Peel da hóa học là một phương pháp làm đẹp phổ biến, có khả năng giải quyết nhiều vấn đề da liễu khác nhau như mụn trứng cá, thâm nám, sẹo và lão hóa da. Quy trình peel da thường khá đơn giản, an toàn và hiệu quả, với thời gian phục hồi nhanh và mức chi phí điều trị khá rẻ.
Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm nổi bật, vẫn còn một số người lo lắng không rõ là liệu peel da thường xuyên có làm da mỏng và yếu đi hay không? Hãy cùng Doctor Acnes giải đáp thắc mắc trên qua bài ngay sau đây nhé!
Peel da hóa học là gì?
Peel da hóa học là một liệu pháp tái tạo bề mặt da bằng các tác nhân acid hữu cơ như acid glycolic, acid mandelic, acid salicylic, acid trichloroacetic… Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ sâu của quá trình peel bao gồm đặc tính của các tác nhân peel (loại acid và nồng độ), kỹ thuật peel hay số lớp acid được sử dụng, thời gian tác nhân peel được lưu trên bề mặt và tình trạng da của bệnh nhân.
Mức độ thâm nhập của tác nhân peel sẽ quyết định tác động và hiệu quả điều trị của liệu pháp do đó tùy thuộc vào mục đích điều trị và tình trạng da của bệnh nhân, Bác sĩ Da liễu sẽ cá thể hóa quy trình peel cho phù hợp.
Peel da hóa học có thể được phân thành 4 mức độ: peel da rất nông cho tác động trên lớp tế bào sừng; peel da bề mặt hay peel da nông tác động từ lớp tế bào hạt đến lớp tế bào đáy của biểu bì; peel da trung bình tiếp cận đến lớp trung bì nông; peel da sâu thâm nhập đến lớp trung bì sâu.
Peel da hóa học là liệu pháp cần được tiến hành tại Phòng khám chuyên khoa Da liễu, thường được sử dụng cho một số chỉ định bao gồm:
- Trẻ hóa làn da, giúp cải thiện các dấu hiệu lão hóa như làm mờ nếp nhăn, vết chân chim.
- Điều trị mụn trứng cá và các vấn đề liên quan như lỗ chân lông to, thâm mụn, sẹo mụn.
- Điều trị các tình trạng rối loạn sắc tố da như nám da, tàn nhang, tăng sắc tố sau viêm.
- Điều trị các bệnh lý do tăng sừng hóa như dày sừng quang hóa, dày sừng tiết bã.
Peel da hóa học thường xuyên có làm mỏng da?
Cơ chế hoạt động của peel da hóa học
Mỗi tác nhân peel đều có cơ chế hoạt động khác nhau đôi chút khi đi sâu vào chi tiết, nhưng về nguyên tắc chung là khá tương đồng. Đối với peel da rất nông và peel da bề mặt, khi tác nhân peel cho tác động trên lớp tế bào sừng thì thường được dùng trong cải thiện kết cấu làn da, giúp da mịn màng hơn thông qua cơ chế ly giải biểu bì.
Khi tác nhân peel cho tác động đến lớp màng đáy của biểu bì chứa tế bào tạo hắc tố sẽ cải thiện tình trạng da không đều màu. Nếu tác nhân peel thâm nhập được đến lớp trung bì nông và trung bì sâu, peel da hóa học có thể được dùng để cải thiện nếp nhăn, giúp da săn chắc, trẻ hóa da thông qua cơ chế kích thích sản sinh và lắng đọng elastin, collagen.
Mỏng da và một số nguyên nhân có thể gây mỏng da
Mỏng da là tình trạng lớp biểu bì mất đi độ dày vốn có từ đó có thể nhìn thấy được mạch máu và đường gân nổi rõ trên bề mặt da. Ngoài ra, lớp hạ bì có thể bị mất một phần mô mỡ làm da trở nên kém đầy đặn. Mỏng da tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt sức khỏe nhưng làm da yếu và dễ bị tổn thương.
Mỏng da có thể là tình trạng sinh lý bình thường của cơ thể, do quá trình lão hóa gây nên tuy nhiên trong một số trường hợp dưới tác động của ánh sáng mặt trời, hóa chất, thuốc, chế độ sinh hoạt… có thể góp phần thúc đẩy quá trình này.
Trong đó, các thuốc chứa corticoid hay steroid là một trong những nguyên nhân bào mỏng làn da phổ biến. Lạm dụng corticoid đường bôi ban đầu có thể gây giảm kích thước tế bào biểu bì, sau một thời gian có thể dẫn đến tình trạng giảm lớp tế bào da khi lớp sừng trở nên mỏng đi, lớp tế bào hạt dần biến mất. Không chỉ làm mỏng biểu bì, corticoid còn có thể làm thay đổi mô liên kết của hạ bì, ức chế tăng sinh tế bào và làm giảm tổng hợp collagen.
Vậy peel da hóa học có làm mỏng da?
Có thể thấy cơ chế hoạt động của phương pháp peel da hóa học không gây ảnh hưởng đến kích thước tế bào da cũng như độ dày lớp biểu bì. Các tác nhân peel hoạt động bằng cách làm giảm độ bám dính của tế bào sừng, phân hủy biểu bì và tăng lắng đọng collagen ở da. Điều này dẫn đến sự mỏng đi của lớp sừng, tăng độ dày của biểu bì và sự phân bố melanin đồng đều hơn.
Peel da tạo ra một lớp biểu bì dày hơn, nhiều collagen và glycosaminoglycan hơn ở lớp hạ bì nhú và hạ bì lưới, đồng thời tạo ra nhiều sợi elastin hơn ở lớp hạ bì, nên chúng làm tăng thể tích mô, làm săn chắc các lớp da trên bề mặt, dẫn đến cải thiện tình trạng da bị lão hóa và nếp nhăn. Peel da sâu hơn dẫn đến sự tích tụ nhiều collagen và glycosaminoglycan hơn.
Tuy nhiên, thường xuyên peel da mức độ sâu với tần suất cao có khả năng làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng. Cho đến hiện nay, tất cả những biến chứng sau khi peel da đã được ghi nhận có thể được chia thành hai dạng.
Biến chứng xuất hiện tức thì (trong khoảng vài phút đến vài tiếng) bao gồm bỏng rát, ngứa ngáy, ban đỏ và phù nề. Biến chứng xuất hiện trễ (trong khoảng vài ngày đến vài tuần) bao gồm nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, rối loạn sắc tố da, hình thành sẹo, ban đỏ, mụn trứng cá và mụn thịt kéo dài.
Làn da có thể trở nên nhạy cảm, dễ kích ứng và tăng nguy cơ viêm nhiễm sau khi peel, nhất là khi tần suất peel quá thường xuyên, tuy nhiên chưa ghi nhận tình trạng gặp phải biến chứng da bị bào mỏng. Như vậy thực hiện phương pháp peel da khoa học sẽ không làm da mỏng hay yếu đi.
Xem thêm các bài viết liên quan
Cách chăm sóc da đúng cách sau khi peel da hóa học
Như vậy có thể thấy peel da hóa học tuy không làm mỏng da nhưng bệnh nhân vẫn có nguy cơ gặp phải một số biến chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng do đó cần lưu ý chăm sóc da đúng cách sau khi peel.
- Peel da với tần suất phù hợp tùy thuộc vào mức độ sâu của liệu trình, dưới sự tư vấn và theo dõi điều trị của Bác sĩ Da liễu. Thông thường với liệu trình peel da bề mặt cần khoảng 4 – 6 đợt peel, mỗi đợt cách nhau từ 2 – 4 tuần, trong khi đó peel da sâu chỉ cần 1 đợt điều trị.
- Peel da mức độ càng sâu thì thời gian hồi phục càng lâu đồng thời nguy cơ tác dụng không mong muốn càng cao, do đó cần theo dõi kỹ tình trạng da sau khi peel để kịp thời phát hiện các biến chứng.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF tối thiểu 30 hằng ngày để tránh tình trạng rối loạn sắc tố da sau khi peel.
- Vệ sinh da bằng sữa rửa mặt nhẹ dịu, không xà phòng, tránh chà xát, kì cọ hay cào gãi lên vùng da nhạy cảm sau khi peel.
- Nên duy trì cấp ẩm hằng ngày cho da bằng các sản phẩm dưỡng ẩm chứa thành phần an toàn, lành tính để hạn chế tình trạng da khô, bong tróc.
- Hạn chế trang điểm ngay sau khi peel, chỉ nên trang điểm khi quá trình tái tạo và phục hồi da hoàn tất.
Bảng giá dịch vụ peel da tại Phòng khám Doctor Acnes
Phương pháp | Giá | Giá HSSV |
⭐Peel da với salicylic acid 20% chuẩn CE | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel da với salicylic acid 30% chuẩn CE | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel với glycolic acid 35% chuẩn CE | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel với glycolic acid 50% chuẩn CE | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel da với salicylic acid và retinol chuẩn CE |
800.000 | 700.000 |
⭐Peel body | 900.000-1.100.000 | 800.000-1.000.000 |
Peel da hóa học là một phương pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị nhiều vấn đề da liễu như mụn trứng cá, tăng sắc tố sau viêm, thâm sẹo, lão hóa da… Ngoài những tác dụng phụ có thể gặp như kích ứng và viêm nhiễm sau khi peel, peel da hóa học không gây ảnh hưởng đến độ dày lớp biểu bì do đó không có nguy cơ gây bào mỏng da.
Ngoài ra, cho đến hiện nay cũng chưa từng ghi nhận biến chứng mỏng da do peel da hóa học. Ngược lại, peel da còn giúp tăng độ dày của lớp biểu bì và làm đều màu da. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị tốt và tránh gặp phải các tác dụng không mong muốn, peel da cần được thực hiện dưới sự giám sát của Bác sĩ Da liễu.
Tài liệu tham khảo
- Committee for Guidelines of Care for Chemical Peeling. “Guidelines for chemical peeling in Japan (3rd edition)”. J Dermatol. 2012 Apr;39(4):321-5
- Shireen Samargandy, Blake S. Raggio. “Skin Resurfacing Chemical Peels”. StatPearls, 2022
- “How to manage thin skin”. Medical News Today
- Marina Landau MD. “Chemical peels”. Clinics in Dermatology. 2008;26(2):200–208
- Alicia A O’Connor, Patricia M Lowe, Stephen Shumack. “Chemical peels: A review of current practice”. Australas J Dermatol. 2018;59(3):171-181