther (Heidelb). 2017 Sep;7(3):293-304
- Medscape – Scar Revision