Mỹ phẩm không chỉ là công cụ làm đẹp mà còn là người bạn đồng hành trong việc chăm sóc và bảo vệ làn da. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc sử dụng mỹ phẩm cũng mang lại kết quả như ý. Đôi khi, các thành phần trong mỹ phẩm có thể gây ra phản ứng dị ứng, biểu hiện qua những nốt mụn không mong muốn. Trong bài viết này, Doctor Acnes sẽ làm rõ nguyên nhân, dấu hiệu của mụn do dị ứng mỹ phẩm và gợi ý cách xử trí hiệu quả.
Nguyên nhân gây mụn do dị ứng mỹ phẩm
Mụn do dị ứng mỹ phẩm thường xảy ra do phản ứng quá mẫn với một số thành phần có trong sản phẩm. Mỗi loại mỹ phẩm chứa nhiều thành phần khác nhau, từ hoạt chất chính đến các chất tạo hương, tạo kết cấu và ổn định sản phẩm. Ở người có cơ địa mẫn cảm, bất kỳ thành phần nào trong số này đều có thể bị cơ thể xem là có hại, dẫn đến phản ứng miễn dịch gây ra tình trạng mụn.
Theo FDA, một số nhóm chất thường gặp trong mỹ phẩm có thể là nguyên nhân gây dị ứng bao gồm:
- Chất tạo hương thơm (fragrances): Hiệp hội Viêm da Cơ địa Hoa Kỳ (ACDS) đã xác nhận chất tạo hương thơm là chất gây dị ứng đáng chú ý nhất (allergen of the year) của năm 2007. Ủy ban châu Âu (EC) đã ghi nhận 26 loại chất tạo hương thơm có khả năng gây dị ứng, như amyl cinnamal, benzyl alcohol, citral, lilial…
- Cao su tự nhiên (natural rubber): còn được biết đến với tên gọi “latex”, cao su tự nhiên có thể gây dị ứng cho người có cơ địa mẫn cảm, chiếm khoảng 1 – 6% dân số. Từ tháng 01/2015 đến tháng 09/2017, FDA nhận được 30 báo cáo về các trường hợp dị ứng cao su tự nhiên.
- Chất bảo quản (preservative): các hoạt chất này đóng vai trò ức chế sự sinh sôi của vi sinh vật, giúp mỹ phẩm duy trì tính ổn định trong thời gian dài. Một số loại chất bảo quản được FDA ghi nhận có thể gây dị ứng bao gồm methylisothiazolinone, methylchloroisothiazolinone, formaldehyde.
- Chất tạo màu, phẩm nhuộm (dye, color additive): một vài loại phẩm nhuộm có thể gây dị ứng đã được FDA ghi nhận gồm có p-phenylenediamine (PPD) và coal-tar.
- Kim loại: có vài kim loại có nguy cơ gây dị ứng cao hơn (allergen metal), đơn cử như niken (Ni), coban (Co), crom (Cr).
Dấu hiệu nhận biết mụn do dị ứng mỹ phẩm
Để nhận biết tình trạng mụn mới xuất hiện là do dị ứng mỹ phẩm hay do các nguyên nhân khác (stress, thay đổi nội tiết tố, môi trường, mồ hôi…), cần chú ý tính chất của tình trạng mụn. Mụn do dị ứng mỹ phẩm có một vài đặc điểm đặc trưng giúp nhận biết như sau:
- Mụn xuất hiện sớm hoặc một thời gian sau khi sử dụng một loại mỹ phẩm mới. Có thể đi kèm tình trạng đỏ da, ngứa, sưng, bong da.
- Trong một số ít trường hợp, có thể xuất hiện triệu chứng nặng như khó thở, mạch nhanh, đau ngực, sốc.
- Một số hoạt chất có thể bay hơi, gây triệu chứng dị ứng ở đường hô hấp như ho, chảy mũi, khò khè.
- Vùng da bị mụn trùng với vùng da sử dụng mỹ phẩm.
- Khi tiếp tục sử dụng cùng loại mỹ phẩm, tình trạng mụn và các triệu chứng đi kèm sẽ nặng hơn. Ngược lại, khi ngưng sử dụng, tình trạng mụn sẽ dần cải thiện.
Các cách xác định dị ứng do mỹ phẩm
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mụn do dị ứng mỹ phẩm, cần gặp Bác sĩ Da liễu hoặc Bác sĩ Dị ứng – Miễn dịch để thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Nếu tình trạng dị ứng nặng, có các dấu hiệu nguy hiểm như khó thở nhiều, đau ngực, choáng, cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất.
Một số phương pháp Bác sĩ có thể sử dụng để xác định tình trạng dị ứng mỹ phẩm bao gồm:
- Test miếng dán (patch test): một lượng nhỏ chất nghi ngờ là dị ứng nguyên sẽ được cho tiếp xúc với da trong 48 giờ, bằng cách sử dụng miếng dán chuyên dụng. Sau 72 – 96 giờ, Bác sĩ sẽ đánh giá vị trí test xem da có biểu hiện sưng, đỏ, ngứa hay bất thường nào khác hay không, từ đó xác định liệu chất đã test có phải là dị ứng nguyên hay không. Đôi lúc, làn da quá nhạy cảm có thể dẫn đến dương tính giả, khi đó cần thử lại bằng các phương pháp khác.
- Test tiếp xúc mở (open application test): nguyên lý tương tự như test miếng dán, nhưng chất nghi ngờ là dị ứng nguyên sẽ được cho tiếp xúc nhiều lần với da và không được dán phủ lên.
- Test lẩy da (prick test): một lượng nhỏ chất nghi ngờ là dị ứng nguyên được cho tiếp xúc với vị trí da đã lẩy bằng đầu kim, sau đó quan sát phản ứng của da đối với chất để xác định có phải là dị ứng nguyên thực sự hay không. Nếu chất nghi ngờ được đưa vào trong da bằng đầu kim, phương pháp này sẽ trở thành test trong da (intradermal test).
- Xét nghiệm máu tìm bằng chứng dị ứng (allergy blood test): một mẫu máu của người bệnh sẽ được trộn lẫn với chất nghi ngờ là dị ứng nguyên. Sự xuất hiện của kháng thể là dấu hiệu có tình trạng dị ứng với chất đó.
Cách xử lý khi bị mụn do dị ứng mỹ phẩm
Khi xảy ra tình trạng mụn sau khi sử dụng một loại mỹ phẩm mới, có thể thực hiện các bước sau đây để giảm triệu chứng khó chịu ở da:
- Ngưng sử dụng loại mỹ phẩm mới: nếu thực sự có tình trạng dị ứng với một hay nhiều thành phần trong loại mỹ phẩm đó, thì việc tiếp tục sử dụng sẽ làm cho mụn và triệu chứng ở da nặng nề hơn.
- Steroid bôi ngoài da: có thể sử dụng kem chứa hydrocortisone 1% bôi lên vùng da bị dị ứng để giảm triệu chứng khó chịu. Chế phẩm này có thể sử dụng không cần chỉ định của Bác sĩ.
- Thuốc kháng histamine đường uống: nhằm giảm ngứa, có thể dùng một loại kháng histamin đường uống như diphenhydramine hoặc loratadin.
- Chườm mát và ẩm: sử dụng vải ẩm, mát để chườm lên vùng da bị dị ứng trong 15 – 30 phút có thể giúp giảm triệu chứng. Ngoài ra, cũng có thể ngâm vùng da trong nước mát trong thời gian tương tự.
- Bảo vệ làn da: tránh gãi hay chà xát vùng da bị dị ứng, vì điều này có thể khiến cho tình trạng làn da tiến triển xấu hơn. Có thể cắt ngắn và dũa móng tay để tránh vô tình làm tổn thương da. Dùng kem chống nắng và tránh tiếp xúc ánh nắng trong thời gian làn da phục hồi.
Nếu tình trạng mụn không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng, da sưng, ngứa, đỏ nhiều, cần tham khảo ý kiến của Bác sĩ Da liễu để có thể sử dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu. Nếu tình trạng dị ứng nặng, có các dấu hiệu nguy hiểm như khó thở nhiều, đau ngực, choáng, cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất.
Khi đến khám Bác sĩ Da liễu, cần chuẩn bị một số thông tin để giúp cho Bác sĩ thuận tiện trong việc đánh giá hơn:
- Liệt kê cụ thể các triệu chứng gặp phải, thời gian xuất hiện và kéo dài của từng triệu chứng.
- Liệt kê các loại mỹ phẩm, thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng. Nên có hình ảnh chai, lọ, nhãn hiệu và thành phần của từng loại.
- Báo cho Bác sĩ biết những loại mỹ phẩm, thuốc và thực phẩm chức năng nào mới sử dụng gần đây, hoặc những chất nào đã tiếp xúc với vùng da bị tổn thương.
Xem thêm các bài viết liên quan
Phòng ngừa mụn do dị ứng mỹ phẩm
Mỹ phẩm giúp chúng ta đẹp hơn, nhưng nếu sử dụng không đúng cách, chúng có thể khiến da tồi tệ hơn do kích ứng. Để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”, hãy ghi nhớ những lưu ý quan trọng sau để sử dụng mỹ phẩm an toàn và ngăn ngừa mụn do dị ứng:
- Hiểu rõ cơ địa của mình: biết mình dễ dị ứng với những thành phần nào trong mỹ phẩm để tránh tiếp xúc với các dị ứng nguyên là cách tốt nhất để phòng ngừa dị ứng.
- Đọc kỹ thành phần sản phẩm: trước khi sử dụng mỹ phẩm, đặc biệt nếu có tiền sử dị ứng, cần xem xét kỹ thành phần để đảm bảo an toàn. Nếu thông tin thành phần không đầy đủ, hãy liên hệ với nhà sản xuất để tìm hiểu thêm.
- Tuân thủ hướng dẫn sử dụng: đọc kỹ và làm theo hướng dẫn, đặc biệt là những yêu cầu như thử lượng nhỏ trước khi dùng hay rửa sạch sau khi sử dụng vì một số sản phẩm có chứa thành phần có thể kích ứng da bất kể cơ địa.
- Chọn mỹ phẩm uy tín: ưu tiên sử dụng sản phẩm từ các hãng dược mỹ phẩm uy tín hoặc theo khuyến cáo của Bác sĩ Da liễu dựa trên cơ địa cá nhân.
Mụn do dị ứng mỹ phẩm có thể gây khó chịu và tổn thương da kéo dài. Hiểu rõ cơ chế dị ứng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa là cách tốt nhất để bảo vệ làn da. Nếu gặp phải mụn do dị ứng, hãy liên hệ với Doctor Acnes ngay để được tư vấn và chăm sóc da hiệu quả. Chăm sóc da đúng cách bắt đầu từ việc chọn lựa mỹ phẩm phù hợp!
Tài liệu tham khảo
- “Allergens in Cosmetics“. FDA
- “Fragrance mix allergy“. Dermnetnz
- “Latex in Cosmetics“. FDA
- Sipahi H, Charehsaz M, Güngör Z, Erdem O, Soykut B, Akay C, Aydin A. “Risk assessment of allergen metals in cosmetic products“. J Cosmet Sci. 2015 Sep-Oct;66(5):313-23. PMID: 26753435
- “Contact dermatitis”. Mayo Clinic