Sẹo lõm (sẹo rỗ) là di chứng thường gặp sau mụn trứng cá, dù không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và sự tự tin. Nhiều người băn khoăn liệu sẹo lõm có thể tự đầy lên mà không cần can thiệp hay không? Hãy cùng Doctor Acnes khám phá câu trả lời và tìm hiểu các phương pháp trị sẹo lõm hiệu quả!
Sẹo lõm là gì? Nguyên nhân gây sẹo lõm
Sẹo lõm, hay còn gọi là sẹo rỗ, thường được nhận biết qua những vết lõm xuất hiện trên bề mặt da, có thể nông, sâu, miệng rộng hoặc hẹp tùy vào mức độ tổn thương. Sẹo lõm hình thành khi da bị tổn thương nhưng không có đủ collagen để tái tạo, dẫn đến tình trạng thiếu hụt collagen dưới da. Quá trình này cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng quá mức của enzyme collagenase – enzyme phân giải collagen – khiến lượng collagen càng giảm sút, làm da kém săn chắc và dẫn đến các vùng lõm.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây sẹo lõm là mụn, đặc biệt là mụn viêm. Mụn viêm lâu ngày không điều trị đúng cách sẽ tạo ra các tổn thương sâu dưới da và để lại sẹo. Ngoài ra, việc nặn mụn sai cách, thủy đậu (khi bị bội nhiễm) và các vết thương khác cũng có thể để lại sẹo lõm.
Sẹo lõm không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn tác động mạnh mẽ đến tâm lý, khiến người bệnh dễ mặc cảm. Tuy nhiên, tình trạng này không phải là vĩnh viễn và có thể được cải thiện với các phương pháp điều trị phù hợp.
Sẹo lõm có tự đầy không?
Câu trả lời là “không”. Sẹo lõm không thể tự đầy do thiếu hụt collagen và elastin, hai thành phần quan trọng giúp duy trì cấu trúc và độ đàn hồi của da. Sẹo lõm là dạng tổn thương sâu bên trong da và có xu hướng tồn tại vĩnh viễn. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều phương pháp hiện đại giúp cải thiện sẹo lõm hiệu quả, tùy thuộc vào loại sẹo, tuổi sẹo và tình trạng da của từng người.
Phân loại sẹo lõm
Dựa trên tuổi sẹo
Dựa trên tuổi sẹo, sẹo lõm có thể được chia thành hai loại: sẹo lõm mới xuất hiện và sẹo lõm lâu năm.
- Sẹo lõm mới xuất hiện
Đây là sẹo hình thành trong vòng 3 tháng sau tổn thương, khi quá trình lành thương vẫn đang tiếp diễn. Loại sẹo này có thể đơn trị liệu bằng thuốc và chưa cần can thiệp y khoa, nếu có can thiệp cũng chỉ là các thủ thuật xâm lấn tối thiểu.
Sẹo lõm mới xuất hiện có thể được làm đầy nhờ các biện pháp đơn giản như bôi thuốc ngoài da chứa retinoid (tretinoin, adapalene, tazarotene) để kích thích sản sinh tế bào mới và collagen. Tuy nhiên, các loại thuốc này cần được chỉ định và theo dõi bởi Bác sĩ Da liễu để tránh tác dụng phụ như khô, đỏ, nhạy cảm ánh sáng.
Các sẹo lõm mới cũng đáp ứng rất tốt với các phương pháp xâm lấn tối thiểu như lăn kim, vi kim RF, laser fractional hoặc peel da, vì lúc này các xơ sẹo mới được hình thành còn mỏng manh, rất dễ được giải phóng và thay thế bởi các sợi đàn hồi bền vững hơn.
- Sẹo lõm lâu năm
Là sẹo đã tồn tại từ một năm trở lên, khi đó da không còn tự tổng hợp collagen và elastin đủ để lấp đầy sẹo. Các dải xơ đã hình thành và bám chặt vào đáy sẹo, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Đối với sẹo lâu năm, cần đến các phương pháp xâm lấn sâu như bóc tách đáy sẹo, lăn kim, laser và thậm chí là phẫu thuật với sẹo lớn và sâu. Những phương pháp này tạo ra tổn thương có kiểm soát để kích thích quá trình sản sinh collagen tự thân, từ đó thúc đẩy làm đầy sẹo một cách tự nhiên và hiệu quả.
Dựa trên hình dạng sẹo
Có 3 loại hình dạng sẹo rỗ thường gặp, bao gồm:
- Sẹo đáy nhọn: là những sẹo hẹp < 2mm, sâu đến lớp bì hoặc mô dưới da, đường kính sẹo thu nhỏ dần từ bề mặt đến đỉnh sâu nhất của sẹo.
- Sẹo đáy tròn: có bờ sẹo nông và dốc, nền sẹo giống màu da bình thường, đường kính rộng khoảng 4 – 5mm. Dưới đáy những loại sẹo này thường có những dải xơ gắn chặt lớp bì với lớp dưới da. Vì vậy, việc cắt đứt các dải xơ này để giải phóng đáy sẹo là rất quan trọng trong điều trị.
- Sẹo đáy vuông: có bờ thẳng đứng, có thể nông (0.1 – 0.5mm) hoặc sâu (> 0.5mm), thường có đường kính 1.5 – 4mm.
Các phương pháp điều trị sẹo lõm hiệu quả
Thời gian tốt nhất để điều trị sẹo lõm là ngay khi sẹo mới hình thành, vì lúc này sợi collagen và elastin vẫn còn khả năng tái tạo và đáp ứng điều trị tốt. Với những sẹo lõm lâu năm, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và đòi hỏi những phương pháp chuyên sâu. Dưới đây là các phương pháp hiện đại thường được dùng trong điều trị sẹo lõm:
- Laser: được sử dụng nhiều nhất trong điều trị sẹo lõm. Đặc biệt, laser fractional CO2 giúp tái tạo da với các cột laser siêu nhỏ, mang lại hiệu quả cao, thời gian nghỉ dưỡng ngắn và biến chứng tối thiểu.
- Vi kim RF: áp dụng cho tất cả các loại sẹo lõm, vi kim RF sử dụng năng lượng cao giúp kích thích sản sinh collagen và tái tạo da. Phương pháp này hiệu quả tương đương laser fractional CO2 nhưng ít gây tăng sắc tố sau viêm, có thể kết hợp cùng các liệu pháp khác để tăng hiệu quả.
- CROSS TCA: chấm TCA (trichloroacetic acid) nồng độ cao lên vết sẹo giúp kích thích tổng hợp collagen và elastin, thường sử dụng cho sẹo đáy nhọn và đáy vuông sâu.
- Mài da (dermabrasion): làm mài mòn bề mặt da để kích thích tái tạo, hiệu quả với sẹo nông. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây các tác dụng phụ như ban đỏ, thay đổi sắc tố hoặc sẹo phì đại nên hiện nay ít còn được ứng dụng.
- Bóc tách đáy sẹo (subcision): sử dụng kim để cắt đứt các dải xơ dưới đáy sẹo, giải phóng mô da và giúp đáy sẹo được đẩy lên. Phương pháp này thích hợp nhất cho sẹo đáy tròn.
- Punch Excision/Elevation: Punch Excision sử dụng một thiết bị đục lỗ để loại bỏ mô sẹo đến lớp mỡ dưới da, mô sẹo được cắt đi và khâu lại. Phương pháp này phù hợp cho sẹo đáy nhọn và đáy vuông sâu. Còn Punch Elevation nâng mô sẹo đáy vuông lên để khắc phục sẹo. Cả hai phương pháp có thể kết hợp với laser tái tạo để tăng hiệu quả.
- Chất làm đầy (dermal filler): tiêm chất làm đầy như hyaluronic acid (HA) vào sẹo giúp nâng mô da, đặc biệt hiệu quả với sẹo đáy tròn. Các chất làm đầy khác như mỡ tự thân, bột chỉ poly-L lactic acid (PLLA), calcium hydroxylapatite (CaHA) cũng có thể được sử dụng.
- Lăn kim (microneedle): phương pháp này tạo các tổn thương vi điểm trên da để kích thích sản sinh collagen, giúp cải thiện sẹo với chi phí thấp.
- Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): PRP sử dụng huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao từ máu của chính bệnh nhân để kích thích lành thương và cải thiện sẹo khi được tiêm hoặc lăn kim lên vùng sẹo.
Xem thêm các bài viết liên quan
Cách phòng ngừa sẹo lõm
Để hạn chế khả năng hình thành sẹo lõm, tuân thủ phác đồ điều trị mụn mà Bác sĩ Da liễu đưa ra chính là biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Ngoài ra, để điều trị mụn một cách hiệu quả cũng như hạn chế sự xuất hiện sẹo lõm, người bệnh nên:
- Điều trị mụn sớm: điều trị sớm giúp tình trạng mụn không diễn biến nặng nề gây tổn thương các mô và hình thành sẹo lõm, nhất là trong trường hợp có mụn nang, mụn bọc. Tốt nhất người bệnh nên gặp Bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được thăm khám và điều trị đúng ngay từ đầu.
- Lấy nhân mụn đúng cách: chỉ lấy những nhân mụn đã khô cồi, không nặn khi mụn còn viêm, sưng đỏ vì có thể gây tổn thương da và thậm chí khiến tình trạng mụn trở nên nặng hơn. Thêm vào đó, để hạn chế nhiễm trùng, dụng cụ lấy mụn phải vô trùng tuyệt đối và nên được thực hiện bởi những kỹ thuật viên có hiểu biết và tay nghề.
- Dùng kem trị mụn có xuất xứ rõ ràng: không dùng kem trị mụn không rõ nguồn gốc, vì các loại kem trị mụn trôi nổi trên thị trường thường chứa corticoid, đây là nguyên nhân khiến da yếu hơn và tạo điều kiện cho mụn bùng phát, nếu tình trạng này không kiểm soát được sẽ dễ để lại sẹo.
- Vệ sinh tốt vùng da mụn: vệ sinh vùng da mụn tốt để tránh tình trạng bội nhiễm và viêm bùng phát. Trong quá trình điều trị mụn, người bệnh không nên tự ý nặn và sờ tay lên các nốt mụn. Đồng thời, nên thường xuyên giặt chăn ga, vỏ gối, khẩu trang…
- Có chế độ sinh hoạt lành mạnh: duy trì chế độ ăn uống khoa học, bổ sung nhiều rau xanh, các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như cà rốt, súp lơ, các loại hạt, ngũ cốc và đặc biệt là vitamin C từ cam, chanh, dưa hấu để kích thích sản sinh collagen nội sinh. Cũng cần uống nhiều nước đồng thời hạn chế thức khuya hay căng thẳng làm da khô, xỉn màu và dễ nổi mụn hơn. Hạn chế đồ ăn ngọt, nhiều chất béo…
Sẹo lõm là dạng tổn thương da vĩnh viễn, không thể tự đầy lên do sự thiếu hụt collagen gây ra từ các tổn thương sâu của mụn. Để ngăn ngừa sẹo, điều trị mụn sớm và tuân thủ đúng chỉ dẫn của Bác sĩ là rất quan trọng. Nếu còn băn khoăn về tình trạng sẹo rỗ, hãy liên hệ Doctor Acnes để được tư vấn và điều trị theo phác đồ cá nhân hóa nhé!
Tài liệu tham khảo
- “Acne scars: consultation and treatment“. AAD
- Fabbrocini G, Annunziata MC, et al. “Acne scars: pathogenesis, classification and treatment“. Dermatol Res Pract. 2010;2010:893080. doi: 10.1155/2010/893080
- Tan J, Tanghetti E, et al. “The Role of Topical Retinoids in Prevention and Treatment of Atrophic Acne Scarring: Understanding the Importance of Early Effective Treatment“. J Drugs Dermatol. 2019 Mar 1;18(3):255-260