Với nhiều tiến bộ trong kỹ thuật điều trị mụn như hiện nay, kháng sinh không còn là phương pháp điều trị duy nhất. Bên cạnh đó, ngoài việc sử dụng kháng sinh, cần phối hợp thêm các loại thuốc điều trị khác để tăng hiệu quả, giảm tác dụng phụ và hạn chế tình trạng đề kháng thuốc.
Mặc dù vậy, sử dụng kháng sinh trong điều trị mụn vẫn là phương pháp rẻ tiền mà hiệu quả. Trong phác đồ điều trị mụn trứng cá nội khoa, kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt vòng lặp “nhiễm khuẩn – viêm – mụn mới” nhờ tác động trực tiếp lên các vi khuẩn sinh mụn.
Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh đúng lúc, đúng cách và đúng phương pháp trong điều trị mụn là rất quan trọng. Bài viết sau đây, Doctor Acnes sẽ tổng hợp gởi đến các bạn các thông tin cần biết về việc sử dụng kháng sinh trong điều trị mụn trứng cá nhé!
Tổng quan về mụn trứng cá và các phương pháp điều trị
Cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá là do sự ảnh hưởng của các yếu tố như dày sừng nang lông và sự tăng tiết bã nhờn gây bít tắc lỗ chân lông, lâu ngày dẫn đến sự tăng sinh vi khuẩn P. acnes, kích hoạt phản ứng viêm tại chỗ.
Một số nguyên nhân có thể gây kích thích quá trình hình thành mụn bao gồm thay đổi nội tiết tố (tăng tiết hormon androgen), stress kéo dài, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt thiếu khoa học, vệ sinh da không đúng cách, dị ứng với mỹ phẩm.
Mụn trứng cá có thể được chia thành hai loại chính là mụn không viêm gồm mụn đầu đen, mụn đầu trắng và mụn viêm gồm mụn sẩn, mụn mủ, ngoài ra nếu tình trạng viêm nặng hơn còn có thể xuất hiện mụn bọc (nodule) và mụn nang (cyst). Theo phân loại của Karen McCoy năm 2008, mụn trứng cá được phân thành ba mức độ nhẹ, vừa và nặng dựa vào số lượng và loại mụn xuất hiện.
Trong điều trị mụn trứng cá, các liệu pháp dùng thuốc cho tác động tại chỗ như sử dụng kháng sinh đường bôi, retinoid đường bôi, benzoyl peroxide, acid azelaic và thuốc cho tác động toàn thân như kháng sinh đường uống, isotretinoin, hormon (thuốc tránh thai) vẫn là lựa chọn quen thuộc và có nhiều bằng chứng điều trị nhất.
Trường hợp mụn trứng cá nhẹ có thể dùng đơn trị liệu hoặc phối hợp các liệu pháp dùng thuốc cho tác động tại chỗ. Mụn trứng cá mức độ vừa có thể dùng phối hợp thuốc cho tác động toàn thân và tác động tại chỗ như kết hợp kháng sinh đường uống với retinoid đường bôi hoặc benzoyl peroxide.
Mụn trứng cá mức độ nặng cũng có thể dùng phối hợp như mức độ vừa hoặc sử dụng phác đồ điều trị thay thế như thay kháng sinh đường uống bằng isotretinoin hoặc kết hợp thêm với hormon. Ngoài ra còn có các liệu pháp điều trị khác có thể được thêm vào hoặc thay thế kháng sinh như peel da, lăn kim, laser.
Sử dụng kháng sinh trong điều trị mụn trứng cá
Các loại kháng sinh nào được sử dụng trong điều trị mụn
Cơ chế tác động chính của kháng sinh là tiêu diệt vi khuẩn P. acnes và ức chế phản ứng viêm. Việc sử dụng kháng sinh trong điều trị mụn cần được kê đơn và kiểm soát bởi Bác sĩ Da liễu. Như đã đề cập, kháng sinh được sử dụng trong điều trị mụn có thể cho tác động tại chỗ (topical antibiotic) khi dùng đường bôi hoặc tác động toàn thân (systemic antibiotic) khi dùng đường uống.
Kháng sinh tại chỗ
Nghiên cứu cho rằng, các kháng sinh đường bôi chủ yếu cho tác động tại chỗ thông qua ức chế các yếu tố khởi phát quá trình viêm do vi khuẩn P. acnes tiết ra hơn là tác động tiêu diệt trực tiếp P. acnes. Do đó, các kháng sinh đường bôi chủ yếu dùng để điều trị mụn viêm mức độ từ nhẹ đến vừa. Clindamycin 1% và erythromycin 2 – 3% là hai kháng sinh đường bôi phổ biến và được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị mụn.
Tuy nhiên hiện nay clindamycin và erythromycin không còn nhiều ưu thế do sự đề kháng của chủng Staphylococci trên da và vi khuẩn P. acnes. Các kháng sinh tại chỗ cũng không được khuyến cáo đơn trị liệu mà cần phải sử dụng phối hợp với benzoyl peroxide, retinoid dạng bôi để hạn chế tình trạng đề kháng kháng sinh.
So với kháng sinh đường bôi, benzoyl peroxide không chỉ cho hiệu quả tiêu diệt P. acnes và kháng viêm tốt mà còn ngăn chặn được nguy cơ đề kháng kháng sinh. Tuy nhiên việc sử dụng benzoyl peroxide còn nhiều hạn chế do nguy cơ gây kích ứng cao.
Kháng sinh toàn thân
Kháng sinh toàn thân sử dụng đường uống được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá mức độ từ vừa đến nặng, có thể kết hợp với các liệu pháp cho tác động tại chỗ như retinoid đường bôi (tretinoin, adapalene, tazarotene) và benzoyl peroxide.
Các kháng sinh thuộc nhóm tetracycline bao gồm doxycycline, tetracycline là những kháng sinh đường uống được ưu tiên hàng đầu (first-line therapy). Ngoài ra, trong nhóm tetracycline còn có sarecycline, một kháng sinh mới của nhóm, được FDA chấp thuận vào năm 2018 và minocycline tuy cho hiệu quả điều trị tương tự nhưng nguy cơ tác dụng phụ cao hơn doxycycline.
Tetracycline là kháng sinh được sử dụng nhiều trên lâm sàng và có nhiều bằng chứng chứng minh hiệu quả nhất nhưng dần mất ưu thế trước những kháng sinh thế hệ sau như doxycycline, minocycline và sarecycline do tỉ lệ đề kháng cao và yêu cầu sử dụng nhiều lần trong ngày.
Trong những trường hợp không dùng được kháng sinh nhóm tetracycline như phụ nữ có thai hoặc trẻ em dưới 8 tuổi, có thể sử dụng kháng sinh nhóm macrolid như erythromycin hay azithromycin để thay thế. Tuy nhiên hiện nay, erythromycin đường uống không còn được sử dụng nhiều trên lâm sàng do tình trạng đề kháng thuốc.
Một số kháng sinh khác như trimethoprim đơn trị liệu hoặc dùng kèm sulfamethoxazole, amoxicillin và cephalexin do sự hạn chế về dữ liệu nghiên cứu lâm sàng nên chỉ có thể được sử dụng thay thế khi điều trị với kháng sinh hàng đầu thất bại.
Để hạn chế nguy cơ gia tăng đề kháng, các kháng sinh đường uống cũng không được khuyến cáo sử dụng đơn trị liệu hay phối hợp với các kháng sinh đường bôi.
Cho đến hiện nay, không có kháng sinh nào được chứng minh là cho hiệu quả điều trị vượt trội hơn hẳn các kháng sinh khác do đó việc lựa chọn kháng sinh cần được Bác sĩ Da liễu cá thể hóa dựa vào nhiều yếu tố như chi phí điều trị, yêu cầu và tình trạng riêng của bệnh nhân, tình hình đề kháng và nguy cơ tác dụng phụ.
Xem thêm các bài viết liên quan
Một số nguyên tắc sử dụng kháng sinh trị mụn
Việc sử dụng kháng sinh trong điều trị mụn thường gặp một số vấn đề đáng lo ngại như nguy cơ tác dụng phụ và tình trạng đề kháng kháng sinh, nhất là đối với kháng sinh đường uống. Nguyên tắc chính khi sử dụng kháng sinh là dùng đúng liều lượng và đủ thời gian.
Kháng sinh thường được sử dụng trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể mà vẫn đạt hiệu quả điều trị, tối ưu nhất là từ 3 – 4 tháng. Tuy nhiên, những trường hợp kháng trị với các liệu pháp khác vẫn có thể kéo dài thời gian sử dụng kháng sinh, nếu tình trạng mụn nghiêm trọng vẫn thất bại sau 6 – 8 tháng điều trị kháng sinh, nên cân nhắc sử dụng isotretinoin đường uống để thay thế.
Trong việc sử dụng kháng sinh để điều trị mụn, đơn trị liệu là không được khuyến cáo mà cần phải kết hợp với các liệu pháp cho tác động tại chỗ khác để hạn chế nguy cơ đề kháng. Việc sử dụng các thuốc đường bôi (retinoid, benzoyl peroxide) có thể được duy trì sau khi đã ngưng sử dụng kháng sinh, thường kéo dài tối đa 1 tháng.
Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh cần đảm bảo đủ liều lượng tiêu chuẩn, không được tự ý cắt hoặc giảm liều. Tăng liều kháng sinh so với liều tiêu chuẩn cũng không được chứng minh cho hiệu quả vượt trội hơn mà có thể làm tăng nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, rối loạn sắc tố da, viêm loét đại tràng, viêm hầu họng.
Tóm lại, kháng sinh có thể được xem là một phương pháp điều trị cổ điển và đã được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá từ rất lâu với nhiều nghiên cứu lâm sàng. Cơ chế tác động chính của kháng sinh là ức chế quá trình viêm và làm giảm số lượng vi khuẩn P. acnes. Kháng sinh bôi ngoài da cho tác động tại chỗ, được sử dụng trong điều trị viêm mức độ từ nhẹ đến vừa.
Kháng sinh đường uống cho tác động toàn thân, được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá mức độ từ vừa đến nặng. Hiện nay việc sử dụng kháng sinh có nhiều hạn chế, chủ yếu là do tình trạng đề kháng kháng sinh gia tăng đáng báo động.
Do đó, kháng sinh trong điều trị mụn cần được kê đơn và theo dõi bởi Bác sĩ Da Liễu, việc sử dụng kháng sinh cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc đúng liều lượng và đủ thời gian.
Tài liệu tham khảo
- Hilary Baldwin. “Oral Antibiotic Treatment Options for Acne Vulgaris”. J Clin Aesthet Dermatol, 2020, 13(9):26–32
- Hazel H Oon, Su-Ni Wong, Derrick Chen Wee Aw. “Acne Management Guidelines by the Dermatological Society of Singapore”. J Clin Aesthet Dermatol, 2019;12(7):34-50
- Brigitte Dreno. “Topical Antibacterial Therapy for Acne Vulgaris”. Drugs, 2004;64 (21):2389-2397
- “Guidelines of care for the management of acne vulgaris”. AAD – American Academy of Dermatology