Sử dụng rau diếp cá để trị mụn là phương pháp lưu truyền phổ biến trong dân gian, được nhiều chị em áp dụng tại nhà và mang lại hiệu quả tích cực. Thành phần dược tính trong diếp cá khi sử dụng trên da có thể mang lại hiệu quả giảm viêm và thâm do mụn.
Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng cũng đưa chiết xuất rau diếp cá vào như một thành phần trị mụn. Như vậy diếp cá có thực sự có hiệu quả trong điều trị mụn hay không? Dưới đây là những thông tin về hiệu quả điều trị mụn bằng diếp cá mà bạn có thể tham khảo.
Tổng quan về diếp cá
Diếp cá (Houttuynia cordata) thuộc họ Saururaceae, là một loài thực vật thân thảo, sống lâu năm, phân bố rộng rãi ở châu Á, thường mọc ở nơi bóng râm ẩm ướt, lá khi chà xát có mùi tanh và vị hơi gắt nên được gọi là diếp cá. Theo kinh nghiệm dân gian, diếp cá được sử dụng làm thuốc và sử dụng như một loại rau ăn hàng ngày.
Diếp cá chứa nhiều thành phần hóa học như alkaloid, flavonoid, acid phenolic, tinh dầu, các yếu tố dinh dưỡng khác như acid amin, vitamin và các nguyên tố vi lượng… được chứng minh có nhiều tác dụng trong điều trị các triệu chứng bệnh như cảm lạnh, ho, sốt, viêm phổi nhờ vào khả năng kháng viêm, kháng khuẩn, kháng virus, chống oxy hóa và chống lại khối u của nó.
Bên cạnh việc sử dụng làm thuốc, làm thực phẩm, diếp cá còn được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Ở Hàn Quốc và Nhật Bản, diếp cá thường được kết hợp với các loại thuốc thảo dược khác trong các công thức mỹ phẩm. Chiết xuất diếp cá là thành phần được sử dụng trong mỹ phẩm có tác dụng điều trị nếp nhăn, nứt nẻ da, chống lão hóa và làm sáng da.
Diếp cá còn có tác dụng giảm viêm da dị ứng vì có khả năng giữ ẩm và làm mềm da. Đặc biệt, diếp cá được sử dụng để điều trị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình và các tổn thương da do mụn.
Vai trò của diếp cá trong điều trị mụn và chăm sóc da
Tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm
Các thành phần trong diếp cá như flavonoid, tinh dầu là thành phần có đặc tính kháng khuẩn và kháng viêm mạnh, được chứng minh có hiệu quả kháng tốt các vi khuẩn Propionibacterium acnes và Staphylococcus epidermidis là nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá.
Các vi khuẩn này kích thích sản xuất các cytokine tiền viêm và các chất trung gian gây viêm, dẫn đến sự xuất hiện mụn viêm trên da. Chiết xuất diếp cá làm giảm hiệu quả tổng hợp các cytokine gây viêm, có lợi trong điều trị mụn trứng cá.
Ngoài ra, nhóm polysaccharide có khả năng điều hòa miễn dịch, tăng cường chức năng của đại thực bào giúp chữa lành những tổn thương do viêm.
Tác dụng chống oxy hóa
Diếp cá là một nguồn giàu các chất chống oxy hóa tự nhiên nhờ chứa hàm lượng polyphenolic flavonoid cao, giàu polysaccharide, acid amin, acid béo, là những hoạt chất có đặc tính chống oxy hóa mạnh. Chúng rất hữu ích trong việc chống lại và trung hòa các gốc tự do từ ô nhiễm không khí, tia UV, thiếu ngủ, rượu bia, căng thẳng.
Tác dụng làm sáng da
Da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tình trạng viêm do mụn trứng cá dẫn đến việc tăng sản xuất melanin gây nám, sạm da, tăng sắc tố do hoạt động của tyrosinase và các gốc tự do gây ra.
Hàm lượng phenolic cao trong diếp cá ức chế hoạt động của tyrosinase giúp hỗ trợ làm sáng da. Đặc biệt, thành phần quercitrin trong diếp cá giúp bảo vệ da khỏi tác hại của quá trình oxy hóa do tia UVB gây ra như cháy nắng, sạm da, ung thư da.
Xem thêm các bài viết liên quan
Sử dụng diếp cá trong chăm sóc da và điều trị mụn như thế nào?
Các bằng chứng khoa học tích cực cho thấy diếp cá hữu ích trong điều trị mụn nhờ vào khả năng kháng P. acnes và S. epidermidis, giảm các tổn thương viêm do mụn gây ra. Diếp cá có hiệu quả khi phối hợp cùng các thành phần tự nhiên khác trong nhiều nghiên cứu như sau:
Kết hợp diếp cá với các chất giữ ẩm như glycerine, acid hyaluronic
Quattrone và cộng sự (2017) đã thực hiện thử nghiệm lâm sàng đánh giá tác động của mặt nạ hydrogel trên các tiêu chí giữ ẩm, giảm sắc tố, giảm mẩn đỏ và lão hóa da. Sản phẩm thử nghiệm có chứa các hoạt chất như glycerine, acid hyaluronic, chiết xuất ngọc trai, và các chiết xuất thực vật trong đó có diếp cá.
Những thành phần này hoạt động như chất giữ ẩm và bảo vệ da giúp ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa, cải thiện chất lượng da nhờ các đặc tính đặc trưng như giữ nước cho da, chống oxy hóa, chống viêm và tái tạo da đã được chứng minh.
Kết quả cho thấy mặt nạ hydrogel trong nghiên cứu này rất hiệu quả trong việc cải thiện độ ẩm, độ sáng da, giảm sắc tố da và giúp da đều màu.
Kết hợp diếp cá với các chiết xuất thảo dược khác
Một nghiên cứu được công bố gần đây đã kết luận rằng hỗn hợp các chiết xuất thực vật gồm măng cụt, diếp cá, lithospermum officinale, tribulus terrestris có thể là một giải pháp thay thế cho các loại thuốc kháng sinh hoặc isotretinoin để điều trị mụn.
Sản phẩm được sử dụng trong nghiên cứu này được thiết kế dưới dạng sữa rửa mặt. Bệnh nhân được hướng dẫn dùng sản phẩm hai lần một ngày, mỗi sáng và tối trong 8 tuần đồng thời ngừng sử dụng các phương pháp điều trị mụn khác.
Sinh thiết da được thực hiện nhằm xác định sự thay đổi về số lượng tổn thương viêm tại thời điểm ban đầu và tuần thứ 8. Kết quả lâm sàng cho thấy hỗn hợp các chiết xuất thực vật làm giảm đáng kể số lượng tổn thương không viêm hoặc viêm nhẹ đến trung bình do mụn trứng cá gây ra sau 8 tuần sử dụng và ít tác dụng phụ.
Tương tự, nghiên cứu của Lim và cộng sự (2012), kết hợp diếp cá với 5 loài dược liệu Phellodendron amurense, Paeonia lactiflora, Agrimonia pilosa, Glycyrrhiza uralensis, sự kết hợp các chiết xuất trên làm giảm sự phát triển của P. acnes và giảm sản xuất các cytokine tiền viêm nhờ hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm. Do đó, hỗn hợp trên có thể là một phương pháp mới cho điều trị mụn trứng cá.
Những nghiên cứu khoa học cho thấy diếp cá là thành phần tiềm năng để điều trị mụn. Tuy nhiên, hiện nay các bằng chứng chưa đủ nhiều và diếp cá chưa được chính thức đưa vào các khuyến cáo điều trị mụn của Hiệp hội Da liễu uy tín.
Vì vậy trong khi chờ những nghiên cứu khoa học lớn hơn, có thể xem đây là một phương pháp điều trị hỗ trợ vì khá an toàn. Tuy nhiên khi tình trạng mụn không giảm hoặc nặng thêm, bạn nên tư vấn Bác sĩ để được lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, tránh việc phát sinh các biến chứng do mụn như sẹo lõm.
Tài liệu tham khảo
- Shahzad Rafiq, Haihong Hao, Muhammad Ijaz, Ahmed Raza. “Pharmacological Effects of Houttuynia cordata Thunb (H. cordata): A Comprehensive Review”. Pharmaceuticals (Basel). 2022 Aug 29;15(9):1079
- Jiangang, F., Ling, D., Zhang, L., & Hongmei, L. (2013). “Houttuynia cordata Thunb: a review of phytochemistry and pharmacology and quality control”. Chinese Medicine 04(03):101-123
- Hongmei Lu, Xianjin Wu, Yizeng Liang, Jian Zhang. “Variation in Chemical Composition and Antibacterial Activities of Essential Oils from Two Species of Houttuynia T HUNB”. Chem Pharm Bull (Tokyo). 2006 Jul;54(7):936-40
- Mullika Traidej Chomnawang, Suvimol Surassmo, Veena S Nukoolkarn. “Antimicrobial effects of Thai medicinal plants against acne-inducing bacteria”. J Ethnopharmacol. 2005 Oct 3;101(1-3):330-3
- Khanchuila Shingnaisui, Tapan Dey, Prasenjit Manna, Jatin Kalita. “Therapeutic potentials of Houttuynia cordata Thunb. against inflammation and oxidative stress: A review”. J Ethnopharmacol. 2018 Jun 28;220:35-43
- Yang, L., & Jiang. “Bioactive components and functional properties of Hottuynia cordata and its applications”. Pharmaceutical Biology, 47(12), 1154-1161
- Yuanqin Yin, Wenqi Li, Yong-Ok Son, Lijuan Sun. “Quercitrin protects skin from UVB-induced oxidative damage”. Toxicol Appl Pharmacol. 2013 Jun 1; 269(2): 89–99
- Anna Quattrone, Anna Czajka and Sara Sibilla. “Thermosensitive hydrogel mask significantly improves skin moisture and skin tone; bilateral clinical trial”. Cosmetics, 4(2), 17
- Ji Hoon Yang, Eun Ju Hwang, Jungyoon Moon, Ji Young Yoon. “Clinical efficacy of herbal extracts in treatment of mild to moderate acne vulgaris: an 8-week, double-blinded, randomized, controlled trial”. J Dermatolog Treat. 2021 May;32(3):297-301