Điều trị mụn tại nhà bằng AHA và BHA

Ngày 07/10/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Hydroxy acid là nhóm các acid được sử dụng phổ biến trong điều trị các vấn đề về da, gồm hai nhóm hoá học là alpha hydroxy acid (AHA) và beta hydroxy acid (BHA). Việc sử dụng AHA hay BHA trong điều trị mụn tại nhà là một chủ đề được rất nhiều người quan tâm. Vậy khi điều trị mụn tại nhà nên dùng AHA hay BHA, Doctor Acnes sẽ trả lời ngay trong bài viết sau đây.

AHA, BHA trị mụn - Doctor Acnes
Một số loại AHA, BHA thường dùng trong mỹ phẩm chăm sóc da

Mụn là gì?

Mụn là một tình trạng bệnh lý của da xảy ra khi các nang lông bị bịt kín bởi dầu và tế bào da chết. Khi đó, mụn xuất hiện với nhiều loại khác nhau, bao gồm mụn đầu trắng, mụn đầu đen hoặc mụn viêm. Mụn ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, trong đó phổ biến nhất ở thanh thiếu niên.

Mụn thường xuất hiện ở nhiều nơi, bao gồm cả mặt, vai, lưng và ngực. Thông thường, mụn có thể chỉ là vài nốt sần nhỏ có cảm giác cộm, thậm chí không sưng hay đỏ. Tuy nhiên, các trường hợp mụn vừa và nặng sẽ làm da trở nên ửng đỏ, viêm nhiễm và mưng mủ. Tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, mụn có thể làm người mắc phải mặc cảm, lo lắng và để lại nhiều di chứng trên da như sẹo rỗ hay tăng sắc tố sau mụn (thâm mụn). 

Cơ chế hình thành mụn

Ba yếu tố gây bệnh có liên quan chặt chẽ đến cơ chế hình thành mụn là sự tăng tiết bã nhờn, bã nhờn bị tích tụ và cuối cùng là xuất hiện tình trạng viêm nhiễm. Các mảng bám tế bào chết lâu ngày trên da sẽ khiến cho các chất nhờn sẽ không thể thoát ra được, nhất là khi tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ. Khi đó, các chất nhờn sẽ tích tụ, lâu dần làm tắc nghẽn lỗ chân lông và sinh ra mụn.

Bã nhờn tích tụ ở da có thể xem là “mồi ngon” cho vi khuẩn P. acnes, một loại vi khuẩn kỵ khí phát triển mạnh trong môi trường thiếu oxy xâm nhập và gây viêm nhiễm. Khi đó, cơ thể sẽ huy động bạch cầu đến bảo vệ da chống lại P. acnes. Hệ quả của cuộc chiến giữa bạch cần và vi khuẩn sẽ làm da xuất hiện các vết sưng tấy đỏ, còn được gọi là mụn viêm, mụn bọc, mụn mủ… Sự sinh sôi và phát triển nhanh chóng của vi khuẩn sẽ khiến các nốt mụn lây lan nhanh chóng trên da. 

Quá trình hình thành mụn - Doctor Acnes
Tuyến bã nhờn hoạt động quá mức làm tắc nghẽn lỗ chân lông, từ đó hình thành nhân mụn

Điều trị mụn bằng AHA

AHA là gì?

Acid alpha-hydroxy (AHA) là một nhóm acid carboxylic hữu cơ tan được trong nước, có nguồn gốc thực vật và động vật được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm chăm sóc da bao gồm các sản phẩm chống lão hóa hàng ngày như huyết thanh, toner và kem.

AHA bao gồm nhiều hợp chất acid khác nhau, trong đó có bảy loại thường được sử dụng trong chăm sóc da, bao gồm acid citric, acid glycolic, acid hydroxycaproic, acid hydroxycaprylic, acid lactic, acid malic, và acid tartaric.

Cơ chế tác dụng chủ yếu của AHA là giúp làm bong các tế bào chết, hỗ trợ điều hoà sừng hoá thượng bì, tiêu nhân mụn. Ngoài ra, AHA còn giúp phân hủy melamin ở màng đáy, có tác dụng cải thiện sắc tố da sau viêm. Bên cạnh đó, AHA còn có tác dụng giúp giữ ẩm da nên thích hợp cho cả da khô. Cuối cùng, AHA có thể sử dụng cho da lão hóa bởi AHA có khả năng ngăn chặn các gốc oxy tự do, từ đó giúp ngăn ngừa oxy hóa.  

AHA điều trị mụn - Doctor Acnes
Nguồn gốc của AHA trong tự nhiên

Các tác dụng có lợi của AHA

  • Tẩy tế bào chết

Tẩy da chết là một quá trình mà các tế bào da trên bề mặt bị bong ra, giúp loại bỏ các tế bào da chết mà còn mở đường cho thế hệ tế bào da mới. Càng lớn tuổi, chu kỳ tế bào da tự nhiên càng chậm lại, do vậy cần sử dụng AHA để tẩy tế bào chết trên da, đây cũng là nền tảng cho tất cả những lợi ích khác mà AHA mang lại.   

  • Giúp làm sáng da rõ rệt và cải thiện sắc tố da

AHA giúp làm tẩy các tế bào chết, đồng nghĩa với việc bề mặt da cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Các tế bào chết khi bong tróc sẽ làm xuất hiện làn da mới bên dưới mịn màng, mềm mại, sáng hơn và rực rỡ hơn. Nhờ đó, AHA cũng được sử dụng với mục đích làm sáng da và cải thiện vùng da bị sạm nám. Ngoài ra, AHA cũng thúc đẩy quá trình tái tạo da, giúp cho làn da mới trở nên đều màu hơn trong các trường hợp da bị đổi màu, không đều màu do tuổi tác, nám da, tăng sắc tố sau viêm và sẹo mụn.

  • Thúc đẩy sản xuất collagen

Collagen là một loại chất đóng vai trò quan trọng giúp da luôn được căng bóng và mịn màng. Khi lớn tuổi, collagen sẽ bị hao mòn dần, nhất là khi phải tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thường xuyên sẽ làm sợi collagen ngày một mất đi. Từ đó, làn da sẽ trông thiếu sức sống và già đi. AHA có thể giúp tái tạo collagen bằng cách phá huỷ các cấu trúc collagen đã cũ nằm ở hạ bì và kích thích sản sinh ra những sợi collagen mới, làm da được căng bóng và mịn màng.

  • Giảm sự xuất hiện của các đường và nếp nhăn trên bề mặt

AHA còn được biết đến với tác dụng chống lão hóa. Một nghiên cứu năm 2015 đã báo cáo rằng 9 trong số 10 tình nguyện viên sử dụng AHA trong thời gian 3 tuần đã có những cải thiện đáng kể về kết cấu da tổng thể. 

  • Điều trị và ngăn ngừa mụn trứng cá

AHA cũng có thể giúp điều trị và ngăn ngừa mụn tái phát. Mụn trứng cá xuất hiện khi lỗ chân lông bị tắc do sự kết hợp của các tế bào da chết, dầu (bã nhờn) và vi khuẩn. Tẩy tế bào chết với AHA sẽ giúp loại bỏ tình trạng tích tụ bã nhờn và ngăn chặn hình thành nhân mụn. 

  • Giúp tăng khả năng hấp thụ sản phẩm

Ngoài những lợi ích riêng biệt của mình, AHA có thể làm cho các sản phẩm đang sử dụng khác hoạt động tốt hơn bằng cách tăng khả năng hấp thụ vào da. Thông thường, kem dưỡng ẩm hàng ngày chỉ nằm ở lớp da trên cùng nên không cấp ẩm cho các tế bào da mới bên dưới. Nhờ có tác động phá vỡ lớp tế bào da chết này của AHA, kem dưỡng ẩm vượt qua được lớp tế bào da chết và thấm sâu vào da và cho hiệu quả cao hơn.

Cần bao nhiêu AHA?

Theo nguyên tắc chung, FDA đề xuất các sản phẩm chăm sóc da có chứa AHA nên có nồng độ AHA dưới 10% để ngăn ngừa các tác dụng phụ từ AHA. Các sản phẩm có chứa AHA có thể sử dụng hàng ngày chẳng hạn như huyết thanh, toner và kem dưỡng ẩm. Ví dụ: huyết thanh hoặc toner có thể có nồng độ AHA 5%. 

Tác dụng phụ

Đối với những người chưa bao giờ sử dụng AHA trước đây, một số tác dụng phụ nhỏ có thể xuất hiện khi mới bắt đầu sử dụng và da đang trong quá trình thích nghi. Một số tác dụng phụ tạm thời có thể bao gồm: nóng da, ngứa, rộp, viêm da (chàm).

Để giảm nguy cơ bị kích ứng, có thể sử dụng sản phẩm cách ngày trong giai đoạn đầu. Khi làn da đã quen với chúng, có thể bắt đầu thoa AHA mỗi ngày. Bên cạnh đó, cần lưu ý che chắn cẩn thận khi đi nắng, nhằm hạn chế làn da nhạy cảm dưới tia UV của ánh mặt trời trong vòng tuần đầu khi sử dụng sản phẩm có chứa AHA. Thoa kem chống nắng hàng ngày sẽ là giải pháp hữu ích để giúp da không bị cháy nắng.

Trong trường hợp có các tình trạng bệnh lý sau, nên tham khảo ý kiến của các Bác sĩ trước khi sử dụng AHA:

  • Vùng da non
  • Vết cắt hoặc vết bỏng trên da 
  • Bệnh trứng cá đỏ
  • Bệnh vẩy nến
  • Bệnh chàm
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cũng nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng

Điều trị mụn bằng BHA

BHA là gì?

Acid beta-hydroxy (BHA) là một loại acid tan trong dầu, được tìm thấy trong thực vật, vỏ cây, trái cây và một số sản phẩm từ sữa. BHA phổ biến nhất trong chăm sóc da là acid salicylic được chiết xuất từ vỏ cây liễu. Trong các công thức chăm sóc da, chúng hoạt động như một chất tẩy tế bào chết hóa học nhẹ nhàng giúp làm sáng da và giảm thiểu sự xuất hiện của mụn trứng cá. Một số nghiên cứu khẳng định BHA cũng có hiệu quả trong việc làm mờ các nếp nhăn và làm đều màu da.

BHA - Doctor Acnes
Acid salicylic là hợp chất beta hydroxy acid (BHA) phổ biến nhất

Cơ chế trị mụn của BHA

Hàng ngày, trung bình một người trưởng thành mất khoảng 500 triệu tế bào da. Thông thường, các tế bào da chết này bong ra một cách dễ dàng mà chúng ta không nhận thấy. Tuy nhiên, đôi khi những tế bào chết này bám vào bề mặt da hoặc mắc kẹt trong lỗ chân lông và gây mụn, đặc biệt đối với những người có nước da nhờn. Acid beta-hydroxy giúp loại bỏ các mảnh vụn này khỏi bề mặt da bằng cách hòa tan các liên kết giữa các tế bào da chết với nhau, cho phép tẩy tế bào chết hiệu quả hơn và thúc đẩy làn da sáng mịn hơn.

Là một hợp chất thân dầu, BHA đặc biệt phù hợp với những ai có làn da dầu. Cơ chế hoạt động chủ yếu của BHA khi xâm nhập vào da là giúp lôi kéo và hoà tan các bã nhờn và các hợp chất thân dầu, giúp xử phá bỏ tình trạng bít lỗ chân lông và giảm thiểu bã nhờn, từ đó có tác dụng ngăn ngừa và điều trị mụn hiệu quả. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy rằng nồng độ cao của acid beta-hydroxy, có thể giúp kích thích sản xuất collagen, cải thiện kết cấu và độ đàn hồi của da.

 

Ca lâm sàng điều trị mụn ẩn thành công tại Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn ẩn thành công tại Doctor Acnes

Dạng dùng và liều lượng của acid salicylic được khuyên dùng cho điều trị mụn

Bảng sau là đề xuất dạng dùng và liều lượng BHA phù hợp dành riêng cho từng loại da và tình trạng da hiện tại của mỗi người. Trong thời gian 2 hoặc 3 ngày đầu khi sử dụng, chỉ thoa một lượng hạn chế lên một vùng da nhỏ để thử phản ứng trước khi thoa lên toàn bộ vùng da điều trị. Một số dạng dùng và liệu lượng acid salicylic dùng cho người lớn trong điều trị mụn như:

Liều lượng BHA - Doctor Acnes
Dạng dùng và liều lượng của acid salicylic được khuyên dùng trong điều trị mụn cho người trưởng thành

Thận trọng và tác dụng phụ của acid salicylic (BHA)

Theo thông tư 07/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành, acid salicylic đơn thành phần hoặc phối hợp trong các thành phẩm dùng ngoài đều thuộc danh mục thuốc không kê đơn. Do vậy, các chế phẩm acid salicylic (BHA) dùng trong trị mụn thường có thể tự mua mà không cần chỉ định của Bác sĩ.  Tuy nhiên, khuyến cáo người dùng cần nên tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu trước khi sử dụng.

Trong trường hợp có tiền sử dị ứng với thành phần acid salicylic, cần thận trọng khi sử dụng BHA trị mụn. Độc tính của acid salicylic là rất hiếm nhưng nó vẫn có thể xảy ra khi sử dụng acid salicylic tại chỗ. Để giảm nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng, cần lưu ý không thoa các sản phẩm chứa acid salicylic lên các vùng da rộng trên cơ thể, không sử dụng trong thời gian dài, không sử dụng dưới băng kín không khí.

>>> Xem thêm: 6 điều cần lưu ý để không bị kích ứng khi sử dụng BHA

Khi trị mụn tại nhà nên chọn AHA hay BHA?

Giống nhau giữa AHA và BHA

Về mặt cấu trúc, cả AHA và BHA đều là các acid có tác dụng chính là tẩy tế bào chết. Một số công dụng chung của cả AHA và BHA có thể kể đến như:

  • Giảm viêm, giảm biểu hiện của mụn và các vấn đề về da.
  • Giảm nếp nhăn bề mặt, làm da trở nên mịn màng. 
  • Làm đều màu da, cải thiện kết cấu da tổng thể.
  • Loại bỏ tế bào da chết.
  • Làm thông thoáng lỗ chân lông, giúp ngăn ngừa mụn.
AHA BHA - Doctor Acnes
AHA và BHA có những nét tương đồng trong tác dụng

Khác nhau giữa AHA và BHA

Sự khác nhau giữa AHA và BHA xuất phát từ tính chất của hai loại acid hữu cơ này. Trong khi AHA là loại acid thân nước và hoà tan được trong nước, BHA lại là một loại acid thân dầu.  BHA có khả năng thâm nhập sâu hơn so với AHA vào bên trong lỗ chân lông nhờ tính chất thân dầu, từ đó BHA giúp loại bỏ các tế bào da chết bên trong và các chất nhờn bám dính ở lỗ chân lông. Nhìn chung, BHA sẽ giúp giảm dầu, giảm mụn đầu đen, mụn ẩn. Ngoài ra, BHA còn giúp tẩy tế bào chết hiệu quả và giúp làn da trở nên tươi sáng.

Khả năng gây kích ứng của BHA có thể nói là cao hơn AHA. Mặc dù tác dụng hỗ trợ điều trị mụn của AHA không bằng BHA, AHA lại rất phù hợp với những ai có làn da khô, da nhạy cảm. AHA có tác dụng chủ yếu giúp loại bỏ lớp tế bào da chết trên bề mặt, giúp hình thành các lớp da mới thay thế lớp da cũ và làm mờ sắc tố da, tăng độ mịn màng cho da. Ngoài ra, AHA còn có tác dụng đối với sản xuất collagen và procollagen.

So sánh AHA, BHA trị mụn - Doctor Acnes
Bảng so sánh đặc điểm AHA và BHA

Xem thêm các bài viết liên quan

Có nên kết hợp sử dụng AHA và BHA?

Sử dụng đồng thời AHA và BHA có thể giúp tăng tác dụng hiệp đồng trong việc điều trị mụn, đồng thời làm giảm các vết thâm do mụn để lại. Trong khi AHA có tác động tẩy tế bào chết trên bề mặt da, BHA sẽ giúp thấm sâu và tẩy tế bào chết bên trong da. Nhờ đó, phối hợp AHA và BHA đúng cách sẽ giúp vừa làm sạch lỗ chân lông và vừa làm đều màu da, giúp giảm mụn cực kỳ hiệu quả đối với những làn da khoẻ.

Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ nên phối hợp AHA và BHA khi chống nắng và tránh nắng đủ kỹ, dưỡng ẩm đủ cho da và sử dụng với tần suất phù hợp. Các nền da “không khỏe” chống chỉ định với phối hợp AHA và BHA mà chỉ nên dùng riêng lẻ 1 trong 2 để tránh gây kích ứng thêm cho da.

Cũng cần lưu ý, cả AHA và BHA đều là acid có tác dụng tẩy tế bào chết. Do vậy, nếu không biết cách phối hợp đúng sẽ dẫn đến tẩy tế bào chết quá mức, khiến da dễ bị kích ứng, tăng nhạy cảm với ánh sáng khiến sắc tố da ngày càng tăng nhiều hơn. Để phối hợp AHA và BHA hiệu quả, cần phải được các Bác sĩ Da liễu tư vấn lộ trình chăm sóc da thích hợp, với độ mạnh của từng loại acid phù hợp với từng làn da nhạy cảm và khoảng cách thời gian sử dụng an toàn giữa AHA và BHA.

Hydroxy acid là nhóm các acid được sử dụng phổ biến trong trị liệu các vấn đề về da, trong đó, hai loại hydroxy acid phổ biến là alpha hydroxy acid (AHA) và beta hydroxy acid (BHA). AHA là nhóm các acid tự nhiên thân nước, có nhiều trong thực phẩm và trái cây.

Cơ chế hoạt động chủ yếu của AHA dựa trên nguyên lý phá vỡ các liên kết của tế bào da thượng bì và kích thích quá trình thay da. Trong khi đó, BHA với hợp chất phổ biến nhất là acid salicylic, có cấu trúc thân dầu, hoạt động chủ yếu trong lỗ chân lông, giúp tẩy tế bào chết hóa học nhẹ nhàng giúp làm sáng da và giảm thiểu sự xuất hiện của mụn trứng cá.

Về lý thuyết, có thể kết hợp sử dụng cả AHA và BHA trong cùng quy trình chăm sóc da, với một khoảng cách thời gian nhất định giữa 2 lần sử dụng lên da. Tác dụng hiệp đồng của AHA và BHA sẽ giúp loại bỏ tế bào chết thường xuyên hơn, làm sạch sâu và bề mặt giúp da sạch mụn và sáng mịn. Tuy nhiên, cần thận trọng với những làn da nhạy cảm, da đang bị tổn thương hoặc không thích ứng với sản phẩm.

Trong trường hợp muốn phối hợp cả AHA và BHA trong chu trình chăm sóc da hàng ngày, cần phải tham khảo ý kiến của các Bác sĩ hoặc liên hệ Phòng khám Doctor Acnes để được tư vấn sản phẩm và nồng độ thích hợp cũng như cách phối hợp sử dụng hợp lý trong quy trình chăm sóc da hàng ngày.

Tài liệu tham khảo

  1. Jaggi R., MD, William D J. “Acne Vulgaris”. Medscape
  2. Beylot C. “[Mechanisms and causes of acne]”. Rev Prat. 2002;52(8):828-830
  3. Rathi SK. “Acne vulgaris treatment : the current scenario”Indian J Dermatol. 2011;56(1):7-13
  4. “Everything You Need to Know About Using Alpha Hydroxy Acids (AHAs)”. Healthline
  5. Tang SC., Yang JH. “Dual Effects of Alpha-Hydroxy Acids on the Skin”Molecules. 2018;23(4):863
  6. Arif T. “Salicylic acid as a peeling agent: a comprehensive review”Clin Cosmet Investig Dermatol. 2015;8:455-461. Published 2015 Aug 26
  7. “10 effective skincare products that use exfoliating acids to reduce acne and make your skin clearer, softer, and more even”. Businessinsider
  8. Ganceviciene R., Liakou AI., Theodoridis A., Makrantonaki E., Zouboulis CC. “Skin anti-aging strategies”. Dermatoendocrinol. 2012;4(3):308-319
  9. “Understanding the difference between AHA and BHA for skin care”. Medical News Today

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84