Mụn tuổi teen: phương pháp điều trị và chăm sóc

Ngày 29/08/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Mụn là vấn đề da liễu rất thường gặp ở lứa tuổi teen. Các thống kê cho thấy 85% các bạn ở lứa tuổi thanh thiếu niên gặp phải vấn đề da liễu này. Mặc dù mụn không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều đến sự tự tin đặc biệt là ở giai đoạn tâm lý nhạy cảm như độ tuổi teen. Bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin để bạn hiểu rõ thêm về các đặc điểm, nguyên nhân hình thành, phân loại mụn, cách điều trị mụn tuổi teen cũng như cách chăm sóc làn da ở độ tuổi này. 

Đặc điểm của mụn tuổi teen

Như đã đề cập ở trên, phần lớn các bạn ở lứa tuổi thanh thiếu niên mắc phải tình trạng mụn, thường bắt đầu ở tuổi dậy thì, nghiêm trọng nhất ở độ tuổi 14-15 và giảm dần khi đến tuổi 20. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp mụn tiếp tục kéo dài đến độ tuổi 40 thậm chí 50. Mụn ở lứa tuổi học trò thường xảy ra ở vùng mặt nhưng cũng có khi mụn xuất hiện ở cổ, vai, lưng hay ngực. Hình thái của mụn cũng rất đa dạng ở từng cá thể, từ mụn không viêm bao gồm mụn đầu trắng, mụn đầu đen cho đến mụn viêm bao gồm mụn sẩn, mụn mủ và mụn bọc.

So về giới, một nghiên cứu cộng đồng được thực hiện tại Singapore cho thấy, mụn xảy ra phổ biến hơn ở các bạn nam với tỉ lệ là 61% và tình trạng mụn cũng thường nặng nề hơn. Điều này có thể được giải thích thông qua cơ chế bệnh sinh gây mụn quan trọng nhất ở lứa tuổi học trò là do nội tiết tố nam androgen.

Cơ chế bệnh sinh của mụn tuổi teen

Mụn được xem là một dạng bệnh viêm đa yếu tố xảy ra tại các nang lông của da. Những hiểu biết về sinh bệnh học cho thấy các yếu tố quan trọng góp phần cho sự hình thành và phát triển mụn bao gồm: sự gia tăng keratin hóa tại nang lông, gia tăng số lượng vi khuẩn P. acnes, tăng sản xuất bã nhờn và các phản ứng viêm phức tạp liên quan đến cả miễn dịch bẩm sinh và mắc phải. Ở độ tuổi thanh thiếu niên, sự gia tăng nồng độ nội tiết tố sinh dục androgen là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến cơ chế bệnh sinh nêu trên.

Trong độ tuổi teen, cả nam và nữ đều có sự gia tăng nồng độ androgen trong máu. Nội tiết tố này kích thích tuyến bã nhờn tiết nhiều dầu vào các lỗ chân lông đồng thời làm nang lông dày lên gây bít tắc. Đặc biệt, tại vùng mặt, lưng, ngực và cổ là nơi tập trung nhiều tuyến bã nhờn tình trạng bít tắc còn nặng nề hơn tạo thành mụn đầu trắng và mụn đầu đen. 

P. acnes là vi khuẩn kị khí và thường trú trong hệ vi sinh của da. Khi lỗ chân lông bị bít tắc sẽ là môi trường kỵ khí hoàn hảo cho P. acnes sinh sôi, phân hủy bã nhờn thành các triglyceride là yếu tố kích thích sự gia tăng phản ứng viêm tại chỗ gây nên mụn sẩn, mụn mủ và mụn bọc, là các hình thái của tình trạng mụn viêm.

Bên cạnh cơ chế sinh mụn thông qua androgen, các nghiên cứu khoa học cũng đã tìm ra một số yếu tố góp phần đến sự bùng phát mụn ở lứa tuổi teen bao gồm:

  • Yếu tố di truyền.
  • Lạm dụng mỹ phẩm, làm sạch da không đúng cách.
  • Sử dụng mỹ phẩm có thành phần gây bít lỗ chân lông như dầu, chất bảo quản paraben.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh như ăn nhiều đường, dầu mỡ, bơ, ít rau xanh và trái cây, uống ít nước.
  • Căng thẳng trong học tập, áp lực thi cử làm tuyến nhờn tiết nhiều dầu hơn.
  • Đeo ba lô thường xuyên hay mặc quần áo quá chật làm tăng nguy cơ bị mụn ở lưng và ngực. 
Sự hình thành mụn
Cơ chế bệnh sinh gây mụn

Phân loại mụn tuổi teen theo độ nặng

Trong thực hành da liễu, phân loại mụn theo mức độ nghiêm trọng sẽ giúp xác định hướng điều trị phù hợp. Có nhiều cách phân loại mụn khác nhau, nhưng hệ thống phân loại Leeds cải tiến được xem là chính xác và nhanh chóng hơn cả. Theo cách phân loại này, có 3 mức độ mụn:

  • Nhẹ: chủ yếu là mụn đầu trắng và mụn đầu đen, có vài vết mụn sẩn và mụn mủ.
  • Trung bình: nhiều mụn đầu trắng và mụn đầu đen, nhiều mụn sẩn viêm diện tích nhỏ và nhiều mụn mủ viêm.
  • Nặng: nhiều mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn sẩn và mụn mủ; nhiều tổn thương rộng và sâu, có sự xuất hiện của mụn nang, mụn bọc và những ổ áp xe.

Điều trị mụn tuổi teen

Theo các chuyên gia, điều trị mụn cho lứa tuổi này nên bắt đầu càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ hình thành sẹo mụn cũng như những ảnh hưởng về mặt tâm lý xảy ra do mụn. Điều trị mụn tuổi teen nhắm đến 3 mục tiêu: giảm các tổn thương không viêm để hạn chế việc biến đổi chúng thành tổn thương viêm, cải thiện các tổn thương viêm hiện hữu và giảm số lượng vi khuẩn P. acnes. Việc điều trị cũng phải được cá thể hóa cho từng bệnh nhân, cho từng loại mụn cũng như độ nặng của mụn.

Điều trị mụn mức độ nhẹ

Các chế phẩm bôi ngoài da là lựa chọn hàng đầu cho trường hợp mụn mức độ nhẹ với mục tiêu chính là giảm hình thành các tổn thương mới. Tác dụng của các thuốc bôi ngoài da thường chậm và cần sử dụng duy trì theo khuyến cáo để giảm tái phát mụn. Ngoài ra, do các chế phẩm bôi ngoài chỉ tác động tại chỗ bôi và tại thời điểm bôi nên phải sử dụng hàng ngày cho tất cả các vùng da bị mụn. 

Các chế phẩm bôi ngoài da trị mụn có mặt trên thị trường thường chứa các hoạt chất như benzoyl peroxide, kháng sinh hoặc retinoid.

  • Benzoyl peroxide tiêu diệt vi khuẩn P. acnes đồng thời giúp cải thiện các tổn thương viêm và không viêm. Benzoyl peroxide là tác nhân có tính oxy hóa mạnh, tạo ra các oxy tự do tại nang lông, từ đó tiêu diệt P. acnes. Nhờ cơ chế tác động này, vi khuẩn P. acnes không thể phát triển đề kháng với benzoyl peroxide. Tuy nhiên, khi sử dụng benzoyl peroxide, có thể gặp phải tình trạng viêm da kích ứng.
  • Các kháng sinh tại chỗ như clindamycin, tetracycline và erythromycin có tác dụng kiềm khuẩn đối với P. acnes, hiệu quả cho tình trạng mụn viêm nhẹ và trung bình.
  • Retinoid dùng ngoài da như tretinoin và adapalene giúp điều chỉnh sự keratin hóa bất thường ở nang lông. Retinoid còn có tác dụng kháng viêm, giảm sự hình thành các vết thâm mụn là hậu quả phổ biến nhất của các tổn thương viêm và giúp gia tăng tính thấm của các chế phẩm bôi ngoài da khi dùng đồng thời. Retinoid đạt hiệu quả cao trong điều trị các dạng mụn viêm và ngăn ngừa sự hình thành mụn đầu trắng và mụn đầu đen. Thời gian để các retinoid bôi ngoài phát huy tác dụng tối đa có thể lên đến 12 tuần. Về mặt các tác dụng không mong muốn, các retinoid có thể gây kích ứng tại chỗ và tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
  • Hiện nay, trên thị trường cũng có các chế phẩm dạng bôi kết hợp các thành phần erythromycin và kẽm, erythromycin và tretinoin, erythromycin và benzoyl peroxide, clindamycin và benzoyl peroxide giúp gia tăng hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ phát triển đề kháng của vi khuẩn P. acnes.
  • Hàm lượng và dạng dùng của các chế phẩm này hiện cũng rất đa dạng: dạng gel, dạng rửa, dạng dung dịch sẽ phù hợp với tình trạng da dầu trong khi dạng kem, lotion và thuốc mỡ thích hợp cho làn da khô và dễ kích ứng.

Điều trị mụn mức độ trung bình

Kháng sinh đường uống được xem là điều trị tiêu chuẩn cho trường hợp mụn trung bình hoặc trong những trường hợp mụn nhẹ đã phối hợp 2 hoạt chất bôi ngoài da mà vẫn chưa đạt hiệu quả điều trị. Các kháng sinh đường uống đã chứng minh giúp giảm số lượng P. acnes thông qua tác động lên sự tăng trưởng và chuyển hóa của chúng. Ngoài ra, các kháng sinh cũng có tác dụng kháng viêm nhờ ức chế cytokine gây viêm, ức chế chức năng đại thực bào và hóa ứng động bạch cầu trung tính. Các kháng sinh đường uống sử dụng phổ biến là kháng sinh nhóm tetracycline và kháng sinh nhóm macrolide vì có nhiều bằng chứng trong kiểm soát mụn viêm.

  • Các kháng sinh nhóm tetracycline thế hệ một như tetracycline hoặc thế hệ hai như doxycycline, minocycline được xem là kháng sinh đường uống đầu tay trong điều trị mụn. Tetracycline thế hệ một có giá thành rẻ và hiệu quả trong những trường hợp chưa từng điều trị với kháng sinh trước đó. Tuy nhiên, các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và cần uống thuốc lúc bụng đói là bất lợi của kháng sinh này. Tetracycline thế hệ hai ra đời có sự hấp thu không bị ảnh hưởng bởi thức ăn, do đó, nó khắc phục được nhược điểm vừa nêu kể trên, giúp gia tăng tuân thủ điều trị, từ đó tăng khả năng điều trị thành công. Doxycycline được thải trừ qua gan, do đó có thể sử dụng cho bệnh nhân suy thận.
  • Kháng sinh nhóm macrolide được sử dụng khi bệnh nhân không dung nạp với tetracycline và trong những trường hợp không sử dụng được tetracycline ví dụ trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Co-trimoxazole và trimethoprim được sử dụng như là điều trị hàng thứ ba khi chống chỉ định hoặc đề kháng với tetracycline và macrolide.

Về thời gian điều trị, các chuyên gia khuyến cáo thời gian điều trị mụn bằng kháng sinh đường uống nên ngắn nhất có thể, tối đa từ ba đến bốn tháng. Sau 6 tuần bắt đầu điều trị, nếu thấy cải thiện ít trên lâm sàng, nên xem xét chuyển sang kháng sinh đường uống khác. Bên cạnh đó, kháng sinh đường uống không được khuyến cáo sử dụng đơn trị liệu mà luôn luôn cần kết hợp với retinoid hoặc chế phẩm chứa phối hợp retinoid và benzoyl peroxide bôi ngoài da. Sau khi ngừng kháng sinh đường uống, cần tiếp tục sử dụng các thuốc bôi ngoài da để duy trì hiệu quả điều trị.

Đối với mụn mức độ trung bình, ngoài các kháng sinh, Bác sĩ Da liễu có thể cân nhắc liệu pháp kháng androgen cho các bạn nữ, đặc biệt là những trường hợp mụn viêm sâu ở phần mặt dưới và cổ. 

  • Các thuốc ngừa thai đường uống giúp giảm nồng độ nội tiết tố sinh dục androgen tự do trong máu bằng cách kích thích sự tổng hợp globulin gắn kết với androgen và ức chế chế sản xuất androgen từ buồng trứng thông qua ức chế tuyến yên. Tác dụng phụ của các thuốc ngừa thai đường uống bao gồm buồn nôn, chảy máu, tăng cân và tăng nhạy cảm vùng ngực.
  • Spironolactone liều 50-100 mg dùng 2 lần mỗi ngày có hiệu quả ức chế sản xuất bã nhờn và cải thiện tình trạng mụn. Spironolactone hoạt động như là một chất ức chế thụ thể androgen và enzyme 5-alpha reductase, là men chuyển đổi androgen thành chất có hoạt tính mạnh hơn. Nên khởi đầu sử dụng với liều dùng từ 25-50 mg mỗi ngày, có thể tăng đến tối đa 200 mg mỗi ngày.

Điều trị mụn mức độ nặng

Bệnh nhân mụn nặng không điều trị thành công với liệu pháp thuốc bôi ngoài da và kháng sinh đường uống có thể cân nhắc điều trị với isotretinoin đường uống. isotretinoin là một retinoid sử dụng đường uống và là điều trị tác động lên cả 4 cơ chế bệnh sinh của mụn. isotretinoin cũng là điều trị duy nhất mang lại hiệu quả sạch mụn kéo dài. Vì là chất thân dầu nên isotretinoin tăng hấp thu khi uống cùng với bữa ăn. Liều dùng isotretinoin thay đổi từ 0,1 mg/kg/ngày đến 0,2 mg/kg/ngày. Liều khởi đầu được khuyến cáo là 0,05 mg/kg/ngày và tăng dần tùy theo đáp ứng lâm sàng và sự xuất hiện tác dụng không mong muốn. 

Khi sử dụng isotretinoin, có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như khô da, khô mắt, khô niêm mạc miệng, mũi và đau cơ. Các tác dụng phụ này sẽ biến mất khi giảm liều hoặc ngưng thuốc. Một điều cần đặc biệt lưu ý đó là phải bảo đảm không có thai trước khi sử dụng isotretinoin đồng thời phải tránh thai tuyệt đối trong thời gian sử dụng isotretinoin.

Ngoài các can thiệp bằng thuốc vừa nêu kể trên, tại Phòng khám Da liễu, Bác sĩ có thể chỉ định các liệu pháp vật lý và hóa học để hoàn thiện liệu trình trị mụn bao gồm:

  • Lấy nhân mụn giúp loại trừ mụn đầu trắng và mụn đầu đen.
  • Điện di serum đặc trị để kháng viêm và trị mụn.
  • Chiếu ánh sáng sinh học và ánh sáng xung mạnh IPL để tiêu diệt P. acnes và ngăn ngừa sẹo mụn.
Chiếu ánh sáng xanh - Doctor Acnes
Ánh sáng sinh học trong điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes
  • Thay da sinh học bằng các tác nhân peel để điều trị mụn viêm và mụn không viêm.
  • Tiêm corticosteroid vào các nang mụn đang viêm giúp giảm nhanh tình trạng viêm tại chỗ.

Việc phối hợp giữa điều trị nội khoa với các phương pháp vật lý và hóa học cho từng tình trạng mụn cụ thể bởi Bác sĩ Da liễu là liệu trình điều trị mụn toàn diện và chuẩn y khoa, mang lại hiệu quả sạch mụn được quan sát thấy tức thời và kéo dài sau đó.

Ca lâm sàng trị thâm mụn - Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Phòng khám Doctor Acnes

Cách chăm sóc da tại nhà cho trường hợp mụn tuổi teen

  • Giữ vệ sinh da mặt sạch sẽ

Rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ, có độ pH cân bằng và không chứa xà phòng 2 lần mỗi ngày.

Tránh rửa mặt quá nhiều lần vì có thể làm kích ứng mụn.

Chăm sóc mụn tuổi dậy thì
Rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ, có độ pH cân bằng và không chứa xà phòng 2 lần mỗi ngày
  • Trang điểm và tẩy trang đúng cách

Không sử dụng những sản phẩm trang điểm chứa dầu hay paraben gây bít tắc lỗ chân lông.

Tẩy trang sạch lớp trang điểm mỗi ngày để ngăn ngừa mụn.

  • Sử dụng kem chống nắng

Cần chống nắng cẩn thận đặc biệt là khi bạn đang điều trị mụn bằng nội tiết tố hay uống hoặc bôi chế phẩm có chứa retinoid.

Nên sử dụng kem chống nắng phù hợp cho da mụn, loại dịu nhẹ và không chứa dầu, paraben.

  • Không tự ý nặn hay lấy nhân mụn

Không tự ý nặn hay lấy nhân mụn vì nếu thực hiện không đúng cách và đảm bảo vệ sinh thì tình trạng mụn càng nặng thêm: mụn càng đỏ, sưng, viêm và tăng nguy cơ để lại sẹo mụn.

Có nên tự ý nặn mụn trứng cá
Không nên tự ý dùng tay nặn mụn vì tăng nguy cơ hình thành sẹo rỗ
  • Ăn uống hợp lý và khoa học

Không dùng thức uống hay thức ăn chứa nhiều đường và dầu mỡ.

Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây.

Ngủ đủ giấc.

  • Sử dụng thuốc và tái khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu

Tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị mụn của Bác sĩ Da liễu tại mỗi lần thăm khám và điều trị mụn bao gồm thuốc và các phương pháp vật lý hóa học.

Không dùng thuốc uống và bôi bừa bãi để điều trị mụn khi chưa có chỉ định của Bác sĩ Da liễu.

Uống và bôi thuốc theo hướng dẫn của Bác sĩ và Dược sĩ như đã được kê toa.

Tái khám định kỳ như lịch hẹn với Bác sĩ Da liễu.

thăm khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị mụn

Bảng giá dịch vụ điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp ✅ Giá ✅ Giá HSSV
Lấy nhân mụn chuẩn y khoa 290.000 260.000
Laser 1064 nm xung dài chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.300.000 1.200.000
⭐Laser PDL xung dài chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.400.000 1.300.000
⭐IPL Cellec V trị mụn 600.000 550.000
Quang động trị liệu 1.500.000 1.400.000
Mesotherapy trị mụn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 700.000 600.000
⭐Mesotherapy trị mụn và kiểm soát bã nhờn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 2.500.000 2.400.000
⭐Điện di trị mụn, kháng viêm và chống oxy hóa 300.000 280.000
⭐Chiếu ánh sáng sinh học Biolight 100.000 100.000
⭐Mặt nạ trị mụn và giảm nhờn CosMedical 100.000 90.000
⭐Peel da với salicylic acid 20% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel da với salicylic acid 30% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel với glycolic acid 35% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel với glycolic acid 50% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel da với salicylic acid và retinol chuẩn CE 800.000 700.000

Tóm lại, mụn là vấn đề da liễu thường gặp ở lứa tuổi teen. Mặc dù mụn không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và sự tự tin ở độ tuổi nhạy cảm này. Việc điều trị mụn tuổi teen nên được bắt đầu càng sớm càng tốt nhằm hạn chế những ảnh hưởng tâm lý cũng như giảm thiểu nguy cơ hình thành sẹo mụn về sau.

Cũng cần biết thêm là việc điều trị mụn tuổi teen thường kéo dài vì liên quan đến nội tiết tố. Nên lưu ý rằng, các chế phẩm chứa kháng sinh và retinoid dù là dạng bôi hay dạng uống đều là các thuốc kê toa, nghĩa là việc sử dụng cần phải được chỉ định và theo dõi bởi Bác sĩ Da liễu.

Bạn cần đến các Phòng khám Da liễu uy tín như Phòng khám Doctor Acnes để được tư vấn và hướng dẫn sử dụng các chế phẩm này. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, tại Phòng khám của chúng tôi, Bác sĩ Da liễu sẽ chỉ định thêm các liệu pháp vật lý, hóa học phù hợp để hoàn thiện phác đồ điều trị mụn cho từng cá thể cũng như tư vấn bệnh nhân về các loại dược mỹ phẩm, các chế phẩm chăm sóc da và kem chống nắng phù hợp giúp đẩy nhanh quá trình điều trị và duy trì hiệu quả sạch mụn kéo dài.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu (2015)
  2. Ayer J, Burrows N. “Acne: more than skin deep”. Postgrad Med J. 2006;82(970):500-506
  3. Oon HH, Wong SN, Aw DCW, Cheong WK, Goh CL, Tan HH. “Acne Management Guidelines by the Dermatological Society of Singapore”. J Clin Aesthet Dermatol. 2019;12(7):34-50
  4. Zaenglein AL, Pathy AL, Schlosser BJ, et al. “Guidelines of care for the management of acne vulgaris”. J Am Acad Dermatol. 2016;74(5):945-73.e33
  5. Acne.org. “Teenage Acne – How to deal with pimple breakouts as a teen”
  6. HeatlhXchange.sg “Acne and Pimples in Teenagers: Causes”
  7. KidsHealth.org.nz “Acne In Teenagers”
  8. Webmd.com “Teen Acne: Prescription Treatments for Acne”
  9. Webmd.com “Teens and Acne”

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84