So sánh laser 1064nm xung dài với laser nhuộm xung PDL trong điều trị mụn trứng cá

Ngày 15/03/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Các biện pháp điều trị mụn trứng cá đang ngày càng dịch chuyển theo xu hướng ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại hơn. Qua đó, hiệu quả điều trị và tính thuận tiện của liệu trình càng được nâng cao, ảnh hưởng lên sức khỏe toàn cơ thể và nguy cơ tác dụng không mong muốn càng được giảm đi.

Trong số đó, liệu pháp laser đã khẳng định được tính hiệu quả thông qua các bằng chứng khoa học và trải nghiệm thực tế. Qua bài viết sau đây, Doctor Acnes sẽ cùng tìm hiểu về những ưu thế và đặc điểm riêng của hai phương pháp laser trong điều trị mụn trứng cá là laser xung dài 1064nm và pulsed dye laser (PDL).

Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là một trong những loại tổn thương da thường gặp nhất. Trong độ tuổi dậy thì, mụn trứng cá xuất hiện nhiều hơn do sự tăng tiết hormone nhóm androgen. Chức năng của hormone nhóm androgen rất đa dạng. Trên làn da, hormone nhóm androgen kích thích tuyến bã nhờn tăng sản xuất chất bã nhờn (sebum). Chất này vốn có tác dụng tích cực là giữ ẩm cho làn da và bảo vệ trước các kích thích của môi trường.

Tuy nhiên, khi lượng chất bã nhờn sản xuất ra tăng cao, kết hợp với sự tắc nghẽn tuyến bã nhờn do tế bào chết tích tụ, tuyến bã nhờn sẽ tăng kích thước và trở thành mụn trứng cá. Lượng chất bã nhờn ứ đọng này cũng là môi trường màu mỡ cho vi khuẩn Cutibacterium acnes sinh sôi, gây viêm tại chỗ, hình thành mụn viêm. Vùng da có nhiều tuyến bã nhờn là nơi hay xuất hiện mụn trứng cá như mặt, ngực, lưng, vai.

Đối với đa số mọi người, mụn trứng cá tự giới hạn trong giai đoạn tuổi dậy thì. Sau thời kì này, mức hormone nhóm androgen trở nên ổn định. Thông thường, vào khoảng 20-30 tuổi, tình trạng mụn trứng cá sẽ tự thoái lui. Tuy nhiên, có nhiều người không có được may mắn như vậy, mà tình trạng mụn trứng cá của họ kéo dài đến 30, 40, thậm chí 50 tuổi. Mụn trứng cá cũng có thể xuất hiện muộn hơn vào giai đoạn tuổi trưởng thành, hay gặp ở nữ giới hơn so với nam giới.

Nguyên nhân của hiện tượng này được cho là có liên quan đến sự rối loạn nội tiết tố, stress, các yếu tố liên quan di truyền và các biện pháp chăm sóc da không phù hợp. Một số loại thuốc và bệnh lý cũng có thể góp phần vào tình trạng này.

Các loại thuốc điều trị mụn trứng cá thường được chia thành các nhóm như sau:

  • Thuốc dùng ngoài da (topical): mụn trứng cá là thương tổn khu trú trên bề mặt da nên các loại chế phẩm điều trị có dạng bôi ngoài da, xà phòng tắm, miếng dán trên da có giá trị trong điều trị mụn. Những hoạt chất có thể được dùng ngoài da bao gồm retinoid, clindamycin, benzoyl peroxide.
  • Thuốc dùng đường toàn thân: trong trường hợp mụn trứng cá mức độ trung bình đến nghiêm trọng, các loại thuốc uống có tác dụng toàn thân có thể được sử dụng. Hoạt chất dùng đường toàn thân thường là các loại kháng sinh phù hợp như tetracycline, trimethoprim/sulfamethoxazole, sarecycline, penicillin. Một số hoạt chất có tác động lên hệ nội tiết nhằm cân bằng hormone nhóm androgen và các loại thuốc kháng viêm nhóm corticoid cũng có thể được sử dụng qua đường uống.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, các biện pháp bóc lớp biểu bì da bằng cơ chế hóa học (chemical peel) và lấy nhân mụn cũng được ứng dụng. Bằng chứng khoa học cho các biện pháp này còn cần được bổ sung thêm. Nhóm phương pháp điều trị mụn trứng cá bằng cơ chế vật lý (physical modality) như laser, ánh sáng có bước sóng phù hợp đang nhận được nhiều sự chú ý qua các kết quả nghiên cứu phong phú và khả quan.

mụn trứng cá
Mụn trứng cá là một trong những loại tổn thương da thường gặp nhất

Laser liệu pháp trong điều trị mụn trứng cá

Laser liệu pháp thường được cân nhắc lựa chọn trong các trường hợp mụn trứng cá nghiêm trọng, kháng trị với các phương pháp điều trị mụn bằng thuốc qua đường tại chỗ và đường toàn thân.

Hiện nay, việc ứng dụng laser liệu pháp trong điều trị mụn trứng cá đang ngày càng được nghiên cứu mở rộng. Liệu pháp laser có nhiều ưu thế so với các phương pháp điều trị mụn bằng thuốc, như thời gian buổi điều trị được rút ngắn, hiệu quả giảm mụn lâu dài, cơ chế điều trị nhắm trúng đích, hạn chế tác dụng không mong muốn. Cơ chế điều trị mụn trứng cá của laser là sự kết hợp của nhiều phương thức tác động:

  • Tiêu diệt vi khuẩn Cutibacterium acnes trong tuyến bã nhờn, tác nhân quan trọng gây viêm và tổn thương trong bệnh lý mụn trứng cá, bằng cách biến các sản phẩm chuyển hóa của chính loại vi khuẩn này thành độc tính tiêu diệt chúng.
  • Tác động đến tuyến bã nhờn làm kìm hãm sự sản sinh quá mức chất bã nhờn, qua đó hạn chế nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá.
  • Kích thích tăng sinh các loại collagen, những yếu tố cấu tạo nên bộ khung của làn da, nhờ vậy làm cho da được trẻ hóa, phục hồi tổn thương viêm và sẹo.
Laser liệu pháp thường được cân nhắc lựa chọn trong các trường hợp mụn trứng cá nghiêm trọng
Laser liệu pháp thường được cân nhắc lựa chọn trong các trường hợp mụn trứng cá nghiêm trọng

Laser xung dài 1064nm

Laser xung dài 1064nm là phương pháp đã được sử dụng phổ biến trong điều trị mụn trứng cá. Trên thực tế, laser xung dài 1064nm dùng trong lĩnh vực thẩm mỹ da được phát xạ từ thiết bị có tinh thể neodymium-doped yttrium aluminium garnet (Nd:YAG), do đó gọi là laser Nd:YAG 1064nm.

Cơ chế tác động chủ yếu của laser xung dài 1064nm dựa trên bước sóng rất dài của loại laser này, cho chùm tia laser khả năng xuyên sâu và tác động nhiệt mạnh mẽ. Chùm laser xung dài 1064nm kích thích các phân tử nước trong các tuyến bã nhờn, làm giảm sản xuất chất bã nhờn.

Ngoài ra, laser xung dài 1064nm cũng hạn chế sự sản sinh các chất trung gian gây viêm và tổn thương da như interleukin-8, matrix metalloproteinase-9, toll-like receptor-2, nuclear factor kappa B, tumor necrosis factor alpha.

Hiệu quả của laser xung dài 1064nm đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Bác sĩ Sangeun Kim và đồng sự là TS. Kyeong-Hun Cho từ Bệnh viện Quân y Daegu (Hàn Quốc) đã thực hiện so sánh hiệu quả của laser xung dài 1064nm và phương pháp lấy nhân mụn và tiêm vào vị trí thương tổn, thấy nhóm được điều trị bằng laser xung dài 1064nm đạt hiệu quả giảm mụn cao hơn 40%, theo nhận định của chuyên gia. Hiệu quả hạn chế thâm mụn cũng cao hơn 2.6 lần so với nhóm còn lại.

Một thử nghiệm khác do TS. Abnoeal Bakus và các đồng sự từ các Đại học trong khu vực Chicago, Illinois (Hoa Kỳ) thực hiện cho thấy liệu trình laser xung dài 1064nm bao gồm 8 buổi điều trị cho hiệu quả giảm tổn thương mụn trứng cá từ 81-90% và kéo dài đến 2 năm sau điều trị, mà không có tác dụng không mong muốn nào xảy ra. 

Laser xung dài 1064nm là một phương thức laser liệu pháp đã được sử dụng phổ biến trong điều trị mụn trứng cá
Laser xung dài 1064nm là phương pháp đã được sử dụng phổ biến trong điều trị mụn trứng cá

Pulsed dye laser

Laser PDL là một trong những phương pháp khác được sử dụng thường xuyên trong điều trị mụn trứng cá. Laser PDL thường được sử dụng với bước sóng 585nm và 595nm, thuộc nhóm laser có bước sóng trung bình.

Cơ chế điều trị mụn trứng cá của laser PDL nhắm đến các vi mạch máu trong da, cụ thể là chất oxyhemoglobin trong những vi mạch máu này. Ở những vùng mô viêm như mụn trứng cá, các vi mạch máu giãn do tác dụng của các hóa chất trung gian gây viêm, do đó hấp thụ nhiều năng lượng của laser PDL hơn. Năng lượng từ laser PDL sẽ kích thích chất porphyrin gây oxy hóa tại chỗ, làm giảm tình trạng viêm. Vi khuẩn Cutibacterium acnes, một yếu tố quan trọng trong bệnh sinh của mụn viêm. Ngoài ra, laser PDL cũng giúp tăng sinh collagen làm phục hồi thương tổn của làn da, hạn chế sẹo mụn.

Hiệu quả trên thực tế của laser PDL trong điều trị mụn trứng cá được thể hiện qua các thử nghiệm. Bác sĩ Jeffrey Orringer và các đồng sự từ trường Y, Đại học Michigan (Hoa Kỳ) đã nghiên cứu hiệu quả của laser PDL trên 44 bệnh nhân cho thấy hiệu quả giảm mức độ trầm trọng của mụn trứng cá đạt gấp 2 lần so với không điều trị, dựa trên thang điểm Leeds.

Bác sĩ Sirunya Silapunt thuộc Tổ chức DermSurgery Associates (Hoa Kỳ) và các đồng sự thuộc Đại học Northwestern (Hoa Kỳ) nghiên cứu hiệu quả của liệu trình 4 buổi sử dụng laser PDL ghi nhận giảm đến 53% số lượng thương tổn mụn trứng cá.

Hai thử nghiệm do Bác sĩ Edward Seaton từ Bệnh viện Hammersmith, Đại học Hoàng gia London (Anh) và đồng sự thực hiện đã xác nhận hiệu quả kích thích tăng sinh collagen và kháng viêm mạnh mẽ của laser PDL, qua trung gian chất TGF-beta, đồng thời cũng ghi nhận hiệu quả giảm số lượng thương tổn mụn trứng cá lên đến 49%.

Laser PDL là một phương thức laser liệu pháp khác cũng đã được sử dụng thường xuyên trong điều trị mụn trứng cá
Laser PDL là một trong những phương pháp khác được sử dụng thường xuyên trong điều trị mụn trứng cá

Liệu pháp nào là phù hợp?

Chức năng của laser PDL và laser xung dài 1064nm có nhiều điểm tương đồng nhau, đều đã được chứng minh có công dụng điều trị mụn trứng cá hiệu quả.

Một nghiên cứu do Đại học Srinakharinwirot (Thái Lan) thực hiện, so sánh liệu trình 3 buổi điều trị của hai phương pháp này cho thấy số lượng thương tổn mụn viêm giảm 30-50% so với ban đầu và tương đương nhau giữa hai phương pháp. Mức độ thâm đỏ do mụn trứng cá cũng giảm 40% so với ban đầu ở cả hai nhóm điều trị. Tình trạng mụn trứng cá cải thiện nhanh chóng, đạt mức giảm 50% từ 2.5 tuần đến 4 tuần sau buổi điều trị đầu tiên. 

Laser PDL và laser xung dài 1064nm cũng có thể được phối hợp để điều trị mụn trứng cá. Đại học Cairo (Ai Cập) đã thực hiện một thử nghiệm so sánh liệu trình 4 buổi trong 6 tuần ứng dụng phương pháp laser PDL hoặc laser PDL kết hợp với laser xung dài 1064nm. Sau điều trị, số lượng tổn thương mụn viêm giảm trên 82% ở cả hai nhóm điều trị, còn số lượng tổn thương mụn trứng cá không viêm giảm 72% ở nhóm sử dụng phương pháp kết hợp, so với mức giảm 58% ở nhóm sử dụng laser PDL không kết hợp. Cả hai nhóm đều ghi nhận đáp ứng tốt đối với laser liệu pháp, không có tác dụng không mong muốn xảy ra.

Đối với tình trạng thâm đỏ da do mụn trứng cá, Đại học Northwestern (Hoa Kỳ) đã thành lập một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Bác sĩ Murad Alam, kết quả sau liệu trình 4 buổi điều trị kéo dài 3 tháng cho thấy laser PDL giảm thâm đỏ da tốt hơn laser xung dài 1064nm. Cảm quan của người được điều trị hai phương pháp này ghi nhận laser PDL giảm được 52% mức độ thâm đỏ, so với mức giảm 34% của laser xung dài 1064nm. Tuy nhiên, laser xung dài 1064nm ít gây khó chịu hơn 20% so với laser PDL. Không có tác dụng không mong muốn nào được ghi nhận sau cả 2 phương pháp.

Lưu ý khi sử dụng laser liệu pháp

Laser liệu pháp ứng dụng năng lượng cao và tập trung, xuyên sâu của chùm tia laser để đạt hiệu quả điều trị mụn trứng cá mạnh mẽ, nhanh chóng. Vì vậy, việc điều trị mụn trứng cá bằng laser cần phải tuân theo quy trình chặt chẽ, với sự theo dõi và chăm sóc của Bác sĩ Da liễu có hiểu biết sâu rộng và được đào tạo về phương pháp này.

Trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế như FDA hay CE cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo chùm tia laser phát xạ, giữ các chỉ số ổn định và nằm trong giới hạn an toàn. Do cơ địa làn da của mỗi cá nhân luôn có những đặc điểm riêng biệt, việc thăm khám bởi Bác sĩ Da liễu là vô cùng cần thiết.

Qua đó, việc lựa chọn loại tia laser, tùy chỉnh các thông số sao cho hiệu quả và an toàn nhất cho mỗi người sẽ được Bác sĩ Da liễu thực hiện dựa trên kết quả của quá trình thăm khám và nghiên cứu đặc điểm của làn da. Khi những điều này được đảm bảo, tác dụng không mong muốn hầu như không thể xảy ra.

Trước khi thực hiện điều trị bằng laser, có một số điều cần lưu ý như sau:

  • Tránh sử dụng những sản phẩm có đặc tính làm tăng sự nhạy cảm của làn da.
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào thời điểm nắng nhiều.
  • Ghi nhận cẩn thận tiền sử bệnh lý, các thuốc đang dùng để báo cho Bác sĩ.
  • Bác sĩ Da liễu thăm khám lại và tư vấn, giải đáp thắc mắc.
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng da cần điều trị.

Sau buổi điều trị bằng laser, cần chăm sóc da theo hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu để tránh tác dụng không mong muốn xảy ra. Nhìn chung, cần phải thực hiện những điều sau đây:

  • Tránh ánh nắng mạnh và các sản phẩm làm tăng sự nhạy cảm của da.
  • Dùng sản phẩm chăm sóc da có tính dưỡng ẩm, chống nắng.
  • Tránh chà xát, đè ép hay mặc quần áo quá chật lên vùng da được chiếu laser.
  • Không vận động mạnh, tắm hơi (sauna), tắm hồ bơi nơi nước có clo.
  • Tham khảo ý kiến Bác sĩ về các sản phẩm trang điểm có thể được sử dụng.
ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Bảng giá dịch vụ laser điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp ✅ Giá ✅ Giá HSSV
⭐Laser 1064 nm xung dài chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.300.000 1.200.000
⭐Laser PDL xung dài chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.400.000 1.300.000

Mụn trứng cá và các bệnh lý xoay quanh mụn trứng cá như thâm da, đỏ da, sẹo mụn đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe làn da và cả sức khỏe tinh thần. Laser liệu pháp là một phương pháp điều trị đã được chứng minh có giá trị trong điều trị mụn trứng cá.

Cả hai phương pháp laser PDL và laser xung dài 1064nm đều cho thấy hiệu quả đáng kể đối với mụn trứng cá và các vấn đề thẩm mỹ da liên quan. Laser PDL cho thấy hiệu quả cao hơn đối với tình trạng thâm đỏ da liên quan tới mụn trứng cá. Để có được liệu trình điều trị phù hợp nhất với tình trạng mụn trứng cá và cơ địa làn da của mỗi người, điều tiên quyết là được thăm khám bởi Bác sĩ Da liễu giàu kinh nghiệm.

Ngoài ra, trang thiết bị điều trị, các chuyên viên điều dưỡng, kĩ thuật viên được đào tạo bài bản về thẩm mỹ da cũng là những yếu tố quan trọng cho thành công của quá trình điều trị mụn trứng cá. Doctor Acnes cung cấp giải pháp tổng thể từ đội ngũ Bác sĩ Da liễu có chuyên môn cao về thẩm mỹ da, đội ngũ điều dưỡng, kĩ thuật viên có tay nghề cao và hệ thống trang thiết bị đạt chuẩn quốc tế.

Tài liệu tham khảo

  1. Acne: Overview“. NIH
  2. ADULT ACNE“. AAD
  3. Rai R, Natarajan K. “Laser and light based treatments of acne“. Indian J Dermatol Venereol Leprol. 2013 May-Jun;79(3):300-9. doi: 10.4103/0378-6323.110755. PMID: 23619435
  4. The Use of Lasers and Light Devices in Acne Management: An Update“. American Journal of Clinical Dermatology
  5. Kim S, Cho KH. “Treatment of facial postinflammatory hyperpigmentation with facial acne in Asian patients using a Q-switched neodymium-doped yttrium aluminum garnet laser”. Dermatol Surg. 2010 Sep;36(9):1374-80. doi: 10.1111/j.1524-4725.2010.01643.x. Epub 2010 Jul 9. PMID: 20629693
  6. Seaton ED, Charakida A, Mouser PE, Grace I, Clement RM, Chu AC. “Pulsed-dye laser treatment for inflammatory acne vulgaris: randomised controlled trial“. Lancet. 2003 Oct 25;362(9393):1347-52. doi: 10.1016/s0140-6736(03)14629-6. PMID: 14585635
  7. Orringer JS, Sachs DL, Bailey E, Kang S, Hamilton T, Voorhees JJ. “Photodynamic therapy for acne vulgaris: a randomized, controlled, split-face clinical trial of topical aminolevulinic acid and pulsed dye laser therapy“. J Cosmet Dermatol. 2010 Mar;9(1):28-34. doi: 10.1111/j.1473-2165.2010.00483.x. PMID: 20367670
  8. Seaton ED, Mouser PE, Charakida A, Alam S, Seldon PM, Chu AC. “Investigation of the mechanism of action of nonablative pulsed-dye laser therapy in photorejuvenation and inflammatory acne vulgaris“. Br J Dermatol. 2006 Oct;155(4):748-55. doi: 10.1111/j.1365-2133.2006.07429.x. Erratum in: Br J Dermatol. 2007 Feb;156(2):409. Seldon, P E [corrected to Seldon, P M]. PMID: 16965424
  9. Alam M, Voravutinon N, Warycha M, Whiting D, Nodzenski M, Yoo S, West DP, Veledar E, Poon E. “Comparative effectiveness of nonpurpuragenic 595-nm pulsed dye laser and microsecond 1064-nm neodymium:yttrium-aluminum-garnet laser for treatment of diffuse facial erythema: A double-blind randomized controlled trial“. J Am Acad Dermatol. 2013 Sep;69(3):438-43. doi: 10.1016/j.jaad.2013.04.015. Epub 2013 May 17. PMID: 23688651

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84