Làn da là hàng rào bảo vệ tự nhiên và toàn diện nhất của cơ thể, hàng ngày da chịu rất nhiều tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài và cũng từ đó mà hứng chịu vô vàn những tổn thương, nhẹ thì bỏng rát, sạm màu, nặng hơn có thể dẫn đến lão hóa sớm và ung thư da. Vì vậy ở thời đại hiện nay, các sản phẩm chống nắng đã và ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu được trong quy trình chăm sóc da thường nhật.
Không chỉ giới hạn trong kem chống nắng, các thành phần kháng UV còn xuất hiện trong kem dưỡng ẩm, kem nền, son môi và những sản phẩm chuyên dụng khác. Thấu hiểu vấn đề này, bài viết hôm nay của Doctor Acnes sẽ giúp cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về cách chọn kem chống nắng phù hợp và những điều cần lưu ý khi sử dụng, hãy cùng theo dõi nhé!
Tầm quan trọng của kem chống nắng
Tia UV ngoài khả năng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D – thành phần quan trọng tham gia vào quá trình trao đổi chất và tăng trưởng chiều cao – còn là tác nhân chủ yếu gây ra tình trạng bỏng nắng, đỏ rát, sạm da, lão hóa sớm và thậm chí có thể gây ung thư da tiến triển. Ở lớp trung bì, bức xạ cực tím tạo ra các gốc tự do có hại, kích thích hoạt động của men MMPs, từ đó gây thoái giáng collagen và elastin, khiến da mất đi độ đàn hồi, nhăn nheo và chảy xệ.
Nghiên cứu cũng cho thấy, cường độ tia UV nhỏ và lặp lại cũng gây tăng sản biểu bì nhờ tác động lên gen quy định sự biệt hóa và tăng sinh keratinocyte. Lớp biểu bì trở nên dày hơn khiến da trông thô ráp, thiếu sức sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của hàng rào bảo vệ cơ thể. 100% các Bác sĩ Da liễu hiện nay đều khuyên dùng kem chống nắng trước khi ra ngoài để hạn chế tác động bất lợi từ môi trường.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình hàng năm có từ 2 – 3 triệu người mắc ung thư da không phải hắc tố và 132.000 người mắc ung thư da hắc tố. Ở Mỹ, cứ 1/5 người có nguy cơ mắc phải căn bệnh này trong vòng đời. Vì vậy, tuýp kem chống nắng tuy bé nhỏ nhưng lại là phương pháp đơn giản nhất để bảo vệ da an toàn và hiệu quả, ngăn ngừa những tác hại khôn lường về sau.
Những điều cần lưu ý khi lựa chọn kem chống nắng
Dạng sản phẩm
Hệ nền của kem chống nắng quyết định hiệu quả và lượng sử dụng. Các dạng sản phẩm thường gặp là dạng dầu, gel, nhũ tương, mousse, aerosol, thỏi và phấn. Dạng sản phẩm chống nắng phổ biến thường gặp nhất là nhũ tương dầu trong nước (O/W) và nước trong dầu (W/O). Nhũ tương O/W được ưa chuộng hơn vì cảm giác nhẹ dịu khi sử dụng trên da.
Dạng dầu
Sản phẩm dạng này chỉ chứa một pha, dễ bào chế và phối hợp với các thành phần thân dầu khác, khi thoa lên da có độ lan tỏa tốt, tính kháng nước cao. Nhược điểm của sản phẩm dạng này là để lại lớp dầu bám trên da gây thiếu thẩm mỹ và khó rửa trôi. Kem chống nắng dạng dầu thường dùng cho da khô và những người thường xuyên vận động mạnh hoặc bơi lội.
Dạng gel
Thể chất bán rắn tạo nên khi phân tán các polymer vào môi trường. Gel hệ nước dễ dàng thoa lên da tạo cảm giác khô thoáng, không bết rít hay bít tắc lỗ chân lông với màng film mỏng nhẹ, thích hợp với làn da dầu mụn. Tuy vậy, sản phẩm không kháng nước và không có khả năng chống nắng cao. Gel hệ cồn tương tự như hệ nước, tạo sản phẩm có chỉ số SPF cao nhưng không được dùng với những người có làn da nhạy cảm.
Gel hệ dầu và gel-cream có khả năng kháng nước tốt, tạo màng film dày hơn trên da và cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn. Là dạng nhũ tương chứa nồng độ cao nước, một lượng nhỏ dầu và được ổn định nhờ các chất tạo đặc. Gel-cream khi thoa lên da tạo lớp màng film mỏng gần như trong suốt, nhẹ dịu và dưỡng ẩm nhẹ nhàng. Nhờ những đặc tính này, gel-cream được ưa chuộng nhiều ở các nước nhiệt đới và thích hợp với là da dầu mụn.
Nhũ tương
Nhũ tương là sự phân tán vào nhau của 2 pha không đồng tan (dầu và nước) tạo nên một hệ đồng nhất và bền vững dưới tác động của chất nhũ hóa. Nhũ tương W/O có tỉ lệ dầu cao, bám tốt trên da nên tính kháng nước sẽ tốt hơn. Nhũ tương O/W với tỉ lệ nước cao hơn nên ít nhờn rít, khô nhanh và dễ rửa trôi bởi nước.
Hệ dẫn dạng này dễ tương thích với những thành phần thân nước và thân dầu khác, vì vậy nhiều sản phẩm kem chống nắng được bào chế ở dạng nhũ tương, trên thị trường thường gọi là lotion hay cream tùy thuộc vào độ đặc của sản phẩm. Nhũ tương thích hợp với đa số người dùng, nhưng tùy thuộc vào lượng dầu trong sản phẩm nhiều hay ít mà sẽ có chỉ định riêng với từng làn da, nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ trước khi dùng.
Mousse và Aerosol
Mousse là dạng nhũ tương lỏng, được đóng gói trong bao bì kết cấu đặc biệt mà khi nhấn van sẽ tạo ra một lượng sản phẩm vừa phải ở dạng bọt mịn, mềm mại khi thoa. Aerosol hay còn gọi là khí dung là sự phân tán dung dịch trong môi trường khí, tạo nên những hạt chất lỏng siêu mịn phân tán thành dòng, đồng nhất và liên tục.
Aerosol thường là dầu nên dễ dàng lan tỏa trên da, để lại một lớp dầu mịn. Trong mỹ phẩm thường ưa chuộng những dạng bào chế chứa silicone hơn nhờ khả năng bay hơn nhanh ở nhiệt độ phòng và không gây bết rít. Sản phẩm dạng xịt thường được dùng cho trẻ em, khi dùng nên lưu ý xịt bao phủ hết vùng da cần chống nắng để đảm bảo hiệu quả tối ưu cho người sử dụng.
Dạng thỏi
Thành phần gồm có sáp và dầu, rất kháng nước và thích hợp để sử dụng cho những vùng da diện tích nhỏ như môi, mũi và cằm.
Phổ hoạt động và các chỉ số chống nắng
Hai chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả chống nắng của sản phẩm là SPF (kháng UVB) và PA (kháng UVA). Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, một sản phẩm có chỉ số SPF cao chưa hẳn đã bảo vệ da khỏi bức xạ UVA gây lão hóa và ung thư da. Vì vậy, khái niệm kem chống nắng phổ rộng ra đời là để chỉ những sản phẩm vừa bảo vệ da khỏi tia UVB và UVA với nhãn thể hiện trên sản phẩm là “Broad-Spectrum Protection”.
Theo Hiệp hội Da liễu Canada (CDA), kem chống nắng thích hợp với số đông người dùng sẽ có phổ rộng với SPF 30 trở lên. SPF là chỉ tiêu rất quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả bảo vệ của sản phẩm, tuy nhiên sử dụng sản phẩm có SPF cao có thể khiến người tiêu dùng trở nên chủ quan hơn.
Nghiên cứu của Autier và cộng sự đã chỉ ra rằng những bệnh nhân sử dụng kem chống nắng SPF 30 có thời gian tiếp xúc với ánh nắng và thời gian tắm nắng trung bình cao hơn khi so sánh với nhóm sử dụng SPF 15. Khi thoa đồng thời một kem dưỡng ẩm có SPF 15 và một kem nền có SPF 8 không đồng nghĩa da được bảo vệ bởi sản phẩm có SPF 23, chỉ số này có thể sẽ tăng một chút, nhưng nếu muốn xác định chính xác cần sự hỗ trợ của thiết bị phù hợp.
PA là chỉ số thể hiện khả năng kháng lại tia UVA và có giá trị từ + đến ++++ do Hiệp hội Công nghiệp Mỹ phẩm Nhật Bản đưa ra vào năm 1996. Giá trị PA càng cao, số hoạt chất chống tia UVA càng nhiều và khả năng bảo vệ da càng cao. Ngày nay, kem chống nắng phổ rộng vừa chống lại được UVA và UVB có SPF ít nhất là 30 được khuyến nghị sử dụng rộng rãi. Nếu sử dụng phối hợp các sản phẩm có chỉ số SPF, tất cả đều nên chứa thành phần chống tia UVA.
Tính kháng nước của sản phẩm
Bơi lội, đổ mồ hôi và các hoạt động dưới nước đều có thể rửa trôi và làm giảm hiệu lực của kem chống nắng. Vì vậy, các vận động viên chuyên nghiệp thường chỉ sử dụng những kem chống nắng chuyên dụng có khả năng kháng nước tốt, thường thể hiện ở nhãn “water resistant” hay “very water resistant”. Theo chuyên luận riêng của FDA quy định về kem chống nắng, chỉ số này của sản phẩm dựa vào thời gian có thể duy trì được chỉ số SPF ban đầu khi ngâm mình trong nước.
- Kháng nước (Water Resistant): duy trì được SPF sau khi ngâm nước 40 phút
- Rất kháng nước (Very Water Resistant): duy trì được SPF sau khi ngâm nước 80 phút
Hiện nay, những thuật ngữ như “sunblock”, “waterproof” hay “sunproof” đều không được phép sử dụng trên nhãn vì dễ dẫn đến hiểu lầm vì trên thực tế không sản phẩm nào có thể chống nước 100% và lọc được 100% tia UV.
>>> Xem thêm: Cách bôi kem chống nắng hiệu quả từ sáng đến tối
Tóm lại, kem sản phẩm chống nắng đã và ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu được trong quy trình chăm sóc da thường nhật nhưng không phải ai cũng có thể hiểu và lựa chọn đúng sản phẩm phù hợp với làn da của mình. Thông qua bài viết này, Doctor Acnes hi vọng cung cấp được những thông tin cần thiết để khách hàng có được những quyết định tiêu dùng đúng đắn và thông minh. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay với chúng tôi nhé!
Tài liệu tham khảo
- M.C.A. Issa, B. Tamura. “Chemical and Physical Sunscreens”. Daily Routine in Cosmetic Dermatology, vol 1, p.1-8
- Paula Begoun. “Sun Sense and Sensibility”. The Original Beauty Bibble, p.87-112
- Heidi Li, Sophia Colantonio, Andrea Dawsonn. “Sunscreen Application, Safety, and Sun Protection: The Evidence”. Journal of Cutaneous Medicine and Surgery, p.1-13
- Christopher Berkeya, Nozomi Oguchi. “Role of sunscreen formulation and photostability to protect the biomechanical barrier function of skin”. Biochemistry and Biophysics Reports, September 2019
- Who.int. “Radiation: Ultraviolet (UV) radiation and skin cancer”.16 October 2017