Tương tự mụn đầu đen, sợi bã nhờn xuất hiện ở lỗ chân lông và tập trung nhiều ở vùng chữ T. Tuy sợi tuyến bã nhờn trên da không đáng lo ngại như mụn đầu đen, việc làm sạch da và giảm tiết bã nhờn vẫn là điều cần thiết để có được làn da khỏe mạnh. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu nguyên nhân hình thành và cách loại bỏ sợi bã nhờn hiệu quả ở bài viết dưới đây nhé.
Sợi bã nhờn là gì?
Sợi bã nhờn là một thành phần tự nhiên vốn có trên làn da của mỗi chúng ta, giữ cho làn da, mái tóc có độ ẩm và sáng bóng. Sợi bã nhờn được hình thành bởi hỗn hợp các lipid bã nhờn, vi khuẩn và tế bào chết xung quanh nang lông dưới hình dạng sợi nhỏ.
Sợi bã nhờn thường có màu trắng hoặc vàng, chúng tập trung chủ yếu ở vùng chữ T như mũi, trán, cằm và má. Tuy nhiên, các tuyến dầu có ở khắp cơ thể, vì vậy các sợi bã nhờn đôi khi cũng xuất hiện ở những vị trí khác trên cơ thể.
Nguyên nhân hình thành sợi bã nhờn trên da
Nguyên nhân chính của việc gia tăng sợi bã nhờn đó là sự tăng tiết bã nhờn. Những người có làn da dầu hoặc lỗ chân lông to thường dễ nhìn thấy các sợi bã nhờn trên da hơn những người có lỗ chân lông nhỏ hoặc da khô.
Một số yếu tố làm các sợi bã nhờn này xuất hiện nhiều hơn bao gồm:
- Tuổi: các tuyến bã nhờn phát triển lớn hơn và hoạt động nhiều hơn vào độ tuổi dậy thì, vì vậy các sợi bã nhờn có thể nhìn thấy rõ hơn. Ngoài ra, khi bước vào độ tuổi 40 và 50, làn da bắt đầu chảy xệ hoặc lỏng lẻo khiến cho lỗ chân lông nở to hơn, các sợi bã nhờn trở nên rõ ràng hơn.
- Chăm sóc da kém: nếu da thiếu ẩm, các tuyến bã nhờn sẽ tiết nhiều dầu hơn để giữ nước cho da, điều này có thể khiến cho tuyến bã nhờn trở nên to hơn.
- Độ dày của nang lông: nang lông dày hơn làm cho các sợi bã nhờn lộ rõ hơn.
Phân biệt sợi bã nhờn và mụn đầu đen
Do có cùng vị trí xuất hiện trên da mặt và có vẻ ngoài khá giống nhau nên không ít người thường nhầm lẫn giữa mụn đầu đen và sợi bã nhờn. Sợi bã nhờn có một số đặc điểm riêng biệt giúp nhận biết và phân biệt chúng với các loại vấn đề da khác như mụn đầu đen.
Kích thước của mụn đầu đen thường lớn hơn sợi bã nhờn và xuất hiện riêng lẻ từng nốt mụn. Khác với mụn đầu đen, sợi bã nhờn không phải là một loại mụn. Sợi bã nhờn ko gây tắc nghẽn, nó là một thành phần của hệ thống nang lông tuyến bã.
Tiêu chí | Mụn đầu đen | Sợi bã nhờn |
Cơ chế hình thành | Lỗ chân lông bị bít tắc bởi dầu nhờn, bụi bẩn, tế bào da chết và vi khuẩn tích tụ lâu ngày. | Xảy ra tự nhiên, là cấu trúc sinh lý của da, cấu tạo từ các lớp tế bào sừng bao quanh hỗn hợp các chất lipid và vi sinh vật tại đơn vị nang lông. |
Nơi xuất hiện | Thường xuất hiện vùng chữ T. | Thường xuất hiện vùng chữ T. |
Dấu hiệu nhận biết | Đầu mụn gồ lên trên da, màu nâu sẫm hoặc đen, cứng.
Bề mặt da hơi sần sùi. Thường đi kèm các loại mụn trứng cá khác. |
Sợi màu vàng nhạt hoặc xám, kích thước nhỏ, mềm.
Bề mặt da tương đối mịn. Không trực tiếp gây ra mụn, nhưng chúng có thể góp phần vào quá trình hình thành mụn nếu không được quản lý và chăm sóc da đúng cách. |
Xem thêm các bài viết liên quan
Hướng dẫn điều trị và phòng ngừa sợi bã nhờn
Mục tiêu điều trị với sợi bã nhờn là làm thông thoáng lỗ chân lông và khiến chúng không phát triển thành mụn đầu đen gây mất thẩm mỹ.
Làm sạch sâu da mặt
Sợi bã nhờn hình thành khi bã nhờn tiết ra nhiều và không thể thoát ra ngoài da. Vì vậy, việc làm sạch da mặt là bước đầu tiên quan trọng trong việc loại bỏ sợi bã nhờn.
Sử dụng tẩy trang, đặc biệt nếu sử dụng kem chống nắng hoặc trang điểm, giúp làm sạch da triệt để hơn. Chọn sữa rửa mặt có thành phần làm sạch sâu nhưng vẫn giữ độ ẩm cho da.
Tẩy tế bào chết định kỳ
Tẩy tế bào chết giúp loại bỏ tế bào da chết tích tụ, làm thông thoáng lỗ chân lông và giúp dưỡng chất thẩm thấu sâu hơn. Nếu không tẩy sạch tế bào chết, chúng sẽ tích tụ cùng bã nhờn và bụi bẩn, gây nên sợi bã nhờn và mụn đầu đen.
Tuy nhiên, không nên tẩy tế bào chết quá thường xuyên, chỉ nên thực hiện 1 – 2 lần/tuần để tránh kích ứng và da dễ bị bắt nắng.
Cấp ẩm đủ cho da
Da đủ ẩm sẽ giúp giảm sản xuất bã nhờn. Bên cạnh việc sử dụng mỹ phẩm, cần đảm bảo uống đủ nước để duy trì độ ẩm cho da. Khi đó mỹ phẩm sẽ đóng vai trò là chất khóa ẩm giúp cho da giữ được độ ẩm cần thiết. Đối với da nhờn, nên lựa chọn kem dưỡng ẩm không chứa dầu và có thành phần giữ ẩm có thể thấm tốt vào da và duy trì thời gian dài.
Đắp mặt nạ
Các loại mặt nạ đất sét hoặc than tre 1 – 3 lần/tuần có vẻ khả thi trong việc hút sạch bã nhờn dư thừa trong lỗ chân lông. Ngoài ra, các loại mặt nạ giữ ẩm và cấp nước có hiệu quả tốt trong việc giữ ẩm sẽ giúp giảm tiết bã nhờn.
Sử dụng kem chống nắng
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kéo dài có thể làm to lỗ chân lông và làm sợi bã nhờn dễ thấy hơn, đồng thời tăng nguy cơ tổn thương và ung thư da. Vì vậy, thoa kem chống nắng hàng ngày là bước cuối cùng quan trọng trong quy trình chăm sóc da ban ngày.
Đặc biệt, những người có da dầu và lỗ chân lông to nên dùng kem chống nắng không chứa dầu và không gây mụn để tránh tắc nghẽn lỗ chân lông. Nên đội mũ và mặc quần áo bảo vệ da khi ra ngoài trời lâu.
>>> Xem thêm: Kem chống nắng: lựa chọn nào phù hợp nhất cho da bạn
Sử dụng các sản phẩm chuyên trị bã nhờn
- Acid salicylic
Acid salicylic là một acid gốc dầu chứa nhóm BHA, có khả năng thấm sâu vào lỗ chân lông, hòa tan bã nhờn và phá vỡ các tế bào chết dính vào nhau, giúp giảm tắc nghẽn lỗ chân lông, từ đó bã nhờn dễ dàng thoát ra ngoài.
Sản phẩm chứa acid salicylic phổ biến trên thị trường hiện nay bao gồm sữa rửa mặt, kem dưỡng, toner với nồng độ từ 2% – 8%. Các liệu trình peel da tại Phòng khám Da liễu sẽ sử dụng nồng độ cao hơn, từ 15 – 35%. Lưu ý, tránh dùng acid salicylic nếu dị ứng với aspirin hoặc thuốc kháng viêm NSAID.
>>> Xem thêm: Top 3 loại sữa rửa mặt chứa acid salicylic dành cho làn da nhờn mụn
- Retinoid (vitamin A)
Retinoid có tác dụng giảm tình trạng tăng tiết bã nhờn và làm thông thoáng lỗ chân lông giúp làm giảm sợi bã nhờn. Ngoài ra, retinoid còn có tác dụng giảm viêm và bảo vệ làn da khỏi sự tác động của các gốc tự do là nguyên nhân gây lão hóa làn da.
Việc sử dụng retinol có thể gây khô da hay kích ứng da, đặc biệt là ở những người lần đầu sử dụng sản phẩm. Để tránh tác dụng phụ này, nên sử dụng retinol cách 2 – 3 ngày 1 lần để da quen dần trước khi chuyển sang sử dụng hằng ngày và nên bắt đầu với nồng độ thấp sau đó tăng dần lên.
Các phương pháp điều trị sợi bã nhờn tại Phòng khám Da liễu
Các phương pháp điều trị công nghệ cao có thể giúp làm thu nhỏ lỗ chân lông, từ đó có thể giảm sợi bã nhờn và tăng tính thẩm mỹ của da như:
- Lăn kim: đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, sử dụng kim nhỏ siêu bén và vô trùng để tạo các vết thương vi điểm trên da, kích thích sản xuất collagen, thu nhỏ lỗ chân lông và giảm sợi bã nhờn. Phương pháp này hiệu quả không quá cao nhưng chi phí hợp lý và dễ thực hiện.
- Laser: laser tác động đến tuyến bã nhờn bằng cách làm giảm kích thước lỗ chân lông. Tuy nhiên, hiệu quả của việc điều trị phụ thuộc vào bước sóng và mức độ năng lượng sử dụng, vì vậy nên lựa chọn điều trị tại các cơ sở được cấp phép hoạt động và được Bác sĩ Da liễu có chứng chỉ hành nghề thực hiện.
- Peel da: peel da sử dụng các chất hóa học như acid salicylic, acid glycolic, TCA (acid trichloroacetic) và retinol để loại bỏ tế bào chết, bã nhờn tích tụ, làm thông thoáng lỗ chân lông, giảm sợi bã nhờn hiệu quả.
Tóm lại, dù mụn đầu đen và sợi bã nhờn không giống nhau nhưng chúng có phương pháp điều trị tương tự. Điều trị sớm sợi bã nhờn giúp ngăn ngừa mụn đầu đen hiệu quả hơn. Các phương pháp điều trị duy trì có thể thực hiện tại nhà, nhưng các phương pháp xâm lấn nên được thực hiện tại Phòng khám Da liễu để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Nếu đang gặp vấn đề về sợi bã nhờn hoặc mụn đầu đen, hãy liên hệ Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 để được tư vấn và điều trị ngay nhé.
Tài liệu tham khảo
- “Sebaceous Filaments“. Cleveland Clinic
- G Plewig, H H Wolff. “Sebaceous filaments (author’s transl)“. Arch Dermatol Res (1975). 1976 Mar 10;255(1):9-21. doi: 10.1007/BF00581673
- “Sebaceous filaments: What to know“. MedicalNewsToday