Mụn trứng cá là bệnh lý rất phổ biến, có thể để lại nhiều biến chứng nếu không điều trị kịp thời. Trong đó, sẹo rỗ là biến chứng đáng sợ nhất, thường là hậu quả của tổn thương trứng cá viêm. Isotretinoin là thuốc rất hiệu quả để điều trị mụn trứng cá mức độ trung bình đến nặng với nhiều tổn thương viêm. Do đó, có thể thấy bệnh nhân có sẹo rỗ đang đồng thời được điều trị với isotretinoin để kiểm soát tình trạng mụn viêm khá nhiều. Câu hỏi đặt ra là có thể bắt đầu tiến hành điều trị sẹo rỗ khi vẫn còn uống isotretinoin hay không? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này trong bài viết sau đây.
Isotretinoin gây cản trở lành thương, hình thành sẹo lồi, sẹo phì đại?
Isotretinoin, một dẫn xuất của vitamin A, được sử dụng rộng rãi trong điều trị mụn trứng cá và có nhiều tác dụng tích cực đến lớp thượng bì, tuyến bã nhờn và sự hình thành collagen. Với tác động mạnh mẽ, isotretinoin được chỉ định ở các tình trạng mụn trứng cá nặng, nhiều tổn thương trứng cá viêm, hoặc mụn trứng cá mức độ trung bình nhưng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Việc điều trị với isotretinoin đòi hỏi thời gian uống thuốc khá dài, cần duy trì thuốc một thời gian ngay cả khi đã hết các tổn thương mụn trứng cá.
Nhiều quan điểm trước đây cho rằng isotretinoin ảnh hưởng đến quá trình lành thương, dẫn đến quá trình lành thương kém, từ đó hình thành sẹo lồi và sẹo phì đại, đặc biệt ở những bệnh nhân trải qua các thủ thuật, phẫu thuật Da liễu khi dùng thuốc này. Chính quan điểm này dẫn đến khuyến cáo rằng nên tránh các thủ thuật thẩm mỹ và phẫu thuật Da liễu trong và sau khi dùng thuốc trong 6–12 tháng.
Từ đâu hình thành quan điểm isotretinoin gây sẹo lồi, sẹo phì đại?
Trong những năm 1980 và 1990, đã có báo cáo về sự hình thành sẹo lồi sau khi tái tạo bề mặt da cơ học, laser argon ở những bệnh nhân dùng isotretinoin từ 6 tháng đến 1 năm trước khi làm thủ thuật. Cơ chế được cho là isotretinoin làm thay đổi đơn vị nang lông tuyến bã và ức chế collagenase, dẫn đến chậm hoặc thay đổi quá trình biểu mô hóa. Do đó, những bệnh nhân dùng isotretinoin từ 6 tháng đến 1 năm trước khi điều trị laser là chống chỉ định trong điều trị laser.
Các tài liệu báo cáo biến chứng liên quan đến các thủ thuật Da liễu trong quá trình sử dụng isotretinoin cụ thể như sau:
- Rubenstein và cộng sự lần đầu tiên báo cáo sự phát triển của sẹo lồi ở má, hàm và mặt của những bệnh nhân trải qua quá trình mài da cơ học trong và sau khi sử dụng isotretinoin.
- Zachariae báo cáo rằng sẹo lồi phát triển trên mặt của 3 bệnh nhân đã dùng isotretinoin bao gồm 2 bệnh nhân được mài da cơ học và 1 bệnh nhân được dùng laser argon.
- Katz và McFarlane đã báo cáo những vết sẹo teo không điển hình sau khi mài da cơ học ở những bệnh nhân dùng isotretinoin.
- Goihman-Yar đã báo cáo 1 trường hợp sẹo lồi tự nhiên do sử dụng isotretinoin đơn độc.
Từ những thông tin trên, có thể thấy rằng hầu hết các kết quả rút ra từ báo cáo ca lẻ tẻ và không phải là nghiên cứu chứng minh quan hệ nhân quả thông qua thống kê. Mặt khác, qua những tài liệu này, những trường hợp hình thành sẹo sau khi sử dụng isotretinoin được điều trị với phương pháp mài da cơ học (dermabrasion) và laser argon. Trong đó, mài da cơ học là một phương pháp xâm lấn nhiều và hiện không được sử dụng nhiều. Thêm vào đó, thời gian thực hiện các báo cáo này là giai đoạn mà laser còn sơ khai và chưa tiến bộ như ngày nay. Hiện nay, các phương pháp điều trị đã thay đổi theo thời gian với ngày càng nhiều quy trình ít xâm lấn. Laser cũng đã trở nên an toàn hơn, và cũng ít xâm lấn hơn với chế độ fractional.
Quan điểm hiện tại về điều trị sẹo rỗ trong lúc đang điều trị isotretinoin thay đổi thế nào?
Trong thời gian gần đây, đã có nhiều bài báo cáo được công bố cho thấy không có sự liên quan giữa việc điều trị isotretinoin và các biến chứng xảy ra sau khi điều trị các thủ thuật Da liễu:
- Kim và cộng sự đánh giá sự lành vết thương sau khi tái tạo bề mặt bằng laser fractional CO2 đối với sẹo mụn trứng cá, được tiến hành trong vòng 1-3 tháng điều trị bằng isotretinoin (10–40 mg/ngày) đường uống. Các bệnh nhân được điều trị từ một đến sáu lần, cách nhau ít nhất 1 tháng. Tất cả bệnh nhân đều có biểu hiện tái biểu mô hoá bình thường và hài lòng với kết quả điều trị bằng laser. Các tác dụng phụ là không đáng kể và không có sẹo phì đại hoặc sẹo lồi.
- Spring và cộng sự đã xem xét các bài báo đã trải qua một số thủ thuật laser hoặc phẫu thuật ở những bệnh nhân đã hoặc đang dùng isotretinoin từ năm 1982 đến năm 2017. Tổng cộng có 32 tài liệu liên quan đã được tìm thấy với 1485 thủ thuật được thực hiện. Kết quả cho thấy không có đủ bằng chứng để trì hoãn việc mài da cơ học, peel da, phẫu thuật da, triệt lông bằng laser, và các thủ thuật laser không bóc tách và phân đoạn bóc tách cho những bệnh nhân hiện đang điều trị hoặc mới hoàn thành liệu pháp isotretinoin.
Với những báo cáo trên đây, có thể thấy sử dụng isotretinoin không còn là rào cản để trì hoãn việc điều trị sẹo rỗ. Cũng cần lưu ý rằng điều trị sẹo rỗ ở giai đoạn sẹo mới hình thành sẽ mang lại kết quả khả quan hơn so với sẹo lâu năm. Do đó, đối với những trường hợp sẹo rỗ đang hoặc sau khi sử dụng isotretinoin, quan điểm hiện nay của các Bác sĩ Da liễu là hoàn toàn có thể tiến hành điều trị sẹo rỗ cho bệnh nhân với các liệu trình điều trị sẹo phù hợp mà không cần bất cứ sự trì hoãn nào.
Tóm lại, vào khoảng thập niên 80-90 của thế kỷ trước, đã có một vài báo cáo nhỏ cho thấy sự hình thành sẹo lồi và sẹo phì đại khi điều trị mài da cơ học và laser argon ở những bệnh nhân đang điều trị hoặc trong vòng 6 tháng sau điều trị isotretinoin toàn thân. Những tài liệu gần đây lại không cho thấy sự liên quan giữa việc uống isotretinoin và các biến chứng sau can thiệp thủ thuật Da liễu. Bên cạnh đó, với sự phát triển của thẩm mỹ Da liễu, các phương pháp điều trị sẹo rỗ được áp dụng ngày càng ít xâm lấn hơn. Do đó, có thể tiến hành điều trị sẹo rỗ ngay khi tình trạng mụn trứng cá được kiểm soát, khi vẫn còn đang điều trị với isotretinoin mà không nên trì hoãn chờ đủ 6 tháng sau khi kết thúc điều trị với isotretinoin.
Tài liệu tham khảo
- Mysore V, Omprakash HM, Khatri GN. “Isotretinoin and dermatosurgical procedures“. Indian J Dermatol Venereol Leprol. 2019 Jan-Feb;85(1):18-23
- Spring LK et al. “Isotretinoin and Timing of Procedural Interventions: A Systematic Review With Consensus Recommendations“. JAMA Dermatol. 2017 Aug 1;153(8):802-809