Lăn kim, một phương pháp không còn xa lạ trong thẩm mỹ da nhờ các tác dụng mà nó mang lại như điều trị sẹo mụn và trẻ hóa da. Với hiệu quả cải thiện làn da nhanh chóng, phương pháp này đã khiến những ai mê làm đẹp phải phát cuồng và rất dễ bị nghiện. Tuy nhiên, lăn kim nên thực hiện bao lâu một lần hay nói cách khác là từng lần cách nhau bao lâu, có an toàn hay không nếu lăn kim quá thường xuyên, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Lăn kim là gì?
Lăn kim hay còn được gọi là liệu pháp cảm ứng collagen qua da (PCI), là công nghệ xâm lấn tối thiểu được sử dụng để cải thiện và điều trị nhiều tình trạng da liễu. Cụ thể, lăn kim được áp dụng trong các tình trạng da như sẹo mụn, sẹo phẫu thuật, nếp nhăn, kết cấu da lỏng lẻo, mất đàn hồi, lỗ chân lông to, rạn da và rối loạn sắc tố da. Được áp dụng trong thẩm mỹ da liễu từ rất lâu, lăn kim hiện vẫn là thủ thuật phổ biến nhờ vào chi phí thấp so với các phương pháp khác, an toàn, hiệu quả và không cần thời gian nghỉ dưỡng dài sau điều trị.
Lăn kim là phương pháp sử dụng các vi kim để tạo ra nhiều vết thương cực nhỏ có thể kiểm soát được trên da. Những vi chấn thương này gây chảy máu bề mặt, từ đó cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng kháng viêm và giúp nhanh lành thương bằng việc giải phóng các yếu tố tăng trưởng khác nhau như yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu (PFG) hoặc yếu tố tăng trưởng biến đổi alpha và beta, protein kích hoạt mô liên kết, yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi (FGF).
Điện thế màng tế bào khi tế bào nghỉ ngơi là khoảng -10mV, khi kim đến gần màng, điện thế bên trong sẽ giảm nhanh đến -100mV, điều này sẽ kích hoạt giải phóng các protein, kali cùng với các yếu tố tăng trưởng khác dẫn đến sự di chuyển của các nguyên bào sợi tới vị trí bị thương, kết quả đạt được là tăng sinh collagen và elastin trong lớp hạ bì, hình thành lớp da mới.
Đồng thời, các đầu kim cũng phá vỡ các mô sẹo xơ cứng. Có thể nói các đầu kim không tạo ra vết thương thật sự, mà đó là các “vết thương giả”, đánh lừa tế bào cơ thể tin rằng vết thương thật đã xảy ra.
Lăn kim cũng có thể được sử dụng để tăng cường phân phối các hoạt chất hoặc thuốc trực tiếp vào các lớp bên dưới da thông qua việc tạo ra các đường dẫn xuyên qua lớp sừng. Nhờ đó, các hoạt chất sẽ phát huy tác dụng nhiều hơn so với phương pháp bôi thông thường. Lăn kim cũng đã được chứng minh là tạo ra sự giãn nở đáng kể của lưới nội chất (endoplasmic reticulum) lên 47%, điều này có thể giải thích phần nào sự hấp thu thuốc đáng kể qua hàng rào da. Ngoài ra, còn giúp loại bỏ bã nhờn trên da.
Các tác động nổi bật của lăn kim lên da có thể liệt kê:
- Kích thích tái tạo lớp biểu bì và làm đều màu da: tái tạo da là quá trình các tế bào mới được sinh ra để thay thế cho các tế bào cũ trên da. Chu kỳ này có xu hướng chậm dần khi tuổi tác tăng. Khi bước vào độ tuổi trung niên, làn da bắt đầu có xu hướng bị xỉn màu và xuất hiện các vết nám, nguyên nhân chính là do sự tăng sinh chậm của tế bào và lớp keratin hình thành trên bề mặt da. Lăn kim có thể rút ngắn thời gian tái tạo da, hình thành da mới và loại bỏ lớp da cũ.
- Khắc phục tình trạng mụn ẩn, mụn đầu đen và mụn cám trên da: lăn kim giúp thay thế lớp sừng cũ bằng lớp sừng mới khỏe mạnh hơn, từ đó đẩy các nhân mụn nằm ẩn sâu dưới da trồi lên trên và bong tự nhiên. Ngoài ra, tác động của thiết bị lăn kim vào bề mặt da sẽ tạo ra các lỗ li ti như lỗ chân lông, đóng vai trò như những đường dẫn, giúp cho dưỡng chất trị mụn đi sâu vào bên trong da một cách dễ dàng. Tuy nhiên, một số loại mụn như mụn trứng cá, mụn lồi, mụn cóc… thì không nên áp dụng phương pháp này vì lăn kim sẽ làm mụn lan rộng và nặng thêm.
-
- Giúp trẻ hóa da: thông qua việc kích thích tăng sinh collagen, elastin tự nhiên, cấu trúc da bên trong được nâng đỡ, liên kết chặt chẽ hơn. Vì thế, làn da sẽ được cải thiện các tình trạng như chảy xệ, nếp nhăn…
- Trị sẹo: cơ chế tự làm lành của cơ thể sẽ kích thích các tế bào tăng sinh mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy sự hình thành và phát triển của collagen và elastin lấp đầy phần sẹo trên cơ thể, như là sẹo rỗ, sẹo lõm, sẹo do chấn thương…
Phải lăn kim bao nhiêu lần? Mỗi lần lăn kim cách nhau bao lâu?
Theo Bác sĩ Da liễu, da cần có thời gian phục hồi sau mỗi lần điều trị, do đó không thể vì mong muốn đạt kết quả nhanh chóng mà đốt cháy giai đoạn, chưa đủ thời gian để da phục hồi hoàn toàn mà đã tiến hành lăn kim tiếp. Việc này rất nguy hại vì da chưa kịp phục hồi sau lần điều trị cũ đã phải chịu thêm những tác động mới, có thể dẫn đến mất khả năng phục hồi và từ các tổn thương giả trở thành các tổn thương thật.
Khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 lần lăn kim cũng phụ thuộc vào chỉ định, kế hoạch điều trị của Bác sĩ Da liễu, độ nhạy cảm và tuổi của da. Hầu hết khách hàng sẽ cần nhiều hơn một liệu trình lăn kim để đạt được hiệu quả điều trị mong muốn, nhưng vì tình trạng da của mỗi người là khác nhau nên cần phải được thăm khám với Bác sĩ Da liễu để xác định kế hoạch điều trị tốt nhất cho mỗi người.
Ngoài các yếu tố trên, chiều dài kim cũng ảnh hưởng nhiều đến thời gian giữa 2 lần lăn kim. Chiều dài của kim được chọn cho từng bệnh nhân phụ thuộc vào từng tình trạng da và do Bác sĩ Da liễu sau khi thăm khám ra quyết định. Kim càng dài, tác động lên bề mặt da càng nhiều, khoảng thời gian giữa 2 lần lăn càng lâu.
Chiều dài kim 1.5-2 mm thường được áp dụng trong điều trị sẹo mụn hay các vết sẹo khác, thời gian giữa hai lần lăn kim tốt nhất là 4-6 tuần. Trong trường hợp sử dụng con lăn tiêu chuẩn có chiều dài 0.5-1.5 mm và đường kính 0.1 mm, thời gian giữa 2 lần lăn kim là 3-4 tuần nhằm có đủ thời gian cho collagen mới hình thành. Ngoài ra, lăn kim để điều trị lão hóa da và nếp nhăn thì chiều dài kim thường là 0.5 mm đến 1.0 mm và thời gian giữa 2 lần thực hiện tốt nhất là 3 tuần.
FDA cũng đã công nhận và phân chia các loại dụng cụ lăn kim trên thị trường thành 5 loại:
- C-8 (cosmetic type): là dụng cụ lăn kim với chiều dài kim khoảng 0.13 mm, không đau, được sử dụng để tăng cường độ thẩm thấu của các dưỡng chất ngoài da. Có thể sử dụng 2-3 lần/tuần.
- C-8HE: độ dài kim khoảng 0.2 mm và dụng cụ này cũng không tạo ra cảm giác đau.
- CIT-8: độ dài kim khoảng 0.5 mm, giúp tăng sinh collagen và tái tạo da, có thể dùng từ 1-3 lần/tuần.
- MF-8: chiều dài kim khoảng 1.5 mm. Dụng cụ này đi khá sâu vào lớp thượng bì và trung bì, đồng thời phá hủy các bó sợi collagen sẹo, tạo điều kiện cho collagen mới hình thành. Khoảng cách giữa 2 lần lăn kim ít nhất là 3 tuần.
- MS-4: dụng cụ này có chiều dài 1 cm, đường kính 2 cm với 4 dãy kim tổng gồm 96 kim với chiều dài mỗi kim là 1.5 mm. Được sử dụng cho các tình trạng da bị sẹo mụn cần kim xâm nhập vào sâu dưới da. Khoảng cách giữa 2 lần lăn kim được khuyến cáo tối thiểu là 3 tuần.
Chỉ định và chống chỉ định cho liệu trình lăn kim
Lăn kim là phương pháp mà Bác sĩ Da liễu lựa chọn để điều trị nhiều tình trạng da khác nhau. Các chỉ định của kỹ thuật này trong thẩm mỹ y khoa đã phát triển đáng kể, giúp lăn kim sớm trở thành phương pháp điều trị được sử dụng rộng rãi trong da liễu. Cụ thể, lăn kim được chỉ định để điều trị và cải thiện các tình trạng:
- Làn da có sẹo mụn, sẹo sau phẫu thuật.
- Da có nếp nhăn, kết cấu lỏng lẻo, mất đàn hồi.
- Da có dấu hiệu lão hóa, cần trẻ hóa, lỗ chân lông to.
- Lăn kim sẽ giúp thông thoáng lỗ chân lông, cải thiện tình trạng mụn ẩn, mụn đầu đen trên da.
- Lăn kim còn giúp điều trị các tình trạng tăng sắc tố, đốm nâu.
Nhìn chung, điều trị bằng phương pháp lăn kim được y khoa công nhận là phương pháp an toàn và hiệu quả, tuy nhiên vẫn có một số rủi ro nhất định và có một số trường hợp nên cẩn trọng, cần hỏi ý kiến Bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện thủ thuật này:
- Nhiễm herpes môi hoạt động hoặc các nhiễm trùng cục bộ khác trên vùng da điều trị. Những người có tiền sử bị herpes môi cũng tăng nguy cơ tái hoạt lại virus sau điều trị. Ở những bệnh nhân đó, có thể điều trị dự phòng với liệu trình kháng virus uống trong vòng 1 tuần (bắt đầu vào ngày thực hiện lăn kim) để làm giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
- Bệnh nhân đang điều trị bất kỳ liệu pháp chống đông máu nào như warfarin, heparin và các loại thuốc uống chống đông máu khác. Sự hiện diện của những loại thuốc này có thể gây chảy máu không kiểm soát được. Những bệnh nhân này nên được kiểm tra các chỉ số đông máu trước khi điều trị để xác nhận rằng họ có tình trạng đông máu/chảy máu bình thường.
- Nhiều bệnh nhân dùng aspirin hàng ngày vì lý do sức khỏe. Nên ngừng dùng aspirin ít nhất 3 ngày trước khi lăn kim.
- Dị ứng với thuốc gây tê cục bộ hoặc thuốc gây mê toàn thân. Những bệnh nhân này nên được đánh giá bởi Bác sĩ trước khi điều trị.
- Bệnh nhân đang hóa trị liệu, dùng thuốc corticosteroid liều cao, hoặc xạ trị. Bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát được.
- Bệnh nhân bị sẹo lồi do vì mọi vết châm chích đều có nguy cơ trở thành sẹo lồi.
Những ai có khả năng thực hiện lăn kim?
Lăn kim – một thủ thuật xâm lấn, có khả năng làm tổn thương da ở mức độ kiểm soát được. Vì vậy, lăn kim nên được thực hiện tại các cơ sở có Bác sĩ Da liễu thăm khám và tốt nhất là Bác sĩ sẽ là người trực tiếp thực hiện thủ thuật lăn kim cho bệnh nhân. Nói cách khác, mọi người nên đến các Phòng khám chuyên về Da liễu, được cấp phép điều trị da để tìm hiểu thêm về quy trình lăn kim cũng như thực hiện lăn kim.
Thiếu kiến thức chuyên môn khi lăn kim sẽ để lại khá nhiều hậu quả khó lường. Tự thực hiện lăn kim tại nhà dựa trên kiến thức từ internet hay đi các spa không có Bác sĩ Da liễu thay vì lựa chọn các Phòng khám Da liễu để thực hiện thủ thuật này dễ dẫn đến nhiễm trùng da và đôi khi gây tổn thương nặng cho da như bỏng rát, sưng đau kéo dài, mụn mủ.
Trong nhiều trường hợp, nhân viên spa do thiếu kiến thức chuyên môn nên không đảm bảo vô trùng của các vật dụng cũng như môi trường trong suốt quá trình thực hiện, tạo cơ hội cho các vi khuẩn xâm nhập vào da gây nhiễm trùng hay lựa chọn các dụng cụ lăn kim không phù hợp, lăn kim quá thường xuyên dẫn đến da bị tổn thương nặng khó hồi phục. Vì thế, cần đến các Phòng khám uy tín, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về thủ thuật thẩm mỹ theo hướng dẫn Bộ Y tế để được lăn kim bởi các Bác sĩ Da liễu.
Hiệu quả của lăn kim
Hiệu quả được biểu hiện gần như ngay lập tức sau lăn kim vì khi các tổn thương bắt đầu xuất hiện trên bề mặt da thì ngay lập tức quá trình làm lành vết thương sẽ được kích hoạt để tạo ra nhiều collagen và elastin.
Cụ thể hơn, lăn kim tạo ra các tổn thương vi điểm tại da gây kích thích chuỗi phản ứng chữa lành vết thương bằng cách tăng cường sản xuất collagen và sợi đàn hồi elastin, đồng thời sắp xếp lại các sợi collagen hiện có, đây là cơ chế chính cho kết quả lâm sàng đạt được. Sẹo đáy tròn và sẹo đáy vuông đã được chứng minh là đạt hiệu quả cao hơn sẹo đáy nhọn khi điều trị với liệu pháp lăn kim. Có thể nói với thời gian phục hồi ngắn, ít tác dụng phụ và hiệu quả lâm sàng cao, lăn kim là một là phương pháp điều trị thẩm mỹ an toàn, có thể thay thế cho các thủ thuật xâm lấn hơn như tái tạo bề mặt da bằng laser và peel da sâu bằng hóa chất.
Tuy nhiên kết quả cuối cùng không thể được nhìn thấy ngay lập tức vì collagen mới vẫn còn tiếp tục được hình thành trong khoảng 3-6 tháng sau lăn kim.
Xem thêm các bài viết liên quan
Chăm sóc da sau lăn kim
Lăn kim là một phương pháp hiệu quả, tuy nhiên nếu sau liệu trình lăn kim da không được chăm sóc đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe bên ngoài lẫn bên trong của làn da, tệ nhất có thể dẫn đến hoại tử do nhiễm trùng. Vì thế, cần lưu ý một số điều sau:
- Vệ sinh da đúng cách: chỉ được rửa mặt bằng nước muối sinh lý và để da mặt khô tự nhiên, hoặc dùng khăn mềm, sạch chấm nhẹ trong vòng 3 ngày đầu sau lăn kim. Luôn đảm bảo tay sạch sẽ khi chạm vào da.
- Không khuyến khích trang điểm trong vòng 3 ngày đầu sau lăn kim.
- Sau khi lăn kim, da khô hơn vì dễ bị mất nước, vì thế, việc cung cấp nước cho da và cơ thể lúc này là rất cần thiết. Có thể thoa serum (theo chỉ định của Bác sĩ) xen kẽ với kem dưỡng ẩm để cấp nước đầy đủ cho da. Lưu ý, luôn giữ tay sạch khi chạm vào da lúc này. Bên cạnh đó, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giúp da khỏe mạnh.
- Để tạo đủ điều kiện cho da lành lại, không được sử dụng bất kì sản phẩm tẩy tế bào chết có chứa acid alpha hydroxy, acid beta hydroxy, retinol (vitamin A), vitamin C (trong công thức có độ pH thấp) hoặc bất kỳ sản phẩm nào được coi là chăm sóc da “hoạt hóa” trong suốt một tuần sau lăn kim.
- Bổ sung thêm thực phẩm giàu các vitamin A, C, E giúp cho quá trình tái tạo da, làm liền sẹo đạt hiệu quả hơn.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong vòng ít nhất 10 ngày kể từ thời điểm lăn kim. Lúc này, lớp da mới đang trong quá trình thay thế lớp da cũ, chúng yếu và mỏng hơn rất nhiều so với lớp da cũ. Vì thế, cần tránh tiếp xúc với ánh nắng để giảm thiểu tình trạng tăng sắc tố da.
Bảng giá dịch vụ lăn kim tại Phòng khám Doctor Acnes
Phương pháp | Giá | Giá HSSV |
⭐Lăn kim trị sẹo mụn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.100.000 | 1.000.000 |
⭐RF microneedle Sylfirm X chuẩn FDA trị sẹo (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.500.000-1.900.000 | 1.400.000-1.800.000 |
Thời gian nghỉ giữa 2 lần lăn kim không những đảm bảo an toàn mà còn giúp tối ưu hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, như đã đề cập trong bài, thời gian giữa các lần lăn kim phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chỉ định, kế hoạch điều trị, độ nhạy cảm, tuổi của da và độ dài kim, vì thế cần có Bác sĩ Da liễu để đưa ra quyết định chính xác nhất đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu.
Hãy đến khám và lăn kim tại cơ sở điều trị uy tín có chuyên môn của Bác sĩ Da liễu. Bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với Phòng khám Doctor Ances để được hỗ trợ những vấn đề bạn chưa rõ về thủ thuật thẩm mỹ này bằng cách để lại thông tin của bạn và câu hỏi tại đây.
Tài liệu tham khảo
- Hou, Angela. “Microneedling: a comprehensive review”. Dermatologic Surgery 43.3 (2017): 321-339
- Fernandes, Desmond. “Minimally invasive percutaneous collagen induction”. Oral and Maxillofacial Surgery Clinics 17.1 (2005): 51-63
- Alster, Tina S., Paul M. Graham. “Microneedling: a review and practical guide”. Dermatologic Surgery 44.3 (2018): 397-404
- Singh, Aashim, Savita Yadav. “Microneedling: Advances and widening horizons”. Indian dermatology online journal 7.4 (2016): 244
- Bhardwaj, Deepali. “Collagen induction therapy with dermaroller”. Community Based Medical Journal 1.1 (2012): 35-37
- Aust, Matthias C. “Percutaneous collagen induction therapy: an alternative treatment for scars, wrinkles, and skin laxity”. Plastic and reconstructive surgery 121.4 (2008): 1421-1429
- Bandral, Manjunatha Reddy. “Clinical evaluation of microneedling therapy in the management of facial scar: a prospective randomized study”. Journal of Maxillofacial and Oral Surgery 18.4 (2019): 572-578
- Minh, Phuong Pham Thi. “Microneedling therapy for atrophic acne scar: effectiveness and safety in Vietnamese patients”. Open Access Macedonian Journal of Medical Sciences 7.2 (2019): 293
- Juhasz, Margit LW, Joel L. Cohen. “Microneedling for the treatment of scars: an update for clinicians”. Clinical, cosmetic and investigational dermatology 13 (2020): 997