Nguyên tắc kết hợp kháng sinh trong điều trị mụn an toàn và hiệu quả

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 04/06/2024

Thuốc kháng sinh đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh trong điều trị mụn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo vừa an toàn vừa hiệu quả. Bằng cách tuân thủ nguyên tắc kết hợp kháng sinh trong điều trị mụn, các chuyên gia da liễu có thể tối ưu hóa việc kết hợp các thuốc khác với kháng sinh để điều trị mụn trứng cá nhằm hạn chế tình trạng đề kháng kháng sinh và mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể.

Tại sao cần các kết hợp với kháng sinh trong điều trị mụn trứng cá

Mặc dù cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá thông thường là do nhiều yếu tố, nhưng một loại vi khuẩn hội sinh trên da – C. acnes, được cho là đóng vai trò chính trong việc hình thành các tổn thương viêm do mụn trứng cá và có thể gây ra mụn trứng cá.

Nên tránh đơn trị liệu bằng kháng sinh vì làm tăng tình trạng đề kháng kháng sinh.

Nguyên tắc kết hợp kháng sinh trong điều trị mụn trứng cá hiện nay

Kết hợp với kháng sinh tại chỗ

Thuốc kháng sinh bôi tại chỗ (bao gồm erythromycin, clindamycin và dapsone) điều trị mụn trứng cá thông qua cả tác dụng kháng khuẩn và chống viêm. Để làm giảm hoặc ngăn chặn tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn, kháng sinh tại chỗ thường được kết hợp với benzoyl peroxide hoặc retinoid.

Benzoyl peroxide, chất được sử dụng thường xuyên nhất để điều trị kết hợp với kháng sinh tại chỗ, là chất diệt khuẩn mạnh có khả năng tiêu diệt nhanh chóng cả vi khuẩn và nấm men, có hoạt tính chống viêm và tiêu mụn nhẹ. Hiệu quả và khả năng dung nạp của nó được nâng cao khi kết hợp với erythromycin hoặc clindamycin tại chỗ, được xác nhận qua nhiều thử nghiệm khác nhau. Benzoyl peroxide dạng kết hợp với kháng sinh tại chỗ thường được sử dụng bao gồm:

  • Benzoyl peroxide + erythromycin (5%/3%)
  • Benzoyl peroxide + clindamycin phosphate (5%/1% hoặc 2.5%/1.2%)

Benzoyl peroxide an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Hạn chế chính của benzoyl peroxide đối với một số bệnh nhân bị mụn trứng cá là kích ứng hoặc khô da.

kháng sinh dạng bôi
Một số kháng sinh đường bôi giúp điều trị mụn

Thuốc kháng sinh cũng được kết hợp với retinoid bôi tại chỗ vì retinoid sẽ cải thiện khả năng thẩm thấu của kháng sinh, dẫn đến giảm thời gian tiếp xúc với kháng sinh và do đó giảm nguy cơ kháng thuốc bằng cách đạt được đáp ứng điều trị tối đa và nhanh chóng. Đồng thời retinoid còn là các chất có tác dụng tiêu mụn và chống viêm, tăng cường tái tạo tế bào da và ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông. Retinoid bôi thường là tretinoin, isotretinoin, adapalene, tazarotene.

  • Tretinoin: hiện nay trên thị trường có các dạng kết hợp với kháng sinh như clindamycin phosphate 1.2% + tretinoin 0.025%, erythromycin 4% + tretinoin 0.025%.
  • Isotretinoin: hiện nay trên thị trường có các dạng kết hợp với kháng sinh như clindamycin 1% + isotretinoin 0­.05%, erythromycin 2% + isotretinoin 0.05%.
  • Adapalene: hiện nay trên thị trường có các dạng kết hợp với kháng sinh như adapalene 0.1% + clindamycin 1%, adapalene 0.1 % + dapsone 5%.

Ngoài ra trên thị trường hiện nay, còn có kết hợp thuốc bôi phối hợp erythromycin với dịch chiết nghệ. Nghệ có khả năng chống viêm, hỗ trợ phục hồi làn da, chống oxy hóa, giảm mụn.

Kết hợp kháng sinh đường uống

Thuốc kháng sinh đường uống thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá chủ yếu ở những bệnh nhân có mức độ bệnh ở mặt hoặc thân từ trung bình đến nặng. Thuốc kháng sinh nhóm tetracycline đường uống, bao gồm doxycycline, minocycline và sarecycline, thường được sử dụng.

Theo hướng dẫn chăm sóc và điều trị mụn trứng cá của Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD) cập nhật 2024 khuyến cáo, khi điều trị mụn trứng cá bằng kháng sinh toàn thân, nên sử dụng đồng thời benzoyl peroxide và các liệu pháp bôi ngoài da khác để giảm nguy cơ đề kháng kháng sinh và hạn chế thời gian tiếp xúc với kháng sinh toàn thân. Liệu pháp kết hợp sử dụng thuốc bôi tại chỗ có chứa benzoyl peroxide và retinoid cùng với kháng sinh đường uống là phương pháp tối ưu.

các kháng sinh đường uống
Một số loại kháng sinh đường uống hiện nay

Cho đến nay, không có vi khuẩn nào phát triển khả năng kháng benzoyl peroxide. Ngoài ra, một nghiên cứu kéo dài 2 tuần cho thấy điều trị kết hợp clindamycin và benzoyl peroxide làm giảm tổng số lượng C. acnes tới 99% sau 1 tuần, so với 30–62% khi dùng đơn trị liệu bằng clindamycin. Việc sử dụng liệu pháp phối hợp benzoyl peroxide để giảm thiểu sự xuất hiện của các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị mụn trứng cá.

Ngoài ra, sự kết hợp giữa isotretinoin liều thấp (0.3 mg/kg/ngày) và azithromycin (500 mg/ngày trong 3 ngày liên tiếp/tuần trong 1 tháng) có hiệu quả trong trường hợp mụn trứng cá nặng và có tác dụng phụ ở mức độ chấp nhận được và tỷ lệ tái phát sau điều trị thấp.

Kết hợp kháng sinh tại chỗ và đường uống

Thuốc kháng khuẩn tại chỗ và đường uống không nên được sử dụng kết hợp để điều trị mụn trứng cá vì sự liên quan này có thể làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh.

Thời gian kết hợp kháng sinh trong điều trị mụn trứng cá

Kháng sinh tại chỗ

Liệu trình kéo dài 6-8 tuần thường được khuyến khích. Sau đó, việc điều trị thường bị dừng lại vì có nguy cơ đề kháng kháng sinh. Điều này có thể làm cho tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn và gây nhiễm trùng thêm.

ca lâm sàng điều trị mụn thành công
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Kháng sinh đường uống

Liệu pháp kháng sinh đường uống để điều trị mụn trứng cá thường được kết hợp với kem bôi chứa retinoid và benzoyl peroxide. Thời gian điều trị kéo dài từ 6 – 12 tuần và tối đa từ 12 tuần – 6 tháng. Sau 6 – 8 tuần, nếu không thấy cải thiện, có thể thay đổi kháng sinh.

Nếu có cải thiện một phần, tiếp tục theo dõi và duy trì chế độ hiện tại thêm 6 – 8 tuần nữa. Khi mụn được kiểm soát, ngừng kháng sinh đường uống và duy trì thuốc bôi tại chỗ trong 3 – 6 tháng. Kiểm soát hợp lý được định nghĩa là không có tổn thương viêm mới hoặc giảm rõ rệt.

Xem thêm các bài viết liên quan

Lưu ý để dùng kháng sinh điều trị mụn trứng cá đạt hiệu quả tốt nhất

Theo AAD (Học viện Da liễu Mỹ) đã đưa ra 4 lưu ý để có thể rút ngắn khoảng thời gian cần dùng kháng sinh trong liệu trình điều trị mụn bằng cách:

  • Sử dụng phối hợp đầy đủ tất cả các loại thuốc được kê đơn trong liệu trình điều trị mụn, không tự ý bỏ bớt hoặc thêm bất kỳ thuốc hoặc sản phẩm nào mà chưa tham khảo qua ý kiến của các Bác sĩ Da liễu. Cả kháng sinh và các thuốc đi kèm như benzoyl peroxide hoặc các retinoid đều phải được tuân thủ sử dụng đầy đủ. Khi dùng riêng lẻ, thuốc kháng sinh có thể nhanh chóng mất khả năng chống lại mụn trứng cá do tình trạng đề kháng kháng sinh.
  • Giảm bùng phát mụn trứng cá bằng cách chăm sóc da nhẹ nhàng, ví dụ khi rửa mặt, lau mặt, bôi kem điều trị mụn hoặc trang điểm… cần tránh việc chà xát. Việc chà xát có thể gây kích ứng da và khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
  • Tái khám theo lịch hẹn của Bác sĩ Da liễu, điều này sẽ giúp Bác sĩ Da liễu biết được phương pháp đang điều trị có hiệu quả hay không, có cần đổi kháng sinh khác hay một loại điều trị khác.
  • Sau khi sạch mụn, vẫn cần tiếp tục sử dụng các phương pháp điều trị mụn trứng cá trong giai đoạn duy trì để giúp giữ cho làn da sạch mụn và giảm nhu cầu sử dụng thuốc trị mụn mạnh hơn như thuốc kháng sinh.
thăm khám sĩ để điều trị mụn bằng kháng sinh
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị mụn an toàn

Tóm lại, việc điều trị mụn trứng cá an toàn và hiệu quả bằng kháng sinh đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, xem xét một số nguyên tắc. Thăm khám với Bác sĩ Da liễu là điều cần thiết để nhận được chẩn đoán chính xác và kê đơn phù hợp. Liệu pháp kết hợp, bao gồm việc sử dụng kháng sinh tại chỗ hoặc kháng sinh đường uống với các hoạt chất điều trị tại chỗ khác (như benzoyl peroxide, retinoid) có thể nhắm vào các khía cạnh khác nhau của mụn trứng cá và mang lại kết quả tốt hơn.

Đặc biệt, việc phối hợp thuốc như trên làm giảm tình trạng đề kháng kháng sinh và rút ngắn khoảng thời gian dùng kháng sinh trong điều trị mụn. Tái khám thường xuyên và tuân thủ phác đồ điều trị là rất quan trọng để theo dõi tiến triển, điều chỉnh kế hoạch điều trị và đạt được kết quả tối ưu.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Del Rosso JQ, Kim G. “Optimizing use of oral antibiotics in acne vulgaris. Dermatol Clin“. 2009 Jan;27(1):33-42. doi: 10.1016/j.det.2008.07.006. PMID: 18984366
  2. Lazic Mosler, Elvira et al. “Topical antibiotics for acne“. The Cochrane Database of Systematic Reviews vol. 2018,1 CD012263. 23 Jan. 2018, doi:10.1002/14651858.CD012263.pub2
  3. Dreno, B. “Topical Antibacterial Therapy for Acne Vulgaris“. Drugs 64, 2389–2397 (2004)
  4. Gold, Michael H. “Clindamycin Phosphate 1.2% and Benzoyl Peroxide 2.5% Gel for the Treatment of Moderate-to-severe Acne: An Update”. The Journal of clinical and aesthetic dermatology vol. 5,1 (2012): 30-5
  5. Feneran, Ashley N et al. “Retinoid plus antimicrobial combination treatments for acne”. Clinical, cosmetic and investigational dermatology vol. 4 (2011): 79-92. doi:10.2147/CCID.S13873
  6. Piskin, Suleyman, and Erol Uzunali. “A review of the use of adapalene for the treatment of acne vulgaris”. Therapeutics and clinical risk management vol. 3,4 (2007): 621-4
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84