Điện di vitamin C: nguyên lý hoạt động và lợi ích cho làn da

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 05/10/2020

Vitamin C là chất chống oxy hóa quan trọng nhất cho làn da nhưng con người không thể tự tổng hợp được do không có enzyme L-glucono-gamma lactone oxyase như thực vật và một số động vật. Nếu chúng ta bổ sung vitamin C liều cao bằng đường uống, chỉ một phần nhỏ vitamin C sẽ phát huy hiệu quả tại da.

Do đó, da cần được bổ sung vitamin C từ bên ngoài qua các loại dược mỹ phẩm và mỹ phẩm. Tuy nhiên, hiệu quả của vitamin C khi bôi trực tiếp trên da phụ thuộc rất nhiều yếu tố như tình trạng da, nồng độ vitamin C, dạng bào chế của dược mỹ phẩm.

Dược mỹ phẩm chứa vitamin C hầu hết chỉ hoạt động trên bề mặt da và rất khó thấm sâu vào đến lớp hạ bì, nơi mà vitamin C sẽ phát huy tác dụng của nó. Vì vậy phương pháp điện di vitamin C đã ra đời giúp đưa vitamin C vào sâu trong da hơn để phát huy hiệu quả của vitamin C một cách tối ưu nhất ngay tại da. 

Các loại vitamin C có mặt trên thị trường

Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh. Các yếu tố môi trường, như bức xạ từ mặt trời, ô nhiễm và thuốc lá làm tăng tốc độ tổn thương da thông qua stress oxy hóa. Vitamin C hiện diện như một chất chống oxy hóa mạnh nhất trong da bằng cách vô hiệu hóa stress oxy hóa bởi một quá trình phản ứng hóa học với các gốc tự do từ môi trường. Ngoài ra, vitamin C rất cần thiết cho quá trình sinh tổng hợp collagen và được cho là có tác dụng chống lão hóa.

Có rất nhiều loại vitamin C trên thị trường. Trong số đó, acid L-ascorbic là chất có hoạt tính sinh học cao nhất và được nghiên cứu nhiều nhất. Acid L-ascorbic là một chất ưa nước và là một phân tử tích điện do đó nó thấm kém vào da vì tính kỵ nước của lớp sừng. Acid L-ascorbic cũng là một chất không ổn định nên dễ dàng bị oxy hóa.

Việc giảm pH của acid L-ascorbic xuống dưới 3,5 là một phương pháp hiệu quả để cải thiện tính thấm và tính ổn định của nó vì khi đó acid L-ascorbic chuyển đổi sang dạng phân tử không tích điện. Một vài sản phẩm chứa acid L-ascorbic hiện có trên thị trường được bổ sung acid ferulic trong công thức để cả hai ổn định phân tử và đạt được độ pH của dược mỹ phẩm dưới 3,5.

Hai loại vitamin C phổ biến khác trên thị trường là ascorbyl 6-palmitate và magnesi ascorbyl phosphate (MAP). Không giống như acid L-ascorbic có đặc tính ưa nước và không ổn định, cả hai ascorbyl-6-palmitate và MAP là dạng ester hóa của vitamin C nên có đặc tính thân dầu và có thể ổn định ở mức pH trung tính.

Vài dạng vitamin C ổn định khác, được tạo thành nhờ ester hóa các dẫn xuất của vitamin C như disodium isostearyl 2-0 L-ascorbyl phosphate, ascobic acid sunfat và tetraisopalmitoyl acid ascobic. Các dẫn xuất này cho thấy sự ổn định và khả năng hấp thu tốt vào da, tuy nhiên chúng chưa chứng minh được sự chuyển hóa tốt thành L-ascorbic để phát huy hiệu quả trong da sau đó. Do đó việc sử dụng các dẫn xuất này không có hiệu quả hơn so với L-ascorbic thông thường.

Ngoài dạng phân tử, nồng độ vitamin C có trong dược mỹ phẩm cũng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, để một chế phẩm có hiệu quả sinh học, nó cần phải có nồng độ vitamin C cao hơn 8%. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ vitamin C trên 20% không tăng hiệu quả sinh học mà ngược lại còn có thể gây ra sự kích ứng da. Vì vậy, các sản phẩm vitamin C uy tín có sẵn trên thị trường ngày nay có nồng độ từ 10 – 20%.

Cơ chế tác động và ứng dụng lâm sàng của vitamin C

Bảo vệ da chống lại tác hại do ánh sáng mặt trời

Dưới ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời, acid transurocanic hiện diện trong da sẽ tương tác với tia UV tạo thành oxy nguyên tử. Điều này sẽ gây ra một loạt các phản ứng dẫn đến sự hình thành các gốc tự do. Các gốc tự do này có độc tính cao, sẽ tấn công các tế bào da, acid nucleic và protein trong da.

Phản ứng oxy hóa xúc tác bởi tia UV cũng làm suy giảm collagen hiện có và giảm sản xuất collagen mới. Điều này dẫn đến đến các biểu hiện lâm sàng như là tăng sắc tố da, suy giảm kết cấu da, hình thành nếp nhăn sâu và giảm sự đàn hồi của da. 

Một số báo cáo đã cho thấy nồng độ vitamin C thấp hơn ở da người lớn tuổi hoặc da tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc quá nhiều với stress oxy hóa gây ra bởi các chất ô nhiễm hoặc tia UV có liên quan đến việc vitamin C bị suy giảm trong lớp biểu bì. Thông thường, lượng vitamin C được tìm thấy trong lớp hạ bì cao gấp 2 đến 5 lần so với lớp biểu bì. Điều này có thể giải thích do các tế bào biểu bì bên ngoài tiếp xúc lâu dài với môi trường gây giảm nồng độ vitamin C.

Kem chống nắng chỉ có hiệu quả một phần trong việc ngăn chặn các gốc tự do gây ra bởi tia UV. Do đó, việc bổ sung vitamin C cho da, đặc biệt cho lớp biểu bì là hết sức cần thiết để ngăn chặn sự oxi hoá gây bởi các gốc tự do này.

Cần lưu ý rằng, so với dạng bôi, tác dụng chống lại tác hại do ánh sáng mặt trời với vitamin C đường uống vẫn còn gây tranh cãi.

Bảo vệ cơ thể khỏi ung thư da

Các đột biến DNA xuất hiện khi phơi nhiễm với tia UV góp phần vào việc gây ung thư da. Ngoài ra, hoạt động của gốc tự do gây ra bởi tia UV ngăn cản sự sửa chữa các DNA đột biến và ức chế sự chết tế bào theo chương trình.

Trong một nghiên cứu, sử dụng 10% vitamin C tại chỗ đã được chứng minh là làm giảm 52% ban đỏ do tia UVB gây ra và giảm sự hình thành tế bào cháy nắng từ 40% – 60%. Trong các nghiên cứu lâm sàng khác, vitamin C đã được chứng minh là giảm các tổn thương tiền ung thư gây ra bởi tia UV và do đó có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư da.

Tác dụng chống lão hóa

Vitamin C rất cần thiết cho quá trình sinh tổng hợp collagen và được cho là có tác dụng chống lão hóa. Tác dụng quan trọng nhất của vitamin C ở chỗ nó tăng cường hoạt động các enzyme prolyl và lysyl hydroxylase có vai trò trong liên kết chéo và ổn định sợi collagen.

Vitamin C cũng trực tiếp kích hoạt các yếu tố phiên mã và ổn định mRNA thông tin liên quan đến quá trình tổng hợp collagen loại I và III. Một nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng việc sử dụng vitamin C 3% bôi trên da hằng ngày trong thời gian bốn tháng cho thấy sự tăng đáng kể mật độ tế bào nhú trên da.

Ngoài ra, vitamin C cũng được chứng minh là kích thích sự tăng sinh collagen. Một nghiên cứu mù đôi, so sánh với giả dược trên 10 người sử dụng vitamin C 10% dạng bôi trong thời gian 12 tuần cho thấy một sự cải thiện đáng kể về sắc tố da và nếp nhăn so với giả dược. Một nghiên cứu mù đôi khác, đối chứng giả dược sử dụng vitamin C 5% tại chỗ cho 20 người trong khoảng thời gian 6 tháng cũng cho thấy sự cải thiện nếp nhăn hiện có và giảm xuất hiện nếp nhăn mới.

Tác dụng chống nám

Vitamin C cũng đóng vai trò là chất chống nám quan trọng. Nó ức chế hoạt động của enzyme tyrosinase là enzyme chính chịu trách nhiệm chuyển tyrosine thành melanin, do đó làm giảm sự hình thành melanin. Một nghiên cứu lâm sàng đánh giá hiệu quả của dược mỹ phẩm chứa vitamin C 25% cùng với một chất hỗ trợ thẩm thấu đã cho thấy sự giảm sắc tố da đáng kể sau 16 tuần.

Tuy nhiên, mặc dù vitamin C đã được chứng minh là có tác dụng ức chế quá trình hình thành melanin, tác dụng lâm sàng của nó có thể không hiệu quả như các sản phẩm đặc trị khác có chứa hydroquinone bởi vì nó không có khả năng tiêu diệt vết nám đã hình thành. Tuy nhiên, vitamin C được đánh giá là hoàn toàn phù hợp với các tình trạng sạm da và thâm sau mụn.

Hiệu quả cộng hợp khi sử dụng cùng vitamin E

Ngoài tác dụng chống lão hóa và bảo vệ tế bào, vitamin C cũng được biết đến là chất giúp tái tạo vitamin E khi dùng trên da. Vitamin E là một chất chống oxy hóa thân dầu và có vai trò chính trong việc bảo vệ màng tế bào chống lại stress oxy hóa và duy trì mạng lưới collagen trong da.

Tương tự như vitamin C, nồng độ của nó bị suy giảm nhanh chóng sau khi tiếp xúc với tia UV. Một số nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh tác dụng hỗ trợ của vitamin C và E trong bảo vệ tế bào khỏi tia UV, mang lại kết quả cao hơn sử dụng hai loại vitamin riêng lẻ.

Điện di vitamin C: nguyên lý hoạt động và lợi ích

Các nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả của các dạng phân tử khác nhau của vitamin C trong các dược mỹ phẩm vẫn còn hạn chế. Để đạt được hiệu quả tối ưu tại da, chúng ta cần có một công thức vitamin C ổn định, tìm ra phương pháp để đưa vitamin C vào da hiệu quả nhất và cuối cùng là tối đa hóa nồng độ vitamin C hoạt động (L-ascorbic) trong da.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng các phương pháp như sử dụng dạng bào chế nano, điện di, kỹ thuật tái tạo bề mặt da bằng laser và siêu mài mòn da có thể giúp tăng cường tính thấm của vitamin C vào da. Phương pháp cung cấp liều lượng lớn vitamin C qua đường uống và tiêm tĩnh mạch đã được đề cập nhưng hiệu quả của chúng trên da vẫn còn gây tranh cãi.

Điện di Vitamin C - Doctor Acnes
Điện di vitamin C tại Phòng khám Doctor Acnes

Phương pháp điện di vitamin C đã được nghiên cứu từ rất lâu để cải thiện sự hấp thu vitamin C vào da. Phương pháp này có thể khắc phục được rào cản thâm nhập của da và giúp vitamin C phát huy được hiệu quả tốt nhất tại da sau khi hấp thu. 

Phương pháp điện di hoạt động theo nguyên lý điện tích cùng dấu thì đẩy nhau, trái dấu thì hút nhau. Một dung dịch mà trong đó có chất hòa tan có thể phân ly thành các ion (gọi là dung dịch điện li), khi được đưa vào một điện cực và cho dòng điện một chiều chạy qua thì các ion cùng dấu với điện cực đó sẽ bị đẩy ra khỏi điện cực để đi vào cơ thể. Kỹ thuật điện di hay còn gọi là phương pháp điện chuyển ion. 

Chính vì nguyên lý hoạt động như vậy nên vitamin C có thể dùng trong kỹ thuật này phải là vitamin C dưới dạng L-ascorbic vì chất này có bản chất là một acid nên dễ dàng phân ly để tạo thành dạng ion hóa có thể sử dụng để điện di. Máy điện di là một thiết bị chuyên dùng tạo ra dòng điện một chiều giúp đẩy vitamin C dạng ion đi sâu vào trong da. Ion vitamin C sau khi hấp thu vào da có tỉ lệ chuyển hóa khoảng 97% thành L-ascorbic có hoạt tính, giúp tăng nồng độ vitamin C tại thượng bì và trung bì lên rất nhiều lần so với dạng bôi thông thường.

Điện di vitamin C chuẩn y khoa tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes có gì khác biệt?

Mặc dù nguyên lý hoạt động của kỹ thuật điện di đơn giản nhưng vẫn có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị cuối cùng. Tại Phòng khám Doctor Acnes, đội ngũ Bác sĩ và Dược sĩ của chúng tôi đã đánh giá tất cả yếu tố này để tối ưu hóa quy trình điện di vitamin C nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.

ca lâm sàng điều trị mụn và thâm mụn thành công tại Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn và thâm mụn thành công tại Doctor Acnes

Chuẩn bị da trước khi tiến hành điện di

Trước khi tiến hành điện di vitamin C, các Bác sĩ cần thăm khám để đánh giá tình trạng da. Thông thường da đang bị mụn cần được điều trị trước khi tiến hành điện di vitamin C. Tình trạng da mỏng hoặc da yếu cần được bổ sung các chất giúp da khỏe hơn trước khi thực hiện kỹ thuật này.

Sau khi Bác sĩ chỉ định điện di vitamin C, kỹ thuật viên sẽ tiến hành các bước làm sạch da để đảm bảo cho dưỡng chất được hấp thu tốt nhất. Tiếp theo, da sẽ được lau qua dung dịch toner để loại bỏ lớp dầu trên da, đưa pH của da về 5,5 và tiến hành điện di vitamin C với máy chuyên dụng.

Vitamin C được lựa chọn kỹ càng, đạt hiệu quả trên da tốt nhất

Vitamin C để sử dụng cho điện di phải là acid L-ascorbic. Vitamin C ở dạng này thường rất khó bảo quản và dễ dàng bị oxy hóa thành dạng bất hoạt, do đó một số sản phẩm vitamin C trên thị trường sẽ chứa thêm chất bảo quản không tốt cho da. Tại Phòng khám Doctor Acnes, chúng tôi sử dụng vitamin C tinh khiết, không chứa chất bảo quản và được đóng gói dạng ống đơn liều duy nhất, đây là dạng vitamin C hiệu quả nhất dùng trong kỹ thuật điện di.  

Nồng độ vitamin C cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả điện di. Chính vì vậy, chúng tôi lựa chọn vitamin C 20%, nồng độ đảm bảo hiệu quả và an toàn tối ưu.

Vitamin C phòng khám Doctor Acnes
Điện di tại Phòng khám Doctor Acnes sử dụng vitamin C tinh khiết, không chứa chất bảo quản và được đóng gói dạng ống đơn liều duy nhất

Máy sử dụng trong điện di

Máy sử dụng cho điện di bắt buộc phải có điện cực mới hiệu quả. Máy điện di sử dụng tại Phòng khám Doctor Acnes là máy điện di Smart Cool, thiết kế theo công nghệ mới nhất của Hàn Quốc, sử dụng điện cực dán vào da thay cho dạng điện cực cầm tay thông thường, giúp đảm bảo hiệu quả điện di mà vẫn mang lại cảm giác thuận tiện và dễ chịu nhất cho khách hàng.

Hiệu quả của máy điện di Smart Cool đã được Phòng khám nghiên cứu kỹ lưỡng và thử nghiệm rất nhiều lần trước khi quyết định đưa vào sử dụng. Đặc biệt máy luôn được vệ sinh kỹ càng bằng thuốc sát khuẩn Cavicide giúp diệt các vi khuẩn và virus gây bệnh (bao gồm HIV, viêm gan siêu vi B, C và các loại nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra, kể cả lao) trước và sau khi sử dụng để kiểm soát tuyệt đối việc lây nhiễm chéo giữa các khách hàng.

Liệu trình điện di vitamin C chuyên sâu

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả của Vitamin C thể hiện tốt nhất khi phối hợp với vitamin E và vitamin A. Tại Phòng khám Doctor Acnes, chúng tôi áp dụng các kiến thức y khoa vào liệu trình chuyên sâu.

Kỹ thuật điện di chuẩn y khoa

Tại Phòng khám Doctor Acnes, khách hàng sẽ được thực hiện điện di vitamin C bởi các kỹ thuật viên được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật chăm sóc da chuẩn Y khoa, kỹ thuật điện di chuyên sâu và kỹ thuật massage đúng cách, giúp khách hàng sẽ có được những khoảnh khắc chăm sóc da thoải mái, dễ chịu. 

Chi phí điện di Vitamin C tinh chất tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes

Tại Phòng khám Doctor Acnes, giá dịch vụ điện di vitamin C tại Phòng khám là 500.000 VNĐ cho một lần điều trị. Giá ưu đãi tương ứng cho học sinh sinh viên là 450.000 VNĐ.

Bảng giá dịch vụ điện di vitamin C tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp✅ Giá✅ Giá HSSV
⭐Điện di vitamin C tinh chất chuẩn CE500.000450.000

(*) Hiệu quả điều trị có thể khác nhau tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, nếu bạn có cơ địa tốt hiệu quả điều trị sẽ đạt cao hơn.

Bạn có thể tham khảo Bảng giá của Phòng khám Doctor Acnes chi tiết hơn tại đây.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Blume-Peytavi, U.; Kottner, J.; Sterry, W.; Hodin, M.W.; Griffiths, T.W.; Watson, R.E.; Hay, R.J.; Griffiths, C.E. “Age-associated skin conditions and diseases: Current perspectives and future options”. Gerontologist. 2016 Apr;56 Suppl 2:S230-42
  2. Park, K. “Role of micronutrients in skin health and function”. Biomol Ther. 2015 May; 23(3): 207–217
  3. Boelsma, E.; Van de Vijver, L.P.; Goldbohm, R.A.; Klopping-Ketelaars, I.A.; Hendriks, H.F.; Roza, L. “Humanskin condition and its associations with nutrient concentrations in serum and diet”. Am J Clin Nutr. 2003 Feb;77(2):348-55
  4. Fedeles, F.; Murphy, M.; Rothe, M.J.; Grant-Kels, J.M. “Nutrition and bullous skin diseases”. Clin. Dermatol. Nov-Dec 2010;28(6):627-43
  5. Sauberlich, H.E. “A History of Scurvy and Vitamin C”. Vitamin C in Health and Disease, 1st ed. Packer, L.,Fuchs, J., Eds. Marcel Dekker Inc. New York; 1997; pp. 1–24
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84