Trị sẹo rỗ tại nhà bằng nguyên liệu tự nhiên như mật ong, nghệ hay nha đam có thực sự hiệu quả như mọi người vẫn nghĩ? Sự thật là, các phương pháp này thường không mang lại kết quả như mong đợi và có thể khiến bạn lãng phí thời gian, công sức. Hãy để Bác sĩ Da liễu tại Doctor Acnes giải thích lý do vì sao những nguyên liệu tự nhiên không thể điều trị sẹo rỗ và khám phá các liệu pháp hiệu quả hơn!
Sẹo rỗ là gì?
Sẹo rỗ, hay còn gọi là sẹo lõm (atrophic scars), là những vết lõm xuất hiện sâu dưới da tạo ra những biến đổi trên bề mặt gây mất thẩm mỹ và thiếu tự tin cho những ai không may mắc phải. Sẹo rỗ hình thành khi da không thể tái tạo mô hoàn toàn để bù đắp cho việc đứt gãy các sợi collagen và elastin liên quan đến những tổn thương nặng ở vùng hạ bì.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sẹo rỗ, trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là sẹo do mụn trứng cá để lại. Có đến hơn 90% người bị mụn trứng cá sẽ mắc phải tình trạng sẹo sau mụn ở các mức độ khác nhau.
Tại sao trị sẹo rỗ tại nhà không hiệu quả?
Khi tìm kiếm “trị sẹo tại nhà” trên Google, hàng loạt bài viết với tiêu đề giật tít như “12 cách trị sẹo rỗ tại nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên” hay “8 cách tự làm mờ sẹo tại nhà”… xuất hiện.
Dù những bài viết này nhận được không ít sự quan tâm vì chi phí thấp và nguyên liệu dễ kiếm, những phương pháp này lại không thực sự mang lại kết quả trong điều trị vì một số lý do sau:
- Thiếu bằng chứng khoa học rõ ràng
Các công thức trị sẹo rỗ tại nhà như mật ong, nha đam hay rau má thường không có cơ sở khoa học chứng minh hiệu quả trong việc tái tạo mô da. Những nguyên liệu này chỉ hoạt động trên bề mặt da, có tác dụng tạm thời như dưỡng ẩm hoặc giảm viêm nhẹ mà không thể thâm nhập sâu đến lớp hạ bì, nơi sẹo rỗ thực sự hình thành do sự thiếu hụt collagen.
- Nguy cơ kích ứng da khi sử dụng sai cách
Một số nguyên liệu như chanh, nghệ hay nha đam có thể gây ra kích ứng nếu sử dụng không đúng cách hoặc trên da nhạy cảm. Ngoài ra, việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên không đúng cách có thể làm tổn thương hàng rào bảo vệ da và khiến da bị kích ứng.
- Không hiệu quả đặc biệt với các sẹo rỗ lâu năm
Với các vết sẹo nông hoặc mới xuất hiện, các nguyên liệu tự nhiên có thể hỗ trợ làm mềm da và giảm thâm nhẹ nhưng đối với sẹo lâu năm hoặc sẹo rỗ sâu, các phương pháp tại nhà này không thể tạo ra sự thay đổi rõ rệt.
Theo nhiều nghiên cứu, để cải thiện sẹo rỗ hiệu quả, cần sử dụng các liệu pháp chuyên sâu như laser, vi kim RF, bóc tách đáy sẹo, tiêm các yếu tố tăng trưởng hoặc chất làm đầy… nhằm kích thích tái tạo collagen và phục hồi mô da.
Hiệu quả trị sẹo của các nguyên liệu tự nhiên dựa trên bằng chứng khoa học
Hiệu quả của những nguyên liệu tự nhiên cũng như những công thức trị sẹo tại nhà sẽ được Doctor Acnes giải mã dựa trên y học chứng cứ ngay sau đây:
Trị sẹo bằng mật ong
Mật ong là một sản phẩm tự nhiên được tạo ra từ nhiều loại ong khác nhau trên thế giới. Thành phần chính của mật ong bao gồm đường và protein từ phấn hoa, ngoài ra còn chứa amino acid, khoáng chất và enzyme.
Nghiên cứu cho thấy rằng enzyme glucose oxydase trong hệ tiêu hóa của ong có khả năng phân hủy glucose thành gluconic acid và hydrogen peroxide, giúp mật ong có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.
Tuy nhiên, trong điều trị sẹo sau phẫu thuật, hiệu quả của mật ong vẫn chưa rõ ràng. Một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng tại Bệnh viện Đa khoa Vancouver (Anh) đã thử nghiệm trên những bệnh nhân sau phẫu thuật tuyến giáp với vết rạch dài 8cm để kiểm tra xem mật ong Manuka có giúp làm giảm sẹo và cải thiện thẩm mỹ hay không. Bệnh nhân được chia làm hai nhóm:
- Nhóm điều trị: sử dụng gel chứa 95% mật ong hoạt tính, bôi lên vết thương trong vòng 4 tuần sau phẫu thuật.
- Nhóm chứng: chỉ rửa nước và vệ sinh vết thương mà không dùng bất kỳ sản phẩm trị sẹo nào.
Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm trong việc giảm thiểu sẹo và thẩm mỹ sẹo sau 4 và 8 tuần, theo cả đánh giá từ bệnh nhân lẫn người quan sát.
Tóm lại, mặc dù mật ong có các đặc tính kháng viêm và hỗ trợ làm lành vết thương, nhưng chưa có bằng chứng lâm sàng rõ ràng về hiệu quả của mật ong trong điều trị sẹo, đặc biệt là sẹo rỗ.
Trị sẹo bằng rau má
Rau má, với tên khoa học là Centella asiatica, từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trong cả y học thẩm mỹ và y học cổ truyền nhờ khả năng thanh nhiệt, giải độc và làm lành vết thương. Trong da liễu, các hoạt chất chính của rau má như triterpene, asiaticoside, madecassoside, asiatic acid và madecassic acid được ứng dụng để hỗ trợ chữa lành và tái tạo da.
Một phân tích gộp đã thu thập dữ liệu từ nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy rau má có tác dụng trong điều trị vết thương, bệnh vẩy nến và xơ cứng bì.
Một phân tích khác tổng hợp từ các tài liệu khoa học trên PubMed cũng chỉ ra rằng rau má có khả năng thúc đẩy tăng sinh nguyên bào sợi, kích thích sản sinh collagen, tăng cường hàm lượng fibronectin trong tế bào, giúp cải thiện độ bền và cấu trúc của mô da mới.
Đặc biệt, các hợp chất trong rau má còn giúp ức chế phản ứng viêm trong các loại sẹo phì đại và sẹo lồi, đồng thời hỗ trợ làm lành các vết thương nhỏ và bỏng.
Mặc dù chưa có nhiều dữ liệu trực tiếp về hiệu quả của rau má trong điều trị sẹo rỗ nhưng với cơ chế kích thích tăng sinh collagen đã được chứng minh, rau má có thể hỗ trợ làm đầy sẹo lõm và cải thiện tình trạng da sần sùi ở một mức độ nhất định.
Trị sẹo bằng nha đam
Nhiều bài viết trên các trang mạng đã nêu bật vai trò tuyệt vời của nha đam trong làm đẹp, trong đó có cả phương pháp dùng nha đam để trị sẹo lõm. Tuy nhiên, theo các bằng chứng y học hiện hành, thật tiếc là chưa có nghiên cứu nào tìm ra được mối liên quan giữa nha đam và sẹo rỗ.
Tuy vậy, chớ vội buồn vì nha đam không trị được sẹo rỗ mà hãy tận dụng nha đam cho những vai trò quan trọng khác của nó như dưỡng ẩm da hay chế biến thành các món chè, nước uống giải khát.
Trị sẹo bằng nghệ tươi
Nghệ là một nguyên liệu quen thuộc với người châu Á, không chỉ phổ biến trong y học mà còn được dùng làm gia vị cho nhiều món ăn. Từ lâu, nghệ được truyền tai nhau như một “thần dược” trị sẹo, khiến không ít người sẵn sàng bôi lên mặt để cải thiện tình trạng sẹo rỗ. Nhưng liệu nghệ có thực sự trị được sẹo rỗ?
Thành phần chính của nghệ là curcumin, một hoạt chất đã được chứng minh có nhiều công dụng như chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, làm sáng da và trị bệnh vẩy nến. Trên lâm sàng, curcumin được sử dụng để kháng viêm sau phẫu thuật và hỗ trợ làm lành vết thương.
Tuy vậy, khi tra cứu trên các tài liệu khoa học uy tín như PubMed, Medscape… chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy nghệ có khả năng điều trị sẹo rỗ hoặc sẹo mụn trứng cá. Vì vậy, những ai đang cân nhắc dùng nghệ để trị sẹo rỗ thì nên xem xét lại tính hiệu quả của phương pháp này.
Phương pháp thay thế điều trị sẹo rỗ hiệu quả hơn
Mặc dù các nguyên liệu tự nhiên được ưa chuộng vì dễ thực hiện tại nhà, nhưng chúng không đủ tác dụng phục hồi sẹo rỗ sâu. Thay vào đó, các phương pháp chuyên sâu với công nghệ hiện đại dưới đây đã được chứng minh mang lại hiệu quả vượt trội hơn trong việc cải thiện bề mặt da sẹo:
- Vi kim RF (radio frequency): kết hợp giữa việc lăn kim và sóng RF để tạo ra các vi tổn thương và kích thích sản xuất collagen dưới da. Phương pháp này giúp cải thiện kết cấu da và làm đầy sẹo rỗ.
- Lăn kim: sử dụng các kim nhỏ để tạo ra vi tổn thương trên da, kích thích sản xuất collagen và elastin, giúp làm mờ sẹo rỗ.
- Laser fractional: sử dụng tia laser để tạo ra những vi tổn thương nhỏ trên bề mặt da, kích thích quá trình tái tạo collagen và làm mờ sẹo rỗ. Quy trình này yêu cầu Bác sĩ có kinh nghiệm và kiến thức sâu về laser để điều chỉnh đúng tần số và năng lượng, tránh các biến chứng không mong muốn.
- Bóc tách đáy sẹo: là một phương pháp xâm lấn, sử dụng kim để cắt đứt các sợi xơ sẹo dưới da, giúp da nâng lên và làm đầy các vết sẹo rỗ, thường được áp dụng cho các loại sẹo rỗ sâu, rộng. Tuy nhiên, bóc tách đáy sẹo cần được thực hiện bởi Bác sĩ có tay nghề cao để đảm bảo độ sâu và vị trí chính xác, tránh để lại sẹo mới hoặc nhiễm trùng.
- Cross TCA: là kỹ thuật sử dụng trichloroacetic acid để tạo vi tổn thương trong các hố sẹo rỗ, kích thích sản xuất collagen và làm đầy sẹo.
- Tiêm meso: là kỹ thuật tiêm trực tiếp các hoạt chất vào lớp trung bì của da để cải thiện sẹo rỗ. Các hoạt chất này bao gồm yếu tố tăng trưởng, hyaluronic acid và các vitamin, giúp kích thích sản xuất collagen và elastin.
- Peel da: là phương pháp sử dụng các loại acid hóa học để tẩy bỏ lớp da chết, kích thích quá trình tái tạo da mới, làm mờ sẹo rỗ. Có nhiều loại peel da khác nhau, từ nhẹ đến sâu, tùy thuộc vào tình trạng da và loại sẹo rỗ.
Tóm lại, sẹo rỗ là một tình trạng thẩm mỹ khó điều trị và các phương pháp tại nhà bằng nguyên liệu tự nhiên thường không mang lại hiệu quả rõ rệt. Thay vì lãng phí thời gian, hãy đến các Phòng khám chuyên khoa Da liễu để được Bác sĩ đánh giá và lên liệu trình điều trị chuyên sâu phù hợp cho từng loại sẹo. Liên hệ Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 ngay hôm nay để được tư vấn và cải thiện làn da một cách hiệu quả nhất!
Tài liệu tham khảo
- Layton AM, Henderson CA, Cunliffe WJ. “A clinical evaluation of acne scarring and its incidence“. Clin Exp Dermatol. 1994 Jul;19(4):303-8. doi: 10.1111/j.1365-2230.1994.tb01200.x
- Goodman, Greg J. “Postacne scarring: a review of its pathophysiology and treatment“. Dermatologic surgery. 26.9 (2000): 857-871
- Minden-Birkenmaier BA, Bowlin GL. “Honey-Based Templates in Wound Healing and Tissue Engineering“. Bioengineering (Basel). 2018 Jun 14;5(2):46. doi: 10.3390/bioengineering5020046
- Thamboo, Andrew, et al. “Objective and subjective scar aesthetics with topical Manuka honey post-thyroidectomy: a randomized control study“. World Journal of Otorhinolaryngology-Head and Neck Surgery. 2.04 (2016): 203-207
- Bylka W, Znajdek-Awiżeń P, et al. “Centella asiatica in dermatology: an overview“. Phytother Res. 2014 Aug;28(8):1117-24. doi: 10.1002/ptr.5110
- Bylka W, Znajdek-Awiżeń P, et al. “Centella asiatica in cosmetology“. Postepy Dermatol Alergol. 2013 Feb;30(1):46-9. doi: 10.5114/pdia.2013.33378
- Chattopadhyay, Ishita, et al. “Turmeric and curcumin: Biological actions and medicinal applications“. Current science. (2004): 44-53
- Nguyen TA, Friedman AJ. “Curcumin: a novel treatment for skin-related disorders“. J Drugs Dermatol. 2013 Oct;12(10):1131-7
- Vaughn AR, Branum A, Sivamani RK. “Effects of Turmeric (Curcuma longa) on Skin Health: A Systematic Review of the Clinical Evidence“. Phytother Res. 2016 Aug;30(8):1243-64. doi: 10.1002/ptr.5640