Peel da là gì? Tác dụng của peel da đối với làm da

Ngày 23/08/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Peel da là một phương pháp làm đẹp phổ biến hiện nay, có khả năng giải quyết nhiều vấn đề về da khác nhau như mụn trứng cá, thâm nám, sẹo và lão hóa da. Quy trình peel da thường khá đơn giản, an toàn và hiệu quả, thời gian phục hồi nhanh và chi phí điều trị khá rẻ.

Peel da là gì?

Peel da là một quy trình tái tạo bề mặt da bằng việc sử dụng hoạt tính tẩy tế bào chết của các tác nhân thường là các acid lành tính. Nó là một trong những quy trình thẩm mỹ phổ biến nhất, đã được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và các rối loạn da khác trong nhiều thập kỷ. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh việc sử dụng các kỹ thuật peel da từ bề mặt đến trung bình mang đến hiệu quả cao trong liệu trình điều trị mụn trứng cá.

Peel da trong điều trị sẹo rỗ tại Doctor Acnes
Liệu trình peel da được Bác sĩ Da liễu chỉ định trong điều trị mụn trứng cá

Trên lâm sàng, một số các tác nhân có hoạt tính tẩy tế bào chết với các cơ chế hoạt động khác nhau được áp dụng để peel da, và thường được phân loại dựa trên độ sâu mà tác nhân peel thâm nhập vào da, bao gồm peel bề mặt, peel trung bình và peel sâu.

Peel bề mặt được sử dụng phổ biến nhất cho các rối loạn da nhẹ như mụn trứng cá, tăng sắc tố sau viêm và nám. Peel trung bình được sử dụng để trị sẹo rỗ. Peel sâu được sử dụng để trẻ hóa da, điều trị sẹo rỗ sâu hoặc nếp nhăn, và các tổn thương da tiền ung thư.

Peel bề mặt và peel trung bình ngày càng được sử dụng phổ biến bởi các Bác sĩ Da liễu trong liệu trình điều trị mụn trứng cá vì đây là một liệu pháp có chi phí tương đối thấp nhưng lại an toàn và đạt hiệu quả cao.

Ưu điểm của phương pháp Peel da - Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Phòng khám Doctor Acnes

Cơ chế hoạt động của peel da nhắm vào tất cả các cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá. Peel da hòa tan lớp sừng, phá hủy có kiểm soát lớp biểu bì và trung bì và gây bong tróc lớp da chết sau đó, ly giải keratin tại nang lông và kích thích nhân mụn trồi lên, gom cồi.

Peel da cũng giúp giảm sản xuất bã nhờn và kích thước lỗ chân lông, đồng thời có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Hơn nữa, peel da còn thúc đẩy sự thâm nhập và hấp thụ của các liệu pháp điều trị tại chỗ khác nhờ làm giảm rào cản của lớp sừng. Tất cả những đặc tính này giúp peel da trở thành phương pháp trị mụn có thể kết hợp an toàn với các loại thuốc trị mụn khác và trở nên rất phổ biến.

Các tác nhân peel da bề mặt và trung bình được sử dụng phổ biến nhất trong mụn trứng cá là acid salicylic, acid α-hydroxyl (acid glycolic, acid lactic) và acid trichloroacetic.

Khi chỉ định peel da cho bệnh nhân, Bác sĩ Da liễu phải cá nhân hóa trị liệu để đạt được hiệu quả trị mụn tối ưu và đảm bảo an toàn, bao gồm việc lựa chọn tác nhân peel, nồng độ, thời gian và số lần thực hiện.

Phân loại peel da

Hiểu biết cơ chế và phân loại peel da giúp đưa ra quyết định đúng trong việc lựa chọn loại peel da phù hợp cho từng vấn đề da đang gặp phải. Có thể chia peel ra làm 3 loại khác nhau dựa trên độ sâu mà liệu trình peel tác động lên da.

Peel bề mặt (light peel)

Sử dụng các acid nồng độ thấp như AHA nồng độ dưới 50% hay BHA nồng độ dưới 30% để tẩy da chết nhẹ nhàng, chỉ có tác động trên bề mặt ở lớp biểu bì của da.

3 mức độ peel - Doctor Acnes
Dựa vào tình trạng da từng khách hàng Bác sĩ sẽ chỉ định liệu trình peel với hoạt chất và nồng độ phù hợp

Peel trung bình (medium peel)

Sử dụng các acid mạnh hơn như trichloroacetic acid (TCA) nồng độ từ 35-50% hoặc glycolic acid nồng độ cao (70%) nhằm biến tính protein dẫn đến hoại tử các tế bào nằm ở lớp trên cùng của tầng hạ bì da. Phương pháp peel da này sẽ thâm nhập vào lớp ngoài và lớp giữa của cấu trúc da. Da có thể bị mẩn đỏ và châm chích trong tuần đầu tiên hoặc lâu hơn, sau đó da sẽ đóng vảy và tróc ra. Tình trạng mẩn đỏ có thể tồn tại trong vài tháng sau khi da đã bong tróc hoàn toàn nếu không được chăm sóc đúng cách.

Peel sâu (deep peel)

Những hoạt chất dùng trong loại peel sâu thường là những chất hoạt động mạnh như TCA nồng độ cao trên 50% hoặc phenol. Những hóa chất mạnh này sẽ loại bỏ lớp hạ bì (lớp giữa của da) và các tế bào da bị tổn thương thông qua cơ chế kích thích phản ứng viêm và làm lành vết thương.

Trên thực tế peel da sâu rất ít được thực hiện trên lâm sàng vì các hoạt chất dùng peel sâu không chỉ ảnh hưởng trên da mà còn có thể gây nguy hiểm trên hệ tuần hoàn như tim hoặc trên thận. Peel da sâu hiện được chỉ định hạn chế để điều trị một số tổn thương tiền ác tính tại da và phải được thực hiện bởi các Bác sĩ Da liễu dày dặn kinh nghiệm tại các cơ sở được cấp phép.

Tác dụng của peel da

Peel da mang lại nhiều lợi ích tùy theo mục đích sử dụng:

  • Làm sáng da: các hoạt chất trong peel da giúp loại bỏ tế bào chết, làm da sáng hơn và mịn màng hơn.
  • Cải thiện mụn: peel da bằng acid salicylic giúp làm sạch bã nhờn, kiểm soát dầu và ngăn ngừa mụn bằng cách thông thoáng lỗ chân lông.
  • Chống lão hóa: kích thích tái tạo da, tăng sản sinh collagen và elastin, giúp da khỏe mạnh, mịn màng, đều màu và giảm nếp nhăn.
  • Hỗ trợ điều trị sẹo rỗ: một số acid như glycolic, salicylic và TCA có thể hiệu quả trong điều trị sẹo rỗ. Tuy nhiên, để điều trị sẹo rỗ thì tác nhân peel cần xâm nhập vào sâu dưới da mới có hiệu quả. Việc này có nhiều nguy cơ hơn so với hiệu quả nên cũng ít khi được sử dụng.

Những đối tượng cần thận trọng khi peel da

Tại Phòng khám Da liễu, Bác sĩ Da liễu là người duy nhất được ra chỉ định thực hiện peel da cho bệnh nhân. Bác sĩ phải kiểm tra da và thăm hỏi kỹ bệnh nhân về bệnh sử toàn diện trong quá khứ và hiện tại vì một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả của phương pháp này, bao gồm trạng thái tâm lý hiện tại, thuốc đang sử dụng, lịch sử phẫu thuật và hệ thống miễn dịch.

Cụ thể, các trường hợp sau đây cần thận trọng hoặc có chống chỉ định với phương pháp peel da:

  • Người bị rối loạn tâm thần.
  • Người hiện đang dùng thuốc có chứa minocycline, thuốc tránh thai đường uống. Các thuốc này thường được sử dụng ở những bệnh nhân bị mụn trứng cá, có thể gây ra nhạy cảm ánh sáng và dẫn đến tăng sắc tố sau peel.
  • Người đang có nhiễm trùng da do vi khuẩn, nấm hoặc virus chống chỉ định với peel da. Bệnh nhân có tiền sử bị herpes cần thận trọng với phương pháp này vì virus Herpes simplex (HSV) có thể được kích hoạt lại sau khi peel da và trì hoãn quá trình lành vết thương nếu không được điều trị dự phòng trước khi can thiệp.
  • Bệnh nhân ung thư, đang xạ trị vùng đầu hoặc cổ.
  • Người có tiền sử sẹo phì đại hoặc sẹo lồi hoặc vết thương khó lành.
  • Người mới phẫu thuật lớn như căng da mặt hoặc nâng chân mày trong vòng 6 tháng.
  • Phụ nữ mang thai cần tránh peel da, đặc biệt là peel từ trung bình đến sâu, do nguy cơ hấp thụ và rủi ro cho thai nhi. Nếu cần thiết, chỉ nên peel ở những vùng da nhỏ và sử dụng acid α-hydroxy (GA và LA), vốn được coi là an toàn hơn vì khả năng thâm nhập vào da kém.
  • Bệnh nhân bị mụn trứng cá đang dùng isotretinoin nên thận trọng. Một số hướng dẫn khuyến cáo tránh peel da từ trung bình đến sâu trong 6 – 12 tháng. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây không cho thấy cần thiết phải trì hoãn, do đó bệnh nhân và Bác sĩ phải cân nhắc rủi ro và lợi ích của peel da khi đang uống isotretinoin.

Các tác nhân peel da

Acid salicylic (SA)

SA có tên khoa học là acid 2-hydroxybenzoic (chiết xuất từ cây liễu) được sử dụng để peel bề mặt do các đặc tính ly giải keratin tại nang lông và kích thích nhân mụn trồi lên, gom cồi. Nó hòa tan các tế bào thân dầu ở mặt trên của lớp sừng. Các đặc tính này giải thích sự phổ biến và thành công của peel SA ở bệnh nhân bị mụn trứng cá. SA cũng có các đặc tính chống viêm đã được chứng minh rõ ràng.

SA nồng độ 5-30% được sử dụng để peel da trong liệu trình điều trị mụn trứng cá. Ở những nồng độ này, peel SA là an toàn và thường tự giới hạn, do đó, có thể không cần đến tác nhân trung hòa sau khi thoa SA lên vùng da cần peel.

Acid glycolic (GA)

GA thuộc nhóm acid α-hydroxy (acid có nguồn gốc từ trái cây) và được sử dụng để peel bề mặt hoặc peel trung bình trong điều trị mụn trứng cá. GA là một tác nhân tẩy tế bào chết gây ra hiện tượng bong tróc da bằng cách làm giảm sự kết dính của các tế bào sừng và tế bào dạng gai ở lớp biểu bì cắm vào lớp trung bì.

Tương tự như các acid α-hydroxy khác, GA kích hoạt sự tổng hợp collagen, mucopolysacaride và ức chế tổng hợp melanin. GA cũng được chứng minh là làm giảm viêm và diệt khuẩn vi khuẩn P. acnes, giải thích lợi ích của peel GA trong cả mụn viêm và mụn không viêm.

Peel GA có sẵn trên thị trường ở các nồng độ khác nhau từ 20% đến 70%. Độ sâu thâm nhập và độ mạnh của peel GA tăng với nồng độ cao hơn và thời gian tiếp xúc dài hơn. Tác nhân peel này phải được trung hòa bằng dung dịch kiềm như natri bicarbonate hoặc nước muối bình thường để làm ngưng tác dụng tẩy tế bào chết của nó. Peel GA có dữ liệu về độ an toàn tốt và không có độc tính toàn thân.

Acid lactic (LA)

LA cũng thuộc nhóm acid α-hydroxy (có nguồn gốc từ sữa chua hoặc quả việt quất) được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các loại acid khác trong điều trị mụn trứng cá. LA làm giảm độ dày của lớp sừng bằng cách giảm sự kết dính của tế bào sừng và loại bỏ các tế bào da chết, dẫn đến sự hình thành lớp sừng mới. LA đã được chứng minh là làm giảm tổng hợp melanin bằng cách ức chế trực tiếp enzyme tyrosinase, do đó giải thích tác dụng làm trắng da của nó. LA là một tác nhân peel an toàn với rất ít các tác dụng phụ.

Acid mandelic

Acid mandelic là một acid α-hydroxy thơm được sử dụng rộng rãi để điều trị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình. Tương tự như các acid α-hydroxy khác, acid mandelic làm tróc da bằng cách làm giảm sự kết dính của tế bào sừng. Đây là một phân tử lớn, thâm nhập vào da từ từ và có đặc tính kháng khuẩn. Do đó, acid mandelic được dung nạp tốt hơn trên da và thường được sử dụng thay thế cho peel GA.

Acid mandelic thường được pha chế trong peel kết hợp với SA (20% SA, 10% acid mandelic).

Peel da mesoestetic
Dòng sản phẩm mesopeel – các tác nhân peel chuẩn CE từ mesoestetic được sử dụng tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes

Acid trichloroacetic (TCA)

TCA là một hợp chất vô cơ kết tinh, được sử dụng như một tác nhân peel bề mặt, peel trung bình hoặc peel sâu tùy thuộc vào nồng độ. TCA gây biến tính protein biểu bì và trung bì, phá hủy collagen ở lớp trung bì, từ đó sẽ tái tổ chức cấu trúc da và tăng sinh collagen, glycosaminoglycans và elastin trong lớp trung bì.

Peel TCA (nồng độ 15- 50%) để điều trị mụn trứng cá hoạt động. Chất này tự trung hòa và có sự hấp thụ toàn thân rất thấp.

Dung dịch Jessner (JS)

JS là kết hợp của SA 14%, resorcinol 14% và LA 14% trong ethanol 95%. Peel JS thường được sử dụng với các loại peel khác để cải thiện khả năng thâm nhập của các loại peel này. Peel JS thường được chỉ định nhằm mục đích để làm giảm sự kết dính giữa các tế bào gai ở lớp biểu bì. Resorcinol là 1,3-dihydroxybenzene có thể so sánh về mặt hóa học với phenol, gây ly giải keratin, phá vỡ màng tế bào và diệt khuẩn. Sự kết hợp các hợp chất này giúp JS rất hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá.

Acid kojic (KA)

KA còn được gọi là 5-hydoxyl-2-(hydroxymethyl)-4-pyrone, được sản xuất bởi một số loại nấm. Đặc tính làm sáng da của KA là nhờ vào khả năng ức chế enzyme tyrosinase. KA sử dụng trong peel da có nồng độ từ 1% đến 4% và thường được sử dụng kết hợp với GA hoặc các tác nhân làm sáng da khác (arbutin, aloesin, chiết xuất đậu nành) để tăng khả năng thâm nhập và hiệu quả.

KA thường được tìm thấy trong các mỹ phẩm sử dụng để điều trị rối loạn sắc tố da. Ở những bệnh nhân bị mụn trứng cá hoạt động, KA có thể được sử dụng trước và sau khi peel để ngăn ngừa và điều trị tăng sắc tố da sau viêm.

Phenol

Phenol là một loại cồn thơm đã được sử dụng để peel sâu trong nhiều năm trong lĩnh vực da liễu. Phenol gây ra sự ly giải và đông vón keratin biểu bì, thoái hóa elastin ở lớp trung bì, điều này dẫn đến hoạt hóa nguyên bào sợi và tổng hợp collagen mới. Phenol là tác nhân peel da rất mạnh, tuy nhiên do nguy cơ độc tính toàn thân cao nên cần được sử dụng cẩn thận với các biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Hầu hết các nghiên cứu về peel da trị mụn đã được thực hiện trên da mặt. Tuy nhiên, peel da vẫn có thể được thực hiện ở vùng da lưng. Ngực và cổ thường để lại sẹo sau peel nên hầu hết mọi người cần tránh peel các khu vực này, đặc biệt là cổ.

Peel da còn được sử dụng rộng rãi trong điều trị sẹo mụn. Peel da trong trị sẹo mụn thường được thực hiện cùng với các biện pháp can thiệp khác như laser CO2 fractional, RF vi điểm, lăn kim, huyết tương giàu tiểu cầu PRP, retinoid, steroid, và các thủ tục phẫu thuật như bóc tách đáy sẹo, cắt da.

Các chứng cứ lâm sàng của peel da trong điều trị mụn

Tác giả Lekakh và cộng sự đã chứng minh sự cải thiện đáng kể các tổn thương do mụn hoạt động ở những bệnh nhân chỉ với peel SA đơn trị hoặc kết hợp với laser nhuộm xung. Không có bất kỳ tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng nào được báo cáo với việc sử dụng SA.

Tác nhân SA 30% và GA 30% cũng được đánh giá trong mụn trứng cá nhẹ đến trung bình ở 20 bệnh nhân bởi Kessler và cộng sự. Cả hai loại peel này được thực hiện mỗi 2 tuần trong khoảng thời gian 12 tuần. Các tác giả nhận thấy cả hai tác nhân peel này đều có hiệu quả trị mụn rõ rệt, và không có sự khác biệt trong việc giảm các tổn thương do mụn giữa hai nhóm. Tuy nhiên, họ báo cáo rằng peel SA có tác dụng duy trì trong một thời gian dài hơn. (Ngoài ra, nhiều tác dụng phụ hơn đã được báo cáo trong nhóm peel GA.)

Về peel TCA, Al Hussein và cộng sự cũng cho thấy peel TCA 20% vượt trội hơn gel acid azelaic trong việc giảm số lượng tổn thương do mụn trong một nghiên cứu so sánh năm 2015. Nghiên cứu bao gồm 51 bệnh nhân bị mụn nhẹ đến trung bình và được thực hiện bốn lần peel da cách nhau 14 ngày trong khoảng thời gian 8 tuần. Chỉ có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua được báo cáo.

Mặc dù nghiên cứu này cho thấy rằng TCA là một tác nhân peel hiệu quả và an toàn trong mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá vai trò của nó so với các tác nhân khác trên những đối tượng này.

Một số thử nghiệm đã được thực hiện nhằm đánh giá sự an toàn và hiệu quả của peel da ở bệnh nhân châu Á. Hầu hết các nghiên cứu tập trung vào peel SA nồng độ 20%, 30% và peel JS. Dayal và cộng sự báo cáo rằng cả peel SA 30% và peel JS đều có hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá ở người châu Á. Các loại peel được thực hiện mỗi 2 tuần trong khoảng thời gian 12 tuần. Peel SA được đánh giá tốt hơn đáng kể so với peel JS đối với mụn trứng cá không viêm.

Sự giảm tổn thương do mụn được ghi nhận từ khi bắt đầu và kéo dài trong suốt 12 tuần điều trị. Điều này có thể được giải thích bởi khả năng kích thích nhân mụn trồi lên và gom cồi mạnh của SA. Về các tổn thương viêm, cả hai đều cho thấy sự cải thiện đáng kể và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai tác nhân peel. Những kết quả này phù hợp với một nghiên cứu trước đây của Bae và cộng sự, trong đó cả peel SA và JS được chứng minh là rất hiệu quả và an toàn cho mụn trứng cá ở bệnh nhân châu Á.

Các nồng độ khác nhau của peel GA (35%, 40% và 50%) cũng đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả ở bệnh nhân châu Á. Wang và cộng sự đã thử nghiệm peel GA 35% và 50% ở 40 bệnh nhân châu Á bị mụn trứng cá từ trung bình đến nặng. Thực hiện peel GA mỗi 3 tuần trong 10 tuần giúp giảm đáng kể các mụn đầu đen và đầu trắng, mụn sẩn và mụn mủ. Các tác giả cũng ghi nhận sự giảm kích thước lỗ chân lông và da sáng hơn. Chỉ có một số ít bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ như tăng sắc tố sau viêm, kích ứng da và kích hoạt lại HSV.

Trong một nghiên cứu, Garg và cộng sự chỉ ra rằng cả peel GA 35% và peel SA 20%/acid mandelic 10% (SMP) đều có hiệu quả trong việc giảm các tổn thương do mụn trứng cá và tăng sắc tố sau mụn ở người châu Á, mặc dù SMP có kết quả tốt hơn một chút. Cũng trong nghiên cứu này, peel GA đã dẫn đến việc giảm đáng kể số lượng các tổn thương do mụn không viêm rõ rệt hơn là mụn viêm. Các tác dụng phụ như nóng rát, cảm giác châm chích, khô hoặc nhạy cảm ánh sáng đã được báo cáo.

So với SA, GA và JS, các tác giả đồng thuận rằng peel TCA có nguy cơ tăng sắc tố cao hơn ở những người da sẫm màu. Sharquie và cộng sự đã đánh giá peel TCA 35% ở 18 bệnh nhân châu Á bị mụn trứng cá. Một lần peel được thực hiện cho các bệnh nhân có tổn thương mụn hoạt động và ba lần peel đối với những người bị sẹo mụn. Peel TCA 35% làm giảm đáng kể mụn sẩn và mụn mủ sau 2 tuần điều trị, và sẹo mụn cũng có sự cải thiện rõ rệt. Chỉ có bốn bệnh nhân khỏi hoàn toàn mụn đầu đen và đầu trắng. Một số bệnh nhân bị tăng sắc tố sau viêm. Do đó, hầu hết các bác sĩ lâm sàng không sử dụng TCA để điều trị mụn trứng cá ở loại da sẫm màu do có nguy cơ tăng sắc tố sau viêm và sẹo.

Mức độ bằng chứng là đủ để kết luận rằng peel SA, GA và JS là những liệu pháp rất an toàn và hiệu quả trong việc kiểm soát mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình ở người châu Á và những người da đen. Như đã đề cập trước đó, peel TCA có liên quan đến nguy cơ biến chứng cao hơn và nên tránh ở đối tượng này. Đối với các loại peel trung bình khác (TCA, phenol), các nghiên cứu tập trung vào điều trị sẹo mụn hoặc các rối loạn da khác thay vì mụn trứng cá.

Xem thêm các bài viết liên quan

Các lưu ý khi điều trị bằng kỹ thuật peel da

Peel da là phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn phổ biến nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nếu được thực hiện với kỹ thuật phù hợp, đây là quy trình rất an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, như bất kỳ sự can thiệp y tế nào khác, chúng cũng tiềm ẩn một số biến chứng có thể xảy ra nếu không lựa chọn tác nhân peel phù hợp và tuân thủ chặt chẽ các quy trình thao tác chuẩn khi thực hiện. Một chỉ định đúng đắn về tác nhân peel, nồng độ, thời gian và quy trình của Bác sĩ Da liễu có thể ngăn ngừa tác dụng phụ và kết quả không mong muốn.

>>> Xem ngay: Phân biệt tác dụng phụ và biến chứng sau peel da

Peel da điều trị mụn
Peel da an toàn, hiệu quả tại Phòng khám Doctor Acnes được thực hiện theo đúng chỉ định của Bác sĩ Da liễu

Chuẩn bị bệnh nhân trước peel là cần thiết trước khi thực hiện liệu pháp này nhằm mang lại kết quả điều trị tốt nhất và ngăn ngừa các biến chứng. Bệnh nhân nên được khuyên dùng kem chống nắng phổ rộng trong ít nhất 2 tháng trước khi peel để giảm nguy cơ tăng sắc tố hoặc các biến chứng khác.

Việc sử dụng tretinoin hàng đêm trong 6 tuần trước khi peel được chứng minh là giúp tăng cường quá trình chữa lành vết thương và sự xâm nhập của các tác nhân peel. Tuy nhiên, cần dừng tretinoin 48 giờ trước khi peel ở những người da sáng, và từ 2 đến 3 tuần ở những người da sậm màu để giảm nguy cơ tăng sắc tố sau viêm và sẹo.

Một số tác nhân tại chỗ khác có thể được sử dụng để giảm thiểu các biến chứng, bao gồm cả acid α-hydroxy liều thấp vài tuần trước khi peel. Việc sử dụng các chất làm sáng da (hydroquinone, KA, acid azelaic, aloesin, vitamin C hoặc E, glabridin) trước và sau khi peel có thể điều trị và làm giảm các biến chứng. Ngoài ra, điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus cho các bệnh nhân có tiền sử nhiễm HSV được khuyến cáo để ngăn chặn tái kích hoạt HSV.

Bảng giá dịch vụ peel da tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp ✅ Giá ✅ Giá HSSV
⭐Peel da với salicylic acid 20% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel da với salicylic acid 30% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel với glycolic acid 35% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel với glycolic acid 50% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel da với salicylic acid và retinol chuẩn CE 800.000 700.000

Nếu có nhu cầu peel da, bạn có thể đến với Phòng khám chuyên khoa Da liễu Doctor Acnes – Phòng khám chuyên sâu về điều trị mụn vào sẹo mụn hàng đầu và đáng tin cậy nhất hiện nay để thực hiện. Bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với Phòng khám để được hỗ trợ những vấn đề bạn chưa rõ về kỹ thuật thẩm mỹ này bằng cách để lại thông tin của bạn và câu hỏi tại đây.

Tài liệu tham khảo

  1. David E Castillo, Jonette E Keri. “Chemical peels in the treatment of acne: patient selection and perspectives”. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2018; 11:365–372
  2. Ingrid Torjesen. “Chemical peels effective for mild to moderate acne”. Dermatology Times. 2019
  3. Peelingsociety.com “Chemical Peel”. International Peeling Society (IPS)

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84