Có nên mài da vi điểm để điều trị sẹo rỗ?

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 14/06/2024

Mài da vi điểm là một phương pháp tẩy tế bào chết bằng phương pháp vật lý, có vai trò trong điều trị một số vấn đề của làn da như sẹo rỗ, vi nếp nhăn, thâm nám, và lấy lại vẻ trẻ trung cho làn da. Mặc dù đã giữ được vị thế trong hàng thập kỷ, phương pháp này đang dần phai nhòa đi trước những tiến bộ mới trong lĩnh vực thẩm mỹ da. Trong bài viết sau đây, Doctor Acnes sẽ cung cấp thông tin khoa học về phương pháp mài da vi điểm trong điều trị sẹo rỗ, và làm rõ lý do vì sao ngày nay phương pháp này không còn được sử dụng rộng rãi.

Mài da vi điểm là gì?

Mài da vi điểm (microdermabrasion) là phương thức bóc tách các tế bào chết trên bề mặt da sử dụng thiết bị có đầu hút tiếp xúc với da, trên đầu hút có thể gắn hoặc phun các phần tử nhỏ để mài da nơi đầu hút chạm vào. Thiết bị mài da vi điểm vận hành thông qua hai cơ chế vật lý như sự va chạm của các phần tử nhỏ với bề mặt da nhằm làm bong tế bào chết ra khỏi da và lực hút của thiết bị nhằm làm tế bào chết tách hẳn ra khỏi da và bị hút vào trong thiết bị. Dựa vào bản chất của loại phần tử nhỏ dùng để tiếp xúc với bề mặt da, mài da vi điểm có thể được chia làm các loại như sau:

  • Mài da vi điểm với tinh thể (crystal microdermabrasion): đầu hút có thể phun hạt tinh thể cực mịn, bản chất của tinh thể thường là oxit nhôm hoặc natri cacbonat. Đây là phương thức được phát minh đầu tiên của mài da vi điểm.
  • Mài da vi điểm với kim cương (diamond-tipped microdermabrasion): đầu hút được phủ một lớp vi tinh thể kim cương, tạo thành bề mặt nhám mịn, khi di chuyển trên da sẽ mài đi lớp tế bào chết một cách hiệu quả nhờ vào độ cứng của kim cương. Điều này cho độ chính xác cao hơn, do vậy mài da vi điểm kim cương thường được dùng ở nơi da nhạy cảm, ví dụ như quanh mắt.
  • Mài da vi điểm thủy lực (hydro-dermabrasion): đầu hút đồng thời có thể phun tia nước hoặc dung dịch chăm sóc da với độ chính xác cao và áp lực phù hợp để làm tách rời tế bào chết trên da. Phương pháp mài da vi điểm thủy lực còn có thể kết hợp với serum dưỡng da với các loại hoạt chất theo chỉ định của Bác sĩ Da liễu, nhằm làm tăng hiệu quả trẻ hóa da, giảm thương tổn.
mài da vi điểm là gì
Mài da vi điểm là phương thức bóc tách các tế bào chết trên bề mặt da

Chỉ định của mài da vi điểm trong chăm sóc da dựa vào đặc tính bóc tách lớp nông của làn da. Qua đó, phương pháp này điều trị được một số tổn thương ở lớp thượng bì, bao gồm:

  • Sẹo rỗ, sẹo lõm sau mụn, khi đáy sẹo không quá sâu.
  • Mụn mức độ nhẹ đến trung bình.
  • Da không đều màu, không trơn láng.
  • Vết rạn da (striae distensae).
  • Nám da.
  • Lão hóa da do ánh nắng.
  • Vi nếp nhăn.
  • Lỗ chân lông to.
  • Da tiết nhiều dầu.
  • Tạo điều kiện hấp thụ thuốc qua da (insulin, vitamin C…) tốt hơn.

Mài da vi điểm cũng có chống chỉ định vì phương pháp này vẫn có xâm lấn dù tối thiểu. Do đó, mài da vi điểm có thể làm nặng thêm một số tình trạng của da, như là:

  • Nhiễm trùng da, vết thương hở.
  • Nhiễm siêu vi ở da, ví dụ như herpes simplex, varicella zoster, HPV…
  • Dị ứng với vi tinh thể sử dụng trong mài da vi điểm (có thể đổi loại vi tinh thể hoặc sử dụng phương thức mài da vi điểm không vi tinh thể).
  • Tình trạng da bị mụn nghiêm trọng, có sự xuất hiện của nhiều mụn mủ lớn.
  • Sẹo lồi, hoặc tiền sử bệnh lý cho thấy nguy cơ xuất hiện sẹo lồi cao.
  • Tình trạng giãn vi mạch máu ở da (telangiectasia) và mụn trứng cá đỏ (rosacea) là chống chỉ định tương đối.

Phương pháp mài da vi điểm có lịch sử lâu đời, được phát minh vào năm 1985 bởi Marini và Lo Brutto tại Ý. So với phương pháp mài da truyền thống (dermabrasion), mài da vi điểm có nhiều cải tiến quan trọng như xâm lấn vừa đủ, không cần sử dụng phương thức giảm đau, hầu như không còn nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng tại chỗ, thời gian hồi phục nhanh, hiệu quả điều trị tốt hơn. Vào những năm 1990-1999, mài da vi điểm được phổ biến đến Hoa Kỳ, và phương pháp này nhanh chóng có được vị thế quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc da.

Vai trò của mài da vi điểm trong điều trị sẹo rỗ

Ưu điểm

Mài da vi điểm có thể điều trị được một số loại sẹo rỗ. Do mài da vi điểm bóc tách lớp nông của da, sẹo rỗ có đáy rộng và nông có thể được điều trị bằng phương pháp này. Việc điều trị sẹo rỗ bằng mài da vi điểm có một số ưu điểm như sau:

  • Quy trình buổi điều trị nhanh chóng, gọn gàng, có thể tiếp tục công việc, sinh hoạt bình thường ngay sau khi điều trị xong.
  • Hầu như không gây đau, thường chỉ gây khó chịu tại chỗ mức độ nhẹ, ít gặp tác dụng không mong muốn khác.
  • Kết hợp điều trị tình trạng da mụn mức độ nhẹ – trung bình bằng cách làm thông thoáng lỗ chân lông.

Nhược điểm

Mài da vi điểm cũng có một số nhược điểm làm cho phương pháp này ít được sử dụng để điều trị sẹo rỗ. Những nhược điểm này có thể kể đến như sau:

  • Ít có tác dụng với sẹo đáy nhọn (ice pick scar) do loại sẹo này có đáy sâu vượt qua lớp thượng bì.
  • Chống chỉ định với sẹo lồi, và da mụn mức độ nặng, khiến cho việc ứng dụng thực tế bị giới hạn.
  • Hiệu quả điều trị sẹo rỗ còn hạn chế được thể qua nghiên cứu của Kravvas và Al-Niaimi (St John’s Institute of Dermatology, London, Anh) đã thực hiện hai nghiên cứu tổng quan hệ thống để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị sẹo rỗ. Mài da vi điểm đạt mức hiệu quả thấp nhất trong nhóm các phương pháp cơ học – hóa học, với ít hơn 10% số trường hợp được điều trị đạt hiệu quả từ mức tốt trở lên.
  • Các phương pháp điều trị sẹo rỗ được phát minh sau này ngày càng trở nên hiệu quả, ít tác dụng phụ, nhanh chóng, gọn gàng hơn. Đơn cử như phương pháp laser hay RF microneedle có thể đạt hiệu quả đầy sẹo điều trị vượt xa so với mài da vi điểm.
ca lâm sàng điều trị sẹo rỗ thành công
Ca lâm sàng điều trị sẹo rỗ thành công tại Doctor Acnes

Các phương pháp phổ biến hiện nay để điều trị sẹo rỗ

Hiện có nhiều phương pháp đang được sử dụng phổ biến để điều trị sẹo rỗ thay thế cho phương pháp mài da vi điểm. Một số phương pháp phổ biến có thể kể đến như sau:

  • Laser xâm lấn dạng fractional: phương pháp này được xem là lựa chọn hiệu quả nhất để điều trị sẹo rỗ, đặc biệt là sẹo rỗ do mụn. Laser fractional ứng dụng tác dụng nhiệt của chùm tia laser bằng cách tác động đến các vị trí cụ thể, gọi là các vùng vi nhiệt (microthermal zone), xen lẫn giữa các vùng da không được chiếu tia. Qua đó, laser fractional kích thích mạnh mẽ sự tái tạo của làn da, thay thế mô sẹo bằng tế bào lành. Một nghiên cứu thực hiện trên 60 trường hợp sẹo rỗ do mụn cho thấy liệu trình 3-4 buổi chiếu laser fractional CO2 giúp cải thiện sẹo rỗ do mụn đạt mức tốt đến xuất sắc trong 68.3% trường hợp. Bác sĩ Anne Chapas (Laser and Skin Surgery Center, New York) và cộng sự cũng đã thực hiện nghiên cứu trên 13 trường hợp sẹo mụn mức độ trung bình đến nghiêm trọng, cho thấy liệu trình 2-3 buổi điều trị bằng laser fractional CO2 cải thiện sẹo mụn đạt mức hiệu quả trung bình 66.8%, cao nhất đến 79.9%. Trong cả hai nghiên cứu, không ghi nhận trường hợp tác dụng không mong muốn lâu dài nào.
  • Sóng vô tuyến (radiofrequency): kích thích đáp ứng tự phục hồi của làn da tới tác động, làm tái cấu trúc lớp trung bì, giảm mô sẹo dưới da, qua đó giảm sự co kéo lớp bề mặt của da. Sóng vô tuyến có thể được kết hợp với lăn kim (microneedling) gọi là phương pháp RF microneedle. Các vi kim đồng thời là nguồn phát sóng vô tuyến trực tiếp vào lớp trung bì, qua đó cộng gộp tác dụng kích thích tái tạo làn da, tăng sinh collagen của cả hai phương pháp. Nghiên cứu của Fusano và Bencini trên 11 trường hợp sẹo rỗ do mụn cho thấy liệu trình 4 buổi RF microneedle không chỉ cải thiện tình trạng sẹo rỗ trên toàn bộ 11 bệnh nhân, mà còn xác nhận đặc tính tái tạo mạng lưới collagen và lớp trung bì sâu (reticular dermis), hai thành tố quan trọng cho vẻ ngoài trẻ trung của làn da. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Chae và các cộng sự thuộc Bệnh viện Đại học Ulsan (Hàn Quốc) so sánh liệu trình 3 buổi RF microneedle hoặc laser fractional Er:Glass trên 40 bệnh nhân bị sẹo rỗ do mụn ở mặt, cho thấy RF microneedle cải thiện mức độ nghiêm trọng của sẹo rỗ đạt 18.6%, so với 25% của laser, nhưng RF microneedle có ít tác dụng không mong muốn và thời gian chờ sau điều trị ngắn hơn so với laser.
  • Can thiệp thủ thuật: đối với sẹo rỗ khó trị bằng các phương pháp thông thường, có thể thực hiện thủ thuật như cắt đáy sẹo, punch…
phương pháp giúp điều trị sẹo rỗ
Một số phương pháp giúp điều trị sẹo rỗ tại Phòng khám Doctor Acnes

Bảng giá dịch vụ điều trị sẹo rỗ tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp ✅ Giá ✅ Giá HSSV
⭐Laser fractional eCO2 Lutronic chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.500.000 1.400.000
⭐RF microneedle Sylfirm X chuẩn FDA trị sẹo (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu)
1.500.000 -1.900.000 1.400.000 -1.800.000
⭐Bóc tách đáy sẹo nặng (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.500.000 1.400.000
⭐Bóc tách đáy sẹo trung bình (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.200.000 1.100.000
⭐Bóc tách đáy sẹo nhẹ (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.000.000 900.000

Mài da vi điểm tuy đã được sử dụng phổ biến trong hàng thập kỷ để điều trị sẹo rỗ và một số thương tổn da khác, ngày nay đang dần ít được sử dụng. Thay vào đó là những phương pháp điều trị sẹo rỗ mới được phát minh, đạt hiệu quả cao hơn, với ít tác dụng phụ hơn.

Để được tư vấn chi tiết về cách điều trị sẹo rỗ phù hợp nhất, nên gặp Bác sĩ Da liễu có kinh nghiệm trong điều trị sẹo tại các bệnh viện hoặc Phòng khám chuyên khoa Da liễu để được đánh giá toàn diện. Việc điều trị sẹo rỗ cần tay nghề cao của Bác sĩ Da liễu và trang thiết bị, công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế như FDA hay CE, để không chỉ nhằm đạt hiệu quả đầy sẹo tối ưu mà còn để hạn chế tối đa các tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Microdermabrasion“. NHS
  2. Microdermabrasion“. Medscape
  3. What Is Microdermabrasion?“. Healthline
  4. Microdermabrasion for Acne Scars: What to Expect“. Healthline
  5. Gozali MV, Zhou B. “Effective treatments of atrophic acne scars“. J Clin Aesthet Dermatol. 2015 May;8(5):33-40. PMID: 26029333; PMCID: PMC4445894
  6. Arsiwala SZ, Desai SR. “Fractional Carbon Dioxide Laser: Optimizing Treatment Outcomes for Pigmented Atrophic Acne Scars in Skin of Color“. J Cutan Aesthet Surg. 2019 Apr-Jun;12(2):85-94. doi: 10.4103/JCAS.JCAS_171_18. PMID: 31413476; PMCID: PMC6676816
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84