Dưỡng ẩm là một trong những bước chăm sóc da cơ bản cần thiết hằng ngày để cấp ẩm cho làn da. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại quan niệm phổ biến rằng không nên sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm lên da mụn vì có thể gây bít tắc và làm nặng nề hơn tình trạng mụn. Như vậy, da mụn có cần thiết phải cấp ẩm không và cấp ẩm cho da mụn thế nào mới đúng, hãy cùng các Bác sĩ Da liễu tại Phòng khám Doctor Acnes tìm hiểu nhé.
Phân loại chất dưỡng ẩm
Chất dưỡng ẩm được chia thành 3 nhóm chính: chất bít ẩm, chất hút ẩm và chất làm mềm. Mặc dù đều có vai trò dưỡng ẩm nhưng chúng hoạt động theo cơ chế tác động hoàn toàn khác nhau.
Chất bít ẩm
Là các chất có khả năng tạo lớp hàng rào vật lý không thấm nước trên bề mặt da, ngăn mất nước qua da, tạo môi trường thuận lợi để sửa chữa hàng rào bảo vệ da. Phù hợp với thời tiết khô lạnh và tình trạng da khô nhiều. Thường là chất dầu, có khả năng hòa tan chất béo.
Một số thành phần phổ biến:
- Hydrocarbon: petrolatum, dầu khoáng, paraffin, squalene
- Silicone: dimethicone, cyclomethicone, amodimethicone
- Mỡ động vật và thực vật: lanolin, bơ hạt mỡ, dầu hạt nho, dầu trái lê, cây gai dầu, dầu jojoba, dầu hạt mè, dầu quả hạch
- Acid béo: lanolin acid, stearic acid
- Alcohol béo: lanolin alcohol, cetyl alcohol
- Polyhydric alcohol: propylene glycol, butylene glycol
- Ester sáp: lanolin, beeswax, stearyl stearate
- Sáp thực vật: carnauba, candelilla
- Phospholipid: lecithin
- Sterol: cholesterol
- Hydrocarbon: petrolatum, dầu khoáng, paraffin, squalene
- Silicone: dimethicone, cyclomethicone, amodimethicone
- Mỡ động vật và thực vật: lanolin, bơ hạt mỡ, dầu hạt nho, dầu trái lê, cây gai dầu, dầu jojoba, dầu hạt mè, dầu quả hạch
- Acid béo: lanolin acid, stearic acid
- Alcohol béo: lanolin alcohol, cetyl alcohol
Chất hút ẩm
Là các chất tan trong nước, với khả năng hấp thu nước cao. Hút nước từ không khí (độ ẩm không khí > 80%) và từ các lớp da bên dưới, làm đầy các khoảng trống ở lớp sừng, làm da trở nên mượt mà hơn.
Một số thành phần thông dụng: acid hyaluronic, glycerin, honey, sodium lactate, urea, propylene glycol, sorbitol, pyrrolidone carboxylic acid, gelatin, vitamin, và một số protein.
Chất làm mềm
Là các chất có khả năng lấp đầy khoảng trống, tăng kết dính giữa các tế bào sừng, giúp giảm ma sát và phản xạ ánh sáng tốt hơn, làm bề mặt da mềm mại và mượt mà hơn.
Một số thành phần thông dụng:
- Các thành phần tạo lớp màng bảo vệ và lưu giữ lâu trên bề mặt da: diisopropyl dilinoleate và isopropyl isostearate.
- Các thành phần tạo lớp màng cho cảm giác hơi nhờn và lưu giữ lâu trên bề mặt da: castor oil, propylene glycol, jojoba oil, isostearyl isostearate, và octyl stearate.
- Các thành phần tạo lớp nhờn tối thiểu, không có cảm giác dầu: dimethicone, cyclomethicone, isopropyl myristate, và octyl octanoate.
- Các thành phần tạo lớp màng mỏng không nhờn trên bề mặt da: isopropyl palmitate, decyl oleate, và isostearyl alcohol.
Tại sao cần dưỡng ẩm cho da mụn?
Nhiều người suy nghĩ rằng da mụn chỉ cần sử dụng các sản phẩm đặc trị mụn chứ không nên dùng thêm các loại mỹ phẩm khác, ví dụ như dưỡng ẩm vì có thể gây bít tắc lỗ chân lông. Thậm chí, nhiều người còn lầm tưởng rằng dưỡng ẩm chỉ cần cho những người có làn da khô. Đây là những suy nghĩ rất sai lầm vì da mụn cũng cần được dưỡng ẩm bởi các lý do sau:
- Trong khi việc tăng tiết chất bã là một trong những tác động chính trong cơ chế sinh mụn thì dưỡng ẩm có vai trò kiểm soát sự tiết bã nhờn.
- Giảm tác động khô da của một số hoạt chất điều trị mụn như benzoyl peroxide, retinoid. AHA, BHA… giúp cân bằng lượng bã nhờn và tránh tình trạng khô da, bong vảy.
- Thúc đẩy hiệu quả của các thành phần hoạt tính đi kèm có trong các thuốc thoa trị mụn.
- Một số thành phần dưỡng ẩm có vai trò kháng viêm, kháng khuẩn, làm dịu da và giúp kiểm soát bã nhờn, hỗ trợ cho quá trình điều trị mụn.
Sử dụng dưỡng ẩm cho da mụn như thế nào?
Vào buổi sáng, trước khi thoa kem chống nắng, nên sử dụng một lớp thật mỏng kem dưỡng ẩm để bảo vệ da tốt hơn và cấp ẩm đủ cho da. Tuy nhiên, cần tránh sử dụng những loại kem dưỡng có kết cấu gây bít tắc lỗ chân lông, nguy cơ làm tình trạng mụn nặng hơn.
Cách thoa kem dưỡng ẩm như sau: lấy một lượng kem bằng hạt đậu, chấm đủ trên 5 vị trí bao gồm trán, mũi, cằm và 2 bên má, dùng tay xoa và vỗ nhẹ để kem thẩm thấu vào da tốt hơn. Bắt đầu thoa từ hai bên má theo chuyển động tròn trước rồi mới đến toàn bộ gương mặt.
Vùng gò má là nơi khô nhất trên mặt nên ưu tiên thoa nhiều dưỡng ẩm và thoa đầu tiên từ vị trí này. Đừng quên thoa kem vào vùng cổ và vuốt theo hướng từ dưới lên để hạn chế tình trạng da bị chảy xệ. Thao tác này không chỉ cấp ẩm cho vùng da ở cổ mà còn góp phần chống lại các dấu hiệu lão hoá sớm trên da.
Vào buổi tối, sau khi làm sạch mặt và lau khô da, nên thoa các sản phẩm trị mụn lên da trước, sau đó 15-20 phút thì mới thoa dưỡng ẩm. Kem dưỡng ẩm sẽ xoa dịu và phục hồi, cân bằng độ ẩm cho da tốt hơn. Lưu ý không nên sử dụng kem dưỡng ẩm trước khi thoa kem trị mụn vì như thế sẽ giảm tác dụng của kem đặc trị mụn.
Lựa chọn dưỡng ẩm cho da mụn
Tính sinh nhân mụn (comedogenicity) là mối quan tâm hàng đầu khi lựa chọn các sản phẩm dưỡng ẩm. Tính sinh nhân mụn của các thành phần dưỡng ẩm thường không biểu hiện ngay mà xuất hiện sau vài tuần đến vài tháng sau lần đầu tiên sử dụng sản phẩm và có thể dẫn đến bít tắc lỗ chân lông, tạo các nhân mụn đầu trắng và mụn đầu đen, làm nặng thêm tình trạng mụn hiện có.
Đặc tính không sinh nhân mụn (non-comedogenic) không tương đương với đặc tính không dầu (oil-free), chẳng hạn như acid oleic và các isopropyl ester không phải gốc dầu nhưng vẫn có tính sinh nhân mụn cao, gây hiện tượng tăng sừng ở các lỗ chân lông, tạo nút bịt và sinh nhân mụn.
Nhiều sản phẩm rửa mặt dạng lỏng cũng có hoạt tính dưỡng ẩm, ở những bệnh nhân mụn da nhờn chỉ cần dùng loại này là đủ. Những bệnh nhân mụn trứng cá trẻ có thể không cần dưỡng ẩm thêm, tuy nhiên nếu da bị kích ứng bởi các loại thuốc thoa, dưỡng ẩm da tốt sẽ đẩy nhanh quá trình làm thương và hồi phục da. Dưỡng ẩm đặc biệt được khuyến cáo dùng ở những bệnh nhân lớn tuổi, có da khô hoặc da hỗn hợp, bị tổn thương do ánh nắng, hút thuốc lá hoặc những bệnh nhân kèm theo trứng cá đỏ hoặc viêm da tiết bã.
Dưới đây là một số cách lựa chọn dưỡng ẩm phù hợp cho da mụn trứng cá:
- Lựa chọn sản phẩm dưỡng ẩm dịu nhẹ, không chứa dầu (oil-free), không gây bít tắc lỗ chân lông, không có tính sinh nhân mụn như glycerine, hyaluronic acid, glycol, dẫn xuất silicone (dimethicone, cyclomethicone…). Tránh các thành phần có tính sinh nhân mụn như bơ cacao (cocoa butter), dầu khoáng (mineral oil)…
Tham khảo thêm về các thành phần sinh nhân mụn theo đường link sau >> “Thành phần sinh nhân mụn trong mỹ phẩm”.
- Chọn dưỡng ẩm dịu nhẹ, không gây kích ứng dị ứng, tránh các sản phẩm đặc, gây nhờn rít, có dạng điều chế phù hợp với từng loại da (dạng kem cho da khô, lotion cho da hỗn hợp/nhạy cảm, serum hoặc gel cho da nhờn).
- Lựa chọn những công thức có chứa các thành phần hoạt tính kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị như benzoyl peroxide, acid salicylic, lưu huỳnh…
Chúng tôi hy vọng những chia sẻ trên có thể giúp các bạn có thêm kiến thức về cách lựa chọn dưỡng ẩm phù hợp cho tình trạng da hiện tại. Trong trường hợp cần tư vấn thêm, đừng ngại ngần liên hệ với chúng tôi. Đội ngũ Bác sĩ Da liễu với kiến thức chuyên sâu về dược mỹ phẩm tại Phòng khám Doctor Acnes sẵn sàng trả lời các thắc mắc của bạn liên quan đến chăm sóc da mụn.
Tài liệu tham khảo
- Goodman, G. “Cleansing and Moisturizing in Acne Patients”. American Journal of Clinical Dermatology. 2009;10 Suppl 1:1-6
- Robert Bran, Howard I.Mabach. Textbook of cosmetic Dermatology, 5th ed. CRC Press (2017)