Trị sẹo là một thủ thuật điều trị khó, các tai biến sau điều trị sẹo thường không dễ dàng khắc phục, có thể kế đến những trường hợp như: vết sẹo rộng hơn sau khi điều trị, sẹo mới hình thành sau khi điều trị, nhiễm trùng hoặc herpes sau điều trị, tăng sắc tố nặng sau điều trị hoặc nhẹ nhàng nhất là không có hiệu quả sau điều trị. Ở bài viết dưới đây, BSCKI. Cao Nữ Hoàng Oanh sẽ giải thích nguyên nhân gây ra các tình trạng này và làm thế nào để phòng tránh.
Sẹo to hơn sau điều trị và xuất hiện sẹo mới
Tình huống này có thể thoáng qua hoặc vĩnh viễn. Tình trạng sẹo to hơn thoáng qua thường sẽ hồi phục sau 1 tháng, thường xảy ra ở các trường hợp sẹo đáy nhọn và sử dụng phương pháp CROSS TCA, sau điều trị vết sẹo có thể to hơn trong tuần đầu tiên, tuy nhiên sau đó sẹo sẽ đầy lên dần và nhỏ hơn so với trước khi điều trị.
Ngược lại, trường hợp sẹo to hơn vĩnh viễn hoặc sẹo mới hình thành thường nguyên nhân là do sử dụng nồng độ TCA không phù hợp, sử dụng mức năng lượng laser quá cao hoặc thậm chí là thủ thuật bóc tách không chính xác làm mất mô vĩnh viễn.
Các trường hợp này có thể khắc phục bằng cách sử dụng thêm các phương pháp làm tăng sinh collagen. Tuy nhiên thường khó mang trở lại làn da như ban đầu.
Nhiễm trùng da hoặc virus herpes sau điều trị
Đây là loại tai biến dễ xảy ra vì đa số các trường hợp điều trị sẹo đều xâm lấn và tạo vết thương hở chảy máu – một môi trường lý tưởng cho việc lây nhiễm các bệnh như viêm gan siêu vi, HIV… Trường hợp nhẹ hơn có thể là nhiễm trùng ở những nơi tách sẹo hoặc nhiễm virus herpes tại vùng điều trị.
Để phòng tránh lây nhiễm trong quá trình điều trị, cơ sở thực hiện cần phải tuân thủ các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn bởi Bộ Y tế như:
- Sử dụng dụng cụ dùng một lần.
- Sử dụng găng tay riêng biệt cho mỗi khách hàng.
- Các dụng cụ khác cần phải rửa sạch, tiệt trùng bằng nồi hấp chuyên dụng và được giữ trong môi trường vô trùng cho đến khi sử dụng.
- Dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng như máy sử dụng trong quá trình điều trị cần được sát khuẩn bằng các loại sản phẩm chuyên dụng. Lưu ý, cồn 90% vẫn không thể loại trừ được hết các tác nhân gây nhiễm, vì vậy vẫn chưa đủ an toàn cho người sử dụng.
- Thay găng tay sau mỗi khách hàng.
>>> Xem thêm: Cách chăm sóc da sau điều trị sẹo rỗ
Tăng sắc tố nặng sau điều trị
Đây là trường hợp thường xảy ra với nhiều nguyên nhân khác nhau như sử dụng mức năng lượng quá cao trong lúc điều trị. Về phía khách hàng, việc chăm sóc da không đúng cách hay tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời mà không có biện pháp che chắn bảo vệ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Có thể nói, phòng ngừa tình trạng tăng sắc tố sau điều trị là không khó nếu Bác sĩ lựa chọn mức năng lượng phù hợp theo từng tình trạng da của khách hàng, sử dụng các phương pháp kháng viêm dịu da ngay sau điều trị để giảm viêm hoặc điều trị tăng sắc tố bằng nhiều phương pháp khác.
>>> Xem thêm: Nguyên nhân tăng sắc tố sau điều trị sẹo và cách điều trị
Tóm lại, điều trị sẹo là một thủ thuật xâm lấn khó. Để tránh xảy ra các tai biến trong điều trị, đòi hỏi kinh nghiệm và tay nghề cao của Bác sĩ thực hiện thủ thuật. Bên cạnh đó, cơ sở điều trị cũng cần đảm bảo quy trình chống nhiễm khuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn điều trị.
Về phía khách hàng, các bạn nên tìm hiểu kỹ các phương pháp điều trị sẹo cũng như lựa chọn cho mình cơ sở điều trị uy tín để nâng cao hiệu quả cũng như phòng ngừa các tai biến sau khi điều trị.
Hy vọng những điều mà BSCKI. Cao Nữ Hoàng Oanh chia sẻ ở trên sẽ giúp ích cho tất cả các bạn đang trong quá trình tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến việc điều trị sẹo chuẩn y khoa.