Nếu như mụn dai dẳng có thể gây ảnh hưởng nhiều đến sự tự tin thì hậu quả do mụn để lại cũng nặng nề không kém. Điều may mắn là với sự phát triển của ngành thẩm mỹ da liễu, hiện nay đã xuất hiện nhiều công nghệ thẩm mỹ tiên tiến để điều trị thâm mụn hiệu quả và nhanh chóng hơn. Nội dung bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về cách trị thâm do mụn để lại.
Cơ chế hình thành thâm mụn
Thâm mụn là tình trạng tăng sắc tố sau viêm do mụn. Các loại mụn viêm thường để lại thâm mụn, bên cạnh đó những tổn thương do chạm – sờ – nắn không đúng cách tại vùng da bị mụn cũng khiến da bị thâm. Tăng sắc tố là kết quả của việc sản xuất quá nhiều melanin hoặc do sự phân tán sắc tố không đều thứ phát sau viêm sẽ gây ra những vết thâm sạm màu hơn da tổng thể.
Những thay đổi về sắc tố da sau mụn có xu hướng phổ biến hơn ở những người da sẫm màu, đặc biệt ở người châu Á. Hầu như tất cả những người bị mụn đều gặp phải tình trạng thâm mụn.
Thâm mụn tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng khiến cho vùng da bị mụn trở nên thâm sạm, sần sùi và mất thẩm mỹ.
Sự hình thành thâm mụn còn có sự tác động rất lớn của ánh sáng mặt trời, khiến cho vùng da bị viêm tăng sinh nhiều melanin. Vì vậy trong quá trình điều trị thâm mụn chúng ta luôn phải sử dụng các biện pháp chống nắng để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.
Tất cả các loại mụn khi được điều trị đúng cách sẽ giúp hạn chế tình trạng viêm gây ra thâm mụn, và sau đó cần áp dụng thêm một số phương pháp trị thâm mụn để hoàn thiện làn da. Các phương pháp này vừa giúp loại bỏ thâm mụn vừa giúp cho da mặt tổng thể được sáng đẹp hơn. Tham khảo các phương pháp trị thâm mụn hiện nay như đề cập dưới đây.
Những phương pháp trị thâm mụn đơn giản tại nhà
Trong một số trường hợp, tăng sắc tố có thể cải thiện mà không cần các điều trị chuyên sâu. Để làm mờ vết thâm mụn tại nhà, chúng ta có thể sử dụng những phương pháp sau đây.
Sử dụng dược mỹ phẩm có thành phần trị thâm mụn
Các mỹ phẩm chứa các thành phần hoạt chất trị thâm mụn có nhiều dạng như kem, serum, gel với ưu điểm như dễ sử dụng ở mọi lúc mọi nơi, có tác dụng hỗ trợ da mềm mịn và đều màu hơn với chi phí không quá cao.
Nên lựa chọn sản phẩm trị thâm rõ nguồn gốc.
Về thành phần, chúng được chia thành các nhóm như sau.
Các sản phẩm có retinoid
Retinoid hay còn gọi là dẫn xuất của vitamin A, đã được chứng minh lâm sàng, ngoài hiệu quả giúp tăng sinh collagen, kích thích hình thành tế bào da mới còn giúp làm giảm thâm nám, ức chế hình thành melanin rất hiệu quả. Thành phần này thường hiện diện trong các dòng dược mỹ phẩm hoặc thuốc bôi ngoài da với nồng độ như sau.
- Retinol 0.5%, 1%.
- Tretinoin 0.025%, 0.05%, 0.1% (đây là thuốc kê toa cần được chỉ định bởi Bác sĩ Da liễu).
Một số lưu ý khi sử dụng retinoid.
- Với một số làn da nhạy cảm, retinoid có thể gây kích ứng da. Vì vậy, nên bắt đầu với sản phẩm có nồng độ thấp trước, sử dụng 2 lần/tuần, sau đó mới tăng dần tần suất điều trị. Phụ nữ có thai hoặc chuẩn bị có thai, cần được tư vấn bởi Dược sĩ hoặc Bác sĩ trước khi dùng.
- Khi sử dụng retinoid, da có thể tăng nhạy cảm hơn dưới ánh nắng mặt trời, vì vậy nên sử dụng retinoid vào ban đêm và các biện pháp chống nắng như kem chống nắng, che chắn da vào ban ngày để có hiệu quả điều trị tốt nhất.
Các sản phẩm có vitamin C
Vitamin C có hiệu quả làm sáng da và tẩy tế bào chết nhờ tính acid nhẹ, giúp nhanh chóng thay đi lớp da cũ bị thâm mụn bằng lớp da mới sáng mịn hơn. Ngoài ra, vitamin C còn giúp tăng tính đàn hồi của da và chống lại các gốc tự do gây lão hóa da. Vitamin C dạng dùng ngoài da hay dạng uống đều có hiệu quả khi sử dụng đúng nồng độ hoặc hàm lượng phù hợp.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại mỹ phẩm chứa vitamin C ở dạng kem hoặc serum với nhiều nồng độ khác nhau. Nên lựa chọn các sản phẩm có nồng độ vitamin C ít nhất 10% để điều trị thâm mụn. Hàm lượng vitamin C thường cao hơn ở các loại serum so với kem dưỡng, tuy nhiên, kem dưỡng giúp sản phẩm lưu lại trên da lâu hơn, từ đó kéo dài hiệu quả điều trị.
Vì vậy cách tốt nhất là phối hợp cả hai loại serum vitamin C và kem dưỡng chứa vitamin C hoặc kem dưỡng bất kỳ để có hiệu quả điều trị tối ưu nhất.
Một số lưu ý khi sử dụng vitamin C:
- Vitamin C có thể gây kích ứng, đặc biệt ở da nhạy cảm, vì vậy nếu chưa sử dụng mỹ phẩm chứa vitamin C trước đây, nên bắt đầu trên 1 vùng da nhỏ, chờ 15 phút xem có phản ứng đặc biệt gì hay không trước khi sử dụng.
- Tương tự như retinoid, vitamin C có thể khiến da tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, vì vậy nên phối hợp các biện pháp chống nắng khi đi ra ngoài. Điểm khác biệt với retinoid là, vitamin C khi sử dụng đồng thời sẽ giúp tăng hiệu quả của kem chống nắng, vì vậy có thể sử dụng vitamin C vào ban ngày phối hợp kem chống nắng, hoặc chọn sản phẩm kem chống nắng có chứa vitamin C.
- Có thể kết hợp vitamin C dạng bôi cùng với dạng uống và/hoặc với retinoid trong quy trình dưỡng da hằng ngày.
Các sản phẩm có vitamin E
Vitamin E có hiệu quả chống các gốc oxy hóa, giúp da có khả năng đề kháng cao hơn với ánh nắng mặt trời hoặc bụi bẩn. Đặc biệt khi kết hợp với vitamin C sẽ làm tăng hiệu quả sáng da và mờ thâm, ngoài ra còn có hiệu quả chống lão hóa nhờ giúp tăng sinh collagen.
Vitamin E tan trong dầu, vì vậy lý tưởng nhất là phối hợp một loại kem dưỡng chứa vitamin E cùng với serum vitamin C trong các quy trình chăm sóc da. Một số loại mỹ phẩm có cả hai thành phần vitamin C và vitamin E cũng có thể là sự lựa chọn lý tưởng.
Sử dụng các nguyên liệu trị thâm mụn có nguồn gốc từ thiên nhiên
Ngoài các dược mỹ phẩm kể trên, có thể sử dụng các thành phần từ thiên nhiên giúp mờ vết thâm mụn. Ưu điểm các thành phần thiên nhiên là lành tính, tuy nhiên cần am hiểu cách điều chế mỹ phẩm thiên nhiên đúng cách để giữ nguyên hoạt chất điều trị và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Một số thành phần thiên nhiên thường được sử dụng có thể kể đến như là cám gạo, nước vo gạo, nghệ tươi, chanh tươi, sữa chua và mật ong. Về phương diện khoa học, việc sử dụng các sản phẩm này là có cơ sở vì nó có chứa các thành phần giúp giảm thâm và tăng sinh tế bào mới như.
Cám gạo hoặc nước vo gạo
Trong cám gạo hoặc nước vo gạo chứa nhiều vitamin nhóm B như B1 và B3, đây là các thành phần giúp sáng da mờ thâm rất tốt. Tuy nhiên cần thận trọng lựa chọn các loại cám gạo làm từ gạo sạch giúp hạn chế các thành phần bất lợi như chất bảo quản, chống mối mọt hoặc thuốc trừ sâu có thể gây hại cho da.
Nghệ
Nghệ từ lâu đã được biết là thành phần thiên nhiên rất tốt trong việc điều trị các tổn thương ngoài da, giúp tăng sinh tế bào mới và mau lành sẹo. Nghệ cũng là một chất sát khuẩn ngoài da rất tốt. Khi sử dụng nghệ tốt nhất là chọn các loại tinh bột nghệ tinh chế vì có thành phần hoạt tính ở nồng độ cao, mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn.
Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này có thể gây tình trạng da bị thấm màu vàng của nghệ gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Nếu thường xuyên cần gặp gỡ nhiều người thì đây có thể không phải là một lựa chọn phù hợp.
Sữa chua hoặc mật ong
Trong thành phần sữa chua có acid lactic, là một acid có vai trò sát khuẩn da, giúp bong tróc lớp da cũ thâm sạm để thay thế bằng lớp da mới mịn màng, tươi trẻ và sáng hơn. Mật ong cũng chứa các loại acid và enzyme có hiệu quả tương tự.
Tuy nhiên việc sử dụng các sản phẩm này có thể làm da nhạy cảm với ánh nắng và tăng kích ứng với các mỹ phẩm có thành phần như vitamin C hoặc retinoid. Vì vậy cần lưu ý chống nắng đầy đủ khi sử dụng và tránh sử dụng đồng thời các loại dược mỹ phẩm có khả năng gây kích ứng da.
Chanh tươi
Trong chanh tươi chứa nhiều vitamin C giúp làm sáng da, tuy nhiên acid citric có trong chanh là một chất lột nhẹ có thể gây ra tình trạng kích ứng da. Vì hiệu quả trị thâm tốt nhất khi nồng độ vitamin C ít nhất là 10%, do đó việc sử dụng chanh tươi có thể không đảm bảo được nồng độ vitamin C cần thiết để điều trị thâm mụn.
Theo đó, để bảo đảm an toàn khi trị thâm mụn bằng các loại mỹ phẩm hoặc các nguyên liệu thiên nhiên, cần lưu ý.
- Lựa chọn sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, chính hãng.
- Không mua mỹ phẩm giá rẻ trôi nổi, không xuất xứ hàng hóa, được bày bán tràn lan trên mạng.
- Tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu trước khi dùng các dược mỹ phẩm trị thâm mụn.
- Các sản phẩm được phân loại là thuốc kê toa cần được chỉ định bởi Bác sĩ Da liễu.
- Trong quá trình điều trị thâm mụn nên hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và sử dụng các biện pháp chống nắng như kem chống nắng có chỉ số chống nắng cao hoặc thuốc chống nắng để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.
Các công nghệ trị thâm mụn chuyên sâu tại cơ sở thẩm mỹ
Theo các nghiên cứu, vết thâm trung bình có thể mất 6 tháng để mờ đi, còn vết thâm nặng có thể mất đến cả năm mới cải thiện được phần nào. Đặc biệt, nhiều trường hợp vết thâm bám sâu trong biểu bì da, khó điều trị. Do đó điều trị tăng sắc tố sau viêm nên được bắt đầu sớm và phù hợp.
Phối hợp các công nghệ thẩm mỹ trị thâm mụn được xem là giải pháp “xóa sổ” thâm mụn đạt hiệu quả siêu tốc nhất hiện nay. Các phương pháp này có thể xử lý triệt để vết thâm mụn mới hình thành hay các vết thâm lâu năm nhất.
Các công nghệ thẩm mỹ để điều trị thâm mụn được thực hiện tại các Phòng khám Da liễu và bệnh viện thẩm mỹ hiện nay có thể kể đến như sau, mà trong đó tùy vào nhu cầu, tình trạng da và mức tài chính, mỗi bệnh nhân sẽ được chỉ định phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Điều trị thâm mụn bằng điện di vitamin C
Vitamin C ức chế hoạt động của enzyme tyrosinase, là enzyme chính chịu trách nhiệm chuyển tyrosine thành melanin, do đó làm giảm sự hình thành melanin nên rất hiệu quả với các tình trạng sạm da và thâm sau mụn.
Giải pháp xóa thâm mụn bằng điện di tinh chất vitamin C đang được áp dụng rộng rãi hiện nay. Điện di vitamin C là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay giúp đưa vitamin C vào sâu trong da hơn hẳn các phương pháp bôi thông thường và uống. Có thể nói đây là phương pháp đạt hiệu quả cao trong việc ức chế melanin với chi phí chấp nhận được.
Điều trị thâm mụn bằng phương pháp thay da sinh học (peel da)
Peel da là một quy trình tái tạo bề mặt da bằng việc sử dụng hoạt tính tẩy tế bào chết của các tác nhân thường là các acid lành tính. Peel bề mặt được sử dụng phổ biến nhất cho các rối loạn da nhẹ như mụn trứng cá, tăng sắc tố sau viêm và nám.
Peel da giúp cơ thể tái tạo nên các tế bào mới thay thế cho các tế bào cũ, giúp giảm sắc tố melanin trên da, đem đến một làn da mịn màng, trắng sáng và trẻ hóa sau khi lớp da chết mất đi. Một số tác nhân peel còn có tác dụng làm trắng da thông qua cơ chế ức chế trực tiếp enzyme tyrosinase, là enzyme chính chịu trách nhiệm chuyển tyrosine thành melanin như acid lactic, acid kojic (KA), acid azelaic.
Peel da cũng giúp giảm sản xuất bã nhờn và kích thước lỗ chân lông. Đồng thời, peel da còn thúc đẩy sự thâm nhập và hấp thụ của các liệu pháp điều trị tại chỗ khác nhờ làm giảm rào cản của lớp sừng. Peel da từ trung bình đến sâu còn kích thích tăng sinh collagen, cho làn da căng bóng.
Tất cả những đặc tính này giúp peel da trở thành phương pháp điều trị tăng sắc tố sau viêm phổ biến. Tuy nhiên cần lưu ý lựa chọn tác nhân peel, nồng độ, thời gian và số lần thực hiện phù hợp, tránh xảy ra biến chứng sau peel. Tốt nhất, phương pháp peel da trị thâm mụn nên được thực hiện tại các cơ sở y tế được cấp phép theo chỉ định của Bác sĩ Da liễu.
Điều trị thâm mụn bằng các liệu pháp ánh sáng
IPL
Trong điều trị sắc tố da, IPL sử dụng chùm ánh sáng xung cường độ mạnh phân tán sâu vào da giúp da trở nên đều màu và trắng sáng, giảm nám, tàn nhang và các sắc tố không mong muốn ở lớp nông bề mặt da. IPL còn giúp trẻ hóa da, làm mờ nếp nhăn và thu nhỏ chân lông to vì collagen trong da hấp thu năng lượng từ IPL và được kích thích tái tạo.
Ưu điểm của phương pháp IPL là không xâm lấn, không gây bỏng rát và thích hợp với mọi thể trạng da như da khô, da dầu, da nhạy cảm. Chi phí điều trị với IPL cũng không quá đắt đỏ như các phương pháp điều trị bằng laser.
Laser không xâm lấn
Laser không xâm lấn, ví dụ Nd:YAG 1064nm có khả năng giảm hồng ban hay sắc tố hình thành sau mụn và cả nguy cơ hình thành mụn mới với chức năng điều chỉnh độ rộng xung. Đích đến của laser Nd:YAG là melanin, nó làm vỡ các phân tử melanin bởi nhiệt lượng, cùng khả năng xuyên sâu đến lớp bì khiến hệ thống ánh sáng này trở thành một trong các liệu pháp điều trị tăng sắc tố hiện đại và an toàn nhất nhì hiện nay.
>>> Xem thêm: Điều trị thâm mụn bằng laser tại Doctor Acnes
Lăn kim
Lăn kim là một kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn tối thiểu sử dụng nhiều kim nhỏ siêu bén và vô trùng để chọc thủng lớp biểu bì của da, tạo ra các vết thương vi điểm có kiểm soát trên da. Quá trình gây ra vết thương và lành thương này có tác dụng làm trẻ hóa làn da bằng cách kích thích sản xuất collagen nội sinh, và giải phóng các yếu tố tăng trưởng.
Tất cả điều này thúc đẩy tái tạo lại lớp trung bì của da, mang lại hiệu quả làm mờ nếp nhăn, khắc phục các khiếm khuyết của da một cách an toàn như thâm do mụn, làm sáng da, đều màu da và trẻ hóa làn da.
Laser fractional (phân đoạn) bóc tách
Tương tự lăn kim, điều trị bằng laser fractional (phân đoạn) bóc tách dẫn đến sự hình thành các vùng vi nhiệt dọc microthermal zones (MTZ) trên da. MTZ là các vùng có độ sâu 1,5 mm, chiều rộng 100–400 μm và có 6.400 particle trên mỗi cm vuông, được phân tách bằng các vùng da khỏe mạnh, không bị xâm lấn với lớp biểu bì còn nguyên vẹn.
Quá trình lành vết thương sẽ kích thích sản xuất collagen tự thân, tái tạo các sợi collagen ở lớp trung bì và tăng sinh tế bào da mới. Kết quả thu được của quá trình này là giảm nếp nhăn và trẻ hóa da, thu nhỏ kích thước lỗ chân lông, đồng thời khắc phục các khiếm khuyết của da như làm mờ vết thâm do mụn, làm sáng da và đều màu da.
Xem thêm các bài viết liên quan
Nên trị thâm mụn tại nhà hay tới các cơ sở thẩm mỹ?
Trị thâm mụn ở các cơ sở thẩm mỹ hay tại nhà là băn khoăn của không ít chị em khi gặp tình trạng thâm sau mụn. Trên thực tế, giải pháp công nghệ luôn được các chuyên gia da liễu khuyên dùng bởi sự an toàn và hiệu quả nhanh chóng.
Hạn chế của các cách trị mụn thâm tại nhà
Theo đánh giá của các chuyên gia, các cách trị thâm mụn tự nhiên tại nhà chỉ có tác dụng hỗ trợ làm sáng da chứ không thể loại bỏ triệt để tình trạng này. Đặc biệt, việc áp dụng phương pháp tại nhà không phải là cách trị thâm mụn nhanh, có thể nhìn thấy kết quả ngay lập tức như các công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, điều trị thâm mụn tại nhà còn có nhiều hạn chế khác như.
- Tốn nhiều thời gian, công sức.
- Hiệu quả chậm, chỉ có tác dụng hỗ trợ làm sáng da.
- Có thể tiềm ẩn nguy cơ gây kích ứng da, dị ứng.
- Có thể khiến tình trạng thâm sạm nặng hơn nếu áp dụng sai cách.
- Đòi hỏi tính kiên trì cao, hiệu quả còn phụ thuộc cơ địa mỗi người.
Ưu điểm vượt trội của công nghệ trị thâm mụn tại cơ sở thẩm mỹ
Tính đến thời điểm hiện nay, giải pháp công nghệ thẩm mỹ luôn là lựa chọn hoàn hảo để loại bỏ các vết thâm, sẹo do mụn để lại. Không chỉ khắc phục được triệt để các khuyết điểm của phương pháp tự nhiên, trị thâm mụn bằng công nghệ cao còn sở hữu những ưu điểm vượt trội khác như.
- An toàn cao, điều trị nhanh, giảm thiểu tái phát.
- Rút ngắn thời gian điều trị, hiệu quả tối ưu.
- Kích thích da phục hồi tự nhiên, khỏe mạnh và mịn màng hơn.
- “Xóa sổ” triệt để các vết thâm mụn, hỗ trợ mờ nám, tàn nhang.
Nhờ sở hữu các liệu trình điều trị thâm mụn hiệu quả nhất hiện nay kết hợp giữa công nghệ thẩm mỹ hiện đại và dược mỹ phẩm uy tín chuẩn châu Âu/Hoa Kỳ, Phòng khám Doctor Acnes là một trong những địa chỉ làm đẹp uy tín được nhiều người chọn lựa. 100% bệnh nhân sẽ được thăm khám bởi các Bác sĩ Da liễu để lựa chọn liệu trình điều trị thích hợp nhất tùy vào tình trạng da và nhu cầu điều trị, giúp khắc phục nhanh các vết thâm sau mụn, kể cả các vết thâm lâu năm.
Tài liệu tham khảo
- Elbuluk N, Grimes P, Chien A, et al. “The Pathogenesis and Management of Acne-Induced Post-inflammatory Hyperpigmentation“. Am J Clin Dermatol. 2021;22(6):829-836. doi:10.1007/s40257-021-00633-4
- Mathew ML, Karthik R, Mallikarjun M, Bhute S, Varghese A. “Intense Pulsed Light Therapy for Acne-induced Post-inflammatory Erythema“. Indian Dermatol Online J. 2018 May-Jun;9(3):159-164. doi: 10.4103/idoj.IDOJ_306_17. PMID: 29854634; PMCID: PMC5956861
- Godse K, Sakhia J. “Triple combination and glycolic peels in post-acne hyperpigmentation“. J Cutan Aesthet Surg. 2012;5(1):60-61. doi:10.4103/0974-2077.94335
- Amiri, R., Khalili, M., Mohammadi, S., Iranmanesh, B., & Aflatoonian, M. (2022). “Treatment protocols and efficacy of light and laser treatments in post-acne erythema“. Journal of cosmetic dermatology, 21(2), 648–656 https://doi.org/10.1111/jocd.14729