Mụn bọc ở cằm: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 15/03/2023

Nổi mụn ở cằm thường bắt nguồn từ sự thay đổi nội tiết tố xảy ra ở tuổi dậy thì hay chu kỳ kinh nguyệt. Mặc dù vậy, bất kì độ tuổi nào và giới tính nào cũng có khả năng mắc phải tình trạng nổi mụn ở cằm. Tình trạng này thường lặp đi lặp lại gây nên nhiều vết thâm kéo dài và khó điều trị. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng mụn bọc ở cằm, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.

Nguyên nhân hình thành mụn bọc ở cằm

Androgen (hiện diện ở cả nam lẫn nữ) là nội tiết tố (hormon) có tác dụng thúc đẩy việc sản xuất bã nhờn trên da, trong khi đó, việc tiết bã nhờn quá mức là nguyên nhân gây tắc nghẽn lỗ chân lông và sinh mụn.

Nồng độ androgen có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố và không phải là một con số hằng định. Sự dao động của androgen có thể ảnh hưởng đến việc phát sinh mụn. Vì nội tiết tố có thể dao động trong suốt tuổi trưởng thành nên mụn bọc ở cằm cũng xuất hiện và biến mất bất kì lúc nào.

Ở phụ nữ, mụn ở cằm có thể xuất hiện theo chu kỳ kinh nguyệt. Ở vài trường hợp có lượng androgen cao hơn bình thường có thể là kết quả của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Nguyên nhân hình thành mụn bọc ở cằm - Doctor Acnes
Androgen là nội tiết tố có tác dụng thúc đẩy việc sản xuất bã nhờn trên da, trong khi đó, việc tiết bã nhờn quá mức là nguyên nhân gây tắc nghẽn lỗ chân lông và sinh mụn

Mụn bọc có thể gây khó chịu nhưng thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã chứng minh rằng việc nổi mụn có thể gây ra những triệu chứng stress hoặc lo lắng từ nhẹ đến trung bình và thay đổi tâm trạng ở cả nam lẫn nữ. Vậy nên, mụn cũng gián tiếp làm ảnh hưởng đến khả năng tập trung vào công việc.

Chẩn đoán phân biệt với các tình trạng giống mụn trứng cá

Đôi khi, một số nốt mụn có thể trông giống mụn trứng cá nhưng lại là một bệnh hoàn toàn khác như rosacea (chứng đỏ mặt). Rosacea khá phổ biến, biểu hiện tình trạng mẩn đỏ và có thể nhìn thấy rõ mạch máu. Người bị rosacea thường xuất hiện các nốt mụn đầy mủ trông giống như mụn trứng cá.

Một tình trạng khác giống như mụn ở cằm là lông mọc ngược gây nên tình trạng viêm nang lông. Đây là hiện tượng lông mọc ngược vào trong da, gây nên triệu chứng viêm hoặc nhiễm trùng và có biểu hiện bên ngoài giống như mụn mủ.

>>> Xem thêm: Phân biệt mụn trứng cá và viêm nang lông

Cách điều trị mụn bọc ở cằm

Điều trị tại nhà

Những trường hợp mụn trứng cá nhẹ có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên đối với một số trường hợp nghiêm trọng hơn, nên tư vấn Bác sĩ Da liễu để chọn lựa liệu trình điều trị phù hợp.

Các trường hợp mụn nhỏ hoặc mụn mủ nhẹ thường có thể được điều trị bằng các loại thuốc bôi không kê đơn như những sản phẩm có chứa salicylic acid hoặc benzoyl peroxide. Hai hoạt chất này có thể giúp giảm viêm sau một vài ngày trong khi quá trình đó có thể lên đến vài tuần nếu không điều trị.

>>> Xem ngay: Các loại thuốc bôi trị mụn thông dụng và cách sử dụng được Bác sĩ Doctor Acnes chỉ định

Không nên tự nặn mụn bọc ở cằm tại nhà vì việc này có thể gây nhiễm trùng kéo dài hay vết thâm hoặc sẹo vĩnh viễn trên da. Ngoài ra, tránh để điện thoại di động hay dây tai nghe cọ xát vào vùng da đang có mụn và gây kích ứng nặng hơn.

Điều trị mụn bọc ở cằm tại nhà - Doctor Acnes
Các trường hợp mụn nhỏ hoặc mụn mủ nhẹ thường có thể được điều trị bằng các loại thuốc bôi không kê đơn như những sản phẩm có chứa salicylic acid hoặc benzoyl peroxide

Điều trị tại Phòng khám Da liễu

Lựa chọn phương pháp điều trị sẽ được Bác sĩ điều trị cân nhắc bởi nhiều yếu tố như: mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh, đáp ứng của bệnh nhân đối với các phương pháp điều trị trước đó, nguy cơ gây sẹo và thâm sau mụn, sở thích và khả năng chi trả của bệnh nhân.

kết quả điều trị mụn bọc tại phòng khám da liễu doctor acnes
Kết quả điều trị mụn bọc ở cằm tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes

Sử dụng thuốc bôi ngoài da được kê đơn bởi Bác sĩ Da liễu

Theo hướng dẫn điều trị mụn trứng cá ở châu Âu 2016 và hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu của Bộ Y tế, các thuốc dùng điều trị tại chỗ được khuyến cáo là: retinoid, azelaic acid, kháng sinh bôi ngoài da và benzoyl peroxide.

Retinoid

Retinoid bôi ngoài da là một hoạt chất quan trọng trong điều trị mụn trứng cá và được khuyến cáo trong điều trị mụn trứng cá nhẹ hoặc mụn viêm nhẹ đến trung bình. Các tác nhân thế hệ thứ ba, chẳng hạn như adapalene, thường dung nạp tốt hơn các thuốc cũ.

Khi dùng retinoid, nên bắt đầu với nồng độ thấp sau đó tăng từ từ. Đối với người mới bắt đầu dùng retinoid, những tác dụng phụ thường gặp là kích ứng như mẩn đỏ, khô da và bong tróc. Ngoài ra, tác dụng phụ nghiêm trọng của retinoid là gây quái thai, vậy nên khi dùng thuốc phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được khuyến cáo phải thực hiện các biện pháp tránh thai.

Retinoid trong điều trị mụn bọc ở cằm- Doctor Acnes
Retinoid bôi ngoài da là một hoạt chất quan trọng trong điều trị mụn trứng cá và được khuyến cáo trong điều trị mụn trứng cá nhẹ hoặc mụn viêm nhẹ đến trung bình

Azelaic acid

Azelaic acid (sử dụng dưới dạng kem 20% hoặc gel 15%) được khuyến cáo là liệu pháp đơn trị cho cả mụn viêm và không viêm. Azelaic acid có khả năng kháng khuẩn, làm giảm mật độ vi khuẩn hiếu khí ở da và Propionibacterium sp. trong nang lông, đồng thời làm mỏng lớp sừng trên da và giảm vết thâm.

Ngoài ra, tác dụng phụ toàn thân rất ít gặp ở azelaic acid vì nó là hợp chất tự nhiên trong cơ thể, vậy nên có thể dùng azelaic acid cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Azelaic acid - Doctor Acnes
Azelaic acid được khuyến cáo là liệu pháp đơn trị đầu tay cho cả mụn viêm và không viêm với khả năng dung nạp tốt và tỉ lệ hài lòng của bệnh nhân cao

Kháng sinh bôi ngoài da

Kháng sinh bôi ngoài da có tác dụng trực tiếp và có thể làm giảm các tế bào lympho quanh nang lông tham gia vào quá trình hình thành mụn viêm. Tuy nhiên, hiện nay, vì các chủng P. acnes và các vi khuẩn khác kháng thuốc clindamycin và erythromycin gia tăng đáng kể nên kháng sinh bôi ngoài da không được khuyến cáo dùng đơn trị ở những người đã từng dùng nhiều loại kháng sinh bôi tại chỗ trước đây.

Benzoyl peroxide (BPO)

Do đặc tính diệt khuẩn, chống viêm và giảm sừng hóa, benzoyl peroxide (BPO) được khuyến cáo dùng đơn trị cho mụn trứng cá nhẹ đến trung bình. BPO có thể gây nhạy cảm ánh sáng và tẩy trắng quần áo. Vì vậy, nồng độ BPO trên 5% không được khuyến cáo sử dụng.

Mặt khác, BPO cũng có thể dùng phối hợp với azelaic acid, retinoid hay kháng sinh tại chỗ. Các sản phẩm phối hợp liều cố định của các hoạt chất này có hiệu quả và khả năng dung nạp tốt, đồng thời cải thiện sự tuân thủ của bệnh nhân.

Benzoyl peroxide (BPO) - Doctor Acnes
Do đặc tính diệt khuẩn, chống viêm và giảm sừng hóa, benzoyl peroxide (BPO) được khuyến cáo dùng đơn trị cho mụn trứng cá nhẹ đến trung bình

Điều trị toàn thân

Kháng sinh đường uống (dùng toàn thân)

Thuốc kháng sinh đường uống là một trong những phương pháp đầu tiên trong điều trị mụn trứng cá. Chúng được chỉ định sử dụng cho mụn trứng cá viêm vừa đến nặng và nên được sử dụng kết hợp với retinoid và BPO tại chỗ.

Thuốc kháng sinh thuộc nhóm tetracycline là lựa chọn đầu tay ở kháng sinh dùng đường uống đối với mụn trứng cá. Cùng nhóm tetracycline, các thuốc thế hệ 2 như lymecycline và doxycycline (họ tetracycline) ít tương tác với thức ăn và cải thiện tuân thủ vì chỉ cần sử dụng một lần mỗi ngày.

Cần lưu ý là thuốc kháng sinh thuộc nhóm tetracycline không được dùng cho phụ nữ có thai vì khả năng gây ức chế sự phát triển xương của thai nhi. Trong trường hợp chống chỉ định của nhóm tetracycline, có thể dùng kháng sinh nhóm macrolide thay thế như erythromycin. Tuy nhiên cần hạn chế thời gian sử dụng ít hơn một tháng do sự xuất hiện của các chủng P. acnes kháng erythromycin đang trở nên phổ biến.

Liệu pháp nội tiết

Sử dụng nội tiết tố (hormone) được chứng minh có hiệu quả cao đối với mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành ngay cả ở những người không có bất thường về nội tiết tố và có thể điều trị lâu dài vì không có nguy cơ gây ra sự kháng thuốc ở vi khuẩn.

Hormone có thể thay thế cho kháng sinh dùng toàn thân (đường uống) kết hợp với các hoạt chất bôi thoa khác như kháng sinh và BPO. Tuy nhiên, trị liệu hormone chỉ khuyến cáo cho phụ nữ vì các thuốc trị liệu hormone có tác dụng ức chế sản xuất androgen sẽ làm giảm testosterone của nam giới và gây tác dụng phụ kiểu estrogen như sưng vú ở nam.

Có hai nhóm thuốc thường sử dụng:

Thuốc chẹn thụ thể androgen: thuốc chẹn thụ thế androgen bao gồm spironolactone, drospirenone, flutamide. Spironolactone được khuyến cáo đơn trị với liều thấp (50 – 150 mg một ngày) hoặc điều trị hỗ trợ cho thuốc bôi ngoài da đối với mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành đề kháng với phương pháp điều trị tiêu chuẩn.

Các tác dụng phụ của spironolactone (phụ thuộc vào liều lượng thuốc) bao gồm kinh nguyệt không đều, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, giữ nước và khả năng tăng kali máu. Khi sử dụng spironolactone cần có biện pháp tránh thai vì thuốc có khả năng gây bất thường ở thai nhi nam.

Thuốc ức chế sản xuất androgen buồng trứng: thuốc ngừa thai chứa estrogen (dạng ethinyl estradiol) kết hợp với progestin có hoạt tính kháng androgen được khuyến cáo dùng để điều trị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình ở phụ nữ.

Trong khi đó, thuốc ngừa thai chứa drospirenone được chứng minh có hiệu quả trong việc làm giảm các tổn thương do mụn trứng cá viêm và không viêm. Tuy nhiên, cần lưu ý liều lượng tối đa và chống chỉ định tương đối khi sử dụng thuốc ngừa thai.

Isotretinoin: ngoại trừ những trường hợp nghiêm trọng, isotretinoin thường được sử dụng sau khi đã thất bại điều trị với các liệu pháp khác. Isotretinoin được khuyến cáo là phương pháp điều trị đầu tay cho mụn trứng cá nang thể nặng và là phương pháp điều trị hàng thứ hai cho mụn trứng cá nghiêm trọng không đáp ứng với các liệu trình tiêu chuẩn đầy đủ (kết hợp các thuốc bôi ngoài da hoặc kết hợp thuốc bôi ngoài da và thuốc điều trị toàn thân). Giống như retinoid, isotretinoin cũng gây quái thai và bị chống chỉ định cho phụ nữ có thai.

>>> Xem thêm: Những lưu ý khi uống isotretinoin trong điều trị mụn trứng cá mức độ nặng

Isotretinoin - Doctor Acnes
Isotretinoin được khuyến cáo là phương pháp điều trị đầu tay cho mụn trứng cá nang thể nặng

Điều trị bằng công nghệ cao

Liệu pháp ánh sáng: liệu pháp ánh sáng bao gồm laser, ánh sáng xanh, ánh sáng đỏ, ánh sáng xung cường độ cao (intensed pulsed light – IPL) và liệu pháp quang động (photodynamic therapy – PDT) sử dụng các chất tăng nhạy cảm ánh sáng (aminolevulinic – ALA hay methyl-aminolevulinic – MAL).

Mặc dù không được khuyến cáo để điều trị đầu tay cho mụn trứng cá, các phương pháp này tỏ ra ưu thế nhờ hiệu quả cao và không gây tác dụng phụ toàn thân.

Peel da: peel da đã được chứng minh có thể sử dụng như một liệu pháp hỗ trợ hay trong điều trị duy trì. Peel da với glycolic acid (30, 35, 50 hay 70%), salicylic acid (20 – 30%) đều được khuyên dùng để điều trị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình.

Các tác dụng phụ của peel da thường nhẹ, tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp phải các biến chứng lâu dài sau peel như đỏ da kéo dài nhiều tháng, các mảng da sẫm màu tạm thời, mất sắc tố vĩnh viễn hay sẹo. Cách tốt nhất để tránh những điều này là chỉ thực hiện peel da dưới sự giám sát của Bác sĩ Da liễu.

Peel da - Doctor Acnes
Peel da với glycolic acid (30, 35, 50 hay 70%), salicylic acid (20 – 30%) đều được khuyên dùng để để điều trị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình

Mesotherapy trị mụn: tiêm hoạt chất kháng viêm, giảm tiết bã nhờn, diệt khuẩn trực tiếp vào nốt mụn đã cho thấy có hiệu quả với những ổ viêm nặng, được xem là phương pháp nhanh chóng và hiệu quả trong việc điều trị mụn bọc. Với ưu điểm đưa thuốc trực tiếp đến ổ viêm, mesotherapy giúp giải quyết vấn đề về tính thấm, tăng hiệu quả của thuốc và giảm thời gian điều trị.

Lấy nhân mụn: gần đây, một nghiên cứu ở phụ nữ trưởng thành đã phát hiện ra nặn mụn tại thời gian rụng trứng có thể góp phần giảm tổn thương viêm. Tuy nhiên, thủ thuật này cần được thực hiện tại các cơ sở đảm bảo an toàn như tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và bởi các điều dưỡng có chuyên môn để tránh tình trạng viêm lan rộng ra các vùng da xung quanh.

Điều trị duy trì

Điều trị duy trì cần thiết để hạn chế khả năng tái phát mụn sau khi điều trị. Các yếu tố hiệu quả, khả năng dung nạp và tuân thủ điều trị cần được cân nhắc trong thời gian điều trị duy trì.

Trong đó, retinoid dùng ngoài da như adapalene 0,1% hay tazarotene 0,1% được khuyến cáo là liệu pháp duy trì đầu tay cho mụn trứng cá, hoặc có thể thay thế bằng azelaic acid 15% hay 20%. Thuốc kháng sinh dùng ngoài da hay đường uống đều không được khuyến cáo sử dụng để điều trị duy trì.

Bảng giá dịch vụ điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp✅ Giá✅ Giá HSSV
⭐Lấy nhân mụn chuẩn y khoa290.000260.000
⭐Laser 1064 nm xung dài chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu)1.300.0001.200.000
⭐Laser PDL xung dài chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu)1.500.0001.400.000
⭐IPL Cellec V trị mụn600.000550.000
⭐Mesotherapy trị mụn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu)700.000600.000
⭐Mesotherapy trị mụn và kiểm soát bã nhờn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu)2.500.0002.400.000
⭐Điện di trị mụn, kháng viêm và chống oxy hóa300.000280.000
⭐Chiếu ánh sáng sinh học Biolight100.000100.000
⭐Mặt nạ trị mụn và giảm nhờn CosMedical100.00090.000
⭐Peel da với salicylic acid 20% chuẩn CE 600.000550.000
⭐Peel da với salicylic acid 30% chuẩn CE600.000550.000
⭐Peel với glycolic acid 35% chuẩn CE600.000550.000
⭐Peel với glycolic acid 50% chuẩn CE600.000550.000
⭐Peel da với salicylic acid và retinol chuẩn CE800.000700.000
⭐Peel body900.000-1.100.000800.000-1.100.000

Tóm lại, mụn bọc ở cằm là một hiện tượng phổ biến có thể xảy ra trong độ tuổi dậy thì và trưởng thành ở cả nam và nữ. Không nên tự nặn mụn bọc ở cằm tại nhà vì việc này có thể gây nhiễm trùng kéo dài hay vết thâm hoặc sẹo vĩnh viễn trên da mặc dù những trường hợp mụn trứng cá nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng các thuốc không kê toa.

Đối với các tình trạng mụn bọc ở cằm nghiêm trọng hơn, nên tư vấn Bác sĩ Da liễu để được thăm khám và chỉ định sử dụng các thuốc kê đơn hoặc các phương pháp điều trị phối hợp như peel da, mesotherapy hay các liệu pháp ánh sáng, laser để nhanh chóng lấy lại làn da sạch mụn.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. “What to do about chin pimples”. Medical News Today
  2. V. Singam, S. Rastogi, K. R. Patel, H. H. Lee, J. I. Silverberg. “The mental health burden in acne vulgaris and rosacea: an analysis of the US National Inpatient Sample”. Clinical and Experimental Dermatology, Volume 44, Issue 7, 1 October 2019, Pages 766–772
  3. “How to Get Rid of That Chin Pimple”. Healthline
  4. “10 Pain Relief Tips forr Nodular Acne”. Healthline
  5. Nast A, Dréno B, Bettoli V, Bukvic Mokos Z, Degitz K, Dressler C. “European evidence-based (S3) guideline for the treatment of acne – update 2016 – short version”. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2016 Aug;30(8):1261-8
  6. Fitton A, Goa KL. “Azelaic acid. A review of its pharmacological properties and therapeutic efficacy in acne and hyperpigmentary skin disorders”. Drugs. 1991 May;41(5):780-98
  7. Dréno B, Layton A, Zouboulis CC, López-Estebaranz JL. “Adult female acne: a new paradigm”. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2013 Sep;27(9):1063-70
  8. James C. Shaw MD. “Spironolactone in dermatologic therapy”. Journal of the American Academy of Dermatology Volume 24, Issue 2, Part 1, February 1991, Pages 236-243
  9. “How do chemical peels work?”. Medical News Today
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84