Điều trị sẹo rỗ tại nhà như thế nào?

Ngày 04/08/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Các phương pháp làm đầy sẹo rỗ hiện nay đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của rất nhiều người, nguyên nhân là do sẹo rỗ gây ảnh hưởng nặng nề về tâm lý và làm giảm sút sự tự tin cho những ai đang gặp phải vấn đề này. Tuy vậy, không phải ai cũng có điều kiện để tới các cơ sở thẩm mỹ để điều trị. Trong bài viết hôm nay, các Bác sĩ tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes sẽ cung cấp các thông tin về các phương pháp điều trị sẹo rỗ tại nhà để mọi người cùng tham khảo nhé!

Sẹo rỗ là gì?

Sẹo rỗ hay còn gọi là sẹo lõm (atrophic scar) là những vết lõm xuất hiện sâu dưới da, tạo ra những biến đổi trên bề mặt da gây mất thẩm mỹ và thiếu tự tin cho những ai đang gặp phải vấn đề này. Sẹo rỗ hình thành khi da không thể tái tạo mô một cách bình thường, liên quan đến những tổn thương nặng ở vùng hạ bì gây đứt gãy các sợi collagen và elastin.

Sẹo rỗ là gì - Doctor Acnes
Sẹo rỗ hay còn gọi là sẹo lõm là những vết lõm xuất hiện sâu dưới da và tạo ra những biến đổi trên bề mặt da

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hình thành sẹo rỗ, trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là sẹo do mụn trứng cá để lại. Theo thống kê y học, trên 90% người bị mụn trứng cá có thể mắc phải tình trạng sẹo sau mụn ở các mức độ khác nhau. 

Phân loại sẹo rỗ

Tùy thuộc vào hình dạng vết lõm mà sẹo rỗ được chia thành ba nhóm hình thái khác nhau:

  • Sẹo đáy nhọn (ice pick scar): sẹo có hình dạng hẹp, sâu và thường bị hiểu lầm là lỗ chân lông to. Sẹo thường xuất hiện ở vùng má và mũi hoặc những khu vực hay xuất hiện mụn đầu đen.
  • Sẹo đáy vuông hoặc sẹo hình hộp (box scar): sẹo thường có dạng hố lõm, đáy vuông và tương đối nông.
  • Sẹo đáy tròn hoặc sẹo lượn sóng (rolling scar): sẹo lõm xuống thành những hố tròn tương đối sâu, tạo ra trên bề mặt những hình dạng như lượn sóng.
Phân loại sẹo rỗ - Doctor Acnes
Tùy thuộc vào hình dạng vết lõm mà sẹo rỗ được phân loại sẹo thành ba nhóm hình thái khác nhau

Nguyên nhân gây sẹo rỗ

Sẹo rỗ có thể xuất hiện do những nguyên nhân phổ biến sau đây:

  • Nặn mụn không đúng cách: nặn mụn là một trong những phương pháp loại bỏ nhân mụn nhanh và đơn giản nhất, nhưng nặn mụn không đúng cách sẽ khiến da bị viêm nhiễm, tổn thương đến quá trình phục hồi của da, dẫn đến hình thành sẹo rỗ.
  • Mụn viêm nặng không được điều trị: mụn viêm nặng ảnh hưởng sâu đến các mô tế bào lớp hạ bì dẫn đến da bị mất collagen liên tục trong một thời gian dài. Do đó, quá trình tạo mới và sửa chữa các mô bị hư hỏng trở nên khó khăn hơn. Làn da không được lấp đầy lại tại vị trí các mô bị mất nên hình thành sẹo rỗ.
  • Trì hoãn việc trị mụn: việc không điều trị mụn kịp thời, đặc biệt là mụn viêm, sẽ làm quá trình viêm diễn tiến lâu dài dẫn đến phá hủy lượng lớn mô da, trong đó có các sợi collagen và elastin, gây hình thành sẹo rỗ và tăng sắc tố da kéo dài.
  • Chăm sóc da sai cách: sử dụng kem trộn không rõ nguồn gốc và thành phần, tự ý dùng sản phẩm điều trị hay dưỡng da mà không có sự hướng dẫn của Bác sĩ sẽ khiến da bị tổn thương, tạo điều kiện cho sẹo rỗ hình thành.
nguyên nhân sẹo rỗ
Sẹo rỗ hình thành khi da không thể tái tạo mô một cách bình thường, gây mất thẩm mỹ và thiếu tự tin cho những ai đang gặp phải vấn đề này

Những biện pháp giúp điều trị sẹo rỗ tại nhà hiệu quả

Hiệu quả điều trị sẹo rỗ phụ thuộc vào mức độ nặng của tình trạng sẹo, tuổi sẹo (thời gian xuất hiện sẹo rỗ) và phương pháp điều trị. Trường hợp có sẹo nhiều ở mức độ nặng và lâu năm, cần phải sử dụng kết hợp nhiều phương pháp xâm lấn tại các cơ sở điều trị được cấp phép như bệnh viện, Phòng khám thì mới có thể đạt được kết quả điều trị như mong muốn.

Đối với sẹo nhẹ và mới hình thành, có thể thử một số liệu pháp tại nhà sau:

Retinoid

Retinoid là nhóm dẫn xuất của vitamin A, được sử dụng để chống lão hóa, điều trị mụn và sẹo rỗ. Nhờ khả năng kích thích sản sinh tế bào, tái tạo collagen và elastin, retinoid giúp làm đầy sẹo, tăng cường mạng lưới nâng đỡ da, giúp giảm sẹo rỗ và nếp nhăn.

Tuy nhiên, retinoid khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, do đó cần sử dụng các sản phẩm chống nắng và che chắn kĩ khi ra ngoài.

cách trị sẹo rỗ lâu năm tại nhà
Retinoid là nhóm dẫn xuất của vitamin A, có khả năng kích thích sản sinh tế bào, tái tạo collagen và elastin

Acid salicylic (BHA)

Acid salicylic, hay BHA, thường được sử dụng trong các sản phẩm điều trị mụn trứng cá. BHA giúp thông thoáng lỗ chân lông, giảm sưng viêm và ngăn ngừa hình thành sẹo rỗ do mụn. Ngoài ra, BHA còn loại bỏ tế bào da chết, hạn chế dầu thừa và kích thích tái tạo tế bào da mới, hỗ trợ làm đầy sẹo.

BHA trị sẹo rỗ - Doctor Acnes
BHA giúp thông thoáng lỗ chân lông và kích thích tạo tế bào da mới, hỗ trợ làm đầy sẹo và ngăn ngừa hình thành sẹo rỗ

Acid alpha hydroxy (AHA)

AHA giúp loại bỏ da chết, bụi bẩn và ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông, hỗ trợ điều trị mụn và sẹo rỗ. AHA cũng giúp làm sáng da, mờ sẹo thâm và mang lại hiệu quả tốt trong điều trị sẹo rỗ.

Cần lưu ý rằng các sản phẩm BHA hoặc AHA không nên sử dụng cùng với retinoid trong cùng một ngày trong quá trình chăm sóc da. Thay vào đó, nên sử dụng cách ngày hoặc theo một nguyên tắc nhất định trong tuần miễn sao không sử dụng chung BHA hoặc AHA và retinoid trong cùng một ngày để đảm bảo da không bị tẩy tế bào chết quá mức.

Nếu có ý định sử dụng BHA hoặc AHA và retinoid đồng thời trong liệu trình chăm sóc da, nên đến thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn cách sử dụng phù hợp tùy thuộc vào mục tiêu điều trị trên từng làn da.

cách chữa sẹo rỗ tại nhà
AHA giúp loại bỏ da chết, bụi bẩn và ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông, hỗ trợ điều trị mụn và sẹo rỗ

Massage mặt

Massage mặt không trực tiếp làm giảm sẹo rỗ nhưng hỗ trợ hiệu quả cho các liệu pháp điều trị sẹo rỗ khác. Nghiên cứu cho thấy massage mặt giúp tuần hoàn máu tốt hơn, cải thiện khả năng hấp thu của các sản phẩm điều trị, loại bỏ độc tố và phục hồi kết cấu da.

Các phương pháp để phòng ngừa sẹo

Lời khuyên hạn chế sẹo rỗ - Doctor Acnes
Thực hiện các lời khuyên từ Bác sĩ Da liễu để ngăn ngừa việc hình thành sẹo rỗ
  • Điều trị mụn sớm: đây là bước quan trọng nhất để ngăn ngừa sẹo rỗ. Khi phát hiện mụn, hãy đến gặp Bác sĩ Da liễu để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc điều trị sớm sẽ giúp kiểm soát tình trạng mụn, ngăn ngừa mụn viêm nặng, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ hình thành sẹo rỗ.
  • Lấy nhân mụn đúng cách: chỉ lấy những nhân mụn đã se cồi, tuyệt đối không nặn khi mụn còn viêm và sưng đỏ. Dụng cụ lấy mụn phải vô trùng tuyệt đối, quá trình nặn mụn phải được thực hiện bởi những kỹ thuật viên có hiểu biết và tay nghề. Nặn mụn dưới xông hơi làm giãn nở lỗ chân lông khiến cho việc lấy nhân mụn trở nên dễ dàng hơn.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm trị mụn không rõ nguồn gốc: các loại sản phẩm trị mụn trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chứa chất lột tẩy, corticoid có thể khiến tình trạng mụn nặng hơn nên dễ để lại sẹo. Nên sử dụng các sản phẩm dược mỹ phẩm trị mụn uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, được các Bác sĩ Da liễu khuyên dùng.
  • Vệ sinh da mụn tốt: một trong những nguyên nhân để lại sẹo lõm sau mụn là do bội nhiễm, vì vậy việc vệ sinh da là vô cùng quan trọng. Không nên dùng tay sờ nắn lên vùng da mụn, vệ sinh da mặt đúng cách bằng những sản phẩm phù hợp, thường xuyên thay giặt ga gối, khăn mặt, vệ sinh màn hình điện thoại…
  • Chế độ sinh hoạt lành mạnh: ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung nhiều rau xanh, các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như cà rốt, súp lơ, các loại hạt, ngũ cốc và đặc biệt là vitamin C từ cam, chanh, dưa hấu để kích thích sản sinh collagen nội sinh. Uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể, hạn chế thức khuya và căng thẳng.
Khách hàng điều trị sẹo thành công với phương pháp mesotherapy PRP tại Phòng khám Doctor Acnes - Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị sẹo rỗ thành công tại Doctor Acnes

Sẹo rỗ là vấn đề da liễu dai dẳng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của những người đang gặp phải tình trạng này và có thể tồn tại vĩnh viễn trên da mặt nếu không biết cách điều trị hợp lý và kịp thời. Trường hợp sẹo mới hình thành, sẹo ít và đáy sẹo nông thì có thể áp dụng các phương pháp điều trị sẹo rỗ tại nhà được nhắc đến trong bài.

Nếu sẹo rỗ nghiêm trọng hoặc các phương pháp trị sẹo tại nhà không mang lại hiệu quả, hãy đến gặp Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và có biện pháp điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo

  1. Layton AM, Henderson CA, Cunliffe WJ. “A clinical evaluation of acne scarring and its incidence. Clin Exp Dermatol. 1994;19:303–8
  2. Goodman GJ. “Postacne scarring: a review of its pathophysiology and treatment”. Dermatol Surg. 2000; 26:857–871
  3. “Acne Scars”. WebMD
  4. Kravvas G, Al-Niaimi F. “A systematic review of treatments for acne scarring. Part 1: Non-energy-based techniques”. Scars Burn Heal. 2017 Jan-Dec, 3: 2059513117695312
  5. Leyden J. “Why topical retinoids are mainstay of therapy for acne”. Dermatol Ther (Heidelb). 2017 Sep; 7(3): 293–304
  6. Sachdeva S. “Lactic acid peeling in superficial acne scarring in Indian skin”. J Cosmet Dermatol. 2010 Sep; 9(3):246-8

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84