Bác sĩ Da liễu nói gì về các phương pháp trị sẹo tại nhà

Ngày 14/12/2021. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Trị sẹo rỗ tại nhà hiện đang nhận được sự quan tâm của nhiều người vì chi phí thấp, nguyên liệu dễ kiếm và cách thực hiện đơn giản. Với từ khóa “trị sẹo tại nhà”, khi lướt một vòng tìm kiếm trên Google sẽ xuất hiện hàng loạt các bài báo có tựa đề giật tít như “Cách trị sẹo tại nhà hiệu quả nhanh chóng” hay “Công thức trị sẹo tận gốc tại nhà hoàn toàn tự nhiên”… Vậy những phương pháp điều trị sẹo đơn giản tại nhà như các hướng dẫn đó có thực sự hiệu quả? Có bằng chứng khoa học nào chứng minh hiệu quả điều trị sẹo của các nguyên liệu tự nhiên không? Hôm nay hãy cùng các Bác sĩ Da liễu Doctor Acnes tìm hiểu mức độ chứng cứ của các phương pháp điều trị sẹo rỗ tại nhà dựa trên những bằng chứng khoa học được các chuyên gia da liễu nghiên cứu và đăng tải trên các tạp chí da liễu uy tín.

Tổng quan về sẹo rỗ

Sẹo rỗ là gì?

Sẹo rỗ hay còn gọi là sẹo lõm (atrophic scars) là những vết lõm xuất hiện sâu dưới da tạo ra những biến đổi trên bề mặt gây mất thẩm mỹ và thiếu tự tin cho những ai không may mắc phải. Sẹo rỗ hình thành khi da không thể tái tạo mô hoàn toàn để bù đắp cho việc đứt gãy các sợi collagen và elastin liên quan đến những tổn thương nặng ở vùng hạ bì.

Quá trình hình thành sẹo do mụn
Các giai đoạn hình thành sẹo: giai đoạn sưng viêm, tăng sinh và tái tạo

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sẹo rỗ trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là sẹo do mụn trứng cá để lại. Có đến hơn 90% người bị mụn trứng cá sẽ mắc phải tình trạng sẹo sau mụn ở các mức độ khác nhau.

Phân loại sẹo rỗ

Tùy thuộc vào đường kính và kích thước mà sẹo rỗ được chia thành 3 nhóm hình thái khác nhau:

  • Sẹo đáy nhọn (icepick): sẹo có hình dạng hẹp, sâu và thường bị hiểu lầm là lỗ chân lông to. Sẹo thường xuất hiện ở những vùng má và mũi, những vùng da hay xuất hiện mụn đầu đen.
  • Sẹo đáy vuông (box scar): sẹo thường có dạng hố lõm, đáy vuông và tương đối nông.
  • Sẹo đáy tròn (rolling): sẹo lõm xuống thành những hố tròn tương đối sâu, tạo ra những hình dạng như lượn sóng trên bề mặt da.

Bằng chứng khoa học của các nguyên liệu tự nhiên trong điều trị sẹo rỗ

Hiện có nhiều hướng dẫn điều trị sẹo rỗ tại nhà như “trộn chanh và mật ong theo tỉ lệ rồi đắp lên mặt”, “xay rau má hòa cùng nước cốt chanh rồi đắp hỗn hợp đó lên mặt 20-30 phút”, hay “giã nhuyễn nha đam rồi đắp mặt nạ”… được nhắc đến trên rất nhiều bài viết trên mạng mà không được trích dẫn nguồn tham khảo tin cậy. Trên thực tế, nhiều người dù đã áp dụng đúng theo các hướng dẫn này vẫn không thấy được sự cải thiện của sẹo. Hiệu quả của những cách trị sẹo tại nhà này dựa trên y học chứng cứ sẽ được Doctor Acnes giải mã ngay sau đây.

Trị sẹo bằng mật ong

Mật ong là một hợp chất tự nhiên được sản xuất từ nhiều loại ong khác nhau trên thế giới. Thành phần chính có trong mật ong được kể đến gồm đường và protein từ phấn hoa, ngoài ra còn có các thành phần khác như amino acid, khoáng chất và enzyme. Nghiên cứu đã chỉ ra enzyme glucose oxydase có trong hệ tiêu hóa của ong (bee crop) đã phân hủy glucose thành acid gluconic và hydrogen peroxide có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm.

Tác dụng mật ong điều trị sẹo
Mật ong đã được chứng minh là có khả năng kháng viêm, hỗ trợ làm lành vết thương nhưng tác dụng trong điều trị sẹo rỗ thì chưa có bằng chứng lâm sàng chứng minh

Tuy nhiên, trong điều trị sẹo sau phẫu thuật thì tác dụng của mật ong chưa rõ ràng, cụ thể một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Vancouver, Anh trên những bệnh nhân sau mổ tuyến giáp có rạch da 8 cm với mục đích xác định mật ong Manuka có làm giảm sự hình thành sẹo và giúp sẹo trông thẩm mỹ hơn hay không. Nghiên cứu chia bệnh nhân làm 2 nhóm, nhóm điều trị gồm những bệnh nhân được sử dụng gel mật ong có chứa 95% mật ong có hoạt tính, gel được bôi bằng tay vào vết thương một lần trong 4 tuần sau khi phẫu thuật rồi để khô. Trong khi đó nhóm chứng chỉ rửa nước và vệ sinh vết thương mà không sử dụng bất cứ sản phẩm trị sẹo nào.

Kết quả cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm điều trị và nhóm chứng theo thang đánh giá sẹo do bệnh nhân đánh giá và thang đánh giá sẹo do người quan sát đánh giá tại thời điểm 4 và 8 tuần sau phẫu thuật.

Nói tóm lại, những thành phần trong mật ong đã được chứng minh là có khả năng kháng viêm, hỗ trợ làm lành vết thương nhưng tác dụng trong điều trị sẹo, đặc biệt là sẹo rỗ thì chưa có bằng chứng lâm sàng chứng minh.

Nghiên cứu hiệu quả mật ong điều trị sẹo
Sau 8 tuần thực hiện nghiên cứu kết quả so sánh giữa nhóm chứng (trái) và nhóm điều trị bằng mật ong (phải) là không có sự khác biệt

Trị sẹo bằng rau má

Rau má tên khoa học là Centella asiatica, một dược liệu được ứng dụng nhiều không chỉ trong da liễu thẩm mỹ mà còn trong y học nói chung với những công dụng nổi bật như thanh nhiệt, giải độc. Thành phần chính trong rau má có ứng dụng trong da liễu chủ yếu là triterpenes, asiaticoside, madecassoside, asiatic acid madecassic acid. Một phân tích gộp về công dụng của rau má trong da liễu đã thu thập kết quả của tất cả các nghiên cứu về vai trò của rau má trên lâm sàng lẫn nghiên cứu trên động vật (in vivo) và nghiên cứu ở mức độ tế bào (in vitro) chỉ ra rằng rau má có vai trò quan trọng trong chữa lành vết thương, bệnh vẩy nến và tổn thương xơ cứng bì.

Nghiên cứu hiệu quả rau má da liễu
Một nghiên cứu tổng quát đã thu thập và tóm tắt những nghiên cứu về công dụng của rau má trong điều trị da liễu

Một phân tích gộp khác đã thu thập dữ liệu từ các nghiên cứu về vai trò của rau má trong cải thiện vết thương nhỏ, vết thương phì đại (sẹo lồi) cũng như bỏng, bệnh vẩy nến và xơ cứng bì trên các trang tài liệu khoa học như Pubmed, các nhà nghiên cứu đã xác nhận cơ chế hoạt động của các hợp chất trong rau má trong điều trị thương tổn bao gồm thúc đẩy tăng sinh nguyên bào sợi, tăng sinh collagen và hàm lượng fibronectin nội bào, đồng thời cải thiện độ bền của mô da mới cũng như ức chế phản ứng viêm ở sẹo phì đại và sẹo lồi.

Do đó, mặc dù các dữ liệu khoa học không nói rõ về vai trò của rau má trong điều trị sẹo rỗ, thông qua cơ chế kích thích tăng sinh collagen đã được xác định của các hợp chất trong rau má, có thể cho rằng rau má có hiệu quả nhất định trong hỗ trợ điều trị sẹo lõm và những vùng da còn sần sùi.

Tác dụng rau má điều trị sẹo
Thông qua cơ chế kích thích tăng sinh collagen đã được xác định của các hợp chất trong rau má, có thể cho rằng rau má có hiệu quả nhất định trong hỗ trợ điều trị sẹo lõm và những vùng da còn sần sùi

Trị sẹo bằng nha đam

Nhiều bài viết trên các trang mạng đã nêu bật vai trò tuyệt vời của nha đam trong làm đẹp, trong đó có cả phương pháp dùng nha đam để trị sẹo lõm. Tuy nhiên, theo các bằng chứng y học hiện hành, thật tiếc là chưa có nghiên cứu nào tìm ra được mối liên quan giữa nha đam và sẹo rỗ.

Tuy vậy, chớ vội buồn vì nha đam không trị được sẹo rỗ mà hãy tận dụng nha đam cho những vai trò quan trọng khác của nó như dưỡng ẩm da, hay chế biến thực phẩm thành các món chè, nước uống giải khát.

Tác dụng nha đam điều trị sẹo
Nha đam tuy không trị được sẹo rỗ nhưng có nhiều vai trò quan trọng khác như dưỡng ẩm da, hay chế biến thực phẩm thành các món chè, nước uống giải khát

Trị sẹo bằng nghệ tươi

Tác dụng nghệ điều trị sẹo
Nghệ có nhiều công dụng nổi bật bao gồm chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus, giúp làm sáng da, nhanh lành vết thương, trị bệnh vẩy nến

Rất quen thuộc với người châu Á vì nghệ không chỉ là nguyên liệu được ứng dụng nhiều trong y học mà còn cả trong ẩm thực và là gia vị của nhiều món ăn ngon. Công dụng của nghệ trong trị sẹo được truyền tai nhau qua hàng trăm năm qua. Sẽ không lạ khi một ngày bạn trông thấy ai đó mặt vàng khè, hỏi tại sao thì người ta bảo bôi nghệ để trị sẹo rỗ. Nhưng có thật nghệ trị được sẹo rỗ không?

Nghệ có chứa hoạt chất tên curcumin, đây là hoạt chất chính và cũng là thành phần có nhiều công dụng nhất trong củ nghệ. Những công dụng nổi bật có thể kể đến của curcumin trong nghệ đã được nghiên cứu bao gồm chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus, giúp làm sáng da, nhanh lành vết thương, trị bệnh vẩy nến. Trên lâm sàng, curcumin trong nghệ được ứng dụng trong điều trị kháng viêm sau phẫu thuật.

Mặc dù có nhiều công dụng như vậy nhưng chưa có một bằng chứng khoa học nào chỉ ra tác dụng của nghệ trên sẹo rỗ hay sẹo do mụn trứng cá khi tìm kiếm các từ khóa liên quan đến nghệ và sẹo rỗ trên các trang tài liệu uy tín như Pubmed, Medscape… Do đó, những ai đang cân nhắc dùng nghệ để điều trị sẹo rỗ thì hãy suy xét lại nhé.

Nghiên cứu hiệu quả nghệ điều trị sẹo
Không có kết quả khoa học nào giữa Nghệ tươi và điều trị sẹo kể cả sẹo trứng cá

Tóm lại, sẹo rỗ là một vấn đề thẩm mỹ phức tạp với hình thái sẹo rất khác nhau trên từng bệnh nhân. Các phương pháp trị sẹo tại nhà mặc dù sử dụng nguyên liệu tự nhiên dễ kiếm nhưng hiệu quả mang lại là rất thấp hoặc không rõ ràng và cần rất nhiều thời gian mới thấy được hiệu quả của các phương pháp đó. Cần lưu ý chăm sóc da đúng cách khi da đang bị tổn thương do mụn hay thủy đậu để hạn chế xuất hiện sẹo rỗ sau viêm. Với những trường hợp đã hình thành sẹo rỗ, để tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả điều trị cao, nên tìm đến các Bệnh viện hoặc Phòng khám chuyên khoa Da liễu để được Bác sĩ xác định hình thái sẹo, phân loại mức độ nặng của sẹo và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp thay vì cứ loay hoay tự xoay sở với các phương pháp trị sẹo tại nhà.

Tài liệu tham khảo

  1. Layton AM, Henderson CA, Cunliffe WJ. “A clinical evaluation of acne scarring and its incidence”. Clin Exp Dermatol. 1994;19:303–8
  2. Goodman GJ. “Postacne scarring: a review of its pathophysiology and treatment”. Dermatol Surg. 2000;26:857–871
  3. Benjamin A. Minden-Birkenmaier et al .”Honey-Based Templates in Wound Healing and Tissue Engineering (nih.gov)”. Bioengineering (Basel). 2018 Jun; 5(2): 46
  4. Andrew Thamboo et al. “Objective and subjective scar aesthetics with topical Manuka honey post-thyroidectomy: A randomized control study”. World J Otorhinolaryngol Head Neck Surg. 2016 Dec; 2(4): 203–207
  5. Wiesława Bylka et al REVIEW ,“Centella asiatica in Dermatology: An Overview”. Phytother. Res. 2014 Aug;28(8):1117-24
  6. Wiesława Bylka et al.“Centella asiatica in cosmetology”. Postepy Dermatol Alergol. 2013 Feb;30(1):46-9
  7. Ishita Chattopadhyay et al. “Turmeric and curcumin: Biological actions and medicinal applications”. 2004
  8. Tuyet A Nguyen, Adam J Friedman. “Curcumin: a novel treatment for skin-related disorders”. J Drugs Dermatol.2013 Oct;12(10):1131-7
  9. Alexandra R Vaughn et al. “Effects of Turmeric (Curcuma longa) on Skin Health: A Systematic Review of the Clinical Evidence”. Phytother Res. 2016 Aug;30(8):1243-64
  10. Rebecca Dancer, Keira Barr, M.D., “Can Aloe Vera Heal Acne Scars? Here’s What The Research Says”. Mindbodygreen

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84