“Thu đi để lại lá vàng, mụn đi để lại muôn vàn vết thâm”. Mụn trứng cá là bệnh lý rất thường gặp, gây nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh những dạng mụn trứng cá đang hoạt động, tăng sắc tố sau viêm do mụn trứng cá hay còn gọi là thâm mụn cũng gây ảnh hưởng không kém đến người bệnh.
Tăng sắc tố sau viêm là gì?
Tăng sắc tố sau viêm (postinflammatory hyperpigmentation – PIH) là chứng tăng sắc tố mắc phải ở lớp thượng bì hoặc lớp bì xảy ra sau khi da bị viêm hoặc bị tổn thương. PIH có thể gặp ở tất cả các loại da, tuy nhiên PIH gặp nhiều hơn ở những làn da sậm màu có loại da fitzpatrick từ IV đến VI do tăng hoạt động của các tế bào hắc tố trong da. PIH thường biểu hiện bởi các dát và khoảng sậm màu, cùng vị trí với tổn thương ban đầu của da. Tiếp xúc với tia cực tím có thể làm trầm trọng thêm PIH.
Bệnh học của tăng sắc tố sau viêm
Tăng sắc tố sau viêm là kết quả của việc sản xuất quá mức, giải phóng melanin bất thường sau phản ứng viêm. Quá trình này bắt đầu với việc oxy hóa acid arachidonic để tạo ra eicosanoid bao gồm các chất trung gian hóa học. Prostaglandin, leukotriene, các cytokine, các gốc oxy tự do… được giải phóng trong quá trình viêm kích thích hoạt động sản xuất melanin của các tế bào hắc tố.
Đặc biệt, leukotriene C4, leukotriene D4, prostaglandin E2, histamine và thromboxane B2 đều được chứng minh có đặc tính kích thích tế bào hắc tố trong những nghiên cứu in vitro. Khi càng tổng hợp nhiều melanin, càng có nhiều sắc tố được phân phối tới các tế bào sừng. Cường độ của phản ứng tăng hoạt động tế bào hắc tố có tương quan với mức độ và thời gian của quá trình viêm.
Trong PIH sau mụn trứng cá, tình trạng viêm trong mụn trứng cá kích thích sự hình thành và lắng đọng sắc tố. Hiện nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vai trò của quá trình viêm ở tất cả các giai đoạn của mụn trứng cá, ngay cả ở giai đoạn trước khi hình thành nhân mụn.
Nguyên nhân da bị tăng sắc tố sau viêm
Nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến da bị tăng sắc tố sau viêm là mụn trứng cá, gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Một số bệnh lý da khác có thể dẫn đến tăng sắc tố sau viêm là viêm da cơ địa, vảy nến, lichen phẳng, viêm da tiếp xúc… Ngoài ra, tăng sắc tố sau viêm còn có thể do các yếu tố ngoại sinh như vết thương, bỏng…
Điều trị tăng sắc tố sau viêm
Mặc dù da bị tăng sắc tố sau viêm có thể cải thiện tự nhiên theo thời gian nhưng nếu có can thiệp thì thời gian điều trị có thể ngắn lại, mang lại hiệu quả cao hơn. Việc điều trị tăng sắc tố sau viêm bao gồm thuốc thoa tại chỗ và các thủ thuật như tái tạo da bằng hóa chất, mesotherapy, laser và ánh sáng. Tuy nhiên, bước đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị PIH là phòng ngừa và điều trị nguyên nhân gây ra PIH. Đối với mụn trứng cá, việc điều trị tích cực các tổn thương mụn đang hoạt động là điều quan trọng để ngăn ngừa tình trạng PIH. Retinoid tại chỗ, benzoyl peroxide, azelaic acid đã được chứng minh cải thiện và phòng ngừa PIH trong mụn trứng cá.
Bên cạnh đó, tránh tiếp xúc với tia cực tím thông qua việc sử dụng các biện pháp che chắn và sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30 rất cần thiết để ngăn ngừa PIH trở nên trầm trọng hơn.
Thuốc thoa tại chỗ
Các phương pháp điều trị tại chỗ làm giảm sắc tố dư thừa, ngăn chặn sự hình thành sắc tố mới, đẩy nhanh tốc độ thay đổi tế bào da. Hydroquinone, acid kojic, retinoid, acid azelaic là các chất có cơ chế tác động làm mờ sắc tố dư thừa, ngăn chặn sự hình thành sắc tố mới trong khi retinoid sẽ thúc đẩy sự thay mới các tế bào da.
Hydroquinone
Hydroquinone thường được sử dụng để ức chế sự hình thành sắc tố bằng cách hoạt động như một chất ức chế tyrosinase, là enzyme quan trọng tham gia vào quá trình tổng hợp melanin. Hydroquinone còn ức chế tổng hợp DNA/RNA, phá hủy các tế bào hắc tố và thoái hóa các melanosome là các tế bào sản sinh melanin. Thuốc bôi này được coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị rối loạn tăng sắc tố và thường được sử dụng như điều trị đầu tiên cho PIH.
Hydroquinone đơn trị liệu thường mang lại hiệu quả. Việc kết hợp hydroquinone với các hoạt chất làm sáng da và chống lão hóa khác như AHA, acid ascorbic, retinoid, corticosteroid có thể cải thiện thêm sắc tố da và giảm nguy cơ kích ứng da.
Việc sử dụng lâu dài hydroquinone để điều trị PIH bị hạn chế bởi nguy cơ gây ra ochronosis ngoại sinh – biểu hiện dưới dạng tăng sắc tố dạng sẩn và mảng tại vị trí sử dụng hydroquinone.
Retinoid
Retinoid tại chỗ bao gồm tretinoin, tazaroten và adapalen thường được sử dụng để điều trị các rối loạn tăng sắc tố, bao gồm cả PIH. Retinoid ức chế tyrosinase, kích hoạt quá trình apoptosis (chết tế bào theo chương trình) của các tế bào sắc tố và tăng tốc độ luân chuyển tế bào thượng bì. Tuy nhiên cần thận trọng trong việc sử dụng retinoid vì nguy cơ kích ứng da (ban đỏ, khô, tróc vảy) có thể dẫn đến tính trạng PIH trở nên tồi tệ hơn.
Đối với PIH do mụn trứng cá, điều trị bằng liệu pháp kết hợp với retinoid đã được chứng minh có hiệu quả. Trong 1 nghiên cứu trên 33 bệnh nhân da màu, những bệnh nhân được điều trị kết hợp clindamycin 1.2% và tretinoin 0.025% cho thấy sự cải thiện vượt trội về cả mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá và PIH so với những người được điều trị bằng giả dược.
Azelaic acid
Azelaic acid là 1 acid dicarboxylic có vai trò trong việc điều trị các tình trạng bệnh đa dạng vì đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm, giảm sừng hóa và làm giảm sắc tố. Azelaic acid ức chế tyrosinase, các enzyme ty thể, ức chế tổng hợp DNA và protein, từ đó dẫn tới giảm hình thành sắc tố.
Các hoạt chất khác
Các loại thuốc khác được biết là có hiệu quả trong điều trị tăng sắc tố da bao gồm acid kojic, arbutin, niacinamide, N-acetylglucosamine, acid ascorbic (vitamin C).
Mesotherapy
So với việc chỉ bôi thoa bề mặt, nhiều người tìm đến các phương pháp đưa thuốc vào trong da bằng liệu pháp tiêm vi điểm mesotherapy. Các hoạt chất thường được sử dụng trong PIH bao gồm tranexamic acid, vitamin C, glutathione hay PRP. Trong đó, tiêm meso acid tranexamic nồng độ 50 mg/mL đã được nghiên cứu trong điều trị dự phòng PIH hiệu quả và đầy tiềm năng nhờ cơ chế ức chế sự liên kết của plasminogen với tế bào sừng, từ đó làm giảm hoạt động của tyrosinase, dẫn đến giảm acid arachidonic và prostaglandin, giảm kích hoạt giải phóng melanin.
Laser và ánh sáng
Với phổ hấp thu rộng của melanin (250-1200nm), việc áp dụng các thiệt bị năng lượng ánh sáng vào quy trình điều trị PIH trở nên dễ dàng hơn để chọn lựa. Tuy nhiên, hiệu quả laser trên melanin còn phụ thuộc vào phân tử hemoglobin vì hiện tượng cạnh tranh hấp thụ tia laser. Vì vậy, bước sóng có hiệu quả cao nhất cho phân tử melanin là khoảng 600–1100nm.
Ánh sáng xung cường độ cao IPL, laser ruby Q-switched, laser Nd:YAG Q-switched và laser picosecond (xung ngắn, cường độ cao) đã được sử dụng để điều trị PIH bằng phương pháp quang nhiệt phân đoạn chọn lọc, đặc biệt khi các liệu pháp điều trị thuốc thoa tại chỗ không còn đáp ứng. Bước sóng của ánh sáng phát ra là yếu tố quyết định mô đích điều trị và độ sâu thâm nhập của laser. Vì vậy, cần đánh giá PIH có độ sâu đến lớp nào trước khi tiến hành điều trị. Đối với các tổn thương nông mà sử dụng laser có bước sóng dài sẽ khiến làn da bị các rối loạn sắc tố hay thậm chí phồng rộp, tạo sẹo.
Khi chiếu laser phù hợp, năng lượng từ tia laser sẽ được tích tụ trong cấu trúc của melanin và chuyển thành nhiệt năng gây vỡ melanin thành các mảnh nhỏ. Sau đó, các đại thực bào trong da sẽ đến thu dọn các mảnh này để tiêu biến và đào thải ra khỏi cơ thể, đưa đến hiệu quả điều trị vừa trúng đích, lại an toàn và tiện dụng.
Tái tạo da bằng hóa chất (peel da)
Peel da mức độ nông thường được dùng để điều trị tăng sắc tố sau viêm. Tuy đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả và an toàn của peel da mức độ nông, cần xem xét cẩn thận về loại, nồng độ và độ sâu của việc peel da để tránh tình trạng kích ứng có thể làm cho tăng sắc tố sau viêm trở nên trầm trọng hơn.
Peel da độ sâu trung bình (ví dụ với TCA 35-50%) có liên quan tới nguy cơ PIH sau điều trị hơn so với peel da mức độ nông, do đó nên sử dụng thận trọng phương pháp này ở những người da sẫm màu. Peel da mức độ sâu (ví dụ, tái tạo da bằng phenol) thường chống chỉ định với những bệnh nhân có làn da sậm màu (loại da fitzpatrick IV-VI).
>>> Xem thêm: Điều trị thâm mụn bằng phương pháp peel da
Xem thêm các bài viết liên quan
Có thể điều trị thâm mụn khi vẫn còn mụn viêm hay không?
Thực chất khi chúng ta điều trị mụn viêm thì chúng ta cũng đang thực hiện bước đầu tiên trong quá trình điều trị thâm mụn, đó là việc phòng ngừa, hạn chế việc hình thành tăng sắc tố sau viêm. Song song đó, đối với những vết thâm đã hình thành, những loại thuốc bôi tại chỗ được sử dụng trong điều trị mụn cũng có tác dụng cải thiện tình trạng thâm mụn như retinoid, azelaic acid… Vì vậy, chúng ta có thể sử dụng những loại này để điều trị thâm mụn trong giai đoạn mụn đang hoạt động.
Bảng giá dịch vụ điều trị thâm mụn tại Phòng khám Doctor Acnes
✅ Phương pháp | ✅ Giá | ✅ Giá HSSV |
⭐Mesotherapy căng bóng trắng sáng da (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 3.100.000 | 3.000.000 |
⭐Mesotherapy trắng sáng da (2ml, thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.300.000 | 1.200.000 |
⭐Mesotherapy trắng sáng da với Tranacix (2ml, thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.400.000 | 1.300.000 |
⭐Laser Q-Switch 532/1064nm chuẩn FDA sáng da, mờ thâm, trẻ hoá da (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.500.000 | 1.400.000 |
⭐Laser Fractional Nd:YAG chuẩn FDA sáng da, trẻ hoá, trị sẹo (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.500.000 | 1.400.000 |
⭐Peel trị thâm mụn trẻ hóa sáng da TCA | 800.000 | 700.000 |
Tóm lại, tăng sắc tố sau viêm do mụn trứng cá là vấn đề da liễu thường gặp ở những người có làn da sậm màu như làn da châu Á. Để phòng ngừa tăng sắc tố sau viêm do mụn trứng cá điều quan trọng nhất là phải điều trị tình trạng mụn viêm ngay từ sớm. Nếu đã có thâm mụn, tùy theo mức độ và tình trạng da hiện tại, Bác sĩ Da liễu có thể lựa chọn thuốc bôi tại chỗ, mesotherapy, peel da hay các liệu pháp laser và ánh sáng.
Lưu ý rằng, tất cả các phương pháp trên cần phải được chỉ định bởi Bác sĩ Da liễu để mang lại hiệu quả giảm thâm mụn đồng thời hạn chế đến mức tối thiểu các tác dụng phụ xảy ra trong quá trình điều trị. Nếu gặp phải tình trạng mụn và thâm mụn, hãy đến Phòng khám Da liễu Doctor Acnes để được tư vấn và điều trị trực tiếp với các Bác sĩ chuyên khoa Da liễu của Phòng khám chúng tôi.
Tài liệu tham khảo
- Bridget P. K., Taulun A., Andrew FA. “Postinflammatory Hyperpigmentation: Epidemiology, Clinical Presentation, Pathogenesis and Treatment”. Am J Clin Dermatol. 2018 Aug;19(4):489-503
- Nada E. “The Pathogenesis and Management of Acne-Induced Postinflammatory Hyperpigmentation”. Am J Clin Dermatol. 2021 Nov;22(6):829-836