Bác sĩ Da liễu nói về vai trò của peel da trong điều trị sẹo rỗ

Ngày 15/10/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Peel da là một trong những quy trình thẩm mỹ phổ biến nhất trong nhiều thập kỷ qua. Thông thường khi nói đến peel da người ta nghĩ ngay đến vai trò của peel trong trị mụn mà ít khi biết rằng peel da còn được dùng để điều trị các các vấn đề thứ phát của mụn, bao gồm cả sẹo mụn (sẹo rỗ). Vậy kỹ thuật peel, tác nhân và nồng độ peel da trị sẹo rỗ có gì đặc biệt so với peel da trị mụn? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Peel da là gì?

Peel da là quy trình tái tạo bề mặt được thực hiện bằng cách bôi các tác nhân acid hữu cơ lên da, tạo ra các tổn thương bề mặt một cách có kiểm soát; từ đó kích thích quá trình lành thương để hình thành bề mặt da mới thông qua cơ chế tăng sinh collagen.

Peel da bằng TCA có an toàn không - Doctor Acnes
Peel da trong điều trị mụn và sẹo mụn tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes

Peel được sử dụng phổ biến để:

  • Trẻ hóa làn da
  • Điều trị mụn
  • Điều trị sẹo mụn, sẹo rỗ
  • Làm đều màu da

Phân loại peel da

Peel da bằng các acid hữu cơ được phân thành 3 mức độ: nông, trung bình và sâu tùy theo độ sâu của tổn thương.

  • Peel nông: bao gồm các tác nhân là acid salicylic, acid glycolic, acid lactic, dung dịch Jessner và acid trichloroacetic ở nồng độ thấp 10-25%. Do chỉ tác động đến lớp thượng bì, đối với sẹo rỗ, peel nông chỉ cải thiện vẻ ngoài của các vết sẹo rất nông nên ít khi sử dụng đơn độc mà thường kết hợp với các phương pháp khác như lăn kim. Peel nông thường được sử dụng phổ biến hơn trong điều trị mụn và các vết thâm sau mụn.
  • Peel trung bình: thường sử dụng phối hợp dung dịch Jessner với acid trichloroacetic 35-50%. Peel trung bình tạo ra các thương tổn đến lớp trung bì nông với thời gian hồi phục thường vào khoảng 7-10 ngày. Trong điều trị sẹo rỗ, peel trung bình kết hợp dung dịch Jessner và acid trichloroacetic được áp dụng cho trường hợp sẹo đáy tròn và sẹo đáy vuông nông.
  • Peel sâu: sử dụng phenol là tác nhân peel với độ sâu của tổn thương vào tận lớp trung bì sâu. Peel da với phenol có nguy cơ hấp thu vào tuần hoàn cơ thể gây độc tính trên tim nên hiện ít được các Bác sĩ Da liễu lựa chọn.

Các tác nhân sử dụng trong peel da điều trị sẹo mụn (sẹo rỗ)

Acid salicylic: là tác nhân peel được sử dụng rất phổ biến trong điều trị mụn và cả trong điều trị sẹo rỗ. Acid salicylic là một beta-hydroxy acid với đặc tính ly giải keratin, kháng viêm, giảm nhờn. Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả điều trị sẹo tối ưu của acid salicylic là ở nồng độ 30%, thực hiện 3-5 lần, mỗi lần cách nhau 3-4 tuần. Tác dụng phụ tăng sắc tố sau viêm của acid salicylic thường ít khi xảy ra do đó tác nhân peel này cũng được sử dụng cho tác dụng làm sáng da.

Acid glycolic: tác nhân peel này là một alpha-hydroxy acid có nguồn gốc từ các loại trái cây. Acid glycolic khi được sử dụng làm tác nhân peel sẽ giúp làm mỏng lớp sừng, kích thích sự ly giải lớp sừng và làm giảm melanin ở lớp đáy. Acid glycolic cũng giúp tăng sinh hyaluronic acid và collagen. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sử dụng acid glycolic với nồng độ cao và thời gian lưu lại trên bề mặt da lâu thì tác dụng gây tổn thương bề mặt sẽ nhiều hơn. Trong điều trị sẹo, có thể sử dụng acid glycolic với nồng độ lên đến 70%, thực hiện 5 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 2 tuần.

Các tác nhân sử dụng trong peel da điều trị sẹo mụn (sẹo rỗ) - Doctor Acnes
Các tác nhân thường được sử dụng trong phương pháp peel da điều trị sẹo mụn (sẹo rỗ)

Acid pyruvic: là một alpha-ketoacid. Acid pyruvic mang lại hiệu quả ly giải keratin, kháng khuẩn, giảm sản xuất bã nhờn đồng thời kích thích sự tăng sinh collagen và các sợi đàn hồi cho da. Acid pyruvic 40 – 70% có thể được sử dụng để điều trị sẹo mức độ trung bình. So với các tác nhân peel khác, acid pyruvic gây nhiều tác dụng phụ hơn bao gồm cảm giác châm chích, nóng rát tại nơi thực hiện peel. Ngoài ra, hít phải acid pyruvic trong quá trình điều trị cũng gây kích ứng, châm chích đường hô hấp trên; do đó, phòng điều trị cần phải hết sức thông thoáng trong suốt quá trình điều trị.

Acid trichloroacetic (TCA): được sử dụng làm tác nhân peel đầu tiên bởi Bác sĩ Da liễu người Đức P.G.Unna vào năm 1882. TCA gây biến tính protein làm đông vón ketatin tạo nên lớp màng trắng khi thực hiện peel. Mức độ xâm nhập gây tổn thương mô của TCA phụ thuộc vào nồng độ TCA sử dụng. TCA nồng độ 10 – 20% chỉ có tác động đến lớp tế bào hạt ở lớp thượng bì nên chỉ mang lại hiệu quả peel bề mặt. TCA nồng độ 25 – 35% tác động đến toàn bộ lớp thượng bì nên có tác dụng mạnh hơn. TCA nồng độ 40 – 50% tác động đến lớp trung bì nông và nồng độ cao hơn 50% sẽ tác động đến lớp trung bì sâu. 

Sử dụng TCA ở nồng độ cao hơn 35% khi peel có nguy cơ tạo nên các sẹo mới, do đó, hiện tại các Bác sĩ Da liễu ít lựa chọn TCA nồng độ cao hơn 35% làm tác nhân peel diện rộng. TCA nồng độ cao có ưu thế hơn trên điều trị các tổn thương riêng lẻ ví dụ như sẹo đáy nhọn bằng phương pháp CROSS. Việc sử dụng TCA cũng cần thận trọng ở những người có làn da sậm màu do nguy cơ tăng sắc tố.

>>>Xem thêm: Hiệu quả và an toàn của CROSS TCA trong điều trị sẹo chân đá nhọn

Dung dịch Jessner: là tác nhân peel bề mặt được sáng chế bởi Bác sĩ Max Jessner. Dung dịch Jessner là sự kết hợp của acid salicylic, resorcinol và acid lactic trong ethanol 95%. Resorcinol có cấu trúc và tính chất hóa học tương tự như phenol. Resorcinol phá vỡ các liên kết hydro yếu của keratin giúp các acid có trong dung dịch thấm vào da tốt hơn. Acid lactic là một alpha-hydroxy acid giúp làm bong lớp sừng trên bề mặt da. 

Trên thực tế, trong điều trị sẹo, có thể kết hợp dung dịch Jessner và TCA để mang lại hiệu quả cộng hợp. Một nghiên cứu đã sử dụng 2 tác nhân peel gồm dung dịch Jessner và TCA 35% để điều trị sẹo mụn dạng rỗ cho các bệnh nhân có làn da từ sáng màu đến đậm màu. Kết quả trên 15 bệnh nhân có quay lại tái khám ít nhất 1 lần cho thấy:  1 bệnh nhân sạch > 75% tổn thương sẹo rỗ, 8 bệnh nhân cải thiện sẹo mụn ở mức trung bình (51 – 75% tổn thương sẹo biến mất), 4 bệnh nhân cải thiện ít (26 – 50% tổn thương sẹo không còn), 1 bệnh nhân cải thiện rất ít (1 – 25%) và 1 bệnh nhân không thấy cải thiện. Tăng sắc tố sau viêm xuất hiện ở 9 bệnh nhân nhưng biến mất trong vòng 3 tháng. 

Xem thêm các bài viết liên quan

Các lưu ý khi điều trị sẹo mụn (sẹo rỗ) bằng phương pháp peel da

Mặc dù peel da là phương pháp tái tạo bề mặt tương đối an toàn, vẫn có những trường hợp chống chỉ định với peel da bao gồm:

  • Đang nhiễm vi khuẩn, virus, nấm hay herpes.
  • Đang có vết thương hở.
  • Có tiền sử vẩy nến, viêm da dị ứng.
  • Đối với peel trung bình và sâu, không thực hiện ở bệnh nhân đã sử dụng isotretinoin trong vòng 12 tháng trước đó.

Nếu bệnh nhân đã từng bị herpes nhưng hiện không có herpes đang hoạt động và cần thực hiện kỹ thuât peel, cần được chỉ định uống acyclovir 400mg 2 ngày trước liệu trình và tiếp tục uống đến 5 ngày sau khi thực hiện peel để đề phòng nhiễm herpes tái phát.

Sau khi thực hiện peel da, bệnh nhân cần chăm sóc da theo đúng hướng dẫn bao gồm bôi kem chống nắng và tránh nắng kỹ càng để giảm nguy cơ tăng sắc tố khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Việc sử dụng các kem dưỡng ẩm có chứa các yếu tố tăng trưởng EGF sau peel cũng giúp hiệu quả cải thiện sẹo rỗ được tốt hơn.

Hiệu quả trị sẹo Doctor Acnes 3
Ca lâm sàng điều trị sẹo rỗ thành công tại Doctor Acnes

Bảng giá dịch vụ peel da điều trị sẹo rỗ tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp ✅ Giá ✅ Giá HSSV
⭐Peel trị sẹo rỗ – trẻ hóa – sáng da TCA
1.100.000 1.000.000

Tóm lại, peel da là phương pháp tái tạo bề mặt hiệu quả cho các trường hợp sẹo mụn bao gồm sẹo thâm, sẹo rỗ dạng sẹo đáy vuông và sẹo đáy tròn nông. Điều trị sẹo mụn bằng phương pháp peel da cần được chỉ định bởi Bác sĩ Da liễu để lựa chọn đúng tác nhân và nồng độ peel, thời gian thực hiện và số lần peel để đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn đồng thời giảm thiểu nguy cơ xảy ra tác dụng ngoại ý.

Tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes, với đội ngũ Bác sĩ chuyên khoa Da liễu trực tiếp khám và điều trị cho từng khách hàng, chúng tôi tự tin mang đến liệu trình điều trị sẹo mụn hiệu quả và an toàn theo chuẩn y khoa.

Tài liệu tham khảo

  1. “Chemical Peels”. Medscape 2017
  2. Fabbrocini G., Annunziata MC, D’Arco V., et al. “Acne scars: pathogenesis, classification and treatment”. Dermatol Res Pract. 2010;2010:893080
  3.  “Management of acne scars” – Uptodate 2021 

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84