Trong kỳ kinh nguyệt có nên nặn mụn không? Sự thật bạn cần biết

Ngày 20/12/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Kỳ kinh nguyệt không chỉ mang lại cảm giác khó chịu mà còn khiến nhiều chị em đau đầu vì làn da nổi mụn không kiểm soát. Trước những nốt mụn sưng đỏ, việc nặn mụn có phải là giải pháp tốt? Hãy cùng Doctor Acnes khám phá sự thật qua bài viết dưới đây để biết nên hay không nên nặn mụn trong thời gian kinh nguyệt!

Tại sao phụ nữ thường bị mụn thời kỳ kinh nguyệt?

Phụ nữ thường gặp tình trạng mụn vào thời kỳ kinh nguyệt do sự thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt. Đây là hiện tượng rất phổ biến gây ra bởi các nguyên nhân sau:

  • Sự biến động của hormone

Trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ hormone trong cơ thể phụ nữ liên tục thay đổi, đặc biệt là estrogen và progesterone, cụ thể:

Giai đoạn sau rụng trứng (tuần thứ hai và ba của chu kỳ), nồng độ progesterone tăng cao, kích thích tuyến bã nhờn sản xuất dầu nhiều hơn, làm cho lỗ chân lông dễ bị tắc nghẽn. Vi khuẩn gây mụn C. acnes có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong môi trường dầu nhờn, dẫn đến viêm nhiễm và hình thành mụn.

Trước kỳ kinh nguyệt (tuần cuối cùng), cả hai hormone estrogen và progesterone đều giảm đột ngột, trong khi testosterone (một hormone nam giới có mặt với lượng nhỏ ở phụ nữ) không thay đổi nhiều, làm tăng tỷ lệ testosterone so với estrogen. Điều này có thể kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, gây ra mụn.

  • Tăng sản xuất bã nhờn

Khi tuyến bã nhờn tiết ra quá nhiều dầu, da có xu hướng trở nên bóng nhờn và dễ bị tắc nghẽn lỗ chân lông. Khi bã nhờn kết hợp với tế bào da chết, bụi bẩn và vi khuẩn, sẽ hình thành các nốt mụn viêm.

  • Phản ứng viêm nhiễm

Sự thay đổi hormone còn có thể kích hoạt phản ứng viêm trong da, làm tăng khả năng xuất hiện các nốt mụn viêm đỏ, đặc biệt là ở vùng cằm, hàm và hai bên má.

  • Yếu tố căng thẳng

Giai đoạn trước kỳ kinh nguyệt, nhiều phụ nữ cảm thấy căng thẳng hơn bình thường do sự biến đổi hormone. Căng thẳng kích thích tuyến thượng thận sản xuất cortisol – một hormone có thể kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, làm tăng nguy cơ bùng phát mụn.

tới tháng có nên nặn mụn không
Sự thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt có thể gây nên tình trạng mụn ở phụ nữ

Trong kỳ kinh nguyệt có nên nặn mụn không?

Không nên nặn mụn trong kỳ kinh nguyệt vì lúc này da thường nhạy cảm hơn bình thường, việc nặn mụn có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn. Dưới đây là những lý do cụ thể:

  • Da nhạy cảm hơn trong kỳ kinh nguyệt

Trong thời kỳ kinh nguyệt, làn da có xu hướng trở nên mỏng manh và nhạy cảm hơn do ảnh hưởng của sự biến động hormone. Việc nặn mụn trong giai đoạn này có thể khiến da dễ bị tổn thương, viêm nhiễm và kéo dài thời gian lành vết thương.

  • Tăng nguy cơ viêm nhiễm

Nặn mụn có thể làm tổn thương lớp biểu bì, tạo điều kiện cho vi khuẩn và bụi bẩn xâm nhập sâu hơn vào da. Điều này tăng nguy cơ viêm nhiễm và có thể dẫn đến các vấn đề như mụn bọc, mụn mủ hoặc thậm chí là sẹo rỗ và thâm.

  • Khả năng tự lành của mụn bị giảm sút

Hormone progesterone tăng cao trong thời kỳ kinh nguyệt kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, khiến da dễ bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, mụn do hormone thường tự lành khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc. Việc nặn mụn không chỉ làm chậm quá trình tự lành mà còn có thể khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.

  • Gây tổn thương mô da và để lại sẹo thâm

Da đang trong giai đoạn nhạy cảm có thể dễ dàng bị tổn thương mô sâu nếu nặn mụn không đúng cách. Điều này không chỉ làm mụn lâu lành mà còn dễ để lại sẹo thâm hoặc vết thâm kéo dài.

có nên nặn mụn trong kỳ kinh nguyệt
Không nên nặn mụn trong kỳ kinh nguyệt vì có thể làm trầm trọng hơn tình trạng mụn

Vậy nên làm gì khi bị mụn trong kỳ kinh nguyệt?

Để giảm thiểu nguy cơ nổi mụn và giữ cho làn da luôn tươi sáng, việc chăm sóc da đúng cách trong giai đoạn này là rất quan trọng. Dưới đây là những bước chăm sóc da hiệu quả giúp da khỏe đẹp ngay cả trong những ngày “đèn đỏ”:

  • Làm sạch da nhẹ nhàng nhưng kỹ lưỡng

Trong kỳ kinh nguyệt, da tiết nhiều dầu hơn, dễ dẫn đến bít tắc lỗ chân lông. Vì vậy, việc tẩy trang kỹ lưỡng vào cuối ngày là rất quan trọng, ngay cả khi không trang điểm.

Bắt đầu quy trình chăm sóc da bằng nước tẩy trang để loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn và cặn trang điểm ẩn sâu trong lỗ chân lông. Tiếp theo, rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ hai lần mỗi ngày (sáng và tối) để đảm bảo da được làm sạch hoàn toàn mà không gây khô căng.

Để tăng hiệu quả làm thông thoáng lỗ chân lông, có thể chọn sữa rửa mặt chứa salicylic acid giúp ngăn ngừa mụn và kiểm soát dầu thừa trên da.

  • Sử dụng sản phẩm trị mụn đúng cách

Để kiểm soát mụn hiệu quả trong giai đoạn nhạy cảm này, có thể sử dụng các sản phẩm trị mụn không kê đơn chứa salicylic acid hoặc benzoyl peroxide. Những hoạt chất này có nồng độ từ 0.5 – 5%, giúp làm sạch lỗ chân lông và giảm viêm. 

Khi mới bắt đầu, nên chọn nồng độ thấp, khoảng 2.5%, để da có thời gian thích ứng. Sau đó, có thể tăng dần nồng độ nếu da vẫn chịu được mà không gặp kích ứng. Lưu ý, chỉ nên chấm sản phẩm trực tiếp lên nốt mụn thay vì bôi khắp mặt để tránh làm da khô hoặc kích ứng.

  • Dưỡng ẩm và làm dịu da

Mặc dù da có xu hướng nhờn hơn trong kỳ kinh nguyệt, việc dưỡng ẩm vẫn rất quan trọng để duy trì độ ẩm cần thiết. Sử dụng kem dưỡng ẩm nhẹ, không chứa dầu (oil-free) để cấp nước cho da mà không làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

Ngoài ra, có thể sử dụng các sản phẩm chứa chiết xuất từ nha đam, rau má để làm dịu da và giảm tình trạng viêm.

  • Tránh sử dụng mỹ phẩm và trang điểm quá nhiều

Trang điểm dày trong kỳ kinh nguyệt có thể làm tình trạng mụn tồi tệ hơn do lớp trang điểm dễ làm bít tắc lỗ chân lông. Nếu cần trang điểm, hãy chọn các sản phẩm không gây bít tắc lỗ chân lông (non-comedogenic) và tẩy trang kỹ lưỡng vào cuối ngày để tránh tích tụ cặn bẩn trên da.

  • Bổ sung đủ nước và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Uống đủ nước mỗi ngày giúp da duy trì độ ẩm và hỗ trợ cơ thể loại bỏ độc tố. Bên cạnh đó, nên tăng cường ăn rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu vitamin C, kẽm để tăng cường sức đề kháng cho da. Hạn chế tiêu thụ đồ ngọt, đồ ăn chiên xào và các sản phẩm chứa caffeine vì chúng có thể làm da dễ nổi mụn hơn.

  • Giảm căng thẳng và nghỉ ngơi đầy đủ

Căng thẳng trong kỳ kinh nguyệt có thể làm gia tăng hormone cortisol, khiến da dễ bị nổi mụn hơn. Thực hiện các phương pháp thư giãn như thiền, yoga hoặc đơn giản là ngủ đủ giấc mỗi đêm sẽ giúp cân bằng hormone và giảm nguy cơ mụn.

  • Tránh nặn mụn

Dù có khó chịu với những nốt mụn trong kỳ kinh nguyệt, tuyệt đối không nên tự ý nặn mụn vì da lúc này rất dễ bị tổn thương và nhiễm trùng. Thay vào đó, hãy sử dụng miếng dán mụn hoặc các sản phẩm chấm mụn để làm khô và xẹp mụn nhanh chóng mà không gây tổn thương cho da.

nghỉ ngơi đầy đủ trong kỳ kinh nguyệt
Giảm căng thẳng và nghỉ ngơi đầy đủ giúp cân bằng hormone và giảm nguy cơ mụn

Khi nào nên đi thăm khám Bác sĩ Da liễu?

Nếu mụn trong kỳ kinh nguyệt không cải thiện sau khi đã thử các biện pháp chăm sóc da thông thường trong ít nhất ba chu kỳ, Bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị theo toa để giúp kiểm soát tình trạng mụn:

  • Retinoid: được sử dụng để điều trị mụn từ nhẹ đến trung bình, giúp ngăn ngừa mụn mới hình thành và cải thiện kết cấu da. Retinoid có thể được dùng lâu dài để phòng ngừa mụn tái phát.
  • Thuốc tránh thai: một số loại thuốc tránh thai đã được chứng minh giúp cải thiện mụn do hormone bằng cách cân bằng mức estrogen và progesterone trong cơ thể. Đây là một lựa chọn hiệu quả cho những người bị mụn do rối loạn nội tiết.
  • Thuốc kháng androgen (như spironolactone): spironolactone giúp giảm tác động của hormone androgen, từ đó giảm sản xuất bã nhờn. Mặc dù được kê đơn ngoài hướng dẫn sử dụng chính (off-label), spironolactone đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc điều trị mụn nội tiết.

Việc thăm khám sớm sẽ giúp Bác sĩ đánh giá tình trạng da và có thể chỉ định phác đồ điều trị phù hợp, bao gồm thuốc uống, thuốc bôi đặc trị hoặc áp dụng thêm các liệu pháp chuyên sâu như lăn kim, ánh sáng, laser, peel da, tiêm corticoid vào tổn thương lớn…

thăm khám bác sĩ bình
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị mụn hiệu quả

Việc nặn mụn trong kỳ kinh nguyệt có thể gây ra nhiều rủi ro cho làn da, từ viêm nhiễm đến sẹo thâm khó chữa. Thay vì tự xử lý mụn, hãy chăm sóc da đúng cách và kiên nhẫn chờ đợi da phục hồi. Nếu mụn vẫn tiếp tục tái phát và không cải thiện, đừng ngần ngại liên hệ ngay Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 để được tư vấn giải pháp an toàn, hiệu quả, giúp bạn lấy lại làn da khỏe đẹp và tự tin!

Tài liệu tham khảo

  1. How Your Period Affects Acne“. WebMD
  2. The Ultimate Guide to Period-Related Breakouts“. Healthline

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84