Có thể nói mụn ở mép môi là một trong các vị trí tạo cảm giác khó chịu nhất khi gặp phải. Mụn ở mép môi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, không chỉ gây khó chịu mà còn làm mất tự tin trong giao tiếp hằng ngày. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân hình thành mụn, cách trị mụn ở mép môi và biện pháp phòng ngừa, mang lại làn da khỏe mạnh, sạch mụn, giúp bạn tự tin và rạng rỡ hơn.
Nguyên nhân gây mọc mụn ở mép môi
Có nhiều nguyên nhân gây ra mụn ở mép môi, những nguyên nhân đó có thể bắt nguồn từ yếu tố bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Dưới đây là một số nguyên nhân gây nên mụn ở mép môi:
- Rối loạn nội tiết tố: đây là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng mụn ở mép môi. Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể đặc biệt là ở nữ giới trong các giai đoạn như dậy thì, mang thai, sau sinh… có thể kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn gây nên tình trạng mụn ở mép môi.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, nhiều đường, ăn ít rau xanh, trái cây… cũng có thể gây mụn ở mép môi.
- Sản phẩm chăm sóc da và môi không phù hợp: các thành phần sáp trong son dưỡng có thể làm bít tắc lỗ chân lông, sử dụng các sản phẩm chăm sóc da hay các sản phẩm làm sạch có gốc dầu mà không nhũ hóa đúng cách cũng có thể gây nên sự bít tắc dẫn đến hình thành mụn.
- Không tẩy trang kỹ: sử dụng mỹ phẩm trang điểm nhưng không làm sạch kỹ.
- Căng thẳng: tình trạng căng thẳng và áp lực tâm lý có thể làm tăng sự phát triển của mụn ở mép môi.
- Vệ sinh kém ở vùng miệng: bao gồm không làm sạch đúng cách sau khi ăn hoặc không thường xuyên thay đổi và làm sạch các dụng cụ cá nhân như khăn mặt, dao cạo râu, thường xuyên chạm tay lên miệng dẫn đến vùng da xung quanh miệng tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn, bụi bẩn, dầu mỡ từ thức ăn, dẫn đến mụn.
- Mụn rộp (herpes): gây ra bởi virus Herpes simplex (HSV), có thể lây qua tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Mụn rộp xuất hiện quanh mép môi, thường tự vỡ và tự khỏi sau 1 – 2 tuần nên dễ bị nhầm lẫn là mụn bình thường.
- Viêm da cơ địa: là tình trạng mạn tính. Khi bị viêm da cơ địa, da trở nên nhạy cảm, dễ kích ứng và xuất hiện các mụn nước nhỏ. Vùng da quanh mép môi là vùng khá nhạy cảm nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân từ môi trường gây nên tình trạng mụn.
Các cách trị mụn ở mép môi
Để cải thiện tình trạng này, có một số phương pháp như sau:
- Sử dụng thuốc trị mụn dạng bôi ngoài da: các sản phẩm không kê đơn có chứa các thành phần như benzoyl peroxide hoặc acid salicylic có thể tiêu diệt vi khuẩn, giảm viêm, thông thoáng lỗ chân lông. Bác sĩ có thể kê đơn retinoid tại chỗ để điều trị mụn mép môi, nhằm giúp thông thoáng lỗ chân lông, kiểm soát lượng dầu tiết ra.
- Giữ vệ sinh: vệ sinh da sạch sẽ là yếu tố quan trọng để giảm nguy cơ mụn ở mép môi. Rửa mặt 2 lần/ngày với sữa rửa mặt dịu nhẹ để làm sạch bụi bẩn, bã nhờn, giúp giảm nguy cơ gây mụn. Thường xuyên thay đổi và làm sạch các dụng cụ cá nhân như khăn tắm, khăn mặt, dao cạo râu…
- Thực hiện lối sống lành mạnh: tập thể dục thường xuyên hay thiền định giúp kiểm soát căng thẳng. Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế thức ăn cay nóng, đồ ngọt và uống nhiều nước.
- Sử dụng thuốc điều trị đường uống: đối với các trường hợp mụn môi nghiêm trọng và dai dẳng, cần thăm khám Bác sĩ Da liễu. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc đường uống như kháng sinh hoặc isotretinoin.
- Liệu pháp ánh sáng và laser: sử dụng các liệu pháp như ánh sáng xung mạnh, laser xung dài Nd:YAG 1064nm giúp giảm viêm, bạt sừng, giảm tiết bã nhờn và làm suy yếu hoạt động của vi khuẩn C. acnes.
Xem thêm các bài viết liên quan
Phòng ngừa mụn ở mép môi
Phòng ngừa mụn ở mép môi không quá phức tạp nếu chú ý một số điều quan trọng. Dưới đây là những cách giúp tránh tình trạng mụn ở vùng này:
- Giữ vệ sinh cá nhân: rửa mặt đều đặn 2 lần/ngày (sáng và tối) với sữa rửa mặt, giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và tránh bít tắc lỗ chân lông. Các dụng cụ vệ sinh như khăn mặt, dao cạo cần được vệ sinh và thay thường xuyên.
- Tránh tự nặn mụn: nặn mụn có thể gây lây lan vi khuẩn sang các vị trí xung quanh làm tình trạng trầm trọng hơn.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: hạn chế thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, đường, các sản phẩm từ sữa. Tăng cường ăn rau xanh, trái cây, uống nhiều nước.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc da hay trang điểm phù hợp: chọn các sản phẩm không chứa dầu hay các thành phần có thể gây bít tắc lỗ chân lông. Kiểm tra hạn sử dụng của các sản phẩm chăm sóc môi trước khi dùng. Hạn chế sử dụng son môi, mỹ phẩm trong thời gian điều trị tránh làm nặng thêm tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông. Nếu sử dụng các loại tẩy trang chuyên dụng cho môi có gốc dầu, cần nhũ hóa đúng cách để tránh bít tắc lỗ chân lông.
Mụn ở mép môi là tình trạng phổ biến nhưng có thể được kiểm soát hiệu quả với chế độ chăm sóc da và sinh hoạt hợp lý. Phòng ngừa mụn từ sớm là cách tốt nhất để tránh tình trạng mụn kéo dài hoặc trở nặng. Nếu đã áp dụng các phương pháp trên mà mụn vẫn không thuyên giảm, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes để được Bác sĩ Da liễu tư vấn và điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- “Why Is There a Pimple on Your Lip? And How Can You Treat It?“. Health
- “Can the right diet get rid of acne?“. American Academy of Dermatology Association
- “Pimple popping: Why only a dermatologist should do it“. American Academy of Dermatology Association
- “Benzoyl Peroxide“. NIH