Thâm mụn và nám da là hai tình trạng tăng sắc tố da phổ biến và có một số nét tương đồng nên nhiều người thường nhầm lẫn chúng với nhau. Tuy nhiên, bản chất và nguyên nhân gây ra thâm mụn và nám da là hoàn toàn khác nhau. Để lựa chọn được phương pháp điều trị hiệu quả, việc quan trọng nhất là xác định chính xác tình trạng da đang gặp phải. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về thâm mụn và nám da, từ đó biết cách phân biệt chúng với nhau và cách điều trị phù hợp cho từng tình trạng da.
Tình trạng tăng sắc tố da
Melanin là một loại sắc tố tự nhiên trong cơ thể người, mang lại màu sắc cho da, tóc và mắt. Melanin được tổng hợp, lưu trữ và vận chuyển bởi bào quan là melanosome có trong tế bào hắc tố (melanocyte). Số lượng tế bào hắc tố trong da người là như nhau ở các chủng tộc. Yếu tố tạo nên sự khác biệt về màu da của các nhóm người trên thế giới chính là mức độ hoạt động của các tế bào hắc tố, lượng melanin được sản xuất và sự phân bố của melanin trong lớp biểu bì.
Quá trình tổng hợp melanin trong melanosome bao gồm nhiều giai đoạn với sự tham gia của nhiều enzyme khác nhau, đặc biệt là tyrosinase có vai trò quan trọng giúp giới hạn tốc độ sản xuất melanin. Enzyme tyrosinase bị kích thích dưới tác động của tia cực tím (UV) và một số yếu tố nội sinh khác như hormone kích thích tế bào hắc tố (MSH), β-FGF và EGF.
Điều này giúp giải thích cho hiện tượng làn da trở nên sẫm màu hơn khi chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím. Đây là một cơ chế sinh lý bình thường của cơ thể, vì melanin có tác dụng bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím (UV) và chống oxy hóa, giúp ngăn chặn nguy cơ ung thư da. Nhưng nếu quá trình sản xuất và lắng đọng melanin bị gia tăng quá mức, sẽ gây nên tình trạng tăng sắc tố da.
Tăng sắc tố da là hiện tượng các vết, điểm, đốm hoặc mảng da trở nên sẫm màu hơn so với vùng da xung quanh, với cơ chế chính là do sự sản xuất dư thừa và lắng đọng melanin. Tăng sắc tố có xu hướng phổ biến ở những người có làn da tối màu hơn vì bản thân da tối màu đã có hàm lượng melanin cao hơn. Tăng sắc tố da được chia làm 3 loại chính gồm đồi mồi (age spots), nám da (melasma) và tăng sắc tố sau viêm (post inflammation hyperpigmentation – PIH).
Hầu hết các tình trạng tăng sắc tố da đều trở nên trầm trọng hơn nếu làn da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời và tia cực tím. Một số dạng tăng sắc tố còn có thể xuất phát từ nguyên nhân khác như hormone (nám) hoặc phản ứng viêm do đáp ứng với tổn thương trên da (PIH). Ngoài ra, tăng sắc tố da còn có thể xuất phát từ một số tình trạng bệnh lý sẵn có của cơ thể hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc nhất định.
Thâm mụn là gì? Nguyên nhân và phân loại
Thâm mụn bản chất là kết quả từ đáp ứng của cơ thể với tổn thương sau khi bị mụn. Khi da bị tổn thương bởi mụn hoặc việc xử lý nhân mụn, quá trình làm lành vết thương tự nhiên của cơ thể sẽ được kích hoạt. Quá trình này gồm 4 giai đoạn chính là cầm máu, phản ứng viêm, tăng sinh tạo mô và tái tổ chức liên kết mô.
Trong phản ứng viêm, các mao mạch dưới da giãn nở, giúp tăng lượng máu đến làm lành tổn thương. Trong khi đó, bản thân các tế bào hắc tố cũng tăng cường sản xuất melanin để đáp ứng với tổn thương hiện có của da. Đồng thời, một số yếu tố gây viêm được sản sinh trong phản ứng viêm cũng kích thích sản sinh melanin.
Có 2 loại thâm mụn thường gặp là thâm đỏ (hồng ban sau viêm) và thâm đen (tăng sắc tố sau viêm).
- Thâm đỏ (post inflammatory erythema – PIE): thường trông giống với nốt mụn trứng cá, có màu hồng hoặc tím đậm, có thể phân bố dưới dạng cụm hoặc chấm riêng lẻ trên da. Nguyên nhân là do sự giãn nở, viêm hoặc tổn thương các mao mạch dưới da. Mụn nang (cystic acne) được ghi nhận là nguyên nhân phổ biến nhất, các tình trạng viêm da khác đều có thể là nguyên nhân dẫn đến thâm đỏ. Thâm đỏ thường có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn ở người có tone da trắng (fitzpatrick type I-III).
- Thâm đen (post inflammatory hyperpigmentation – PIH): các chấm màu nâu hoặc đen xuất hiện trên da do đáp ứng tăng sản xuất và lắng đọng melanin. Tăng sắc tố sau viêm xảy ra khi các tế bào sắc tố bị kích thích trong quá trình làm lành vết thương. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra thâm đen là mụn trứng cá. Thâm đen thường có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn ở người có da sẫm màu như người châu Á, Trung Đông, châu Phi… (fitzpatrick type IV-VI).
>>> Xem thêm: Phân biệt thâm đỏ và thâm đen sau mụn
Thâm mụn thường có khả năng tự mờ đi theo thời gian, trong thời gian từ 3-24 tháng. Tuy nhiên, một số tổn thương mụn có thể xảy ra ở lớp hạ bì, gây ra các vết sắc tố nghiêm trọng hơn, có màu xanh xám và có thể tồn tại vĩnh viễn trên da.
Một số yếu tố bên ngoài như ánh nắng mặt trời, tia cực tím cũng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng thâm mụn. Các yếu tố khác làm cho tình trạng viêm kéo dài hơn như không đảm bảo vệ sinh trong quá trình lấy nhân mụn hoặc lấy nhân mụn không đúng cách, đều có thể khiến thâm mụn dễ dàng xuất hiện.
Nám da là gì? Nguyên nhân và phân loại
Nám da là một tình trạng tăng sắc tố mắc phải, đặc trưng bởi các đốm hoặc mảng sẫm màu phân bố ở các vùng da tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. Nám da thường biểu hiện trên một vùng da lớn và thường khởi phát trên da mặt. Các vị trí thường xuất hiện nám bao gồm sống mũi, trán, má, môi trên, cằm, cẳng tay, cổ, vai.
Cơ chế bệnh sinh gây ra nám vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rằng những yếu tố sau đây làm gia tăng nguy cơ xuất hiện nám da.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím: ánh sáng mặt trời kích thích các tế bào hắc tố dưới da tăng sản xuất melanin. Điều này giúp giải thích tại sao nám da thường gặp ở các vùng da hay tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều nhất như mặt, cổ, cánh tay. Trong trường hợp sử dụng các dụng cụ tạo tia UV mạnh như đèn mặt trời (sunlamp) hoặc các thiết bị điện tử cũng có thể khiến nám trầm trọng hơn.
- Giới tính nữ: phần lớn các trường hợp nám thường xảy ra ở nữ hơn so với nam, với tỷ lệ khoảng 90% trường hợp nám là nữ giới. Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi 20-40 thường có nồng độ estrogen cao, có nguy cơ bị nám cao hơn những độ tuổi còn lại. Điều này được giải thích là do estrogen gây ra sự giải phóng hormone kích thích tế bào hắc tố (MSH), kích thích tyrosinase, làm tăng tổng hợp melanin.
- Thai kỳ: phụ nữ đang mang thai có nguy cơ khởi phát nám cao hơn hẳn với con số ghi nhận từ 15-50%, do đó nám còn có tên gọi khác là mặt nạ thai kỳ (the mask of pregnancy). Điều này có thể do sự thay đổi nồng độ hormone trong thai kỳ. Trong một số trường hợp, nám da có thể biến mất khi thai kỳ kết thúc.
>>> Xem thêm: Tại sao uống thuốc tránh thai hằng ngày lại bị nám và nổi mụn
- Sử dụng thuốc viên tránh thai hoặc liệu pháp hormone: cơ chế cũng gần giống như trong thai kỳ, sử dụng thuốc tránh thai có thể gây ra sự thay đổi nồng độ hormone, đặc biệt là estrogen, dẫn đến nám da. Do đó, một số trường hợp nám da cũng có thể biến mất khi ngừng uống thuốc tránh thai.
- Màu da: cũng mang đặc điểm của tăng sắc tố da nói chung, nám da có xu hướng dễ xuất hiện hơn ở những người có tone màu da trung bình – tối (fitzpatrick type IV-VI). Các quan sát cũng ghi nhận những nhóm người Latin, Tây Ban Nha, châu Á, người da đen hoặc Mỹ bản xứ có tỷ lệ bị nám da cao hơn so với người da trắng.
- Yếu tố gia đình: kết quả của nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 50% những người bị nám có ít nhất 1 người thân của họ cũng mắc phải tình trạng tương tự.
- Sử dụng thuốc điều trị: các thuốc có khả năng gây nám cao bao gồm thuốc chống động kinh như hydantoin và phenytoin, các hoạt chất điều trị làm da tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời (như retinoid, một vài kháng sinh, và một vài thuốc điều trị tăng huyết áp).
- Bệnh lý tuyến giáp: vấn đề ở tuyến giáp (ví dụ, rối loạn tuyến giáp tự miễn), có thể làm gia tăng nguy cơ nám da. Trong một số trường hợp, điều trị bệnh lý tuyến giáp thành công thì tình trạng nám da cũng hết hẳn.
- Stress: mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng một số kết quả nghiên cứu gợi ý rằng stress có thể gây ra nám da. Stress khiến cho cơ thể tăng sản xuất cortisol, nồng độ cao của cortisol gây ra tình trạng nám da.
Có nhiều cách để phân loại nám. Đối với nám trên vùng mặt, có 3 kiểu hình phân bố phổ biến. Kiểu hình thường gặp nhất (50-80%) là kiểu trung tâm (centrofacial), với các vết nám phân bố tại trán, má, mũi, môi trên và cằm. Hai kiểu hình ít phổ biến hơn là kiểu má (malar) với nám tập trung ở má và có thể ở cằm; kiểu hàm dưới (mandibular) với nám tập trung ở đường viền quai hàm dưới và cằm.
Trên lâm sàng, các Bác sĩ thường đánh giá và phân loại nám dựa trên mức độ gia tăng melanin trong cấu trúc da. Đối với nám khu trú ở lớp thượng bì (epidermal), vết nám thường có màu nâu, nâu sẫm hoặc đen.
Đối với nám khu trú ở trung bì (dermal), biểu hiện lâm sàng là màu nâu sáng hoặc xám xanh, việc điều trị loại nám này khó hơn. Ngoài ra còn có tình trạng nám hỗn hợp (mixed), tức là mang đặc điểm của cả 2 loại nám kể trên.
Bên cạnh quan sát các đặc điểm bên ngoài, Bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết hoặc sử dụng đèn wood (365nm) để kiểm tra sự phân bố của melanin trong da, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị phù hợp cho từng tình trạng nám da.
So sánh thâm mụn và nám da
Trong trường hợp thâm đỏ do mụn, có thể dễ dàng phân biệt với nám da dựa trên màu của vết thâm và vết nám. Bản chất của 2 tình trạng này cũng khác biệt với nhau, nám có liên quan đến sự tăng sản xuất melanin, trong khi thâm đỏ do mụn liên quan đến chủ yếu đến sự giãn nở do viêm của các mạch máu dưới da. Tuy nhiên, thâm đen do mụn và nám da lại là hai tình trạng thường gây nhầm lẫn. Điểm giống và khác nhau giữa 2 tình trạng da này được trình bày tiếp theo dưới đây.
Điểm giống nhau giữa thâm đen do mụn và nám da
Cùng là tình trạng tăng sắc tố da, có liên quan đến sự sản xuất dư thừa và lắng đọng melanin.
Vết tăng sắc tố thường có màu nâu sáng, nâu sẫm hoặc đen; thường phẳng so với bề mặt da.
Có nguy cơ trầm trọng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím.
Phổ biến hơn ở nhóm người có tone màu da tối (fitzpatrick type IV-VI).
Đều có thể xảy ra ở lớp thượng bì hoặc lớp trung bì.
Không gây hại nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Điểm khác nhau
Đặc điểm | Thâm đen sau mụn | Nám da |
Cơ chế chính | Tăng sắc tố do phản ứng viêm sau khi nhân mụn được xử lý | Tăng sắc tố không do viêm hay tổn thương da, phần lớn đến từ nguyên nhân hormone và một số nguyên nhân khác |
Đối tượng, giới tính | Đối tượng có tổn thương do mụn trước đó. Có thể xảy ra ở cả nam và nữ | Thường gặp ở nữ (90%), đặc biệt là phụ nữ đang mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai đường uống |
Độ tuổi | Bất kỳ độ tuổi nào | Thường gặp nhất ở phụ nữ độ tuổi sinh sản, 20-40 tuổi |
Vị trí xuất hiện trên cơ thể | Bất kỳ vị trí nào có viêm do mụn trước đó | Thường xuất hiện ở một vài vị trí nhất định như sống mũi, trán, má, môi trên, cằm, cẳng tay, cổ và vai |
Hình thái của các vết tăng sắc tố | Các vết thâm mụn thường là dạng chấm hoặc điểm, có bờ giới hạn rõ ràng | Có thể dạng đốm hoặc mảng lớn, bờ giới hạn không rõ |
Phân bố của các vết tăng sắc tố | Xuất hiện ngay tại vị trí mụn trước đó nên các vết thâm đen do mụn thường phân bố cục bộ, không đối xứng, không có kiểu hình phân bố đặc trưng | Các mảng/đốm nám thường đối xứng trên vùng da bị nám và có tính chất lan tỏa. Đối với nám trên da mặt, có 3 kiểu phân bố điển hình (kiểu trung tâm, kiểu má, kiểu hàm dưới) |
Yếu tố gia đình | Không chịu ảnh hưởng bởi yếu tố gia đình | Có liên quan đến yếu tố gia đình |
Sự cần thiết điều trị | Vết thâm có thể tự mờ dần theo thời gian, điều trị (nếu có) giúp đẩy nhanh thời gian mờ thâm | Trong trường hợp không xuất phát từ nguyên nhân thai kỳ hoặc sử dụng thuốc, nám là tình trạng mạn tính, có thể tái lại và rất khó điều trị dứt điểm |
Điều trị thâm mụn và nám da
Tăng sắc tố da nói chung thường không gây hại nhưng chúng gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, đặc biệt là khi tình trạng này xuất hiện ở các vùng da dễ quan sát được như da mặt. Do đó, rất nhiều khách hàng tìm đến các cơ sở da liễu để có thể điều trị và cải thiện tình trạng da này.
Chống nắng luôn là lời khuyên đầu tiên và là biện pháp ưu tiên hàng đầu trong phòng ngừa, điều trị và bảo vệ da trước các tình trạng tăng sắc tố, bao gồm cả thâm mụn và nám da. Thêm vào đó, còn có nhiều phương pháp khác được ứng dụng trong điều trị thâm mụn và nám, với mục tiêu chính là ức chế hoạt động sản xuất melanin và thúc đẩy quá trình tái tạo các lớp da mới khoẻ mạnh và đều màu hơn.
Điều trị tại chỗ hoặc toàn thân
Các hoạt chất sau đây thường được sử dụng trong điều trị thâm mụn và nám da.
- Retinoid: kích thích tái tạo biểu bì mới, có đặc tính kháng viêm.
- Azelaic acid: kháng viêm, ức chế hoạt động của enzyme tyrosinase, có hoạt tính chống tăng sinh và gây độc có chọn lọc trên tế bào hắc tố.
- Hydroquinone: ức chế hoạt động của enzyme tyrosinase, thúc đẩy sự phá hủy các tế bào hắc tố và thoái giáng melanosome.
- Arbutin: là một dạng hydroquinone có tác dụng nhẹ và chậm hơn so với hydroquinone, cơ chế tác dụng là ức chế hoạt động của tyrosinase.
- Kojic acid: ức chế tyrosinase.
- Tranexamic acid: ức chế hoạt động plasmin do tia cực tím gây ra và làm suy yếu quá trình hình thành melanin.
- Niacinamide: ngăn chặn quá trình chuyển đổi sắc tố da.
- Vitamin C (L-ascorbic acid): chống oxy hóa.
- Cysteamine: ức chế tyrosinase và peroxidase, ức chế quá trình tổng hợp melanin.
- Chiết xuất lô hội: có hoạt chất aloesin ức chế quá trình tổng hợp melanin.
- Chiết xuất rễ cam thảo: có hoạt chất glabidrin có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa và làm sáng da.
Một số hoạt chất kể trên có thể được sử dụng với dạng kem bôi ngoài da hoặc thuốc uống. Thuốc uống cho tác dụng toàn thân nên thường được sử dụng phổ biến trong điều trị nám hơn là so với thâm mụn. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, việc sử dụng kem bôi hay thuốc uống nên được hướng dẫn, tư vấn bởi các Bác sĩ Da liễu có chuyên môn. Việc tự ý điều trị có thể không mang lại hiệu quả nhanh như mong muốn và tiềm ẩn nguy cơ kích ứng da hoặc nền da trở nên yếu hơn nếu áp dụng những sản phẩm không thích hợp để điều trị.
Công nghệ thẩm mỹ da liễu
Công nghệ thẩm mỹ da liễu giúp mang lại hiệu quả trực tiếp và nhanh hơn so với các loại thuốc bôi hoặc thuốc uống.
- Peel da hoá học với các hóa chất như glycolic acid hay các alpha-hydroxyl acid (AHA) khác, salicylic acid (BHA): giúp loại bỏ lớp da bề mặt chứa các sắc tố dư thừa, đẩy nhanh chu trình tái tạo của tế bào sừng.
- Lăn kim (microneedling): xâm lấn tối thiểu tạo nên những tổn thương cực nhỏ trên da. Theo phản ứng tự nhiên, da lành lại sẽ tái tạo lớp thượng bì mới, với xu hướng đều màu da hơn.
- Laser Nd:YAG 1064nm hoặc liệu pháp ánh sáng (light treatment): với phổ ánh sáng có bước sóng phù hợp để melanin hấp thụ, từ đó làm vỡ các phân tử này, giúp việc điều trị giảm thiểu số lượng melanin dư thừa trở nên hiệu quả, trúng đích mà lại an toàn, không xâm lấn, không đau.
- Mesotherapy với huyết tương giàu tiểu cầu (platelet-rich plasma, PRP) hoặc các hoạt chất làm sáng da như tranexamic acid, vitamin C, glutathione hay các chất chống oxy hóa: tiêm vào da huyết tương có chứa các yếu tố tăng trưởng và các chất ức chế quá trình sinh tổng hợp melanin giúp làm đều màu da, cải thiện sắc tố trực tiếp tại vị trí cần điều trị.
Thâm mụn có thể tự khỏi mà không cần điều trị, việc sử dụng các biện pháp điều trị kể trên giúp hỗ trợ quá trình mờ thâm nhanh hơn. Thâm mụn thường đáp ứng tốt với điều trị và sẽ không tái phát nếu như không bị mụn trở lại. Trong khi đó, nám da lại thường không tự mờ đi theo thời gian và thường khó điều trị hơn.
Phần lớn các trường hợp, nguyên nhân gây ra nám không được xác định cụ thể và là tổng hợp của nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó có hormone là yếu tố nội tại rất khó can thiệp. Do đó, nám da thường đòi hỏi sự điều trị tích cực, sử dụng kết hợp nhiều phương pháp chứ không riêng lẻ. Nám cũng rất dễ tái phát nên đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ cao trong điều trị.
Thâm mụn và nám da là hai tình trạng phổ biến của tình trạng tăng sắc tố da. Chúng có những đặc điểm riêng về cơ chế, biểu hiện và cách điều trị. Để có thể xác định chính xác tình trạng tăng sắc tố da đang mắc phải, hãy đến các cơ sở điều trị uy tín với đội ngũ Bác sĩ Da liễu có trình độ chuyên môn cao để được thăm khám và thực hiện các kiểm tra cần thiết. Từ đó, các Bác sĩ điều trị sẽ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất với từng tình trạng da.
Tài liệu tham khảo
- “What to know about hyperpigmentation“. MedicalNewsToday
- “What is melasma?“. MedicalNewsToday
- “What to know about hyperpigmentation acne“. MedicalNewsToday
- Sofen B, Prado G, Emer J. “Melasma and Post Inflammatory Hyperpigmentation: Management Update and Expert Opinion“. Skin Therapy Lett. 2016;21(1):1-7
- Davis EC, Callender VD. “Postinflammatory hyperpigmentation: a review of the epidemiology, clinical features, and treatment options in skin of color“. J Clin Aesthet Dermatol. 2010;3(7):20-31