Mụn nội tiết (hormonal acne) là hiện tượng da bị mụn kéo dài đến độ tuổi trưởng thành, do tình trạng rối loạn nội tiết tố gây ra. Ngày nay, có nhiều loại thuốc viên đường uống có thể kiểm soát được tình trạng mụn nội tiết; việc sử dụng thuốc đúng cách đóng vai trò rất quan trọng để đạt hiệu quả và hạn chế tác dụng không mong muốn. Trong bài viết sau đây, Doctor Acnes sẽ cung cấp các thông tin khoa học để làm rõ vấn đề này.
Mụn nội tiết là gì?
Nguyên nhân gây ra mụn nội tiết
Mụn là một thương tổn da phổ biến, ảnh hưởng đến 90% thanh thiếu niên ở tuổi dậy thì. Đa số trường hợp mụn sẽ tự thoái lui khi qua khỏi giai đoạn thiếu niên. Tuy nhiên, ở 12-22% trường hợp thuộc nữ giới và khoảng 3% trường hợp thuộc nam giới, mụn có thể xuất hiện hoặc kéo dài đến độ tuổi trưởng thành. Tình trạng này có thể xảy ra do sự chi phối của nhiều yếu tố:
- Rối loạn nội tiết tố.
- Căng thẳng tâm lý.
- Trong gia đình có một hay nhiều người thân cũng bị da mụn tương tự.
- Việc chăm sóc da sai cách, hoặc xảy ra tác dụng không mong muốn.
- Bệnh lý tiềm ẩn như hội chứng buồng trứng đa nang.
- Một số yếu tố khác như tiếp xúc tia UV, chế độ ăn không phù hợp, tác dụng của thuốc…
Những rối loạn này kích hoạt một phần hay toàn bộ 4 yếu tố nền tảng của quá trình sinh mụn như tăng sản xuất bã nhờn, tăng sừng hóa nang lông, vi khuẩn Cutibacterium acnes, đáp ứng viêm của cơ thể. Qua đó, tình trạng da mụn có thể kéo dài quá tuổi dậy thì, hoặc khởi phát muộn trong tuổi trưởng thành. Yếu tố rối loạn nội tiết tố đóng vai trò quan trọng trong đa số trường hợp mụn xảy ra sau tuổi vị thành niên.
Mụn nội tiết là tình trạng da bị mụn ở người trưởng thành do rối loạn nội tiết tố. Cường androgen là nguyên nhân của khoảng 1/3 trường hợp da bị mụn sau tuổi vị thành niên. Androgen là nhóm nội tiết tố đóng vai trò kích thích tuyến bã nhờn và sinh mụn. Nhưng với những trường hợp có mức độ nội tiết tố nhóm androgen bình thường, tình trạng rối loạn nội tiết tố vẫn có thể diễn ra âm thầm qua những cơ chế khác như:
- Tăng chuyển hóa nội tiết tố nhóm androgen thành dạng có hoạt tính ở mô ngoại biên dù nồng độ bình thường nhưng hoạt tính thực tế của nội tiết tố tăng lên.
- Tuyến bã nhờn tăng nhạy cảm với hoạt tính của nội tiết tố, thông qua việc tăng số lượng hay tính gắn kết với phân tử nội tiết tố.
- Giai đoạn trước kỳ kinh, trong thai kỳ, tiền mãn kinh, hoặc khi dùng thuốc tránh thai chỉ chứa progestin có tình trạng mất cân đối giữa hoạt tính nội tiết tố nhóm androgen và nhóm estradiol.
- Tuyến bã nhờn chịu sự kích thích của một số nội tiết tố khác, ví dụ như CRH, neuropeptide, histamine…
Dấu hiệu nhận biết mụn nội tiết
Mụn nội tiết có một số đặc điểm đặc trưng, được tóm lược theo từng phương diện như sau:
- Về vùng da hay bị mụn: mụn nội tiết thường xuất hiện ở nửa dưới của gương mặt như vùng viền hàm, quanh tai, cằm, trước và cạnh cổ.
- Về loại sang thương hay gặp: mụn nội tiết thường biểu hiện dưới dạng mụn viêm, mụn mủ hơn là mụn không viêm như mụn đầu trắng, mụn đầu đen.
- Về mức độ nghiêm trọng: đa phần trường hợp mụn nội tiết có mức độ tổn thương da từ nhẹ đến trung bình.
- Về sức khỏe của làn da: khi có tình trạng mụn nội tiết, làn da cũng trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương trước kích thích tố, do đó dễ bị rối loạn sắc tố hoặc sẹo hơn.
- Về biểu hiện toàn thân: tình trạng rối loạn nội tiết tố có thể biểu hiện thành một số triệu chứng toàn thân khác bên cạnh da mụn, như rụng tóc, rậm lông, bất thường về chu kỳ kinh nguyệt.
Cơ chế hoạt động của viên uống trị mụn nội tiết
Bởi vì mụn nội tiết bắt nguồn từ rối loạn nội tiết tố, phương thức điều trị căn bản là điều chỉnh hoạt tính nội tiết tố về mức bình thường. Việc điều hoà hoạt tính nội tiết tố có thể được thực hiện thông qua hai cơ chế:
- Giảm nồng độ của nội tiết tố trong hệ tuần hoàn.
- Giảm sự gắn kết của nội tiết tố với thụ thể đặc hiệu trên da.
Ngoài ra, mụn nội tiết cũng chịu sự chi phối của bốn yếu tố như mụn thông thường, đó chính là tăng bài tiết bã nhờn, tăng sừng hoá nang lông, vi khuẩn Cutibacterium acnes, và đáp ứng viêm của cơ thể. Do vậy các phương pháp tác động lên bốn cơ chế này cũng hỗ trợ điều trị mụn nội tiết, tuy nhiên việc điều hoà hoạt tính nội tiết tố vẫn là chủ chốt.
Các loại viên uống trị mụn nội tiết phổ biến
Dựa trên hai cơ chế điều chỉnh rối loạn nội tiết tố như trên, hiện nay có một số nhóm thuốc dùng đường uống nhắm đến nội tiết tố nhóm androgen, bao gồm:
- Viên thuốc tránh thai kết hợp estrogen và progestin: sự kết hợp của hai nhóm hoạt chất này có tác dụng làm giảm nồng độ của nội tiết tố nhóm androgen trong cơ thể.
- Viên uống chứa hoạt chất kháng androgen: ức chế sự kết hợp của nội tiết tố nhóm androgen với thụ thể đặc hiệu ở da, với các hoạt chất như spironolactone, cyproterone acetate.
- Viên uống chứa corticosteroid: dạng dùng toàn thân của hoạt chất corticoid như prednisone và dexamethasone có thể làm giảm sự sản xuất nội tiết tố nhóm androgen ở tuyến thượng thận.
- Viên uống chứa chất đồng vận GnRH: tác động lên trục hạ đồi tuyến yên, tuyến sinh dục nhằm làm giảm nội tiết tố sinh dục, trong đó có nội tiết tố nhóm androgen, một số hoạt chất đơn cử như leuprolide, goserelin.
- Viên uống chứa một số hoạt chất khác: ví dụ như lymecycline, roxithromycin và ketoconazole cũng có hoạt tính làm giảm sản sinh nội tiết tố nhóm androgen.
Ngoài ra, một số loại viên uống không tác động trên cơ chế điều chỉnh rối loạn nội tiết tố cũng có thể được dùng để điều trị tình trạng mụn nội tiết, dựa trên cơ sở 4 yếu tố nền tảng của quá trình hình thành mụn:
- Viên uống chứa kháng sinh: hoạt tính diệt khuẩn của kháng sinh làm giảm sự sinh sôi của vi khuẩn trên da, bao gồm Cutibacterium acnes.
- Viên uống chứa retinoid: tác động đến cả 4 yếu tố, làm giảm sản xuất bã nhờn, giảm sừng hóa nang lông, kháng viêm và kháng khuẩn.
- Viên uống chứa một số hoạt chất khác: như kẽm sulfate, vitamin B3, dapsone, có hoạt tính kháng khuẩn và/hoặc kháng viêm, và đôi khi có thể tác động đến mức độ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn.
Một số nhãn hiệu viên uống điều trị mụn nội tiết đã được FDA chấp thuận gồm có:
- Ortho Tri-Cyclen: viên uống kết hợp estrogen và norgestimate.
- Estrostep: viên uống kết hợp estrogen và norethindrone.
- YAZ: viên uống kết hợp estrogen và drospirenone.
Các hoạt chất norgestimate, norethindrone, drospirenone thuộc nhóm progestin, có hoạt tính tương tự progesterone trong cơ thể. Trong đó, drospirenone được FDA ghi nhận có gây tăng nguy cơ huyết khối so với các hoạt chất nhóm progestin khác. Viên uống tránh thai chỉ chứa progestin không được chỉ định trong điều trị mụn, thậm chí có thể làm mụn nghiêm trọng hơn.
Spironolactone hiện tại vẫn chưa được FDA phê duyệt để sử dụng trong các bệnh lý da liễu, bao gồm cả mụn, do mức độ chứng cứ chưa đủ thuyết phục. Tuy nhiên, trên các thử nghiệm lâm sàng, spironolactone cho kết quả tích cực trong điều trị mụn. Thử nghiệm lâm sàng pha 3 đa trung tâm của Santer và các cộng sự tới từ nhiều bệnh viện và trường đại học danh tiếng tại Anh cho thấy, spironolactone giúp cải thiện tình trạng mụn từ 12 tuần, và đạt mức có ý nghĩa thống kê sau 24 tuần. Một báo cáo loạt ca của Garg và các cộng sự từ Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) trên 403 phụ nữ cho thấy sau một đợt điều trị, 75-80% trường hợp đạt hiệu quả sạch mụn trên vùng da mặt, ngực và lưng. Những kết quả này cho thấy hiệu quả trị mụn của spironolactone trên thực tế là rất đáng ghi nhận.
Khi nào nên sử dụng viên uống trị mụn nội tiết?
Hệ nội tiết chi phối nhiều quá trình sinh lý bình thường trong cơ thể. Việc điều chỉnh hoạt động của hệ nội tiết cần phải đúng chỉ định, loại thuốc, liều lượng để tránh các tác dụng không mong muốn và các chống chỉ định. Hơn nữa, việc điều trị mụn đa phần không chỉ dựa trên một loại thuốc mà cần cách tiếp cận đa phương thức mới đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, mụn nội tiết đôi khi lại là chỉ dấu của bệnh lý tiềm ẩn, ví dụ như cường androgen, cần điều trị chuyên biệt.
Do vậy không nên tùy ý sử dụng viên uống trị mụn nội tiết mà trước hết hãy tham vấn ý kiến của Bác sĩ Da liễu. Để đánh giá toàn diện tình trạng mụn nội tiết, dự đoán nguyên nhân và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp, Bác sĩ Da liễu có thể sẽ thực hiện một số bước như sau:
- Hỏi chi tiết về tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình, các loại thuốc đã hoặc đang sử dụng, thói quen sinh hoạt hàng ngày, thời gian khởi phát và diễn tiến của tình trạng mụn, sự biến đổi của tình trạng mụn liên quan đến căng thẳng tâm lý, chu kỳ kinh nguyệt…
- Thăm khám toàn diện để xác định liệu có những dấu hiệu toàn thân gợi ý đến tình trạng rối loạn nội tiết tố và các bệnh lý khác. Một số bệnh lý như bệnh tim mạch có thể là chống chỉ định của viên uống trị mụn nội tiết.
- Thăm khám chuyên sâu về da liễu để xác định tính chất, mức độ nghiêm trọng của tình trạng mụn. Bác sĩ Da liễu có thể thực hiện thêm một số bước đánh giá tình trạng làn da như soi da, xét nghiệm vi sinh.
- Thực hiện một số xét nghiệm về nội tiết tố như định lượng testosterone toàn phần và tự do, DHEA-s (dehydroepiandrosterone sulfate), LH (luteinizing hormone)… Những xét nghiệm này không được chỉ định thường quy, chỉ thực hiện khi có dấu hiệu rõ ràng của rối loạn nội tiết tố.
Qua quá trình thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, Bác sĩ Da liễu sẽ xác định được những yếu tố sau:
- Nguyên nhân thực sự của tình trạng mụn có phải là rối loạn nội tiết tố hay không.
- Việc sử dụng viên uống điều trị mụn nội tiết có phù hợp hay không.
- Loại trừ các chống chỉ định của viên uống trị mụn nội tiết trước khi chỉ định thuốc.
- Xây dựng liệu trình điều trị đa phương thức phù hợp với tình trạng mụn và làn da của từng cá nhân.
Xem thêm các bài viết liên quan
Lưu ý khi sử dụng viên uống trị mụn nội tiết
Viên uống điều trị mụn nội tiết có thể mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện tình trạng mụn, tuy nhiên, việc sử dụng viên uống trị mụn nội tiết cũng cần lưu ý một số điểm sau đây để đảm bảo an toàn và hiệu quả:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu: việc sử dụng viên uống điều trị mụn nội tiết cần có sự chỉ định và theo dõi của Bác sĩ Da liễu. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống hoặc thay đổi liều lượng, thời gian sử dụng khi chưa có sự đồng ý của Bác sĩ.
- Theo dõi các tác dụng không mong muốn: một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng các loại viên uống điều trị mụn nội tiết bao gồm buồn nôn và nôn, đau đầu, tăng cân, đau bụng, căng vùng ngực, rối loạn kinh nguyệt, thay đổi tâm trạng.
- Sử dụng kết hợp với các biện pháp chăm sóc da khác: viên uống điều trị mụn nội tiết chỉ là một phần trong liệu trình đa mô thức điều trị tình trạng mụn nội tiết. Để đạt hiệu quả tốt nhất, Bác sĩ Da liễu sẽ phối hợp với các phương pháp khác và tư vấn chi tiết về chế độ ăn cũng như lối sống.
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt: nên rửa mặt thường xuyên hàng ngày với sữa rửa mặt dịu nhẹ, sử dụng kem chống nắng phù hợp và tránh ánh nắng gắt, hạn chế rượu bia, thức khuya, stress, chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên.
- Kiên trì dùng thuốc theo liệu trình: thông thường, cần ít nhất 2-3 tháng, có thể đến 6 tháng để thấy được hiệu quả rõ rệt của viên uống điều trị mụn nội tiết. Do đó, cho dù chưa nhìn thấy kết quả ngay, vẫn cần kiên trì sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu, không nên nản lòng bỏ dở giữa chừng.
- Phụ nữ có dự định mang thai, đang mang thai hoặc cho con bú: cần thông báo cho Bác sĩ Da liễu khi có mong muốn sử dụng viên uống điều trị mụn nội tiết. Một số loại viên uống điều trị mụn nội tiết có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi, hoặc có chống chỉ định trong thai kỳ và khi cho con bú.
Việc sử dụng viên uống điều trị mụn nội tiết cần được thực hiện một cách cẩn thận và khoa học để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Hãy luôn tuân thủ theo hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu và kết hợp với các biện pháp chăm sóc da phù hợp để đạt được kết quả tốt nhất trong việc điều trị mụn nội tiết.
Rối loạn nội tiết tố là một yếu tố quan trọng gây nên tình trạng da mụn, đặc biệt là ở độ tuổi trưởng thành. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại viên uống được cho là có thể điều trị mụn nội tiết, tuy nhiên cần cẩn trọng xem xét chỉ định và chống chỉ định theo quy chuẩn của FDA, cũng như điều chỉnh các yếu tố khác có thể gây mụn, như lối sống và mỹ phẩm chưa phù hợp. Việc đánh giá và điều trị mụn nội tiết cần có sự thăm khám và tư vấn của Bác sĩ chuyên khoa Da liễu, nhằm tầm soát những bệnh lý tiềm ẩn và sử dụng thuốc đúng cách, kết hợp đa phương pháp với các trang thiết bị đạt chuẩn EU và FDA.
Tài liệu tham khảo
- Amita H. Sutaria; Sadia Masood; Haitham M. Saleh; Joel Schlessinger. “Acne Vulgaris“. NIH
- “Hormonal Acne“. Cleveland Clinic
- Rocha MA, Bagatin E. “Adult-onset acne: prevalence, impact, and management challenges“. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2018 Feb 1;11:59-69. doi: 10.2147/CCID.S137794. PMID: 29440921; PMCID: PMC5798558
- Bagatin E, Freitas THP, Rivitti-Machado MC, Machado MCR, Ribeiro BM, Nunes S, Rocha MADD. “Adult female acne: a guide to clinical practice“. An Bras Dermatol. 2019 Jan-Feb;94(1):62-75. doi: 10.1590/abd1806-4841.20198203. Erratum in: An Bras Dermatol. 2019 Mar-Apr;94(2):255. doi: 10.1590/abd1806-4841.2019940202. Machado MCR [corrected to Rivitti-Machado MC]. PMID: 30726466; PMCID: PMC6360964
- “ADULT ACNE“. AAD
- “Birth Control for Acne“. WebMD