Mụn sưng đỏ không nhân là một loại mụn viêm, ngoài việc gây mất thẩm mỹ loại mụn này còn gây đau và khó chịu. Không như mụn thông thường, mụn sưng đỏ không nhân có thể kéo dài vài tuần hoặc nhiều tháng và có khả năng để lại sẹo nếu không điều trị đúng cách.
Vậy nguyên nhân gây mụn sưng đỏ không nhân là gì và cách điều trị mụn sưng đỏ không nhân như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu với Doctor Acnes qua bài viết sau nhé.
Mụn sưng đỏ không nhân là gì?
Mụn sưng đỏ không nhân là tình trạng nặng của mụn trứng cá thông thường. Đây là dạng mụn cứng và sần phát triển sâu dưới da và biểu hiện trên da dưới dạng vết sưng đỏ, thường không có nhân trắng hoặc đen ở giữa nốt mụn.
Triệu chứng của mụn sưng đỏ không nhân
Triệu chứng chính của mụn sưng đỏ không nhân là các nốt mụn sưng đỏ và viêm, đau khi chạm vào và có biểu hiện là những nốt sần dưới da. Mụn sưng đỏ không nhân dễ bị nhầm lẫn với mụn nang, đây là hai dạng mụn nặng nhất. Mụn nang cũng là một loại mụn viêm, tuy nhiên mụn nang mềm hơn và bên trong chứa đầy mủ. Khi bị vỡ, mụn nang có thể gây nhiễm trùng.
Các nốt mụn sưng thường để lại sẹo. Cần điều trị mụn càng sớm càng tốt, tình trạng viêm càng kéo dài càng dễ hình thành sẹo lõm.
Nguyên nhân gây ra mụn sưng đỏ không nhân
Tương tự các loại mụn khác, mụn sưng đỏ không nhân hình thành ở lỗ chân lông. Thông thường, tuyến bã nhờn chịu trách nhiệm tiết ra bã nhờn giúp giữ ẩm cho da. Bã nhờn được tiết ra sẽ thoát ra khỏi lỗ chân lông, trong trường hợp dầu và da chết bị giữ lại trong lỗ chân lông do bít tắc có thể gây mụn trứng cá.
Thông thường, vi khuẩn P. acnes có thể sống hòa bình trên da, tuy nhiên nếu vi khuẩn P. acnes bị mắc kẹt trong lỗ chân lông bị bít tắc sẽ gây ra tình trạng viêm tạo thành các nốt mụn cứng. Các nốt mụn có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc lan rộng tạo nên các nốt mụn đỏ không nhân.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng có thể gây mụn trứng cá hoặc làm các đợt bùng mụn trầm trọng hơn như:
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống nhiều đường và tinh bột có thể dẫn đến tăng tiết insulin, nồng độ insulin tăng sẽ thúc đẩy sự sản sinh và tăng hoạt động của androgen làm cho tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
Tắc nghẽn lỗ chân lông
Tình trạng này có thể xảy ra do một số nguyên nhân như thay đổi nội tiết tố (hormone), sử dụng mỹ phẩm chứa thành phần gây mụn, không làm sạch da đúng cách.
Hormone: người trong độ tuổi dậy thì có nhiều nguy cơ bị mụn trứng cá vì sự thay đổi hormone trong cơ thể cụ thể là hormone androgen tăng hoạt động làm dày lớp sừng trên da dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông. Phụ nữ có thai, đang trong kì kinh nguyệt cũng có khả năng bị mụn sưng đỏ không nhân vì sự thay đổi hormone.
Căng thẳng và lo lắng: căng thẳng và lo lắng khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone cortisol hơn, hormone này sẽ kích thích tiết bã nhờn và gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Mỹ phẩm chứa thành phần gây mụn: những loại mỹ phẩm trang điểm hoặc dưỡng da có thể chứa thành phần gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Cần chú ý đọc kỹ thành phần mỹ phẩm để lựa chọn sản phẩm an toàn cho làn da của bạn. Không tẩy trang sau khi trang điểm hoặc dùng kem chống nắng.
>>> Xem thêm: Da mụn có nên dùng kem chống nắng
Phương pháp điều trị mụn sưng đỏ không nhân
Việc nặn mụn sẽ không có hiệu quả, ngược lại sẽ làm tình trạng viêm trở nên nặng hơn và có thể để lại sẹo nghiêm trọng, thay vào đó, hãy thăm khám Bác sĩ Da liễu để được điều trị bằng các phương pháp như:
Các phương pháp điều trị nội khoa
Kháng sinh toàn thân (dùng đường uống): đây là phương pháp rẻ tiền và hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh không phải là lựa chọn điều trị lâu dài vì việc dùng kháng sinh liên tục có thể làm giảm hiệu quả điều trị và có khả năng dẫn đến kháng thuốc.
Isotretinoin: isotretinoin là một dạng hoạt chất của vitamin A, isotretinoin đường uống được hội Da liễu Hoa kỳ (American Academy of Dermatology) khuyến cáo sử dụng để điều trị mụn nghiêm trọng. Isotretinoin giúp giảm đáng kể việc sản xuất bã nhờn, tác động đến quá trình sinh mụn, làm giảm P. acnes trên bề mặt, đồng thời có đặc tính chống viêm.
Tuy nhiên, isotretinoin có nhiều tác dụng phụ, phổ biến nhất là gây khô da, môi, mắt, họng và mũi; chảy máu cam; tăng mức độ nhạy cảm ánh sáng của da; đau đầu. Bên cạnh đó, phụ nữ đang mang thai hoặc đang có kế hoạch mang thai không nên dùng isotretinoin vì nó có thể gây hại đến sự phát triển của thai nhi.
Thuốc tránh thai: thuốc tránh thai được sử dụng để điều trị mụn có chứa hai hoạt chất chính là estrogen và progestin, thường được chỉ định trong trường hợp mụn do nguyên nhân nội tiết.
Điều trị bằng các loại thuốc bôi ngoài da
Benzoyl peroxide (BPO): benzoyl peroxide là một tác nhân kháng khuẩn tiêu diệt P. acnes thông qua việc giải phóng các gốc tự do và có tác dụng tiêu nhân mụn. Nồng độ thích hợp của BPO trong các liệu pháp điều trị mụn ở khoảng 2,5% đến 10%.
Khi sử dụng BPO, một số tác dụng phụ có thể gặp là khô da, mẩn đỏ, bong tróc da. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế tác dụng phụ của BPO bằng cách bắt đầu với nồng độ thấp và tăng dần tần suất sử dụng.
Kháng sinh bôi ngoài da: thuốc kháng sinh tại chỗ trị mụn thông qua cơ chế chống viêm và tác dụng kháng khuẩn. Thuốc kháng sinh bôi ngoài da nên kết hợp với BPO để tăng hiệu quả điều trị cũng như giảm tình trạng vi khuẩn đề kháng kháng sinh.
Retinoid: retinoid bôi tại chỗ là các dẫn xuất vitamin A, hiện tại, trong nhóm này có 3 hoạt chất thường dùng là tretinoin, adapalene và tazarotene. Retinoid là liệu pháp quan trọng trong điều trị mụn tại chỗ vì tác dụng tiêu mụn và kháng viêm.
Tuy nhiên, việc sử dụng retinoid có thể gặp phải các tác dụng phụ như khô da, bong tróc, ban đỏ và kích ứng, tuy nhiên, những tác dụng phụ này có thể giảm thiểu bằng cách giảm tần suất sử dụng như sử dụng 2 lần trong tuần, tăng dần lên cách ngày và sau đó là mỗi ngày.
Retinoid không nên sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc có kế hoạch mang thai vì khả năng gây quái thai. Bên cạnh đó, nên lưu ý không nên dùng chung retinoid và BPO cùng lúc vì retinoid có thể bị oxy hóa và bất hoạt, thay vào đó, nên sử dụng 2 hoạt chất này vào các thời điểm khác nhau.
>>> Xem thêm: Các loại thuốc bôi trị mụn thông dụng và cách sử dụng
Các phương pháp điều trị công nghệ cao
Tiêm steroid vào nốt mụn: đây là phương pháp tiêm steroid trực tiếp vào nốt mụn để giảm viêm nhanh chóng.
Liệu pháp ánh sáng: liệu pháp ánh sáng bao gồm laser, ánh sáng xanh, ánh sáng đỏ, ánh sáng xung cường độ cao (intense pulsed light – IPL) và liệu pháp quang động (photodynamic therapy – PDT) sử dụng các chất tăng nhạy cảm ánh sáng (aminolevulinic – ALA hay methyl aminolevulinic – MAL).
Trong nhóm liệu pháp ánh sáng, PDT có nhiều bằng chứng trong việc điều trị mụn trứng cá nhất. Sau khi được bôi lên da, chất nhạy cảm ánh sáng sẽ được hấp thụ vào tuyến bã nhờn. Tiếp theo, các thiết bị laser hay ánh sáng được sử dụng để kích hoạt chất này tạo ra oxy nguyên tử, từ đó phá hủy các tuyến bã nhờn và tiêu diệt vi khuẩn P. acnes.
Peel da: peel da với acid salicylic (SA) có hiệu quả giảm viêm, diệt vi khuẩn P. acnes và giúp đẩy nhanh chu kỳ da. Peel da với SA có hiệu quả khá nhanh và an toàn nên thường được sử dụng cho cả mụn viêm và không viêm.
Bảng giá dịch vụ điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes
✅ Phương pháp | ✅ Giá | ✅ Giá HSSV |
⭐Lấy nhân mụn chuẩn y khoa | 290.000 | 260.000 |
⭐Laser 1064 nm xung dài chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.300.000 | 1.200.000 |
⭐Laser PDL xung dài chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.500.000 | 1.400.000 |
⭐IPL Cellec V trị mụn | 600.000 | 550.000 |
⭐Mesotherapy trị mụn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 700.000 | 600.000 |
⭐Mesotherapy trị mụn và kiểm soát bã nhờn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 2.500.000 | 2.400.000 |
⭐Điện di trị mụn, kháng viêm và chống oxy hóa | 300.000 | 280.000 |
⭐Chiếu ánh sáng sinh học Biolight | 100.000 | 100.000 |
⭐Mặt nạ trị mụn và giảm nhờn CosMedical | 100.000 | 90.000 |
⭐Peel da với salicylic acid 20% chuẩn CE | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel da với salicylic acid 30% chuẩn CE | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel với glycolic acid 35% chuẩn CE | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel với glycolic acid 50% chuẩn CE | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel da với salicylic acid và retinol chuẩn CE | 800.000 | 700.000 |
⭐Peel body | 900.000-1.100.000 | 800.000-1.100.000 |
Tóm lại, mụn sưng đỏ không nhân là một dạng mụn trứng cá nặng, đặc trưng với các triệu chứng sưng, viêm, đau và biểu hiện dưới dạng nốt sần cứng dưới da. Đây là loại mụn nên điều trị sớm vì dễ để lại sẹo.
Mặc dù có nhiều phương pháp điều trị mụn bọc không nhân, các phương pháp điều trị nội khoa và công nghệ nên được ưu tiên vì hiệu quả nhanh. Vì mụn sưng đỏ không nhân là tình trạng mụn mức độ nặng, bạn cần nên tư vấn với Bác sĩ Da liễu để được điều trị cá thể hóa bằng phương pháp phù hợp với tình trạng da của mình.
Tài liệu tham khảo
- William C. Lloyd III, MD, FACS, “Nodular Acne“
- Cynthia Cobb, DNP, APRN, WHNP-BC, FAANP, “Nodular Acne: Definition and Treatment Options“
- Andrea L. Zaenglein, MD Arun L. Pathy, MD Bethanee J. Schlosser, “Guidelines of care for the management of acne vulgaris“, From the academy| volume 74, issue 5, p945-973.e33, may 2016
- Owen Kramer, M.D, “How to Treat Acne with Benzoyl Peroxide“