Bà bầu nặn mụn được không? Cách chăm sóc da mụn cho mẹ bầu

Ngày 01/07/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Mang thai là quá trình cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone dễ dẫn đến tình trạng bùng phát mụn. Đây cũng là tình trạng chung mà nhiều mẹ bầu gặp phải. Việc chăm sóc da mụn đối với mẹ bầu thường có nhiều hạn chế, kể cả phương pháp nặn mụn thông thường bởi phương pháp này tuy phổ biến nhưng có thể tiềm tàng nhiều rủi ro khi mang thai. Bài viết này sẽ giúp trả lời câu hỏi “Bà bầu nặn mụn được không?” và chia sẻ bí quyết chăm sóc da an toàn giúp giảm mụn cho mẹ bầu.

Tại sao mẹ bầu nổi mụn khi mang thai?

Nguyên nhân gây nổi mụn khi mang thai

Việc bùng phát mụn khi mang thai không xảy ra với tất cả các sản phụ, tuy nhiên theo một nghiên cứu vào năm 2014, hơn 40% phụ nữ mang thai phải đối mặt với mụn trứng cá, và đôi khi tình trạng mụn trứng cá sẽ khá nghiêm trọng.

Nguyên nhân chính gây ra mụn khi mang thai là do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể. Khi mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng cao để nuôi dưỡng bào thai. Điều này kích thích tuyến dầu trên da hoạt động mạnh mẽ. Lượng dầu và bã nhờn dư thừa này kết hợp với tế bào da chết, bụi bẩn dễ dàng làm tắc nghẽn lỗ chân lông, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, dẫn đến mụn bùng phát. 

Hệ thống miễn dịch suy yếu trong thai kỳ cũng góp phần làm tình trạng viêm và mụn diễn ra trầm trọng hơn. Không chỉ vậy, một số yếu tố khác như mang thai lần đầu, tiền sử có mụn trước khi mang thai, hội chứng buồng trứng đa nang, căng thẳng, vệ sinh da không đúng cách… cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ nổi mụn.

Mỗi phụ nữ khi mang thai sẽ có tình trạng mụn khác nhau, và không phải lúc nào cũng bắt đầu trong thời kỳ đầu mang thai. Mụn trứng cá có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong thai kỳ và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ nếu không được điều trị đúng. 

Thông thường, hiện tượng nổi mụn thường rõ rệt nhất trong 3 tháng cuối của quá trình mang thai (từ tuần 29 đến tuần 40) vì đây là lúc nồng độ hormone progesterone của mẹ bầu hoạt động ở mức cao nhất. Nếu bạn đã từng có mụn trước khi mang thai, khả năng cao tình trạng mụn sẽ trở nên nặng hơn trong giai đoạn này. 

có bầu nặn mụn được không
Mỗi phụ nữ khi mang thai sẽ có tình trạng mụn khác nhau

Các loại mụn phổ biến khi mang thai

Các loại mụn thường gặp khi mang thai không khác gì tình trạng mụn thông thường, bao gồm:

  • Mụn đầu trắng còn gọi là mụn ẩn, nhân mụn màu trắng không có lỗ mở. 
  • Mụn đầu đen là mụn trứng cá không viêm có màu đen hoặc nâu. Khi đầu mụn mở ra và tiếp xúc với không khí, bị oxy hóa chuyển thành màu đen.
  • Mụn sẩn là loại mụn đặc trưng bởi vùng da xung quanh bị viêm nhẹ, có đường kính dưới 1cm, hơi sưng và có màu đỏ, hồng hoặc nâu tím.
  • Mụn mủ là loại mụn viêm có mủ trắng hoặc vàng.
  • Mụn nốt là loại mụn trứng cá nặng, mụn viêm lớn, sưng đau và không có đầu mụn rõ ràng.
  • Mụn nang là loại mụn viêm nặng nhất, xuất hiện dưới dạng những nốt sưng đỏ chứa đầy dịch mủ, gây đau nhức, khó chịu, thường xuất hiện đơn lẻ hoặc theo cụm.

Một số phụ nữ mang thai chỉ bị mụn đầu đen và mụn đầu trắng, trong khi những người khác có thể bị mụn nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tình trạng thường tự khỏi nhưng cũng có thể kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn sau khi sinh.

một số loại mụn thường gặp hiện nay
Một số loại mụn thường gặp khi mang thai

Bà bầu nặn mụn được không?

Phụ nữ mang thai có thể sử dụng phương pháp nặn mụn nhưng nên thực hiện tại Phòng khám Da liễu để được điều trị đúng cách thay vì tại nhà, vì việc này có thể khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn, khiến mụn lây lan, tăng khả năng nhiễm trùng và để lại sẹo. 

Bên cạnh đó, trong sinh hoạt hằng ngày, mẹ bầu nên tránh chạm tay lên da mặt. Nếu mụn viêm bị vỡ, cần làm sạch với nước muối sinh lý và sát khuẩn để vết thương được lành nhanh hơn.

lấy nhân mụn
Phụ nữ mang thai có thể sử dụng phương pháp nặn mụn nhưng nên thực hiện tại Phòng khám Da liễu

Cách chăm sóc da an toàn để giảm mụn cho mẹ bầu

Thay vì tự nặn mụn, mẹ bầu nên áp dụng các biện pháp chăm sóc da an toàn và hiệu quả để giảm mụn và cải thiện làn da. Việc điều trị mụn trứng cá khi mang thai nên được bắt đầu một cách cẩn thận tùy theo tình trạng mụn từ nhẹ đến nặng. Dưới đây là 4 lời khuyên mẹ bầu có thể thực hiện trong quá trình mang thai:

Phương pháp tự chăm sóc da đơn giản tại nhà

  • Rửa mặt 2 lần mỗi ngày với nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ không chứa dầu, cồn hoặc xà phòng. Hạn chế chà xát mạnh trên da vì điều này có thể gây kích ứng và khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Không chạm vào mụn hoặc nặn mụn bằng tay. 
  • Tránh sử dụng các sản phẩm gây tắc nghẽn lỗ chân lông sinh ra mụn như cồn, dầu và hương liệu nhân tạo. 
  • Gội đầu thường xuyên, đặc biệt nếu bạn có mái tóc dầu.
  • Giặt vỏ gối và khăn tắm thường xuyên.
  • Đảm bảo uống đủ lượng nước cần thiết, tránh đồ uống có ga và quá nhiều caffeine.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và hạn chế những thực phẩm có chứa đường tinh chế và thực phẩm chế biến sẵn. 
  • Giảm căng thẳng và mệt mỏi bằng cách dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
  • Nếu có trang điểm, mẹ bầu nên sử dụng các sản phẩm không chứa dầu và tẩy sạch lớp trang điểm trước khi đi ngủ. 
  • Cân nhắc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da từ thiên nhiên như bơ ca cao, lô hội, vitamin E, trà xanh, bơ hạt mỡ, dầu dừa.
  • Nếu nhận thấy da bùng phát mụn nặng hơn, hãy gặp Bác sĩ Da liễu để thăm khám và thiết kế phác đồ điều trị an toàn, kịp thời hạn chế tình trạng mụn.
tự chăm sóc da đơn giản tại nhà
Một số phương pháp tự chăm sóc da đơn giản tại nhà

Xem thêm các bài viết liên quan

Các phương pháp điều trị tại Phòng khám Da liễu

Lấy mụn chuẩn y khoa: phương pháp này giúp loại bỏ nhân mụn và chất nhờn ra khỏi da qua tác động vật lý. Quy trình phải được thực hiện tại Phòng khám bởi các kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, đảm bảo vô khuẩn, không để lại sẹo và thường kết hợp với chiếu ánh sáng sinh học để giảm viêm. Ngoài ra, dụng cụ và thiết bị y tế sử dụng phải được tiệt trùng đúng quy định, tránh gây bội nhiễm hoặc lây nhiễm chéo.

Các loại peel an toàn cho mẹ bầu: một vài loại hoạt chất peel có nguồn gốc từ trái cây giúp tẩy da chết nhẹ nhàng, giảm viêm có thể được sử dụng cho mẹ bầu như acid glycolic hoặc acid lactic (nồng độ tối đa 20%). Ngoài ra, acid mandelic cũng là lựa chọn được ưu tiên cho mẹ bầu. Tuyệt đối tránh các loại peel có chứa acid salicylic hoặc TCA. Chỉ nên thực hiện các phương pháp này tại Phòng khám Da liễu với sự chỉ định và giám sát của Bác sĩ Da liễu.

Liệu pháp laser ánh sáng không xâm lấn: đây là phương pháp điều trị an toàn cho mẹ bầu, chỉ tác động trên bề mặt da mà không gây tác dụng phụ. Laser giúp điều tiết tuyến bã nhờn, diệt khuẩn, giảm viêm và cải thiện tổn thương mụn trứng cá.

phương pháp điều trị mụn
Một số phương pháp điều trị mụn cho phụ nữ mang thai tại Doctor Acnes

Thuốc bôi ngoài da: là phương pháp điều trị mụn trứng cá không được ưu tiên cho sản phụ mặc dù việc bôi thuốc lên da sẽ làm giảm đáng kể lượng thuốc được hấp thụ vào máu của mẹ bầu. Trên thị trường có nhiều sản phẩm chứa các thành phần chưa có bằng chứng gây hại cho thai nhi mà trong một số trường hợp Bác sĩ có thể cân nhắc cho phụ nữ mang thai như:

  • Acid azelaic nồng độ tối đa 10% được xếp loại B cho thai kỳ nghĩa là không có tác dụng gây quái thai nào được báo cáo. 
  • Acid glycolic mặc dù không được FDA xếp hạng an toàn khi mang thai nhưng chúng được coi là an toàn trong thai kỳ và cho con bú vì khả năng hấp thụ toàn thân không đáng kể.
  • Benzoyl peroxide (nồng độ tối đa 5%) được FDA xếp loại C trong thai kỳ cho nên cần hạn chế sử dụng.

Đối với tình trạng mụn từ trung bình đến nặng, các loại thuốc kháng sinh bôi tại chỗ được xếp loại B trong thai kỳ cũng có thể được cân nhắc nhưng mẹ bầu chỉ nên sử dụng khi được kê toa với sự giám sát của Bác sĩ Da liễu như clindamycin hoặc erythromycin. 

Lưu ý các loại thuốc dưới đây chống chỉ định trong thời kỳ mang thai vì chúng có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, bao gồm:

  • Isotretinoin (Acnotin, Accutane, Myspa).
  • Retinoid bôi tại chỗ như tretinoin, tazarotene và adapalene.
  • Spironolacton.
  • Thuốc kháng sinh tetracycline, minocycline hoặc doxycycline.
  • Thuốc điều trị mụn bằng hormone tuy không gây quái thai nhưng chống chỉ định cho mẹ bầu.
  • Dapsone hoặc clascoterone – độ an toàn của những loại thuốc mới này chưa được xác định đối với phụ nữ mang thai.
chống chỉ định cho bà bầu
Một số thuốc chống chỉ định cho phụ nữ đang mang thai

Mẹ bầu cần chắc chắn phương pháp mình có thể sử dụng để đảm bảo an toàn và sự phát triển của thai nhi bằng cách tham khảo ý kiến của Bác sĩ Da liễu.

Để điều trị mụn trứng cá khi mang thai, mẹ bầu nên chọn phương pháp nặn mụn chuẩn y khoa tại các Phòng khám Da liễu uy tín thay vì tự nặn mụn tại nhà. Kết hợp lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học và chăm sóc da cẩn thận sẽ giúp duy trì làn da khỏe mạnh và đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Hãy liên hệ với Doctor Acnes để được tư vấn phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả nhất nhé.

Tài liệu tham khảo 

  1. Pregnancy and skin care: What products are safe to use?“. MedicalNewsToday
  2. 6 All-Natural Pregnancy Acne Remedies“. Healthline
  3. Pregnancy Acne“. WebMD
  4. Prevent pimples and avoid ‘maskne’ with pregnancy-safe acne treatments August 10, 2021“. utswmed.org
  5. LASERS AND LIGHTS: HOW WELL DO THEY TREAT ACNE?“. AAD

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84