Mụn trứng cá là một bệnh lý rất phổ biến, để lại những gánh nặng tâm lý đáng kể cho người mắc. Do đó, các liệu pháp điều trị mụn không ngừng được nghiên cứu và phát triển, một trong số đó là liệu pháp tế bào gốc. Vậy dùng tế bào gốc trị mụn có thật sự hiệu quả? Tác dụng của tế bào gốc là gì? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc là tế bào chưa biệt hóa có khả năng tự tái tạo, tăng sinh và biệt hóa thành nhiều loại tế bào có hình dạng và chức năng chuyên biệt trong cơ thể. Tế bào gốc tồn tại trong các mô phôi cũng như các mô của người lớn hoặc thai nhi như tủy xương, mô mỡ, tủy răng, máu, dịch ối, dây rốn…
Dựa vào nguồn gốc, tế bào gốc được phân thành 2 loại:
- Tế bào gốc phôi (ESC): đây là những tế bào được thu nhận từ khối tế bào bên trong của phôi đang làm tổ trong suốt giai đoạn phôi nang, có khả năng biệt hóa thành hầu như tất cả các loại tế bào của cơ thể và được xem như tế bào gốc vạn năng.
- Tế bào gốc trưởng thành (ASC): tế bào gốc trưởng thành được phân lập từ nhiều mô trưởng thành khác nhau, chẳng hạn như máu, gan, tủy xương, mô mỡ… có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau nhưng không thể biệt hóa thành tất cả như ESC. Một trong những tế bào gốc trưởng thành được sử dụng khá phổ biến hiện tại đó là tế bào gốc trung mô, hiện diện trong nhiều loại mô của cơ thể mà phổ biến là tủy xương hay mô mỡ.
Mặc dù ESC có khả năng tái tạo và biệt hóa tốt hơn ASC nhưng việc sử dụng chúng vẫn còn hạn chế vì liên quan đến các vấn đề đạo đức và nguy cơ phát triển khối u, do đó ASC đang được nghiên cứu và ứng dụng phổ biến hơn.
Ứng dụng của tế bào gốc trong làm đẹp
Tế bào gốc và các sản phẩm từ tế bào gốc nổi bật nhờ tiềm năng tái tạo và sửa chữa mô, do đó được ứng dụng rộng rãi điều trị các bệnh da liễu như vảy nến mảng, loạn dưỡng mỡ, bỏng rộng, xơ cứng hệ thống, tổn thương mô do xạ trị… Trong lĩnh vực thẩm mỹ nói riêng, tế bào gốc được ứng dụng trong nâng mô mềm, điều trị sẹo, tái tạo tóc và chống lão hóa, cụ thể như sau:
- Nâng mô mềm: trong những năm gần đây, việc sử dụng tế bào gốc để tăng thể tích của các mô mỡ đã mang lại những kết quả tốt và sự hài lòng cho bệnh nhân. Phương pháp này còn gọi là ghép mỡ tự thân, được ứng dụng trong các quy trình nâng ngực, nâng mông, tạo đường nét trên khuôn mặt…
- Điều trị sẹo: tế bào gốc giúp cải thiện đáng kể các loại sẹo như sẹo rỗ, sẹo lõm và sẹo phì đại. Tế bào gốc có khả năng tập trung tại vùng tổn thương, tiết ra các cytokine giúp điều hòa quá trình viêm, ngăn ngừa sự hình thành quá mức của mô xơ, từ đó giảm thiểu nguy cơ xơ hóa tạo sẹo. Ngoài ra, liệu pháp này còn kích thích sự tái tạo mô và collagen, giúp cải thiện bề mặt và kết cấu da tại vùng sẹo.
- Kích thích sự phát triển của tóc: tế bào gốc tiết ra nhiều yếu tố tăng trưởng có tác dụng kích hoạt các tế bào nhú bì ở nang tóc, kích thích mọc tóc, kích thích tăng trưởng và trẻ hóa nang tóc.
- Chống lão hóa: tế bào gốc được kỳ vọng sẽ làm đảo ngược quá trình lão hóa thông qua việc tiết ra các yếu tố tăng trưởng, cytokine, chemokine và các yếu tố tăng sinh mạch, từ đó giúp tái tạo mô lão hóa và điều chỉnh hệ thống miễn dịch.
Cơ chế hoạt động của tế bào gốc trong điều trị mụn
Cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá bao gồm 4 giai đoạn: tăng tiết bã nhờn, sừng hóa cổ nang lông, sự phát triển quá mức của vi khuẩn P. acnes và cuối cùng là phản ứng viêm. Trong đó, P. acnes đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích phản ứng viêm của cơ thể thông qua hoạt hóa thụ thể NLRP3 làm tăng sản xuất các cytokine tiền viêm, đặc biệt là IL-1β – chất gây cảm ứng cytokine tiền viêm mạnh trong cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá.
Một số nghiên cứu mới cho thấy tế bào gốc có khả năng tiết các yếu tố tăng trưởng và các cytokine chống viêm, đồng thời ngăn chặn hoạt hóa thụ thể NLRP3 làm giảm tiết IL-1β, từ đó giảm tình trạng mụn viêm. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ về tác động lâu dài cũng như liều lượng tối ưu và các tác dụng phụ liên quan.
Hiệu quả và hạn chế của tế bào gốc trị mụn
Nghiên cứu của Hongli Zhao và cộng sự (2021) phát hiện ra rằng thủ thuật cấy mỡ mặt cũng đồng thời làm giảm số lượng mụn viêm một cách đáng kể ở những bệnh nhân có mụn trứng cá. Điều này được cho là do tác dụng của tế bào gốc có nguồn gốc mô mỡ. Một số tác dụng phụ có thể gặp bao gồm sưng và đỏ, nhưng thường nhẹ và biến mất nhanh chóng.
Kết quả cho thấy mụn viêm vùng má và thái dương, các nốt thâm sau mụn giảm đáng kể sau 13 tháng.
Tiếp theo đó, nghiên cứu của Xiaoxi Li và cộng sự (2022) cũng cho thấy tế bào gốc mô mỡ ức chế tình trạng mụn viêm do P. acnes gây ra thông qua việc giảm tiết IL-1β trong cơ thể.
Kết quả cho thấy mụn viêm vùng má và các nốt thâm sau mụn giảm đáng kể sau 12 tháng.
Bên cạnh đó, phương pháp trị mụn bằng tế bào gốc cũng có một số hạn chế:
- Chi phí cao: so với các phương pháp trị mụn khác như retinoid, kháng sinh, isotretinoin, liệu pháp ánh sáng… thì sử dụng tế bào gốc có giá thành cao hơn hẳn.
- Hiệu quả chưa được đánh giá toàn diện: liệu pháp tế bào gốc vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa được phê duyệt rộng rãi, vì vậy hiệu quả và an toàn vẫn còn cần được chứng minh thêm.
Các phương pháp trị mụn bằng tế bào gốc
Mặc dù các nghiên cứu ban đầu cho thấy tiềm năng của tế bào gốc trong việc hỗ trợ điều trị mụn, hiệu quả và độ an toàn của các sản phẩm tế bào gốc trong lĩnh vực này vẫn chưa được đánh giá đầy đủ và chưa được Bộ Y tế phê duyệt chính thức. Hiện nay, có hai hình thức sử dụng tế bào gốc trong điều trị mụn:
- Mỹ phẩm bôi ngoài da chứa tế bào gốc: thường có trong kem hay serum. Ưu điểm của những sản phẩm này là dễ sử dụng tại nhà, tuy nhiên chúng có nhược điểm là hiệu quả không cao do khả năng hấp thu vào da bị hạn chế.
- Tiêm tế bào gốc: phương pháp này sử dụng tế bào gốc tự thân hoặc sản phẩm chiết xuất tế bào gốc để tiêm trực tiếp vào vùng da bị mụn, do đó mang lại hiệu quả cao hơn so với việc chỉ bôi ngoài da. Nhược điểm của phương pháp này là chi phí cao và cần được thực hiện bởi Bác sĩ có chuyên môn để hạn chế các nguy cơ biến chứng.
Những lưu ý khi trị mụn bằng tế bào gốc
Khi lựa chọn điều trị mụn bằng tế bào gốc, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: tia UV có nhiều ảnh hưởng xấu đến làn da đang bị mụn cũng như tăng nguy cơ hình thành thâm mụn, do đó cần sử dụng kem chống nắng có SPF 30 trở lên và che chắn cẩn thận khi ra ngoài nắng.
- Thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh: chế độ ăn giảm béo, giảm ngọt, tăng cường rau xanh, trái cây nhiều chất xơ, omega 3… đồng thời tránh stress, tránh thức khuya… giúp giảm nguy cơ hình thành mụn mới và tái phát sau điều trị.
- Chăm sóc da đúng cách: cần duy trì chế độ chăm sóc da hợp lý trước và sau khi điều trị để hỗ trợ quá trình hồi phục.
Liệu pháp tế bào gốc mở ra hướng mới trong điều trị mụn nhờ cơ chế giảm viêm – yếu tố quan trọng trong quá trình hình thành mụn. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa được phê duyệt và cần thêm nghiên cứu để xác minh tính an toàn, hiệu quả lâu dài. Bệnh nhân nên cân nhắc kỹ và ưu tiên các liệu pháp đã được công nhận. Nếu đang gặp vấn đề về mụn và sẹo rỗ, đừng ngần ngại liên hệ Doctor Acnes để được các Bác sĩ tư vấn nhé!
Tài liệu tham khảo
- Tran DK, Phuong TNT, et al. “Exploring the Potential of Stem Cell-Based Therapy for Aesthetic and Plastic Surgery“. IEEE Rev Biomed Eng. 2023;16:386-402. doi: 10.1109/RBME.2021.3134994
- Li X, Luo S, et al. “Adipose-derived stem cells attenuate acne-related inflammation via suppression of NLRP3 inflammasome“. Stem Cell Res Ther. 2022 Jul 23;13(1):334. doi: 10.1186/s13287-022-03007-7
- Zhao H, Hao L, et al. “An Efficacy Study of a New Radical Treatment for Acne Vulgaris Using Fat Injection“. Aesthet Surg J. 2021 Jul 14;41(8):NP1061-NP1072. doi: 10.1093/asj/sjab162
- “Market dynamics emergence of mesenchymal stem cell conditioned media as a novel treatment for acne“. American Journal of Biomedical Science & Research